Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Khi đọc bài “Vợ Tôi” trong báo Trẻ, ông nhà tôi hả hê lên giọng “Bà thấy chưa! tất cả những điều mà bà cứ cằn nhằn tôi suốt ba mươi năm qua là sai lầm hết. Bởi vì, đó là những “đức tính” để phân biệt đàn ông và đàn bà. Nếu tôi tỉ mỉ, cẩn thận và tế nhị như bà thường “răn dạy” thì tôi đã là Công Công rồi! không lẽ bà cũng thích làm vợ của Công Công hả?”. Thế là suốt một tuần, ông ta cứ nghênh nghênh cái mặt với vẻ đắc thắng. Tôi đành lui một bước. Ông được nước làm tới, không thèm rửa chén và hút bụi nữa.

Sau một tuần suy nghĩ và bàn luận với bạn bè, tôi quyết định phải lên tiếng để “bảo vệ quyền lợi” của phe Ðàn Bà và cũng là để nhắn gửi người đàn ông đang ở bên cạnh tôi – người mà từ bây giờ và cho đến ngày về bên kia thế giới, sẽ không thể rời xa tôi.

– Tôi trở về nhà với mái tóc vừa được cắt chải thật phù hợp với khuôn mặt xinh đẹp của tôi (lời khen của cô chủ tiệm tóc). Với niềm vui rộn rã, tôi đi qua, đi lại nhiều lần trước mặt ông, nhưng không biết mắt ông có bị “quáng gà” và cổ họng ông có bị “tắc nghẽn lưu thông“ không, mà sao chẳng thấy ông có ý kiến gì cả. Tôi muốn ông nhìn và nói một câu gì đó (dĩ nhiên là khen ngợi) về mái tóc mới của tôi. Ông không nói, chiều nay tôi có kiếm chuyện gây sự với ông, thì đừng hỏi tại sao. Tại vì tôi là đàn bà!

– Tuần trước, khi đi dự tiệc cưới con của người bạn, tôi mặc một chiếc áo dạ hội lộng lẫy và đôi giày mới toanh rất hợp thời trang, thế mà ông thản nhiên lái xe đến nhà hàng, không hề có một biểu hiện nào chứng tỏ ông có ngắm và hài lòng về  trang phục của tôi. Cố gắng mềm mỏng, tôi dịu dàng hỏi “Anh thấy chiếc áo em mặc hôm nay có đẹp không?”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Ông đưa mắt liếc ngang – không đầy ba giây – và trả lời một cách thờ ơ “Thì cũng giống những chiếc áo khác thôi”. Vậy thì, ông đừng ngạc nhiên tại sao hôm đó tôi lại có thái độ lạnh lùng và đôi lúc cau có tại bàn tiệc. Tại vì tôi là đàn bà!

– Khi đi nhà thờ hoặc dự tiệc tùng, tôi rất khó chịu khi thấy những “món” trên người ông chẳng “matching” với nhau. Thí dụ, áo sơ mi xanh, cà vạt màu rêu, suite màu nâu. Tôi mà không nhắc nhở ông từng ngày, chắc có lúc thiên hạ sẽ cười lăn ra vì cái kiểu y phục đủ màu sắc, giống mấy chú hề trong gánh xiệc của ông. Vậy mà ông cứ than phiền “Tại sao bà tước đoạt quyền tự do ăn mặc của tôi?”. Tại vì tôi là đàn bà!

– Ðến ngày sinh nhật, ông hỏi tôi “Muốn tổ chức tiệc mừng hay muốn được tặng quà”. Tôi trả lời “Không cần đâu anh”, nhưng thật ra trong lòng rất vui và hồi hộp chờ đợi những bất ngờ mà ông sẽ dành cho tôi trong giờ phút chót. Vậy mà ông im re luôn. Sao ông lại thật thà đến thế? Ngày đó, chén đũa có xao động, con chó của ông có bị đá đít, la oang oảng, thì ông cũng đừng lấy làm lạ. Tại vì tôi là đàn bà!

– Khi ngồi xe với ông, thật sự tôi không bao giờ an tâm, lúc nào cũng phải nhắc nhở ông về tốc độ, vì không muốn ông bị lãnh “ticket”. Khi tôi gợi ý ông dừng xe lại, gọi điện thoại để hỏi đường đến nhà bạn, vì đó là khu nhà mới, “Google maps” cũng “bí” luôn, thì ông nạt ngang. Nhưng cuối cùng thì sao… cũng phải gọi chủ nhà. Lúc đó, ông lại đổ thừa, tại tôi nói lung tung làm ông bị chia trí nên mới lạc. Thật ra, nếu ông chịu nghe tôi thì đã đến nơi sớm hơn. Tôi nghĩ, nếu nhờ chỉ đường thì cũng đâu có gì gọi là mất mặt, sao ông cứ phải “thể diện rởm”. Tôi có gì sai đâu, khi sợ phải trả tiền phạt, sợ đến chỗ hẹn trễ, để phải mang tiếng “giờ dây thun”, mà ông lại đỏ mặt, tía tai nói như hét vào mặt tôi “Tại sao lại quan trọng những chuyện nhỏ nhặt như thế!”. Tại vì tôi là đàn bà!

