Làm gì khi một trong hai giở chứng KHÙNG?

Không hiếm lúc một trong hai người khùng lên mà chẳng biết đến lý lẽ gì. Ví như, cô vợ có thể nổi khùng khi bắt gặp chồng mình chỉ đơn giản nói chuyện hay nhảy với một người phụ nữ khác trong bữa tiệc. Dẫu người chồng có thanh minh hết cỡ, “Anh chỉ nói chuyện xã giao bình thường có vài câu. Em đừng có khùng lên vậy!” – nhưng cô ấy vẫn bất chấp lý lẽ buộc tội, thậm chí còn “đe dọa” ly hôn làm hỏng hết cả một buổi tối. Rồi sau đó là cả tuần chiến tranh lạnh.

Những tình huống khùng điên vô cớ kiểu này làm cho “nạn nhân” bị vu khống cảm thấy hoàn toàn bị bó tay bởi không có lý lẽ nào có thể đáp trả sự phi lý của nửa kia. Chẳng hiểu sao bả đang bình thường lại bỗng chốc biến thành quái vật. Lúc này, người đàn ông im bặt giận dữ, bị lây cơn điên nên chỉ muốn bước khuất mắt – khoảnh khắc này, tình cảm của anh ấy như bị đóng băng. “Chẳng ai mà chịu thấu cái điên khùng vớ vẩn của em đâu!” Cặp đôi giờ có thể đóng băng vài giờ, vài ngày, hay thậm chí cả tuần. Họ dễ rơi vào “chu kỳ điên khùng”, rất nhạy cảm, động chạm chút xíu cũng dễ chập mạch.

Vấn đề là bộ não không chỉ biết đến lý lẽ mà còn có cả cảm xúc bản năng của “não bò sát”. Một khi cảm thấy hiểm nguy “cấp kỳ”, thì não bò sát được kích hoạt lấn át lý trí. Nhiều cặp đôi cảm thấy rối trí vì họ không hiểu rằng những cảm xúc “bản năng gốc” này là một phần và không thể tách rời khỏi mối quan hệ. Ðiều cần hiểu trong bất kỳ mối quan hệ nào (dù lành mạnh), cả đàn ông lẫn đàn bà đều có phần bản năng bò sát này mà chẳng mất đi. Ai cũng có lúc dở hơi như kẻ khùng, bị crazy! Nếu luận hết lý lẽ mà không hiểu nổi hành vi thì đó chính là lúc nửa kia đang ở trạng thái của não bò sát bản năng.

Xem thêm:   Nghiện

Lý lẽ không bao giờ xoa dịu được những cảm xúc bản năng. Việc tranh luận, thuyết phục hay giải thích là những điều ngớ ngẩn nhất khi một trong hai người khùng lên. Vì điều cần thiết lúc này để đối phó với cơn khùng không phải là lý lẽ suông. Họ cần được trấn an bằng sự thân mật, cảm thấy an toàn, cảm thấy được yêu, cảm thấy được dỗ dành – bằng ánh mắt, cử chỉ, động chạm, và những lời thì thầm cảm xúc.

Thực thì nó chẳng bao giờ dễ dàng đâu, và đòi hỏi sự điềm tĩnh. Ðầu tiên là biết hiểu, thừa nhận khoảnh khắc “crazy” của nhau, và deal một cách thông minh, xoa dịu nỗi bất an của nửa kia. Hãy thầm cảm ơn những cơn điên khùng, dở hơi của nhau rằng mình đã không lấy phải con robot chỉ biết lý lẽ.

Bảo Huân

TH