Câu Hỏi

Thưa Luật Sư, mẹ tôi đột ngột mất khi bà vừa tròn 70 tuổi tháng 5 vừa qua. Tôi là đứa con duy nhất của bà, và bà không làm giấy hôn thú với ai khác từ ngày sang Mỹ sau khi bỏ ba tôi.

Lúc mẹ tôi chết, bà có sống chung với một người đàn ông khác gần 30 năm qua, nhưng hai người không bao giờ chính thức làm giấy hôn thú dù vẫn coi nhau như vợ chồng và khi đi đâu chơi họ cũng gọi nhau là “ông xã”, “bà xã” trước mặt mọi người. Ông ta cũng có 1 người con riêng.

Dù tôi đã ăn học thành tài, mẹ tôi vẫn có ý nguyện để lại tài sản ít ỏi của bà cho tôi khi bà mất nên bà đã làm di chúc để lại căn nhà cho tôi cũng như tiền bạc trong nhà băng và bảo hiểm nhân thọ của bà. Bà không muốn “ba dượng” hay con riêng của ông ta tranh giành tài sản mà bà để lại cho tôi. Tôi cũng không cảm thấy gắn bó với “ba dượng”. Sau khi mẹ tôi chết, tôi không thiết tha duy trì mối quan hệ gì với người “ba dượng” này.

Vì người “ba dượng” hờ này lớn hơn mẹ tôi 7 tuổi nên cả hai mẹ con tôi luôn cho rằng ông ta sẽ chết trước mẹ tôi. Lý do đó chưa bao giờ chúng tôi bàn thảo chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ tôi chết trước.

Trong di chúc của mẹ, tôi là người duy nhất được thừa hưởng tất cả tài sản của mẹ tôi để lại, bao gồm cả căn nhà mà “ba dượng” tôi đang còn ở. Căn nhà đã được pay off từ lâu và cả mẹ tôi và “ba dượng” cùng đứng tên mua. Theo luật pháp tôi có thể làm gì?

Trả Lời

Xin chia buồn với sự mất mát của gia đình bạn. Theo luật Texas, căn nhà đó là tài sản chung của mẹ bạn và người “ba dượng”. Thứ nhất vì căn nhà này mua khi hai người chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định của “common law marriage” dù hai người không chính thức làm giấy hôn thú với nhau.

Thêm vào đó là cả hai người họ cùng đứng tên mua nhà, nên họ là đồng chủ quyền. Dù mẹ của bạn có làm di chúc để lại căn nhà đó cho bạn, trên nguyên tắc, mẹ bạn chỉ có thể cho bạn những tài sản mà bà có chủ quyền. Trong trường hợp này, mẹ bạn chỉ có thể cho bạn một nửa căn nhà.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt (kỳ 2)

Nếu người “ba dượng” không làm chủ bất động sản nào khác và trước giờ chỉ ở căn nhà đó thì ông ta có quyền tiếp tục ở căn nhà đó và chiếm hữu một nửa diện tích của căn nhà dựa vào “homestead protection” (quyền được bảo vệ nơi cư ngụ) của luật Texas.

Bạn không có quyền đuổi ông ta ra để đòi bán nhà chia đôi phần bạn được thừa hưởng của mẹ bạn. Tuy nhiên, sau khi bạn hoàn tất thủ tục hành chánh của tòa án để được chính thức công nhận quyền thừa hưởng tài sản của mẹ bạn, bạn cũng có thể hợp pháp dọn vào ở căn nhà đó và có quyền chiếm hữu, sử dụng một nửa căn nhà. Rồi khi ông ta không ở đó nữa hoặc qua đời, bạn có thể đòi chia phần nửa chủ quyền của bạn.

Nếu bạn không muốn dọn vào ở chung, bạn cũng có thể cho người vào mướn ở một nửa phần căn nhà. Ðó là những cách giải quyết dựa vào luật pháp mà không cân nhắc vấn đề tình cảm hoặc cách ứng xử thiên về lòng nhân đạo.

Bạn nên suy nghĩ và cân nhắc xem mình muốn làm gì với một nửa căn nhà mà bạn được thừa hưởng từ mẹ bạn. Có lẽ cách tốt nhất là ngồi xuống bàn bạc với người “ba dượng” xem ông có những góp ý gì để có thể cả hai đi đến một giải pháp thích hợp nhất.

Chẳng hạn nếu bạn không cần tiền ngay, bạn vẫn phải nộp tờ di chúc của mẹ bạn lên tòa án và hoàn tất thủ tục hành chánh khá phức tạp để được chính thức được công nhận quyền thừa hưởng tài sản của mẹ bạn, bao gồm một nửa căn nhà mà mẹ bạn từng ở với người bạn đời của bà.

Nhưng sau đó, cả người “ba dượng” và bạn nên ngồi xuống để bàn cách giải quyết như thế nào trong việc phân chia tài sản của căn nhà này. Nếu cả hai đồng ý bán và chia đôi thì quá đơn giản, không cần gì để tranh cãi.

