Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Bạn có biết lòng quảng đại của đàn ông không thể dùng trong những trường hợp nào không? Ðó là khi bạn so sánh chàng với người khác về tướng mạo, tài năng, tính  tình và nói xấu cha mẹ, anh chị em của chàng với bạn bè.

Chị Hằng là một người vợ rất đảm đang. Khi đặt chân đến Hoa Kỳ chị đã gánh vác hết mọi việc trong gia đình, để tạo điều kiện cho chồng ăn học thành tài. Mười năm sau, gia đình chị đáng gọi là một mẫu mực thành đạt của những người tỵ nạn. Vậy mà hạnh phúc lại không mỉm cười với họ. Tại sao? Bởi vì, cũng đúng mười năm sau, gia đình bên chồng gồm cha mẹ, hai người em được bảo lãnh đoàn tụ. Nụ cười đoàn tụ chưa kịp tắt trên môi thì những giọt đắng lại âm thầm rơi xuống giữa mái gia đình êm ấm. Từ những xích mích nhỏ trong những ngày làm dâu khi xưa chưa phai mờ trong ký ức của chị, thêm vào đó là cách ứng xử không thích ứng với môi trường sống mới theo lối suy nghĩ  của một gia đình phong kiến ở Việt Nam. Chẳng hạn, mỗi lần thấy cậu con trai – chồng của  chị Hằng – giúp vợ dọn cơm thì  bà cụ nói xa, nói gần  “Cái thằng giỏi hầu vợ”. Khi anh đang hăm hở bỏ quần áo vào máy giặt thì cô em xỉa xói “Tướng tá hùng dũng như anh mà lại thích làm chuyện đàn bà!”.

Chưa kể, bao nhiêu đòi hỏi vô lý khác như phải gửi tiền về Việt Nam cho  bác Cả xây mộ ông bà, to hơn cái mộ của “thằng cha” Lì ở cuối làng cho mát mặt dòng họ. Hoặc “Giúp chị mày ít tiền xây thêm một tầng lầu, để sau này ba mẹ có về  thăm quê nhà thì có nơi, có chỗ, đầy đủ tiện nghi”. Khi chiụ hết nổi, chị Hằng đã bày tỏ sự bất bình với chồng:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Ba mẹ anh chỉ thích cái hào nhoáng bên ngoài. Làm như  tiền bạc là lá cây, lấy chổi huơ một cái là có hàng đống, để ông bà muốn gửi cho ai thì  gửi. Cả ngày, em và anh phải làm việc đầu tắt mặt tối, suốt tuần không có được một ngày nghỉ, sao ba mẹ anh chẳng chút xót thương. Người đâu mà  ích kỷ”.

Bao nhiêu nỗi ấm ức chị Hằng tuôn ra với thái độ gay gắt trong cơn bực tức. Chồng chị lâu nay vẫn thấy điều đó, nhưng sợ mẹ buồn lòng và các em gán tội bênh vợ bỏ mẹ, nên anh vẫn lặng thinh chịu đựng. Có lần anh nhẹ nhàng tâm sự với chị “Anh biết những người trong gia đình anh làm nhiều điều khiến em buồn, nhưng đã thương anh thì em ráng chịu đựng một thời gian ngắn, khi mọi người ra riêng sẽ hết chuyện”.  Cái thời gian ngắn mà anh hứa đó đã quá dài đối với chị Hằng, khiến chị không kềm chế được những uất ức trong lòng. Còn chồng chị, tuy hiểu sự quá đáng của người thân của mình, nhưng khi nghe những lời trách móc nặng nề của vợ anh lại nổi nóng, quay sang bênh vực mẹ, giận hờn chị. Từ đó, hai vợ chồng sinh ra bất hoà thường  xuyên.

Chị Tuyết và anh Thân là một cặp vợ chồng xứng lứa, vừa đôi. Hai người yêu  nhau từ lúc còn là sinh viên. Ra trường, ngay thời điểm tốt, anh chị tìm được công việc với mức lương hậu hĩnh. Tương lai trước mặt họ là cả một vùng trời sáng rực. Sau đám cưới thật linh đình, họ đưa nhau về xây tổ ấm trong một căn nhà mới thật to, thật  đẹp. Năm năm sau đó anh chị đều bị mất việc, nên gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chánh. Thấy bạn bè làm nghề địa ốc thành công, chị Tuyết cũng không bỏ lỡ cơ hội, nhưng anh Thân thì không thích. Anh biết mình không có khả năng đối với công việc đòi hỏi phải tiếp xúc giao dịch đầy phức tạp, nên xin vào làm ở hãng điện tử với số lương công nhân khiêm nhường. Chị Tuyết muốn chồng mở tiệm bán điện thoại, vì anh giỏi tiếng Anh nên thừa điều kiện để làm việc này. Nhưng anh Thân bảo “Anh không thích hợp với nghề buôn bán, nếu làm thì sẽ cầm chắc thất bại!”. Chị Tuyết  vùng vằng than thân trách phận “Chồng người ta giỏi giang, biết nắm lấy thời cơ để kiếm tiền cho vợ con được sung sướng tấm thân, còn anh thì khù khờ an phận, chỉ biết bấm thẻ lãnh lương! Cứ ngồi lì một chỗ rồi cũng sẽ đến lúc mất nhà”. Anh Thân choáng váng vì lời chỉ trích của vợ nên trả đũa ngay “Sao không nói  thêm là sẽ mất vợ luôn!”. Thế là hai người cãi nhau một trận suýt đưa đến ly dị!

