Thuật ngữ ‘fairy tale – truyện cổ’ được hình thành vào thế kỷ 17. Trước khi được ghi chép lại, những truyện này đã lan truyền ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, và được thuật lại bằng cách truyền miệng bởi những người kể chuyện khác nhau, được thay đổi và thêm thắt, theo sở thích và hoàn cảnh. Những người ghi chép chuyện chỉ là những kẻ sưu tầm, chứ không phải người sáng tạo. Dù là những chuyện có thể hoang đường, nhưng chúng vẫn luôn hấp dẫn và trường tồn.

KỲ 4

 Bồ Tùng Linh

Trung Quốc, khoảng năm 1679

Tuy những câu chuyện được tác giả Trung Quốc là Bồ Tùng Linh viết ra vào thế kỷ 17 thường không được coi là truyện cổ, nhưng trong đó chắc chắn chứa nhiều yếu tố mà người ta coi là đặc trưng của thể loại này. Những yếu tố huyền bí và siêu nhiên là các chủ đề trọng tâm trong 431 câu chuyện tạo nên tác phẩm nổi tiếng nhất của Bồ Tùng Linh là ‘Liễu Trai Chí Dị’ (Chuyện Lạ Chốn Liêu Trai). Khác với nhiều truyện dân gian khác, các chuyện của ông không bắt nguồn từ truyền thống truyền miệng, mà thay vào đó được viết dưới dạng bản thảo và sau đó được lưu truyền.

Gần suốt cuộc đời, Bồ Tùng Linh sống trong cảnh nghèo khó, và ông đã sử dụng những câu chuyện kỳ ảo mà mình sáng tác không chỉ như một cách để thoát khỏi thực tại, mà còn như một phương tiện để bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội mà ông cảm nhận được. Phải mất 40 năm để hoàn thành việc biên soạn tất cả các chuyện, và toàn bộ tác phẩm không được xuất bản cho mãi đến năm 1766, tức là hơn 50 năm sau khi ông qua đời.

Xem thêm:   Truyện cổ (kỳ 6)

Cuộc sống hằng ngày là bối cảnh cho hầu hết các chuyện trong Liễu Trai Chí Dị, với những yếu tố phép thuật mang lại cho tác phẩm của ông nét đặc trưng của truyện cổ tích. Những người biến hình, linh hồn, ngôi nhà bị ma ám và lời nguyền biến những con người cư xử tồi tệ thành động vật khiến những câu chuyện Trung Quốc này giống với truyện cổ tích châu Âu, vốn quen thuộc hơn ở thế giới phương Tây. Ở Trung Quốc, các câu chuyện của Bồ Tùng Linh đã truyền cảm hứng cho nhiều tác giả viết tiểu thuyết lãng mạn và vẫn được coi là “đỉnh cao của tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa”.