Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Nhạc chuông reo lanh lảnh, Miên cầm máy lên rồi quay về hướng phòng ngủ gọi to:

– Lam ơi! bà Linh gọi Lam nè.

Lam ba chân, bốn cẳng chạy đến bàn ăn, chụp nhanh chiếc điện thoại. Hello cả chục lần mà không có tiếng trả lời, chị cằn nhằn:

– Bà này… thiệt tình… gọi người ta mà không thèm nghe máy.

– À! vậy là các bà họp mặt nói chuyện tào lao rồi đụng máy, chứ chẳng phải gọi Lam đâu.

Ðịnh tắt máy, chợt nghe tên Lam được nhắc đến giữa những tiếng lao xao. Miên chặn lại, cười khúc khích:

– Mấy bà nhắc tên Lam kìa. Nghe xem, họ có nói lén gì Lam không?

Lam dỏng tai nghe ngóng. Giọng chị Kim vang lên oang oang:

– Tao cao hơn mụ Tiên một cái đầu, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đó nhe, đừng chọc tao mà mang họa. Lần trước tao đã nhờ con Lam xử giùm một vụ rồi. Mụ Tiên đau điếng, nhưng đâu biết tao là đạo diễn.

– Là sao?

– Thì tao dựng chuyện mụ Tiên chửi Lam nhà mình hạ giá, giật khách của mụ. Rồi tao thêm dầu vào lửa, con Lam điên tiết, email chửi mụ một trận nên thân. Sau đó, tao kể cho Lam nghe nhiều chuyện xấu của mụ Tiên cho con Lam làm loa phóng thanh, loan truyền khắp nơi.

– Nhưng chuyện xấu đó có đúng nguyên bản hay bà còn thêm mắm, dặm muối vô.

– Thêm mắm, thêm muối là nghề của tao mà.

– Tiếc ghê, phải hồi đó bà đi làm đạo diễn, chắc chắn khán giả sẽ được xem nhiều phim với tình tiết éo le, gay cấn, khó tin và cũng không có thật.

– Nè! mà tao kể cho mình mày biết thôi, đừng nói với con Miên nha, kẻo nó học lại với con Lam.

– Ừ, hình như lúc này hai chị ấy thân thiết lắm đó nha. Nhất là sau khi chị Lam giúp lo đám cưới con của Miên. Ðám cưới được người ta khen quá trời làm Miên nở mũi, cám ơn chị Lam hoài luôn.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Ai khen? khen cái gì?. Tao đi nhiều cái đám cưới còn sang hơn, đẹp hơn mà có nghe ai nổ như nó đâu. Ðám cưới gì mà kẹo ơi là kẹo, xài toàn hoa giả, chứ hồi đám con tao, chưng toàn hoa tươi, hơn sáu bảy ngàn bạc tao còn chưa khoe.

Miên chưng hửng nhìn Lam. Lam vói tay tắt máy.

– Sao Miên nhìn tôi ghê vậy? Làm như tôi thọc méc gì với bà Linh vậy.

– Tôi… hỏi thiệt… Lam có xì xào chê bai việc chưng hoa giả trong đám cưới con bé Thảo nhà tôi với bà Linh không? Lam có nói  “con Miên vua keo kiệt, chỉ biết ăn chứ không biết nhả” không? và..

Lam sửng sốt:

– Tôi thề, chưa bao giờ tôi phê phán chuyện đám cháu Thảo.  Miên nghe đấy. Bà Linh chê thẳng thừng, chứ có bảo là ai nói với bà đâu.

Miên nói:

– Vậy mà bà Linh nói với tôi… “Con Lam trước mặt thì giúp mày, nhưng sau lưng thì chê bai đủ điều”. Bà Linh kể lại những lời Lam phê bình tôi toàn bằng với những từ ngữ thật khó nghe, nên tôi rất giận. Giận đến nỗi tôi quyết định nghỉ chơi với Lam luôn. Nhưng ông xã tôi can ngăn, bảo phải tìm hiểu thêm, chứ không nên hấp tấp, nóng nảy. Tôi nghe lời và dần dần thấy Lam rất thật tình, nên định có dịp nào sẽ hỏi thử xem sao… chưa kịp hỏi thì bây giờ chính tai tôi nghe…

Lam thở dài:

– Tôi có khác gì Miên đâu. Hồi đó, cũng vì nghe lời bà Linh mà tôi viết email sỉ vả chị Tiên nặng nề. Chị viết lại với lời lẽ ôn tồn rằng “Tôi và chị có chút quen biết, tuy không phải là bạn nhưng cũng chẳng phải là thù, thì sao tôi lại chửi chị vì một lý do mơ hồ, mông lung. Chị nghe, sao không hỏi trước, hỏi sau mà vội dùng những lời lẽ nặng nề với tôi. Biết đâu có ai đó, vì tư thù cá nhân với tôi nhưng không tiện ra mặt, nên nhờ chị đánh tôi cho bõ ghét. Việc gì cũng vậy chị ạ, phải nghe cả hai bên mới biết đâu là sự thật”. Chị Tiên nói đúng và cái sai của tụi mình là chỉ nghe một chiều rồi nóng giận, rồi vội vã trả đũa

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bạn thân mến,

Khi đọc câu chuyện trên đây, chắc hẳn có bạn phải phì cười “Ôi! đúng là chuyện đàn bà”. Trong bộ kinh Talmud của người Do Thái có câu “Cái lưỡi trong miệng đàn bà là một trong những sai lầm khó chịu nhất của tạo hoá”.

