Mạng xã hội đã bày ra một mảng đời sống ảo khiến không ít nàng muốn được thừa nhận sự “nổi tiếng”. Ðiều này khiến không ít nàng lao công cuộc “khoái nổi” (attention seeking behavior). Những hành vi tưởng dễ phát hiện, nhưng sự thực là “khó nhìn mình trong gương” hơn thế.

– Ðầu tiên là các nàng liên tục thích phóng đại mọi thứ. Biến nhỏ thành lớn, biến dịp bình thường thành sự kiện … khiến mọi thứ “lớn lao” hơn, hài hước hay ấn tượng hơn. Kiểu khác là “fishing for compliments” – thả câu tìm lời khen. Ví dụ, đăng một tấm hình cute chỉ để nghe mấy comments “Ôi, em của chị xinh quá!” hay là những thứ tương tự. Không thì, gồng lên chứng tỏ nàng thông minh, biết tuốt. Với mấy nàng “khoái nổi”, thì mỗi post là một show diễn khoe kiến thức trên Newsfeed.

– Cách không hiếm với những cô nàng “khoái nổi” là lái cái post người khác thành câu chuyện của mình. Ví như, cái post của ai đó vài dòng về chuyến đi Grand Canyon, thì nàng lập tức nhảy vô comment chi tiết về chuyến du lịch Âu châu của mình. Lắm nàng thích nổi lềnh bềnh bằng cách cố tình tạo thị phi, gây tranh cãi trên mạng. Vấn đề chẳng phải là nói lên quan điểm riêng, mà thích khuấy động những đề tài nhạy cảm, phân cực, chọc ngoáy dù biết rằng có người sẽ khó chịu, bực bội, hưng phấn, hay ám ảnh về nó. Còn những trò lả lơi, thả thính, đong đưa, cợt nhả online thì hiển nhiên thuộc về các nàng thích nổi.

Xem thêm:   Nghiện

– Liên tục đăng hình ảnh về bản thân. Không những vậy, check-in nơi nào cũng không quan tâm đến trải nghiệm, có tới tháp Eiffel cũng chỉ mục đích là có tấm hình selfie, hay livestream để show off. Một mánh khác của những nàng “khoái nổi” là tìm kiếm sự cảm thông bằng cách chia sẻ quá nhiều thông tin, viết ra, chụp hình với bộ dạng tuyệt vọng hơn sự thật. Tất nhiên, không có nghĩa những gì buồn đau thì không nên đăng. Nhưng nếu nàng đăng với mục tiêu duy nhất là đếm likes, lấy nước mắt, thì đó đích thị là trò “khoái nổi”.

– Dù nàng có nhận được rất nhiều likes, comments, shares … cần hiểu rằng mạng xã hội không phải lúc nào cũng tích cực. Luôn có khả năng nó cũng tạo ảnh hưởng tiêu cực, từ chuyện sụt like, ít comment, ngừng share, bỏ kết bạn. Bởi khi đã phụ thuộc việc “bị định giá” online – những cảm xúc lo lắng, khó chịu, giận dữ, ganh ghét … sẽ trỗi dậy chỉ vì ai đó không thích cái post của mình, không đồng ý với nàng, hay so thấy profile “bà khác” lại được nhiều likes hơn.

– Từ việc để mạng xã hội phục vụ, nàng trở nên chăm chỉ nuôi con phây, luôn suy nghĩ phải post cái gì đó hay ho, lôi cuốn, từ “chính trị” đến “làm đẹp”… việc đu trend dễ khiến nàng suy kiệt thành kiểu hoạt náo viên, hề trơ đánh mất bản thân.

Xem thêm:   Khoe

– Thay vì quá tìm kiếm sự thừa nhận online, dùng thời gian đó cho thứ lành mạnh hơn cho gia đình, người thân, bạn bè đích thực. Thay đổi môi trường sinh hoạt, bớt mòn mông trực tuyến để ra ngoài thiên nhiên nhiều hơn. Bất kể ra sao, hãy hiểu rằng nàng toàn vẹn ở thời điểm này, chẳng cần so đo hay chứng nhận của thế giới ảo. Dù có tô vẽ cuộc sống thế nào, nó chẳng bao giờ chắc chắn rằng nàng sẽ luôn nhận được những tràng pháo tay.

Bảo Huân

TH