Hỏi
Xin bác sĩ cho biết công dụng của gừng trong việc chữa bệnh. Cám ơn bác sĩ. (P.T)
Trả lời
Từ lâu, Y học dân gian các nước đã dùng gừng để trị nhiều bệnh thông thường. Y học Tây phương hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu về tác dụng trị bệnh của gừng. Gừng được dùng trong các trường hợp như sau:
– Tim mạch: Nhiều nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm dân gian cho biết, gừng có một số tác dụng như ngăn ngừa sự kết tụ của tiểu cầu, giảm cholesterol, kích thích huyết quản, giảm vữa xơ động mạch.
– Tiêu hóa: Gừng rất hữu hiệu để chống nôn ói vì say sóng hoặc khi di chuyển trên xe, khi phụ nữ mang thai, trong khi dùng hóa trị liệu hoặc sau giải phẫu. Gừng kích thích tiết nước bọt, giúp sự tiêu hóa thực phẩm được dễ dàng hơn.
– Chống sự oxy hóa, ngăn cản sự tăng trưởng các tế bào ung thư.
– Hô hấp: chữa cảm lạnh, ho và thông đàm
– Viêm xương khớp: giảm đau nhức, chống viêm vì gừng có ảnh hưởng tới sự chuyển hóa prostaglandin, một hóa chất gây viêm đau.
Y học cổ truyền Việt Nam dùng gừng để trị các chứng phong hàn, cảm mạo, nhức đầu ho có đàm, nghẹt mũi, khó tiêu, nôn ói, đau nhức xương khớp, lạnh bụng đi cầu, thoa bóp ngoài da, đánh gió khi cảm mạo, thư giãn đôi bàn chân khi ngâm trong nước gừng đun nóng…
Lưu ý:
– Trẻ em dưới 2 tuổi không được dùng gừng.
– Phụ nữ mang thai không nên dùng;
– Dùng nhiều gừng có thể gây ra ợ chua, làm xót dạ dày.
Bệnh nhân bị sạn túi mật cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng vì gừng làm tăng tiết mật từ túi mật.
– Cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi uống thuốc chống đông máu hoặc thuốc cyclophosphamide trị một số bệnh ung thư.
Bảo Huân
Đái dầm
Hỏi
Cháu trai tôi năm nay đã 6 tuổi mà vẫn còn đái dầm. Xin bác sĩ chỉ cho cách chữa. Cảm ơn bác sĩ. (T.L)
Trả lời
Ðái dầm là tình trạng trẻ em đi đái nhưng không kiểm soát được trong khi ngủ. Ðây là hiện tượng thường gặp, khoảng 25% trẻ 5 tuổi còn đái dầm và 5% trẻ em 10 tuổi còn đái dầm. Khi biết mình đái dầm, các cháu hay mắc cỡ, vì thế người lớn và anh chị em không nên chế giễu các cháu mà cần hướng dẫn các cháu để giảm tình trạng này. Hiện nay, y học cũng chưa biết đích xác nguyên nhân khiến trẻ lại đái dầm. Có nhiều giải thích như là:
– Do cơ thể các cháu chưa phát triển đầy đủ, bọng đái chưa đủ lớn để chứa nước tiểu suốt đêm;
– Thiếu phối hợp giữa não bộ và bọng đái: bọng đái đầy nhưng thần kinh chưa điều khiển đủ khiến các cháu đái trong vô thức.
– Khi trẻ bị táo bón, phân có thể đè vào bọng đái, tăng áp lực khiến trẻ phải tiểu tiện;
– Hoặc trẻ chưa ý thức được khi nào bọng đái đầy để thức dậy đi tiểu.
Cũng có những trường hợp di truyền trong gia đình hoặc do stress ở trường học hoặc ở nhà. Ngoài ra, một số thực phẩm cũng có thể gây ra đái dầm như cà phê, chất gia vị…
Nếu trước đây chưa bao giờ đái đêm mà bây giờ mới bị thì có thể do nhiễm trùng đường tiểu tiện hoặc do bệnh tiểu đường và cần đưa trẻ đi bác sĩ.
Về điều trị, trước hết cha mẹ nên tập các cháu tiểu đại tiện khi chúng bắt đầu hiểu biết; cho trẻ uống ít nước hoặc ăn ít canh trước khi đi ngủ. Trước khi trẻ đi ngủ, bắt trẻ đi tiểu. Dùng đồng hồ báo thức cho trẻ đi tiểu vào nửa đêm. Bác sĩ có thể cho các cháu dùng loại thuốc đặc biệt để giảm sản xuất nước tiểu.
Bảo Huân
NYD