Từ những bộ óc thiên tài trên khắp thế giới, những phát minh sau đây sẽ giúp ích cho cuộc sống của chúng ta.
NHIỀU KỲ – KỲ CHÓT
Lấy nước sạch từ sương mù
Khi anh chàng kỹ sư công nghiệp Abel Cruz còn là một cậu bé, công việc hàng tuần của cậu là trườn xuống một khe núi ở chân đồi Andes xứ Peru để lấy nước cho gia đình dùng từ một con suối. Suối ở dưới chân đồi, nằm rất xa nhà và dốc.
Cruz bắt đầu mơ ước làm sao tìm ra cách nào tốt hơn để lấy được nước. Anh nhận thấy rằng thực vật vùng cận nhiệt đới, chẳng hạn, với tàn lá rộng, có thể giữ được nước mưa và sương. Thế rồi, anh nảy ra ý tưởng về một mạng lưới thâu thập sương mù, một khái niệm anh sẽ tiếp tục hoàn thiện và chia sẻ khắp thế giới.
Mỗi lưới dọc có kích thước 215 feet vuông bằng lưới nhựa tổng hợp. Những giọt nước siêu nhỏ ngưng tụ rồi nhỏ giọt xuống thùng thu. Một mạng có thể thu được từ 50 đến 100 gallon mỗi ngày.
Người dân địa phương có thể dùng xô nhỏ lấy nước từ đó để dùng.
Làm việc tại Lima (nước Peru) với sự hỗ trợ của tổ chức Creating Water Foundation, Cruz đã lắp đặt hơn 3,600 lưới trên những sườn đồi trọc chung quanh thành phố để thâu thập nước trong sương mù từ Thái Bình Dương trôi dạt tới. Điều này sẽ giúp làm bớt gánh nặng cho thành phố có hơn 9 triệu dân, thường có ít lượng mưa và bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước thường xuyên.
Theo Cruz thì “hành tinh này càng ngày càng có ít nước ngọt hơn,” bởi vì “các sông băng là những hồ chứa nước tự nhiên đang dần dần biến mất. Vì vậy chúng ta phải tìm cách tích lũy và để dành nước cho thời kỳ hạn hán.”
Kỹ thuật giúp nạn nhân bị lạm dụng
Những người bị lạm dụng tình dục giờ đây có những cách mới để gửi tín hiệu SOS và có khả năng được cứu mạng. Cảnh sát Hàn Quốc đã áp dụng chiến dịch mang tên Knock Knock, để cho nạn nhân báo cáo vụ lạm dụng một cách kín đáo bằng cách quay số 112 và nhấn hai lần vào bất kỳ số nào. Chạm số hai lần sẽ kích hoạt một liên kết được gửi đến cảnh sát, và họ có thể tìm thấy vị trí nạn nhân bằng GPS của điện thoại và thậm chí nhận được một đoạn phát hình trực tiếp (livestream) về những gì đang xảy ra qua camera của điện thoại.
Tương tự, nếu ai đó ở Warsaw (Ba Lan) truy cập trang Facebook Rumianki i Bratki (“Chamomile and Pansies”) và chọn một sản phẩm, chẳng hạn như kem dưỡng da mặt, để giao hàng đến địa chỉ của họ, thì “người mua hàng” sẽ được kết nối với một nhà tâm lý học. Order mặt hàng đó tức là một yêu cầu chính quyền đến thăm nhà, giống như thể nạn nhân đã gọi cảnh sát để được giúp đỡ. Năm 2021, Krystyna Paszko, một học sinh trung học người Ba Lan, đã thành lập cửa hàng mỹ phẩm trực tuyến giả kiểu đó. Nó đã giúp được tới 350 người trong năm đầu tiên.