Hỏi

Xin bác sĩ nói rõ về tác dụng của thuốc ngủ. Khi nào thì nên uống? Cám ơn bác sĩ.

Lê Thành Châu

Đáp

Thưa ông Châu,

Mất ngủ có nghĩa là khó đi vào giấc ngủ, hoặc giấc ngủ không sâu, giữa chừng thức giấc hoặc giấc ngủ không êm dịu, bình an. Mất ngủ là dấu hiệu chứ không phải là một bệnh. Nguyên nhân gây ra mất ngủ thường là do tác dụng phụ của một số dược phẩm trị bệnh; do thay đổi hoàn cảnh hoặc thay đổi môi trường sống hoặc căng thẳng tinh thần.

Mất ngủ có thể tự điều chỉnh bằng cách thay đổi nếp sống hoặc bằng thuốc trợ ngủ mua tự do hay mua theo toa bác sĩ. Nhưng, thuốc ngủ không phải là giải pháp cuối cùng để điều trị sự mất ngủ. Ta có thể dùng tạm vài ba đêm, nhiều lắm là 1 tuần lễ trong khi tìm nguyên nhân gây ra mất ngủ để điều trị tận gốc.

Thuốc ngủ không mang lại một giấc ngủ bình thường mà cơ thể cần, ví dụ như tạo ra giấc mơ. Trong khi đó, khoa học cho rằng, mộng mơ là cách giải tỏa những căng thẳng xảy ra trong ngày, giúp tâm hồn thư thái hơn. Nếu tình trạng mất ngủ xảy ra thường xuyên sẽ gây ra những ảo giác và kém tập trung ở con người.

Bảo Huân

Thuốc ngủ có thể giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng nhưng ta phải trả giá là chuốc lấy cảm giác ngây ngất, bải hoải, trì trệ, mơ màng, nửa tỉnh nửa mê và khó lòng nhớ những sự việc vừa mới xảy ra. Ðó là chưa kể nếu dùng thường xuyên, mỗi đêm, với liều lượng cao ta còn bị tác dụng phụ như lệ thuộc vào thuốc, gây ghiền.

Tiến sĩ Donald Bliwise, Ðại học Y khoa Emory (Atlanta) nhắc nhở về việc dùng thuốc ngủ như sau: “Thuốc ngủ chỉ nên thỉnh thoảng mới dùng. Người ta thường không cần thuốc để ngủ. Nếu bị chứng mất ngủ kinh niên thì nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa ngay”.

Sau đây là mấy điều về thuốc ngủ xin được nhấn mạnh để ông Châu và quý vị cao tuổi lưu ý:

  1. Thuốc ngủ bào chế trong phòng thí nghiệm thường được thử trước ở lớp người trẻ tuổi và không áp dụng cho người lớn tuổi.
  2. Người cao tuổi thường đã uống nhiều loại thuốc, nay lại thêm thuốc ngủ, sẽ có nhiều tác dụng phụ bất lợi như ngây ngất, hay quên, chóng mặt, dễ bị té ngã gây thương tích .
  3. Sự biến hóa, hấp thụ cũng như bài tiết các loại dược phẩm ở người cao tuổi thường rất chậm, nhất là thuốc ngủ, gây ra sự tích tụ trong cơ thể, đôi khi có hại.

Nói vậy thì tại sao thuốc ngủ lại bán được nhiều như thế ?

Xin thưa, tại vì người ta lạm dụng nó: người biên toa cũng như người xin toa. Ví dụ một người bị đau xương sống, đêm nằm đau nhức, không ngủ được. Bác sĩ khuyên mổ, chẳng chịu, cứ nhè xin thuốc uống cho ngủ được. Giải thích hoài không được, bác sĩ đành ‘chìu’ theo. Cuối cùng đau vẫn hoàn đau còn thêm chứng ghiền thuốc ngủ.

Vì thế, nếu mất ngủ nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân. Nếu do bịnh thì chữa xong bịnh sẽ hết mất ngủ. Nếu do thói quen uống trà, cà phê, thuốc lá hay ăn uống quá độ thì nên tránh. Thêm vào đó, giữ tâm trí bình an, tránh phiền muộn cũng giúp ta ngủ ngon giấc.

NYD