Hỏi

Thưa bác sĩ, người ta thường khuyên nên tránh thức ăn có chất béo vì dễ sinh ra bệnh tật. Như vậy, trong bữa ăn, nếu chúng ta không dùng dầu mỡ thì có ảnh hưởng đến cơ thể không? Xin bác sĩ giải thích giúp. Cám ơn bác sĩ. (HVH)

Trả lời

Chất béo thường bị dư luận cũng như một số nghiên cứu khoa học cho là không tốt đối với sức khỏe con người. Ðiều đó đúng nhưng chưa đủ vì chất béo rất cần thiết để cơ thể phát triển. Vấn đề là mức tiêu thụ chất béo thế nào cho hợp lý. Theo các nghiên cứu, cho thấy chất béo rất cần thiết cho cơ thể với các tính năng sau:

– Chất béo là nguồn năng lượng quan trọng của cơ thể (ngoại trừ tế bào thần kinh não tủy mà đường glucose là nguồn năng lượng chính yếu). Chỉ với 20g chất béo tồn trữ là ta có đủ năng lượng làm việc trong một ngày.

– Chất béo tham dự vào nhiều phản ứng sinh hóa học trong cơ thể, cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ em, là thành phần để tạo ra testosterone, estrogens, acid mật, là màng bọc của các tế bào, làm trung gian chuyên chở các phần tử dinh dưỡng, là dung môi hòa tan nhiều loại sinh tố  như A, D, E, K và giúp ruột hấp thụ các sinh tố này.

– Một acid béo rất cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được và phải được thực phẩm cung cấp là linoleic acid. Thiếu chất này, da bị viêm và khô, bong vẩy, sự tăng trưởng cơ thể giảm; nước tiêu thụ nhiều và bị ứ lại trong cơ thể và khả năng sinh sản có thể gặp rối loạn.

– Về ẩm thực, con người thích ăn chất béo vì chúng làm tăng hương vị đậm đà cho món ăn, làm món ăn trông hấp dẫn hơn.

– Chất béo lại chậm tiêu, no lâu đồng thời kích thích ruột tiết ra hóa chất cholecystokinin. Chất này tác động lên não bộ làm giảm khẩu vị, tạo ra cảm giác no đủ, khiến ta không muốn ăn nữa. Vì thế, nếu ta giảm số lượng chất béo xuống dưới 20% tổng số năng lượng cung cấp để giảm cân, ta sẽ mau đói và sẽ ăn nhiều hơn. Hậu quả là sẽ tăng cân thay vì giảm. Muốn khắc phục điều này, khẩu phần ăn cần được tăng cường chất xơ có trong rau và trái cây để làm “chất độn”.

Như vậy, với các tính năng trên, ta có thể thấy chất béo rất cần thiết cho cơ thể. Vấn đề là ta phải tổ chức các bữa ăn như thế nào để cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể với một tỷ lệ chất béo hợp lý, vừa phải. 

Chuối

Hỏi

Thưa bác sĩ, người Việt chúng ta thường ăn chuối. Vậy, chuối có ích cho cơ thể như thế nào? Ăn nhiều chuối có gây bệnh không? Xin cám ơn bác sĩ. (LTH)

Trả lời

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về cây chuối. Chuối mọc hoang đầu tiên ở vùng Ðông Dương, Mã Lai, Miến Ðiện với những trái chuối đầy hạt. Ngày nay chuối không hạt, vô tính được trồng khắp những vùng có khí hậu nhiệt đới. Riêng ở Hoa Kỳ, chuối được nhập cảng hầu hết từ các trại ở Nam Mỹ Châu và Phi Luật Tân.

Người Việt chúng ta rất quen thuộc với cây chuối và có nhiều giống chuối ngon như chuối hương, chuối ngự, chuối sứ, chuối mường…

Thông thường, người ta thu hoạch chuối nguyên buồng, khi còn xanh. Sau đó, để chuối nơi có nhiệt độ trung bình, hoặc trong túi nhựa kín với quả táo, chuối chín rất mau.

Khi chuối còn xanh thì có vị chát, thịt cứng nhưng khi chín, tinh bột chuyển hóa thành chất ngọt, thịt mềm và thơm. Chuối xanh cũng có một chất đạm làm mất tác dụng của amylase, một loại men tiêu hóa trong nước miếng, khiến cơ thể không hấp thụ được carbohydrat. Khi chuối chín thì hầu hết tinh bột được chuyển hóa thành các loại đường. Chuối có tác dụng chống táo bón, rất tốt cho đường ruột và cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá nhiều chuối cũng không có lợi cho sức khỏe. Riêng những người bị bệnh tiểu đường, không nên dùng chuối quá chín. Người Việt chúng ta còn chế biến chuối thành những món ăn khác như kẹo chuối, rượu chuối, bánh tráng chuối … hoặc dùng chuối vừa già để nấu canh. Ngoài ra, khi chuối còn xanh, có nơi gọi là chuối chát, người ta còn dùng như một món rau để ăn kèm với các món ăn khác. Cũng giống như các loại trái cây khác, chúng ta nên ăn vừa phải mới tốt cho cơ thể.

Bảo Huân

NYD