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Chị Cẩm Lệ là một phụ nữ rất vui tính. Trong đám đông, lúc nào chị cũng được mọi người cảm mến vì lối nói chuyện thật hài hước và duyên dáng. Ðặc biệt, chị luôn tìm một điểm gì đó để khen ngợi hết mọi người, trừ anh Ðăng – chồng chị – thì chưa bao giờ nhận được lời khen nào. Anh không thích khiêu vũ, nhưng vì  muốn làm vui lòng vợ nên anh cũng tập vài điệu để ra sàn nhảy với chị cho vui trong những dịp tiệc tùng. Ngược lại, chị Cẩm Lệ rất đam mê môn giải trí này và muốn anh học khiêu vũ để có thể cùng chị trở thành một cặp nhảy đẹp nhất cho bạn bè lát mắt. Có hôm trong một buổi dạ tiệc, chị nói với chồng “Xem anh Thanh kìa, bước chân của anh ấy lả lướt không thua gì  Nguyễn Hưng. Còn anh  thì  cứng ngắc, chẳng khác nào khúc gỗ”. Anh Ðăng giận xám mặt, nhưng vợ nói không sai nên đành làm thinh. Sự so sánh nầy làm anh Ðăng đau hơn cả những lần chị khen ngợi ưu điểm của người  khác trước mặt anh! Có lẽ cũng nhận ra điều này, nên chị  Cẩm Lệ phân bua với bạn bè “Mình khen những ưu điểm của người khác để anh ấy lưu ý mà cố gắng làm theo”.


Bạn thân mến,

Thông thường trong gia đình người  đàn ông  rất phóng khoáng, ít khi giận hờn nhỏ nhen. Bạn cứ hỏi thử, có phải trong mười cặp bất hòa, có đến tám trường hợp ông chồng sẽ là người  làm  hòa  trước. Tại sao?  Bởi vì đàn ông rất dễ quên những nét cau có và giọng nói chát chúa  của vợ khi cãi nhau, miễn là những lời lẽ khó nghe đó không phải là vết chém vào tử  huyệt của họ. Trong lòng người đàn ông có một số “vùng cấm địa” – tạm gọi là tử huyệt (nói theo phim kiếm hiệp Trung Hoa). Vùng cấm địa nầy rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và khi đã bị tổn thương thì chẳng bao giờ lành.

Trường hợp chồng chị Hằng, chắc chắn anh biết rõ sự phi lý của mẹ qua cách an ủi chị. Và chị Hằng, khi không còn chịu đựng được nữa, chị  phản ứng mạnh mẽ qua cách trách móc nặng nề gia đình chồng cũng là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, phương cách nầy đã tổn hại đến tình vợ chồng, vì chị đã đâm đúng vào tử huyệt của anh, nghĩa là đụng chạm đến gia đình anh. Nếu bằng cách nào đó để chính anh tự nói về những bất công mà mẹ anh đã đối với chị, chắc chắn kết quả sẽ ngược lại. Thí dụ, chị có thể nhẹ nhàng nói với anh “ Vì thương anh, em đã làm hết sức mình để tròn bổn phận con dâu  tốt. Nhưng anh thấy đó, em đã không thể làm hài lòng mẹ. Vậy  thì anh nói đi, em phải làm sao khi em đã kiệt sức rồi!”. Bạn thử nghĩ, có người chồng nào lại đành lòng không đưa bờ vai của mình cho vợ tựa đầu và cố gắng tìm cách giải quyết ổn thoả đôi bề. 

Trên thế gian nầy, chắc chắn không có người đàn ông nào thích nghe vợ đem nhược điểm của họ ra so sánh với người khác. Và cũng không có cách “xây dựng” chồng nào tệ hại hơn cách Chị Cẩm Lệ đã làm. Tương tự như thế, lời chỉ trích  của chị Tuyết cũng không kém phần độc địa, dù đó là ý muốn giúp chồng vươn lên.

Những hành động trên đây là những cú đánh vào tử huyệt của đàn ông. Người  vợ nào làm như thế cũng đồng nghĩa với việc chính họ đang giẫm nát cái hạnh phúc vốn đã mong manh vì những hệ lụy chung quanh.

Bảo Huân