Hỏi

Xin ông vui lòng nói qua về căng thẳng tinh thần, kẻo bà vợ tôi nhằn tôi quá xá nhất là khi “thấy” nó là bả lại “hành hạ” tôi quá xá. Lê Sợ Vợ.

Đáp

Thưa ông. Tôi xin kể hầu ông câu chuyện như sau về điều ông hỏi.

Nếu các ông Nghị của Denver đồng ý thì nơi đây sẽ là một thành phố đầu tiên trên thế giới mà dân chúng được bảo vệ khỏi những khổn lực, căng thẳng.

Ðó là nhờ ở nhà hoạt động Jeff Peckman với đề nghị “Initiative for Safety Through Peace”. Một sáng kiến an toàn trong hòa bình mà anh ta chuyển sang Hội Ðồng Thành Phố để yêu cầu thảo luận, biểu quyết.

cang-thang-tinh-than

Jeff là thành viên của Ðảng Luật Thiên Nhiên (Natural Law Party). Anh ta yêu cầu thành phố phải bảo đảm sự an bình của dân chúng bằng cách chấp nhận và cổ võ cho việc giảm căng thẳng của mọi người. Chẳng hạn đặt âm nhạc thư giãn nơi công cộng, cải biến phần ăn trưa của học sinh, tổ chức nhiều cơ hội để dân chúng cắm trại, vui đùa… sau những ngày làm việc vất vả…

Theo Jeff, “căng thẳng (stress) là một loại rác rưởi mà thành phố phải hốt bỏ”.

Nghe thấy vậy, cụ Ba Phải Giao Chỉ phán rằng: “Anh chàng này trẻ người non dạ vậy mà “lói lăng cũng có ný”. Ngoại cảnh rối loạn, tâm thân bất ổn thì đời sống làm sao mà an bình cho được”.

Denver là thành phố có trên 500 ngàn dân cư, với nhiều điều tốt: tội ác rất thấp, không khí trong lành, một năm có 300 ngày nắng ấm, 60% dân chúng ham học, có thẻ mượn sách ở thư viện.

Phản ứng của các quan ông quan bà nghị viên về đề nghị của Jeff đều có vẻ rất “căng”.

Một ông nghị nói “dân chúng bầu chúng tôi lên đâu có phải để bàn cãi, giải quyết cái đề nghị kỳ quặc, phù phiếm như vậy”.

Một bà nghị khác than phiền: “Chúng tôi đang rất căng thẳng (stressed out) vì cái đề nghị điên khùng của anh ta”.

Vậy thì stress là cái gì mà cần phải một điều luật để giải quyết. Và nguy hại của nó ra sao?

Stress trong đời sống không phải là điều mới lạ.

Tổ tiên loài người xưa kia cũng có những căng thẳng: sợ thú rừng ăn thịt; sợ nước lũ cuốn trôi; sợ thần linh trừng phạt. Nhất là sợ về nhà bị vợ cằn nhằn vì đi săn không bắt được mồi. Lại phải ôm Trăng ngủ ghế đá ngoài trời…

Và còn nhiều thứ sợ khác nữa.

Rồi tới thời đại văn minh ngày nay thì cũng có cả trăm thứ căng thẳng.

Có người đã ví stress là hậu quả của nếp sống tiến bộ. Cuộc sống hàng ngày của ta như như chạy đua với nhiều đòi hỏi. Ða số những căng thẳng có liên hệ tới công việc làm ăn.

Theo thống kê, con người hôm nay làm việc cả trăm giờ nhiều hơn là vài chục năm về trước. Biết bao nhiêu nhu cầu cho gia đình, cho sức khỏe, cho an toàn cá nhân, tài chánh. Chúng ta có nhiều vấn đề cả ngàn lần nhiều hơn tổ tiên ta mà thời gian để giải quyết thì cũng chỉ có vậy.

Cô thư ký mới bị sếp lớn khiển trách, dọa cho nghỉ việc. Tim cô đập nhanh, cuống họng khô, nghẹn ngào không nói được. Tối về than phiền với chồng: “Em đang bị stress đây.”

Một ông chủ bút bù đầu kiếm bài cho số báo cuối tuần, hít khói thuốc liên hồi, nhức đầu, mặt nhăn như bị rách cũng kêu đang bị stress.

Một bà chủ tiệm Phở đông khách, đếm tiền không kịp, thở dài, nói: “Chán quá! em muốn sang tiệm vì công việc nhiều stress quá”! Nhưng chẳng bao giờ thấy bà sang tiệm mà chỉ thấy mỗi buổi chiều mang tiền tươi đi gửi ngân hàng đều đều.

Thực là trăm khó khăn đổ lên đầu stress.

BS NYD