Cũng trong sách Sáng Thế (trong bộ kinh Thánh Cựu Ước) cũng nói, tại cái miệng lưỡi người đàn bà đầu tiên là Eva đã làm Adam phạm tội! Do đó, từ trong kho tàng sách sử đến những chuyện đời  thường nghe thấy, người ta hay kết án “Ðàn bà từ xưa vốn vẫn được coi là nguồn cơn của mọi tội lỗi, tai họa”.

Người viết chỉ tóm tắt những ý tưởng trên đây theo mớ lý thuyết vụn vặt về tật nói xấu người khác của quý đàn bà. Có khi xuất phát từ sự đố kỵ, ganh tỵ là thói thường của nhiều người muốn vượt lên trên ai đó, không phải bằng khả năng của mình. Có khi động lực là gây chia rẽ để kéo thêm phe cánh, hầu chứng tỏ mình được nhiều người ưa thích. Tiêu biểu mẫu người nầy là nhân vật tên là “chị Kim” trong câu chuyện trên.

Trong bài viết nầy, điều người viết muốn chia sẻ là hậu quả của câu chuyện nói xấu một người, sẽ tác hại nhiều hay ít đến người bị họa, là do ý thức của người nghe, nếu chỉ nghe một chiều.

Trong câu chuyện, nhân vật tên Lam có thể xem là người tử tế, khi kịp thời nhận ra “Chị Tiên nói đúng và cái sai của tụi mình là chỉ nghe một chiều rồi nóng giận, rồi vội vã trả đũa”.

Bảo Huân

Có lẽ, trong mỗi người chúng ta cũng đã từng có thành kiến với một ai đó vì “nghe nói..” và đã bỏ lỡ cơ hội giao thiệp với họ. Người viết cũng phạm một lỗi lầm, vì cả tin một lời nói xấu mà xa cách một người, cho đến khi họ qua đời mới biết mình đã hiểu sai, nên lòng ray rứt không nguôi khi nghe bài hát:

“Xin lỗi cơn mơ vừa qua
Xin lỗi cơn đau vừa xa lạ

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Xin lỗi nỗi vui còn vướng lại

Nụ cười đôi khi đắng cay lòng này…

Xin lỗi đáng ra phải vui

Thế mà…

Bởi vì “Có người đi thật xa, thật xa chẳng trở về” (**)

Tôi cũng thật sự xin lỗi phe đàn bà, vì không phải đàn bà nào cũng là “bà Tám” và thích nói xấu người khác. Mà nói xấu là căn bệnh xã hội mà giới tính nào cũng có. Bất cứ đâu cũng có những kẻ xấu tính, bởi vậy, việc nói xấu xuất hiện ở mọi nơi, mọi nền văn hóa. Bệnh nầy cũng có trong đủ mọi môi trường: nhóm bạn, chỗ làm việc, cộng đồng…và cả cấp quốc gia nữa. Nhất là trong môi trường chính trị, những kẻ thuộc tầng lớp quyền lực đã không ngại dùng chiêu nói xấu để đốn hạ địch thủ, và hậu quả khôn lường đến chính sách an nguy một quốc gia.

Tôn giáo nào cũng lên án tội nói xấu là trọng tội.  Kitô Giáo là tội trong điều răn thứ tám. Hồi giáo kết tội nói xấu tương đương ăn thịt người, Ðạo Bahai cho là tội lớn nhất, hơn cả giết người, vì người bị nói xấu có thể bị ô danh mãi mãi dù đã chết.

Tuy vậy, chúng ta sẽ có cuộc sống bình an hơn, nếu biết nhìn vấn đề theo cách nghĩ của tác giả trong trích đoạn sau đây (*):

“Người ta có thể nói với bạn bất cứ điều gì, họ có thể không hài lòng với bạn đủ thứ, nhưng đó là vấn đề của họ, bạn nên mặc kệ. Ðừng bận tâm quá đến những người luôn có vấn đề với những gì bạn làm và bạn thể hiện. Thật khó chịu khi người khác đối xử bất công và nói chuyện thị phi, bậy bạ về bạn. Nhưng đừng vội thanh minh, bởi bạn không cần làm điều đó. Cách hành xử và những gì người ta nói ra, chính là sự phản chiếu rõ ràng nhất về họ. Vậy cho nên, khi họ cư xử và nói những điều không đúng về bạn, cái mọi người thấy là tư cách của họ chứ không phải bạn.”

(**) Lời trong nhạc phẩm “Xin Lỗi” của Nguyên Hà.

(*) Trích đoạn trong một bài viết nhận được qua email, không thấy ghi tên tác giả.