Nghe lời dì về nhà đi, má con khóc cả tuần vì  buồn, vì lo cho con.

– Con không về… Con chịu hết nổi rồi. Từ lúc nhỏ cho đến bây giờ, hàng chục, hàng trăm lần, dì đã nghe con tâm sự, dì hiểu con mà. Ðây là lúc con quyết định cuộc đời của con. Mấy mươi năm qua, con không được là chính con. Con phải thế này cho má vui, con phải thế nọ cho má hài lòng, vậy mà có bao giờ má vừa ý đâu. Con biết má thương con, nhưng cách thương của má đã giày xéo trái tim con, gây cho tâm hồn con sự tổn thương nặng nề. Một điệp khúc lúc nào cũng sẵn sàng thốt ra từ miệng má “Tao là má mày, tao nói mày phải nghe”. Thời đại này là thời đại nào mà má cứ đem chuyện xưa lắc, xưa lơ “Hồi đó trong gia đình, tao với dì và cậu của mày phải nghe lời ông bà ngoại răm rắp, đứa nào cãi lời là ăn roi mây…”. Con nhớ, mỗi lần nhắc chuyện hồi nhỏ, má hay nói với dì  “Ba má rầy oan mà không cho mình trả lời, nhiều lúc ấm ức quá, tao muốn bỏ nhà đi”. Vậy mà bây giờ, mỗi lần rầy la, trách mắng con, sao má không nhớ lại cảm giác của má hồi đó.

Nhìn Cindy khóc tức tưởi tôi chỉ thở dài. Biết nói gì đây, khi tất cả những gì nó nhận xét đều rất đúng.

Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ, chờ đợi chuông cửa. Tối qua, chị Trân gọi điện thoại, khóc lóc với tôi cả tiếng đồng hồ. Chị lo lắng, nhớ nhung, đau đớn, vì Cindy – đứa con gái xưa nay rất hiền lành, ngoan ngoãn – đã đột ngột bỏ nhà đi.

Sau một hồi giấu quanh, tôi đành thú nhận là Cindy đang ở nhà tôi và dặn chị, sáng mai hãy đến với thái độ bình tĩnh, ôn hòa, để tôi cố gắng thuyết phục và hàn gắn tình cảm mẹ con đã bắt đầu rạn nứt trầm trọng.

Nhưng…

Khi tôi vừa nói khẽ vào tai chị:

– Bây giờ không phải là lúc chị la hét để trút giận, chị phải mềm mỏng, ngọt ngào tình cảm thì mới thuyết phục được nó. Cindy hai mươi lăm tuổi rồi, đâu phải là đứa trẻ mà hễ gặp mặt là rầy la, quát tháo.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Tôi chưa dứt lời, chị đã  la toáng lên:

– Nó là con tao, chứ có phải má tao đâu mà phải khúm núm, hạ mình. Thứ con bất hiếu, lúc nào cũng cãi cha, cãi mẹ. Cái ngữ này, chắc tới lúc tao già là nó tống tao vô viện dưỡng lão, mong gì nhờ cậy nó.

Thua!

Một kết luận có thể là vội vã, nhưng vô cùng chính xác của tôi khi Cindy vùng dậy, đưa tay quẹt nước mắt, khuôn mặt trở nên ráo hoảnh khi chị gay gắt kết tội nó, một cái tội chưa xảy ra.

– Con chưa bao giờ có ý nghĩ đó. Nhưng nếu má cứ cố tình gán ghép cho con cái điều mà con không hề nghĩ đến thì con sẽ làm, vì con có làm tốt, má cũng đâu nghĩ tốt cho con. Mẹ của bạn con lúc nào cũng ngọt ngào, khen tặng nó, còn má thì lúc nào cũng chê trách con đủ điều. Cứ gặp bạn bè hay họ hàng là má lại lôi chuyện của con, kể cả chuyện tình cảm riêng tư để chê bai con, rồi so sánh con không bằng con của bà này, thua xa con của ông kia. Con đã nói với má, con là con, tại sao con phải giống anh A, chị B. Dưới mắt má con là bất hiếu, là hư, là dở. Vậy thì con sẽ làm đúng những lời má nói, để má khỏi phải mang tiếng mẹ mà đi nói xấu con. Con sẽ biến mất khỏi cuộc đời của má để má khỏi phải phiền hà.

– Ðồ hỗn láo.

Cindy bịt hai tai lại, nó hét lên trước khi bước ra cửa.

– Chính má, là má đã biến con thành như vậy.

Cánh cửa ập lại. Chị Trân rơi xuống như trái mít rụng, ôm mặt khóc ngất. Tôi không thể im lặng được, dù biết lời nói lúc này sẽ làm chị đau đớn hơn.

