Cô đơn trong hôn nhân? Nghe thật trái khoáy phải không? Thực thì nó khá phổ biến khi một trong hai người không được đoái hoài về mặt tình cảm. À, cái sự cô đơn mơ hồ, bối rối, thiệt khó xác định ngay cả khi chàng chồng vẫn luôn hiện diện trong cuộc đời nàng. Cái khoảng cách vật lý thì vẫn chung giường đó, nhưng hai quả tim thì đang bị lạc nhịp. Dù cố lờ đi, nàng vẫn biết có gì sai sai, thiếu gia vị, thiếu cả chất xúc tác nên hâm mãi cũng chẳng nóng được.

Cô đơn trong hôn nhân không có nghĩa là gian bếp nguội lạnh, ái ân chẳng còn; chỉ có điều những suy nghĩ nội tâm của nàng thì cứ chôn chặt. Cả tá lý do từ bận rộn công việc, trách nhiệm rồi con cái, và cả việc thiếu đi những nụ hôn, nắm tay, và lời thì thầm. Mất đi cái kết nối tình cảm, thì dù chung phòng mấy chục feet vuông cũng thấy lạc lõng. Chẳng có dấu hiệu bất hòa rõ rệt bởi nàng hay chàng chồng chẳng lên tiếng đòi hỏi đáp nhu cầu tình cảm. Nó cũng không có nghĩa là nàng hết yêu chồng. Khi mất đi sự gắn kết cảm xúc, thì phản ứng của đàn bà là dồn năng lượng, tình yêu thương cho con cái hay những thứ khác.

Thực tế, tình cảm lứa đôi cũng là sự phản chiếu mối quan hệ của nàng với chính bản thân. Có một người yêu, người chồng không có nghĩa là nàng có thể giải quyết được nỗi cô đơn; nó chẳng phải là phương thuốc chữa lành căn bịnh quạnh quẽ. Không ít phụ nữ cô đơn, lấy chồng trải qua giai đoạn phấn kích của tuần trăng mật, rồi có con, nhà mới, xe mới… và khi trong hôn nhân vẫn chưa có đủ sự cởi mở thì nỗi cô đơn thuở nào lại bắt đầu len lỏi vào…  Không lạ có những cuộc hôn nhân 15, 20 năm để rồi người đàn bà lại than thở, “Chưa từng cô đơn đến vậy!” Cô đơn trong hôn nhân thực còn tệ hơn cô đơn khi nàng độc thân!

Xem thêm:   Xàm xịa

Tin tốt là nàng vẫn có thể chuyển hóa cuộc hôn nhân cô đơn theo hướng tích cực. Dẫu nó có thể là thứ gen di truyền “độc quyền” trong nàng thì việc nàng là lắng nghe, chia sẻ cảm xúc này với người bạn đời. Dành thời gian chỉ có hai người bên nhau. Chẳng cần chỉ trích, đổ lỗi cho cái sự xa cách ấy hay coi đó là problem của nàng; hãy nhìn nó như thử thách để thấu hiểu nhau hơn. Ai là người khó gần thì chớ để nửa ấy dẫn dắt hành vi, ví như anh ấy khó cởi mở thì nàng đừng nên phản ứng đáp lại sự lạnh nhạt ấy. Hãy là người chủ động bằng những cử chỉ nhẹ nhàng, thương yêu nhỏ nhặt: một bữa ăn chồng thích, bật một bản nhạc anh ấy thích nghe…

Yêu thương là cho phép nàng dễ dàng bị tổn thương, dám thành thật thổ lộ những khía cạnh yếu đuối, dễ tổn thương nhất của nàng, và cho anh ấy cái cảm giác an toàn để cởi mở với nhau những điều sâu kín hơn. Có vậy thì nàng vừa có ông chồng bạn thân để thổ lộ đủ thứ trên trời dưới đất, mà đỡ chạy trốn nỗi cô đơn hoài cho mỏi cẳng!

Bảo Huân

TH