Lời Giới Thiệu:
HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.
Chuyện của anh Tâm
Gia đình bà Huê rất tội nghiệp. Bà sang Mỹ định cư theo diện thuyền nhân hồi hương, nên là người tỵ nạn muộn màng. Bà và hai đứa con trai được đưa về vùng Arlington, TX. Ở đây, không người quen biết, không thân nhân ruột thịt, Hội USCC bảo trợ cho gia đình bà. Tuy nhiên, ngân sách của Hội đã eo hẹp trong những năm gần đây, nên sau ba tháng lãnh trợ cấp, gia đình bà phải đi làm để tự túc. Xe không có, bằng lái cũng không. Biết chuyện, tôi không ngần ngại đến giúp. Mỗi ngày, sau khi rời chỗ làm, tôi đến tập cho cậu con trai lái xe. Tôi cố gắng bằng mọi cách để làm sao trong vòng một tuần cậu ta có thể thi đậu bằng lái và tôi đã toại nguyện. Khi cậu có việc làm và cần một chiếc xe để đi, tôi đã cho mượn tiền mua xe. Giúp họ xong, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghĩ rằng, từ đây, với công sức ba người làm việc, thì không bao lâu họ sẽ trả dứt nợ và sớm ổn định cuộc sống.
Sáu tháng sau, bà Huê cho biết đã để dành đủ tiền, và có ý muốn mua thêm một chiếc xe nữa tốt hơn, nếu tôi chưa cần hoàn lại số tiền đã cho mượn. Tôi nói, bà cứ mua xe để cả nhà có phương tiện đi làm, vài tháng nữa trả tiền tôi cũng được. Tôi không hề thắc mắc, cũng không hề nghĩ rằng, số tiền mình cho mượn sẽ bị mất. Bốn tháng sau, bà lại báo, muốn dời sang tiểu bang khác ở với người bà con họ. Bà và cậu con trai lớn sẽ đi trước, cậu nhỏ ở lại, đến khi nào bán được chiếc xe, trả tiền cho tôi sẽ đi sau. Gia đình tôi làm một bữa ăn thân mật để tiễn biệt. Bà hứa, khi đến nơi, sẽ liên lạc với chúng tôi ngay, dù không phải bà con, nhưng qua những sự giúp đỡ của chúng tôi, bà rất mang ơn và xem như người thân thuộc. Cảm động biết bao. Vậy mà bà đi mất biệt, tính đến nay đã hai năm. Còn thằng con, hai tháng sau khi bà đi, đem tiền đến trả cho tôi, nhưng không trả hết mà còn thiếu lại hai trăm đồng và cậu hứa khi sang bên đó sẽ gửi trả tiếp. Nhưng lời hứa của cậu cũng cất cánh bay xa.
Hai trăm đồng không phải là số tiền lớn nhưng sự vô tình nầy thì quá lớn!
Anh Tâm cay đắng kết luận.
Chuyện của chị Minh còn chua cay hơn nữa, chị kể lại mà nỗi đau như vẫn còn đầy:
Năm rồi, tôi về Việt Nam thăm bà con trong dịp Tết. Vào một buổi tối, đi taxi từ Bình Triệu về, xe chạy đến ngã tư thì một tai nạn xảy ra. Tôi ngồi xe sau nên thấy rất rõ. Hai người chạy xe Dream, đụng một người đang băng qua đường, té văng vô lề, rồi bỏ chạy luôn. Tôi bảo bác tài xế taxi dừng lại, bước xuống nhìn. Nạn nhân là một em trai khoảng mười ba tuổi, mặt đầy máu. Khi đó, có một số người hiếu kỳ đi xe đạp, xe gắn máy cũng dừng lại xem. Tôi yêu cầu bác tài xế chở em vào bệnh viện gần nhất. Ông ngần ngừ, tôi hiểu ý nên cho biết, tôi sẽ đi theo và thanh toán tiền bạc cho ông đầy đủ. Những người xung quanh chỉ đứng xem một cách bàng quan, không một ai cúi xuống để tìm cách cầm máu cho em. Tôi quay ra, lấy chiếc khăn trong bóp đang nằm trên xe và nhờ một anh đứng gần, giúp cột lại vết thương. Lúc đó, có vài ba người vây quanh chúng tôi, họ lăng xăng chen vào, giúp khiêng cậu em lên xe. Cảnh hăng hái nhốn nháo chỉ xảy ra một chút thôi thì họ lảng đi hết. Khi lên xe, tôi mới phát giác chiếc bóp để lại trong băng xe đã biến mất. Tôi biết ngay là nhóm người lăng xăng vừa rồi là thủ phạm. Cũng may, vì đã đề phòng nạn cướp giật, tôi chỉ để trong ấy khăn giấy, vài hộp thuốc và khoảng hai trăm ngàn tiền VN. Bác tài xế lại lo âu nhìn tôi. Tôi cười trấn an và cho biết tôi không cất tiền trong bóp.