– Sao chị cứ hay nói lẩy, nói hờn, rồi áp đặt cho con những điều không có. Chị làm vậy chẳng ích lợi gì mà chỉ đẩy cho hai mẹ con ngày một xa hơn? Cindy tâm sự với em rất nhiều mà chẳng bao giờ hé môi với chị một lời, vì chị chẳng bao giờ lắng nghe để hiểu và gần gũi con. Mọi chuyện chị bắt nó phải làm theo ý chị. Cindy muốn theo đuổi ngành học nó thích, chị cũng không cho. Ðến chuyện tình cảm của nó chị cũng xen vào, buộc nó xa người nó yêu, để đến với người chị thích.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Chị Trân gào lên:

– Vì thương con mà tôi phải để tâm lo lắng từng chút một. Tất cả những gì tôi làm là mong muốn sau này nó có cuộc sống tốt đẹp. Như vậy là sai hay sao?


Bảo Huân

Bạn thân mến,

Tục ngữ dân gian ta có câu “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, là một định kiến trong tâm thức của phần lớn bậc cha mẹ đã trưởng thành ở Việt Nam. Cũng vì mong muốn con cái “nên người” nên cứ đem sự hiểu biết, kinh nghiệm sống của mình, bắt con phải theo mới có thể sống tốt. Không có con đường nào khác.

Ðiều nầy ắt hẳn đúng với nhiều thế hệ, mà nền văn minh tiến hóa của xã hội chậm phát triển từ nửa thế kỷ trở về trước. Do đó, người mẹ trong câu chuyện trên cũng đã từng có lần bất mãn như bà tự thú: “Ba má rầy oan mà không cho mình trả lời, nhiều lúc tao ấm ức muốn bỏ nhà đi”. Nhưng khi trưởng thành, bà có vẻ hài lòng với sự “nên người” theo cách nhìn của bà. Có nghĩa là quan niệm “nên người” của bà là nuôi con cái lớn lên, có gia đình sinh con đẻ cái, biết hiếu thảo, biết phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu.

Ngày nay, trong bối cảnh phát triển vượt bực, nhanh chóng toàn diện, từ tri thức, tâm linh đến khoa học, công nghệ, thông tin, đã thay đổi mọi góc cạnh của đời sống. Kể cả những đạo lý xã hội hay những kiến thức uyên thâm, theo thời gian sẽ đến lúc không còn phù hợp nữa, rồi bị thay thế.

Dù gia đình vẫn luôn là nền tảng cốt yếu của xã hội, nhưng quan niệm thành công, hạnh phúc cũng được định hình khác nhau tùy môi trường sống. Khi mà tốc độ phát triển càng nhanh, sự thay đổi diễn ra càng sâu sắc, thì lượng kiến thức ở thế hệ cha mẹ và thế hệ con cái sẽ cách biệt rất nhiều. Cha mẹ thường không thể lắng nghe trọn vẹn ý kiến của con cái để có cái nhìn toàn diện nhất. Mà nếu có nghe con cái bày tỏ, tâm sự, thì vì thiên kiến nên chỉ chấp nhận những gì thích hợp với não trạng của mình. Do vậy đã tạo nên sự dồn nén tâm lý con cái, và sẽ bùng nổ sự đối nghịch, phản kháng đến đau lòng như Cindy trong câu chuyện nầy.

Mời quý độc giả cùng đọc một trích đoạn trong “Sống Như Ý” trên trang mạng, để chúng ta -những người làm cha mẹ cùng suy ngẫm.

“Làm cha mẹ khó đấy, phải đâu chuyện đùa… Ngày con chào đời, cha mẹ đã gửi gắm lên hình hài nhỏ bé ấy biết bao kỳ vọng lớn lao. Rồi đến một ngày, chợt nhận ra con chẳng còn giống như cha mẹ từng mong ước. Con trái ý. Con cứng đầu. Con bất chấp.Con nổi loạn. Con tổn thương. Và con thất bại. Còn bàn tay mẹ thì không đủ dịu dàng để ngồi cạnh con vỗ về, vòng tay cha cũng không đủ ấm áp để con ngã vào lòng nức nở. Cha thô ráp, khô khan, trầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tận sâu trong lòng, vẫn luôn mong mình sẽ là một người cha mẹ tốt, là đôi cánh cho con bay thật xa, là lá chắn để mọi cơn bão đều dừng sau cánh cửa nhà mình. Ước mơ nuôi con “như ý” của cha mẹ đã nhường chỗ cho những ước muốn được sống như ý của con cái. Vì niềm vui và hạnh phúc của con, cha mẹ nỗ lực để trở thành người bạn đồng hành, sát cánh bên con trong từng bước đường đời, yêu thương, ủng hộ con được sống đúng ước muốn của mình”.