Hỏi

Xin bác sĩ cho biết làm sao mà các bác sĩ quyết định liều lượng dược phẩm?

Đáp

Cho tới năm 1920, có nhiều loại dược phẩm không có công dụng gì nhưng có lẽ chúng rất an toàn. Ngày nay, đa số đều công hiệu nhưng hầu như lại có nhiều tác dụng phụ, có hại. Vì thế khi biên toa thuốc cần phải chính xác: nếu liều lượng ít quá thì sẽ không có công dụng gì mà nhiều quá thì lại gây ra bất thường, bệnh hoạn.

Bác sĩ đều căn cứ trên hướng dẫn của cơ quan chính quyền lo về điều hành các loại dược phẩm. Nhưng các cơ quan này không đưa ra một hướng dẫn nào về liều lượng trung bình vì cùng một dược phẩm sẽ có tác dụng khác nhau giữa nhiều bệnh nhân.  Thay vào đó, họ phải dùng “liều lượng thông thường”. Khi biên toa, bác sĩ phải  nghĩ tới điểm đó và nhất là số tuổi, cân nặng và điều kiện tổng quát của người bệnh.

Các công ty sản xuất dược phẩm gợi ý liều lượng tối ưu sau nhiều lần kiểm tra và lý luận phức tạp. Các nhà nghiên cứu quyết định liều lượng hiệu nghiệm trung bình, số lượng dược phẩm có thể gây ra một số phản ứng cho một nửa số người thử: lượng  có hại  trung bình là số gây ra tác dụng không muốn của một nửa số người được thử.

Sau đó thì việc biên toa không phải là chuyện dễ. Thí dụ như liều lượng digitalis cần để có tác dụng chỉ gần bằng lượng gây độc của digitalis.

Hỏi

Liệu dược phẩm có bao giờ tạo ra kết quả không mong muốn?

Đáp

Sau khi thuốc kháng sinh được mang ra để dùng thì các bác sĩ thấy chúng tạo ra một loại sinh vật mới gọi là vi khuẩn kháng thuốc. Các vi khuẩn này có thể tăng  và có khả năng chống lại thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, đôi khi kháng sinh tiêu diệt một số vi khuẩn có hại thì lại mở đường cho các vi khuẩn khác. Thí dụ nếu ta bị nhiễm với khuẩn liên cầu thì PNC có thể loại hầu hết chúng nhưng không bao giờ đụng tới các vi khuẩn hình cầu khác.

Ngoài ra kháng sinh tấn công vi khuẩn không có chủ đích, đôi khi tiêu diệt những vi khuẩn tưởng như có hại nhưng cũng tiêu diệt các vi khuẩn không gây ra bệnh. Thí dụ như  ta đang uống penicillin thì dược phẩm này không những loại trừ các vi khuẩn có hại nhưng đồng thời lại khuyến khích sự xuất hiện một bệnh mới là Candida albican ở miệng.

Té ngã

Hỏi

Xin bác sĩ nói về sự té ngã và cách đối phó. Cảm ơn bác sĩ. Trần Thị Lan

Đáp

Thưa bà Lan,

Rủi ro thường xảy ra là Té Ngã ngay tại căn nhà mà ta đã ở có khi đã vài chục năm, nơi mà ta tưởng như bình an nhất, quen thuộc nhất.

Té ngã có thể đưa đến những hậu quả trầm trọng cho tấm thân về chiều, dẫn tới tình trạng nguy hiểm cho sinh mạng người tuổi cao. Mỗi năm, cứ 3 vị trên 65 tuổi thì có 1 vị bị té ngã ít nhất một lần, đặc biệt là khi họ sống trong viện dưỡng lão.

Ngã với gẫy xương hông thường xảy ra nhiều nhất, tới 90% các trường hợp, rồi đến các chấn thương khác tương đối nhẹ hơn.

Bên Hoa Kỳ, hàng năm có đến gần 200,000 người cao tuổi gẫy xương hông vì ngã, nhiều người thiệt mạng trong khi điều trị ở nhà thương. Số tử vong 5 năm sau thương tích lên khá cao, tới 50%, đặc biệt là ở cụ ông và khi các cụ lại có thêm vài bệnh kinh niên.

Sau khi ngã, dù không có thương tích, các cụ rất sợ di động, trở nên mất tự tin, mất độc lập, đời sống thể chất và tâm thần của các cụ suy giảm mau lẹ, dễ đưa tới tàn phế.

Những nguyên nhân gây té ngã có thể là từ môi trường bên ngoài hoặc từ trong cơ thể bệnh hoạn.

  1. Một số bệnh kinh niên như tiểu đường, tai biến mạch máu não, Parkinson, phong thấp, bệnh tim, cao huyết áp là những nguyên nhân thường xuyên gây té ngã. Ðôi khi chỉ một rối loạn nhẹ trong nhịp đập của tim, một lên xuống bất thường của huyết áp, một viêm nhiễm dị ứng của tai trong cũng  có thể khiến các cụ thấy chóng mặt, mất thăng bằng rồi ngã.
  2. Gây ra do dược phẩm: Một số thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim, thần kinh tâm trí, hoặc do dùng nhiều dược phẩm khác nhau cùng  một lúc thường đưa tới cảm giác lâng lâng, ngây ngất đi đứng không vững rồi té ngã.
  3. Té ngã do sự thay đổi chức năng của tuổi cao như là kém thính giác thị giác, cảm giác ngoài da, khớp xương cứng, cơ bắp teo yếu, dáng đi không vững, mất thăng bằng cơ thể.
  4. Rủi ro từ môi trường nhà ở như sàn trơn trượt, dây điện, đồ chơi trẻ em vướng chân, ánh sáng trong phòng không đầy đủ, bậc thang lung lay, quá dốc…

Làm sao đối phó với té ngã?

Khi bị té ngã, hãy bình tĩnh đối phó.

Nếu thấy rằng ta có thể bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố ngồi dậy. Bị thương tích ở cột sống mà cử động có thể ảnh hưởng tới não tủy, hậu quả sẽ trầm trọng hơn. Ta nên nằm yên rồi kêu giúp đỡ.

Trái lại, nếu không có đau đớn ở cơ thể, ta có thể cố ngồi dậy theo cách sau đây:

  1. Nếu té nằm ngửa, hãy chuyển sang thế nằm sấp bằng cách sau: quay mặt về phía định lăn, đầu gối và khuỷu tay hướng về phía đối nghịch, rồi đồng thời chuyển chúng qua thân mình về phía mà mình định lăn
  2. Khi đã nằm sấp rồi, dùng bàn tay và đầu gối để nhổm người lên, bò tới phía trước một cái ghế ở gần  đâu đó.
  3. Ðặt bàn tay lên mặt ghế, ngả người xuống để thân mình được tay chống đỡ.
  4. Co đầu gối nào mạnh, dùng bàn chân phía đó đẩy người nhổm lên, đầu gối bên kia chống dưới sàn, quay nhẹ người rồi ngồi xuống ghế. Sau khi nghỉ thở một lúc ta sẽ kêu cấp cứu.

Ðể tránh té ngã, ta nên cho bác sĩ hay những cơn chóng mặt, mất thăng bằng đã xảy ra. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân rồi điều trị; nên đi khám tai khám mắt theo định kỳ để nghe nhìn tinh tường; dùng thuốc theo lời dặn và không dùng chung thuốc với rượu hoặc tiêu thụ quá nhiều rượu./.

NYD