Chúng tôi chạy thẳng tới bệnh viện gần đó, đưa cậu em vào phòng cứu cấp. Lại một màn nhởn nhơ của nhân viên bệnh viện khi thấy nạn nhân còn cử động. Bác tài nói nhỏ, chị phải “lì xì” thì họ mới làm nhanh, không thôi mình ngồi đây, chờ tới sáng. Tôi lấy ba trăm ngàn cho nhân viên trực để làm thủ tục nhập viện cấp cứu và ký tên nhận trả bệnh viện phí, nếu người nhà của bệnh nhân không trả. Tôi nghĩ, đến nước nầy chẳng lẽ bỏ mặc cậu em đáng thương kia nằm ngắc ngoải. Thôi thì đã giúp thì giúp cho trót. Tôi trả tiền bác tài xế và ở lại chờ kết quả cấp cứu. Ðang ngồi chờ đợi mệt mỏi với ý nghĩ, không biết đây là cái rủi của người hay là cái xui của mình, thì một người đàn bà khoảng bốn mươi lăm tuổi và hai thanh niên xăm xăm đi vào. Họ nhìn quanh quất như tìm ai, rồi bước tới bàn trực hỏi thăm. Nhân viên trực chỉ về phía tôi. Tôi đoán, có lẽ đó là người nhà của nạn nhân – Thế là thoát nạn, mình có thể ra về bình an. Ðang chuẩn bị nụ cười để an ủi họ, thì không ngờ người đàn bà bước tới trước mặt tôi với vẻ đằng đằng sát khí, tay chống nạnh, gằn từng tiếng:
– Có phải chị đụng con tôi bị thương không?
Hết sức ngỡ ngàng trước thái độ hồ đồ của bà, tôi phân trần sự việc, nhưng bà không nghe và đề quyết tôi là thủ phạm. Bà đòi tiền bồi thường, gồm tiền trị bệnh, tiền cậu bé đi góp hụi hai triệu(?) bị mất và nhiều thứ nữa. Hai người đi cùng bà cũng hung hăng hăm dọa. Tôi nói với nhân viên trực bệnh viện, nhưng cô ta cũng chẳng giúp gì được. Sau đó, tôi phải nhờ công an can thiệp. Sự việc nầy kéo dài đến bốn tiếng đồng hồ, cho đến khi liên lạc được với người tài xế taxi qua công ty. Chừng đó mới có đủ chứng cớ tôi chỉ là người giúp nạn nhân. Gia đình họ, chẳng một lời xin lỗi hay cám ơn, mà chỉ nhìn tôi một cách bất mãn (có lẽ, vì lỡ mất cơ hội làm tiền) rồi bỏ đi.
Sự việc nầy làm cho tôi thêm ngao ngán tình người. Cuộc sống thiếu thốn hay xã hội nhiều kẻ gian tà đã tạo ra những con người như thế?
Bạn thân mến,
Qua hai câu chuyện trên đây, chắc hẳn, bạn và tôi đều cảm thấy một niềm xót xa về tình người trong một xã hội, nơi mà chúng ta đang hoà nhập vào nhịp sống của nó.Thật không dễ dàng để xây dựng được một đoàn thể, mà trong đó mọi người đều đối xử tử tế với nhau, chứ đừng nói đến một xã hội. Tục ngữ có câu “Bần cùng sinh đạo tặc, phú quý sanh lễ nghĩa”. Vì miếng cơm, manh áo, con người có thể đánh mất lương tri, nhất là sống trong một xã hội mà nhan nhản những điều trông thấy là sự bất chính của giới lãnh đạo, thì nền móng đạo đức con người bị lung lay là điều dễ hiểu. Một chế độ xấu có thể gây tác hại, làm cho cả một thế hệ xấu đi!
Người viết không bi quan, vội vàng lên án cả một xã hội đang có những con người như anh Tâm hay chị Minh. Bởi vì, ông bà ta cũng thường khuyên bảo và làm gương “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” hay “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Tinh thần nầy đã bén rễ và ăn sâu trong lòng nhiều gia đình Việt Nam. Họ là những ngọn đèn luôn tỏa sáng, dù đang sống ở đâu. Họ là những người có nhân cách. Và nhân cách luôn được thể hiện ở những con người biết yêu thương, cũng như mối tương quan giữa con người chỉ thật sự tốt đẹp nếu được xây dựng trên căn bản tình thương. Những tôn giáo chân chính cũng góp phần hướng dẫn cho người ta đi theo con đường ngay thẳng, mà lịch sử cận đại đã chứng minh, không có thế lực vô thần nào có thể tiêu diệt được.
Ngoài việc vì tranh giành miếng cơm manh áo mà người ta không tử tế với nhau, có thể bạn cũng đã từng cay đắng vì bị đối xử một cách vô tình bởi những người bạn đặt trọn lòng tin yêu? Người đó là bạn bè, là anh chị em, là những người mà bạn đã đến với họ bằng cả tấm lòng. Nhưng đến lúc cần, họ lại sẵn sàng gieo tiếng oán và đá bạn thẳng thừng như đá một quả bóng? Bạn có thể nở một nụ cười và ung dung bước tới không? Nếu câu trả lời là “có” thì thật sự là người có trái tim độ lượng. Và kết quả của lòng độ lượng nầy sẽ là sự bình an cho tâm hồn, phải không bạn?

Bảo Huân