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– À, cái nầy mới lạ, ông cũng biết đọc, biết viết, chứ có mù chữ đâu, mà lúc nào ông đi mua hàng cũng trật lất. Trong giấy tôi ghi mua dưa leo thì ông lại mua mướp. Trên điện thoại tôi dặn đi, dặn lại “Mua một bó ngò thôi nha, mua nhiều ăn không kịp, hư bỏ phí tiền”. Ông trả lời “Nghe rõ, năm trên năm”. Vậy mà về nhà, giở bao ra, thì hỡi ơi, ba bó ngò nằm chình ình. Ðừng tròn mắt nhìn tôi “Tại sao… chuyện nhỏ như con thỏ mà cũng càm ràm”. Tại vì tôi là đàn bà!

– Tôi không bao giờ hiểu được, tại sao ông cứ lặp đi, lặp lại,

“Mình là vợ chồng chứ đâu phải thời bồ bịch, sao bà cứ đòi được chiều chuộng, khen ngợi tài nấu nướng của bà..”. Tôi thật sự tức tối khi ông chê phở nhà không ngon như Phở Bằng, bún bò thua xa Tây Ðô… Hồi chưa lấy nhau, một củ khoai lang khét ông cũng đòi ăn “cho thơm râu”, ly nươc chanh chua lè, ông cũng hết lời ca tụng “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt…” (*). Tôi lên án ông trở mặt, ông gạt ngang, hỏi tôi
“Tại sao cứ thích kiếm chuyện”. Tại vì tôi là đàn bà!

– Cuối cùng ông nên nhớ điều nầy, tôi muốn trong mắt ông chỉ có tôi là xinh đẹp nhất, dịu dàng nhất, thương yêu ông nhất, dù ông có biết bao tính xấu. Bởi vậy, khi ra đường tôi không muốn ông nhìn người khác, không muốn ông khen ngợi tài sắc của ai cả. Bây giờ, tôi có gầy gò, hốc hác so với thời con gái, cũng chỉ vì tôi phải tận tụy chăm lo cho con, cho chồng – tức là ông đó.  Nên… nếu tôi có bực bội, giận dỗi vì cái tật liếc ngang, liếc dọc của ông, thì đừng hỏi tại sao. Không lẽ, cái lý do đơn giản như vậy mà ông cũng không biết. Và cũng chính vì vậy mà bao năm qua, tôi và ông đã phải “nội chiến” từng ngày. Ông đừng nhăn mặt than thở “Tại sao lúc nào bà cũng sẵn sàng gây hấn với tôi”. Tại vì tôi là đàn bà!

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bạn thân mến,

Có thể, các ghi nhận trên đây sẽ thiếu sót đôi điều, nhưng đó là “tâm sự đắng cay” mà một người quen – chứ không thân – đã ân cần gửi gắm cho tôi, để bênh vực những người được mệnh danh là “phái yếu”.

Tôi nghĩ rằng, trong đời sống vợ chồng, không ít các ông không hiểu, hoặc không muốn hiểu những điều mà theo họ rất nhỏ nhặt, chẳng đáng quan tâm, miễn là mình làm tròn nhiệm vụ người chồng,chẳng hạn đi làm đem tiền về nuôi gia đình, không cờ bạc, nhậu nhẹt, không chửi vợ, mắng con là đủ. Vì với các ông, có những điều khác cũng khá quan trọng, như năm nay ông Trump hay Biden sẽ thắng cử? Hoa Kỳ có ngăn được tham vọng của Trung Cộng ở biển Ðông? Thế giới có diệt hết các phong trào khủng bố?… Trong khi đó, đối với bà, đây là những chuyện bao đồng.

Bởi thế, hằng ngày có biết bao mâm cơm gia đình phải chịu cảnh tẻ nhạt, nhàm chán. Chỉ cần một chút quan tâm, và… vì lòng yêu thương, mà ta cố gắng chấp nhận những điều không hợp với ý thích của mình một cách vô điều kiện, thì bảo đảm gia đình lúc nào cũng sẽ đầy ắp tiếng cười.

Bảo Huân

(*) trích lời nhạc phẩm Trả Lại em yêu của Phạm Duy