Các trang mạng xã hội như Facebook và Instagram từng là nơi nhiều người chia sẻ ảnh, tin tức v.v. Nhưng trong những năm gần đây, chúng đã trở nên nguy hiểm hơn, thành địa điểm lừa đảo, quảng cáo gây phiền nhiễu và yêu cầu kết bạn của những người không quen biết.

Những vấn đề này ảnh hưởng đến hàng triệu người. Nhưng bạn có thể vượt qua những chuyện đau đầu này và lấy lại sự thích thú với các trang truyền thông xã hội. Sau đây, là trả lời của các chuyên gia truyền thông xã hội cho những câu hỏi quan trọng.

Hỏi – Tôi có thể làm gì để tránh bị hack hoặc lừa đảo?

Đáp – Hãy thiết lập một mật khẩu mạnh, độc đáo cho mọi tài khoản trực tuyến, bao gồm tài khoản email, tài khoản với nhà bán lẻ, và tất nhiên là tài khoản mạng xã hội. Sử dụng xác thực hai yếu tố (hoặc đa yếu tố – two-factor (or multifactor) authentication) – để thêm một lớp bảo vệ khác.

Tiếp theo, hãy nhớ rằng bạn càng đưa ra nhiều thông tin trên mạng xã hội – chẳng hạn như tên và tuổi của con cháu bạn – thì những người muốn lừa đảo bạn càng có thể thu thập được nhiều thông tin hơn. Không bao giờ chia sẻ thông tin nhạy cảm như ngân hàng, địa chỉ hoặc số điện thoại của bạn. Và chỉ đăng những gì bạn thấy thoải mái muốn chia sẻ công khai, bất kể bạn sử dụng privacy settings – cài đặt quyền riêng tư ra sao.

Xem thêm:   Muối & bột ngọt

Nếu tài khoản của bạn đã bị hack, bạn có thể bị khóa. Làm theo hướng dẫn khôi phục tài khoản của nền tảng truyền thông xã hội; đối với Facebook, hãy truy cập facebook.com/hacked để bắt đầu. (Cơ hội khôi phục tài khoản của bạn sẽ cao hơn nếu bạn tuân thủ các biện pháp bảo mật).

Sau khi khôi phục quyền kiểm soát, bạn cần thay đổi mật khẩu và xem lại thông tin khôi phục tài khoản của mình, chẳng hạn như địa chỉ email. Kiểm tra những tin nhắn mà hacker đã gửi từ tài khoản của bạn, hoặc những người bạn mới mà bạn không nhận ra. Cuối cùng, hãy thông báo cho bạn bè của bạn qua email hoặc bằng cách nhắn tin hoặc đăng bài.

Hỏi – Tôi có thể bảo vệ quyền riêng tư của mình khi tham gia các nhóm Facebook không?

Đáp – Có sự khác biệt giữa các nhóm công khai và riêng tư. Nếu bạn dự định chia sẻ nhiều nội dung trong một nhóm Facebook mới – ví dụ: ảnh em bé hoặc thông tin chi tiết về chuyến đi sắp tới của bạn – hãy đặt nhóm đó ở chế độ riêng tư. (Không có sự bảo đảm 100% nào về quyền riêng tư, bởi vì nếu ai đó chụp ảnh màn hình và đăng lại lên tài khoản của họ thì nó sẽ bị công khai).

Còn nếu bạn tham gia một nhóm hiện có thì sao?

Xem thêm:   Hợp đồng mua bán nhà

Cài đặt quyền riêng tư (privacy settings) của bạn quyết định những gì người khác sẽ biết được từ hồ sơ của bạn. Để xem các options – tùy chọn, hãy sử dụng Facebook Privacy Checkup –  Kiểm tra quyền riêng tư của Facebook. (Nhấp vào ảnh hồ sơ của bạn, sau đó nhấp vào “Settings & Privacy – Cài đặt & Quyền riêng tư”, rồi “Privacy Checkup – Kiểm tra quyền riêng tư”). Thao tác này sẽ cung cấp cho bạn một số cách để khiến mọi thứ trở nên riêng tư hơn. Ví dụ: trong “Who can see what you share – Ai có thể xem nội dung bạn chia sẻ”, bạn có thể chọn đối tượng chỉ gồm bạn bè cho ngày sinh, thành phố hiện tại và bài đăng của mình. Và bạn có thể tạo hình đại diện kỹ thuật số (digital avatar) cho ảnh hồ sơ của mình thay vì tải ảnh thật lên.

Bạn có thể đăng bài ẩn danh trong nhóm Facebook nếu quản trị viên (administrators) cho phép, nhưng tên của bạn sẽ vẫn hiển thị với quản trị viên và người kiểm duyệt (moderators).