Hỏi

Thưa bác sĩ,

Xin bác sĩ nói về sự ngủ coi xem có cần thiết hay không và làm sao để ngủ ngon giấc. Cảm ơn bác sĩ. Lê Công Mãnh.

Đáp

Thưa ông Mãnh,

Xin cảm ơn ông đã nêu ra câu hỏi rất chính xác này, vì trong Tứ Khoái mà cổ nhân ta vẫn nói là  Ăn, Ngủ, … Ỉa thì Ngủ là việc rất cần cho con người.

Ngủ đầy đủ giúp ta cảm thấy khỏe mạnh tỉnh táo hơn, vì cơ thể cần được nghỉ ngơi để bồi dưỡng sức lực, hàn gắn tổn thương.

Nếu quý vị có khó khăn rơi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, xin áp dụng các gợi ý sau đây:

– Ði ngủ đúng giờ mỗi buổi tối và thức dậy cùng giờ vào buổi sáng. Không nên “ngủ nướng”, ngủ thêm.

– Tạo thói quen làm một công việc nào đó vài giờ trước khi đi ngủ, như đọc sách, coi TV… rồi ngủ.

– Tránh rượu, cà phê, thuốc lá ;

– Không ăn quá no trước khi đi ngủ ;

– Vận động mỗi ngày nhưng tránh tập quá mạnh trước khi đi ngủ ;

– Nghe nhạc êm dịu để thư giãn tâm hồn ;

– Uống một ly sữa ấm hoặc ăn một ít trái cây, rau xanh trước khi đi ngủ ;

– Tắm nước ấm trước khi lên giường.

Cần đi bác sĩ khám bệnh nếu :

– Khó ngủ vẫn diễn ra mặc dù đã áp dụng các điều kể trên ;

– Thức giấc giữa đêm, khó thở ;

– Ngáy quá to;

– Ngủ nhiều vào ban ngày…

Bảo Huân

Cái chết

Hỏi

Thưa bác sĩ,

Tôi vẫn thường nghe nói: “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Trong câu nói này, ai cũng biết rằng có sinh thì phải già rồi đau yếu bệnh hoạn rồi ta phải chết. Nhưng sự chết là thế nào và liệu có tránh được cái chết hay không. Xin bác sĩ cho biết ý kiến về sự chết này? Cảm ơn bác sĩ.  Nguyễn Thị Thảo.

Đáp

Thưa bà Thảo,

Sau đây là tóm lược ý kiến của giới y học về câu hỏi của bà.

Từ nhiều thế kỷ, chết được hiểu như là khi con người mất hết các chức năng sống: tim ngừng đập vĩnh viễn, hơi thở không còn. Nhưng khi nào thì mạng sống đó được coi như là không còn sống. Ðó là điều mà các giới y, luật, triết, các vị học giả, thường dân, người làm chính trị đã và đang ồn ào, hăng say thảo luận, góp ý.

Vì tạm thời tim ngưng đập, hơi thở gián đoạn khoảng 6 phút mà các bộ phận sinh tử chưa bị tổn thương, con người tưởng như đã mãn phần thì y học hiện đại đã phục hồi được các chức năng và cứu sống nhiều người.

Cho nên tiêu chuẩn não-tử  brain death được thêm vào.

Não là trung tâm của hệ thần kinh. Cuống não kiểm soát các chức năng duy trì sinh lực của các cơ quan, bộ phận; não trên điều hòa ý nghĩ, trí nhớ, tình cảm con người.

Năm 1968, Ðại Học Y Khoa Harvard đề nghị bốn tiêu chuẩn cho não tử:

– Không đáp ứng với cảm giác sờ mó, âm thanh và các kích thích ngoại vi;

– Không còn cử động và không còn hơi thở tự phát (spontaneous breathing);

– Không còn tác động phản xạ.

Phản xạ (reflex) là một sinh hoạt tự động hay không chủ ý do một vòng thần kinh tương đối đơn giản gây ra mà không nhất thiết liên quan tới ý thức. Chẳng hạn khi dùng kim chích vào tay một người, thì kim đau sẽ gây ra cử động phản xạ tự vệ tức thì để rút ngón tay lại trước khi não có thời gian gửi thông tin cảm giác đau tới các cơ quan liên hệ

– Không còn ký hiệu não điện đồ hoặc bất cứ hoạt động điện năng nào từ tế bào não.

Từ năm 1929, bác sĩ thần kinh tâm trí người Ðức Hans Berger đã phát hiện là não bộ có những luồng điện phát ra khi não hoạt động. Nhưng khi đó không ai tin. Phải đợi tới năm 1932, nhà bác học người Anh Edgar Adrian cụ thể chứng minh được sinh hoạt điện năng này của não thì mọi người mới chấp nhận và Edgar được giải thưởng Nobel nhờ công trình này.

Ngày nay nhiều máy móc tối tân đã ghi nhận được các sinh hoạt điện năng của não bộ với các sóng alpha, beta, delta, theta. Rồi lại còn MRI, PET scan ghi lại các tín hiệu cũng như thay đổi hóa chất của não khi nghỉ cũng như khi làm việc.

Trong tương lai gần đây, chắc là các ý nghĩ thầm kín của ta cũng sẽ được máy móc phát hiện, đọc được.

Tiêu chuẩn não-tử của đại học Harvard cũng không được mọi giới đồng thuận công nhận là một thử nghiệm để kết luận sự chết. Mỗi quốc gia dùng tiêu chuẩn khác nhau.

Từ năm 1981, Hoa Kỳ định nghĩa chết như sự ngưng không đổi ngược của toàn bộ não kể cả phần cuống là nơi điều hòa hô hấp, tuần hoàn và các chức năng khác.Và về pháp lý, các điều kiện trên phải kéo dài sau 12 giờ.

Còn câu hỏi liệu có tránh được sự chết hay không thì thưa bà câu trả lời vẫn chưa được đặt ra. Chúng tôi nghĩ rằng khó mà có câu trả lời lắm vì tạo hóa sinh ra con người và con người chắc là chỉ sống được rồi tới một lúc nào đó phải già yếu, bệnh họan rồi chết.

NYD

Arlington – TX