Hỏi

Thưa bác sĩ, ba tôi bị run tay, cầm vật gì cũng khó khăn, nhất là trong khi ăn uống. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây ra bệnh và bệnh này có thể chữa được không? Cám ơn bác sĩ nhiều. (Nguyễn Thị H.L)

Trả lời

Bệnh Liệt Rung thường được gọi nhiều hơn với tên bệnh Parkinson. Parkinson là tên của vị bác sĩ giải phẫu người Anh, James Parkinson, sinh năm 1755 và mất năm 1824. Năm 1817, ở tuổi 62, ông xuất bản tác phẩm “Eassay on the Shaking Palsy”, diễn tả rõ ràng hơn về những cơn rung của một số bệnh nhân mà các thầy thuốc đương thời nói tới. Ông thấy rằng, người bệnh bắt đầu có cơn rung giật cách hồi ở một chi, rồi cơn rung trở nên không kiểm soát được. Khi người bệnh thay đổi vị trí bất thình lình thì cơn rung ở chi đó ngừng để lại rung ở chân hoặc cánh tay phía bên kia. Ông cũng nhấn mạnh tới sự liên hệ giữa rung với liệt, với bước đi lảo đảo, ngắn đi (festination), với dáng khom khom lưng, cứng nhắc của người bệnh. Theo ông, liệt chỉ tạm thời dù bệnh có trầm trọng.

Tình trạng rung của các cơ đã được diễn tả trong các văn bản y học từ nhiều ngàn năm về trước bởi nhiều nhà nghiên cứu như Galen, Leonardo da Vinci, Franciscus de la Boe…

Tiếp nối công trình của Parkinson, nhiều nhà khoa học khác đã công bố các khám phá mới về bệnh Liệt Rung, cả về nguyên nhân bệnh cũng như về trị liệu. Trước đây, người ta cho rằng Liệt Rung gây ra do tai biến não, bệnh của tủy sống, của cơ… Một trăm năm sau khi bác sĩ Parkinon diễn tả bệnh, khoa học đã khám phá ra nguyên nhân chính gây ra chứng Liệt Rung là do sự hoại tử của vùng chất xám (substantia nigra) trong não bộ.

Vào thập niên 1800, bác sĩ thần kinh nổi danh Jean M. Charcot của Pháp đã đề nghị đặt tên của bác sĩ Parkinson cho bệnh Liệt Rung.

Parkinson là bệnh thoái hóa dần dần của hệ thần kinh trung ương, thường thấy ở người ngoài 50 tuổi, rất ít khi thấy ở tuổi trẻ. Nam giới bị bệnh nhiều hơn nữ giới một ít. Bệnh vừa mãn tính vừa tăng lên đều đều. Mãn tính vì bệnh kéo dài một thời gian lâu. Tăng đều đều có nghĩa là bệnh trở nên trầm trọng với thời gian. Diễn tiến và các triệu chứng của bệnh thay đổi tùy thể trạng cá nhân.

Bảo Huân 

Chất béo  Omega-3

Hỏi

Thưa bác sĩ, bạn tôi khuyên nên dùng cá hồi để làm thực phẩm vì loại cá này có nhiều Omega-3. Vậy, xin hỏi bác sĩ, Omega-3 là chất gì, có tác dụng thế nào với cơ thể? Cám ơn bác sĩ nhiều. (VL)

Trả lời

Não bộ chúng ta có 60% chất béo, đặc biệt là các acid béo cần thiết. Trong số này, DHA là chất quan trọng nhất giúp cho việc học tập và trí nhớ.

Cá, đặc biệt là cá hồi, vẫn được coi như “thực phẩm của trí não” từ nhiều ngàn năm. Cá có chất béo Omega-3 với thành phần chính yếu cho sự phát triển não bộ thai nhi là chất docosahexaenoic acid (DHA). Chất này có trong máu của người mẹ và được nhau (placenta) chuyển tới thai nhi.

Theo bác sĩ Russel L. Blaylock, tác giả sách dinh dưỡng Health and Nuitrition Secrets, khi thai nhi nhận được nhiều chất béo này thì hoạt động của não tốt hơn và khi lớn lên, các em có chỉ số IQ cao hơn. Trong khi đó, các em nhận được ít DHA có khó khăn trong việc học tập và khả năng nhìn của mắt cũng kém.

Bác sĩ Ray Sahelia, tác giả sách Mind Boosters, cho biết Omega-3 có giá trị cao vì chúng cung cấp độ lỏng cho màng tế bào và tăng sự liên lạc giữa các tế bào thần kinh. Omega-3 cũng giảm sự kết tụ của tiểu cầu, do đó giảm rủi ro cơn suy tim và tai biến não.

Theo Jean Carper, tác giả sách Miracle Cures: “Không cung cấp đầy đủ chất béo đặc biệt mà màng tế bào não cần sẽ đưa tới rối loạn về tâm tính, trí nhớ, sự tập trung và hành vi”.

Kết quả nghiên cứu công bố trong Archives of Neurology tháng 11 năm 2006 cho biết, người có lượng DHA cao trong máu ít bị rối loạn nhận thức vì tuổi già tới 47%, so với người có ít DHA.

Nghiên cứu mới nhất công bố trong Journal of Neuroscience số tháng 4, 2007 cũng xác định, ăn nhiều Omega-3 có thể giảm thiểu rủi ro bệnh Alzheimer ở tuổi già.

Theo các thông tin nêu trên, việc sử dụng cá hồi làm thực phẩm là điều nên làm, cho các lứa tuổi; đặc biệt là phụ nữ có thai và người già.

Bảo Huân

NYD