Hỏi

Thưa bác sĩ,

Con có thai được 13 tuần và bị nhiễm rubella. Xin bác sĩ cho con lời khuyên, nên làm gì bây giờ. Xin cám ơn bác sĩ. (PK)

Trả lời

Rubella là bệnh truyền nhiễm do một loại virus gây ra với các triệu chứng giống như bệnh cúm, như sổ mũi, sốt nhẹ, nhức đầu, mắt đỏ và chảy nước mắt, hạch cổ sưng… Bệnh lây lan qua đường hô hấp như ho, hắt hơi… thường xảy ra vào dịp Ðông-Xuân.

Tại Hoa Kỳ, nhờ có chích ngừa từ khi mới sinh cho nên bệnh hầu như đã bị loại trừ, ngoại trừ mấy trường hợp lẻ tẻ do người nước ngoài mang vào Mỹ. Người được chích ngừa không bao giờ mắc bịnh này. Khi có thai, nhất là trong 3 tháng đầu, nếu mắc bệnh rubella thì thai nhi bị ảnh hưởng trầm trọng, có thể đưa tới sẩy thai, sinh con thiếu tháng. Vì thế các bà mẹ nên chích ngừa bệnh này trước khi có thai.

Ngày nay, việc chích ngừa thường là phối hợp với vaccine chống lại bệnh sởi, rubella và quai bị. Nếu đang mang thai thì nên thử máu coi mình có miễn dịch với bệnh này không. Nếu có thì tốt vì mình đã được chích ngừa bệnh rồi. Nếu không có miễn dịch thì nên tránh xa người bị bệnh rubella. Trong khi đang có thai thì không được chích ngừa rubella vì vaccine có thể gây ra bệnh cho thai nhi. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh Rubella. Chúng tôi đề nghị cô đi khám bác sĩ để được hướng dẫn cách đối phó.

Chúc cô được mọi sự bình an. 

Bảo Huân 

Bột ngọt

Hỏi

Thưa bác sĩ, bột ngọt được sản xuất thế nào và ăn bột ngọt có hại cho sức khỏe không? (VTC)

Trả lời 

Bột ngọt là chất kết tinh không mùi, màu trắng trông giống như muối. Dù không có mùi nhưng bột ngọt lại có đặc tính làm nổi bật hương vị của thịt và một số thực phẩm khác. Tên khoa học của bột ngọt là Monosodium Glutamate (MSG). Monosodium Glutamate là hình thức muối natri của glutamic acid. Glutamic acid là một trong nhiều amino acid có tự nhiên trong chất đạm của thực phẩm động vật như pho mát, sữa, thịt, cá… trong một số thực vật như cà chua, nấm và trong tế bào cũng như sữa mẹ. Ðó là L-glutamic acid.

Trong cơ thể, glutamic acid này được tiêu hóa và glutamate được tách rời để dùng cho sự chuyển hóa thực phẩm và trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh.

Mỗi ngày cơ thể cũng tạo ra được khoảng 50g glutamate, cho nên nó được xếp vào nhóm amino acid không cần thiết phải có trong thực phẩm.

Từ nhiều thế kỷ trước, người Nhật đã biết dùng một loại cỏ biển (seaweed) phơi khô để tạo thêm vị ngọt cho món ăn. Nhưng mãi đến năm 1908, hóa học gia Kikun ae Ikeda của Ðại học Hoàng gia Tokyo mới khám phá ra trong rong biển có chất glutamic acid. Ông cùng người bạn lập ra công ty Ajino Moto để chiết acid này từ rong biển và bán ra thị trường. Hiện nay công ty này sản xuất quá nửa số bột ngọt trên thế giới.

Ngày nay, bột ngọt được chế ra từ tinh bột các chất thiên nhiên như đậu nành, bắp, bột mì, gạo, khoai tây, đường mía, củ cải… hoặc do tổng hợp các chất hữu cơ. Sự chế biến này cũng dùng phương thức lên men hóa chất, sức nóng, thủy phân, như trong trường hợp làm rượu bia, giấm hoặc sữa chua.

MSG có 72.2% glutamate, 12.2% muối sodium, 9.6% nước. Glutamate này là D – glutamic acid không có trong đạm tự nhiên của thực vật và động vật. Glutamate tự nhiên do sinh vật tạo ra khác với glutamate chế biến này.

Bảo Huân

NYD