Xem thêm:   Easter

Ngoài ra, người “ba dượng” cũng có thể “buy out” (mua lại phần chủ quyền của bạn) bằng cách trả cho bạn số tiền tương đương giá trị một nửa căn nhà.

Nếu ông không có tiền đủ trong nhà băng, thì ông có thể mượn “equity loan” (nợ thế chấp căn nhà), để trả tiền dứt điểm phần một nửa chủ quyền căn nhà cho bạn và ông ta trọn quyền làm chủ căn nhà sau đó.

Tuy nhiên, với giá nhà tăng vùn vụt trên thị trường lúc này, có thể ông ta không muốn cuối đời mà lại phải thiếu một món nợ lớn và lo lắng trả góp một số tiền hằng tháng mà cộng với chi phí khác, tiền già/tiền hưu ông ta không đủ để trang trải.

Nếu ông không chịu, hoặc không có khả năng, trả dứt điểm phần chủ quyền một nửa của bạn, mà bạn cho người vào mướn một nửa diện tích căn nhà, phần chủ quyền của bạn, có thể người “ba dượng” đó cũng không cảm thấy thoải mái với người bạn cho vào mướn ở và nếu ông làm khó dễ người ta thì người mướn nhà cũng không ở bền được.

Còn nếu bạn đã có điều kiện kinh tế thoải mái thì chắc là bạn cũng không muốn dọn vào ở chung với người “ba dượng” mà bạn không mấy mặn mà.

Ðiều trở ngại là, vì đó là tài sản chung và nơi cư trú duy nhất của người “ba dượng” thì bạn cũng không thể đuổi ông ta ra khỏi căn nhà được dù bạn có quyền thừa kế một nửa căn nhà.

Cho dù bạn không gần gũi với người “ba dượng”, nhưng ông ta cũng đã cùng phụ giúp chi phí hằng ngày với mẹ của bạn trong một thời gian lâu dài.

Nếu mẹ bạn không muốn phức tạp thì mẹ bạn khi còn sống cũng có thể độc lập chọn đứng tên mua nhà một mình và tự bà trả hết những chi phí liên quan đến căn nhà đó. Còn khi đã có những chung đụng về tiền bạc, của cải và người “ba dượng” từng phụ giúp chi trả một nửa chi phí cuộc sống với mẹ bạn, dĩ nhiên sẽ nảy sinh những phức tạp đặc biệt là những gia đình chắp nối, con ông con bà như gia đình bạn.

Xem thêm:   Trứng (kỳ 2)

Ngoài ra, khi còn sống, nhờ người “ba dượng” này mà mẹ bạn có người bầu bạn, chăm sóc để bạn không phải quá vướng bận chăm lo cuộc sống hằng ngày cho bà. Cho nên, dù bạn không gần gũi với người “ba dượng”, bạn cũng nên cân nhắc cái ân tình giữa ông ta và mẹ bạn.

Theo luật pháp bạn được quyền làm chủ và sử dụng một nửa căn nhà khi người “ba dượng” còn sống trong căn nhà đó. Ông ta cũng có quyền làm chủ và sử dụng một nửa căn nhà. Nếu ông ta dọn ra không sống ở đó nữa, hoặc sau khi ông ta chết, bạn có thể đòi quyền phân chia tài sản bằng cách yêu cầu tòa chỉ định bán đi chia đôi.

Khi ông còn sống, có thể bạn bàn trực tiếp với ông và yêu cầu ông trả một số tiền tượng trưng hằng tháng cho việc bạn để ông ta sử dụng trọn vẹn diện tích căn nhà. Rồi bạn chờ sau khi ông ta qua đời hoặc không ở đó nữa, bạn có thể đòi chia một nửa số tiền giá trị của căn nhà.

Nhưng ngược lại, cho dù căn nhà không còn thiếu nợ nhà băng, vẫn có những chi phí khác chẳng hạn như property tax, HOA, cắt cỏ, duy trì, tu sửa, mà những người có chủ quyền phải đồng chịu trách nhiệm. Ðây là những chi phí mà bạn và người “ba dượng” phải thỏa thuận rõ ràng trên giấy tờ để tránh hiểu lầm về sau, và tránh việc căn nhà bị tịch thu bởi chính phủ để bán đi trừ tiền thiếu nợ thuế.

Rồi sau khi người “ba dượng” dọn ra hoặc chết, bạn có thể thẳng thắn đòi quyền lợi một nửa của căn nhà bạn được thừa kế từ mẹ bạn.

Công bằng hay công lý đôi khi không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ dàng để quyết định. Cái mà người “ba dượng” cho là công bằng có thể đối với bạn lại là không công bằng, và ngược lại cũng vậy. Cùng ngồi xuống trao đổi cách giải quyết và dùng cái tâm, lòng nhân ái để đối xử với nhau sẽ luôn là điều thích hợp nhất cho cả hai.

Ls.AT