Hỏi: Tôi có một thằng con trai đã ba mươi mấy tuổi và hiện đang làm việc ở một công ty điện tử. Tôi rất thương con nhưng thú thật nó không hề biết vun vén, tiết kiệm như hai vợ chồng tôi. Hiện tại nó đang mướn một căn chung cư rất sang và mắc tiền ở downtown Dallas. Đó cũng là một trong những lý do nó có đồng nào là xài hết đồng đó mà không hề để dành được tiền mua nhà.

Tôi định giúp con mình bằng cách bỏ tiền down giúp con mua nhà để nó không phải mướn ở chung cư về sau đó tài sản của nó. Con trai tôi không có tiền để dành nên tôi muốn giúp nó cùng ký giấy tờ mượn nợ để nó được “qualify” mượn tiền và được mượn với tiền lời thấp. Tôi muốn con học tinh thần trách nhiệm thay vì ỷ lại tôi mà không trả tiền đầy đủ cho nhà bank. 

Tiền con trai phải trả góp cho nhà bank hằng tháng sẽ không phải là một số tiền nhỏ và số tiền tôi giúp nó mua nhà cũng là số tiền mà vợ chồng tôi ky cóp để dành để trong trường hợp khẩn cấp thì ngoài tiền hưu/tiền già, chúng tôi dự tính có một số tiền để tự lo cho mình mà không phải phiền đến con cái. Nếu nó không có trách nhiệm và làm thâm thủng vào tiền chúng tôi để dành hay tiêu tán hết thì cũng làm cho chúng tôi thiệt hại cho những chi phí thể nảy sinh trong tương lai của tuổi già chúng tôi. Xin luật sư cho tôi ý kiến chúng tôi có nên làm việc này không?

Đáp: Với những người trẻ, họ sống làm sao cho thoải mái nhất mà nhiều khi không nghĩ đến tương lai. Căn chung cư sang trọng mà con trai quý vị mướn có thể là nơi thuận tiện để anh ta sinh hoạt, vui chơi, giao du với bạn bè. Nên anh mướn mà không nghĩ đến việc mua nhà để dành tiền và trả tiền cho nơi mình ở mà mình được làm chủ thay vì đi thuê mướn.

Xem thêm:   Trứng

Dù thương và muốn giúp con, quý vị cũng nên cân nhắc hợp lý.  Mua nhà là một trách nhiệm và chi phí lớn trong một thời gian dài. Bị lệ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của một người khác, dù đó là con mình, cũng là một việc rủi ro cao.

Trước khi nhảy vào việc cùng con mượn nợ mua nhà, quý vị và con trai nên cùng ngồi xuống liệt kê chi tiết tất cả những chi phí phải trả khi làm chủ một căn nhà cộng với tiền mượn nợ nhà bank. Cân nhắc lợi tức hằng tháng và tính chất vững chắc của công việc của con quý vị xem thực tế con trai quý vị có chi trả nổi trong một thời gian mấy chục năm hay không. Ngoài ra, phải bàn tính kế hoạch phụ trong trường hợp con trai quý vị không trả nổi nữa thì cách giải quyết như thế nào để không gây thiệt hại hay giảm ảnh hưởng tối đa cho quý vị.

Có một cách khác nữa mà quý vị có thể cân nhắc là tăng tiền down cao lên để số tiền phải trả hằng tháng giảm xuống trong khả năng kinh tế của con trai quý vị, và khi quý vị cùng đứng tên mượn nợ thì nhớ kiểm tra tên của quý vị cũng có trong giấy Warranty deed để nếu có chuyện gì xảy ra thì nhà bank cũng sẽ liên lạc quý vị mà cậu con trai của quý vị không giấu quý vị được.

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

Khi quý vị cùng đứng tên mượn nợ và trả tiền closing cost (chi phí hoàn tất hồ sơ), tiền quý vị bỏ ra cho con, sở thuế cũng có thể cho đó là quà (gift) mà con trai quý vị phải đóng thuế nếu số tiền đó hơn 17 ngàn đô (đây là mức tiền tối đa mà một người có thể cho tặng người khác mỗi năm mà người nhận không cần phải khai thuế).

Bên cạnh đó người trong gia đình cũng có thể thành lập một quỹ tiền cho người trong gia đình mượn (intrafamily loan) với những điều khoản tương tự như mượn tiền nhà bank nhưng tiền lời có thể thấp hơn nhiều, theo luật là tối thiểu phải bằng federal rate để người được cho mượn nợ không phải đóng thuế quà tặng (gift tax), nhưng thủ tục hay điều kiện trả nợ có thể dễ dàng hơn nhà bank.

Khi quý vị giúp con trai thì có thể cậu con trai sẽ cảm thấy mình may mắn và học tính toán chi phí một cách hiệu quả và trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, sự giúp đỡ này cũng có thể phản tác dụng. Quý vị cũng nên chuẩn bị tâm lý trước cho việc con trai quý vị không trả nợ đầy đủ hằng tháng, hay có những khi con trai quý vị quên trả.

Một số vấn đề quý vị nên hỏi con trai mình là:

  1. Con trai quý vị có những món nợ nào khác phải trả hằng tháng, chẳng hạn còn nợ những thẻ tín dụng nào và payment hằng tháng là bao nhiêu;
  2. Nếu công việc bấp bênh và income không đều đặn hằng tháng thì con trai quý vị có đủ tiền để dành để chi trả tất cả những chi phí ít nhất là cho 6 tháng hay không;
  3. Con trai quý vị có sẵn sàng công khai tất cả những khoản chi thu của anh ta với quý vị trong 6 tháng để quý vị giúp hướng dẫn cậu ta cách quản lý và tính toán hợp lý không.
Xem thêm:   Nhật thực

Riêng phần quý vị, nếu cậu con trai không có khả năng trả nữa thì quý vị có cáng đáng được thêm món nợ đó hay không? Ngoài ra, khi quý vị bị thâm hụt hết tiền để dành vì giúp con thì trong trường hợp khẩn cấp hay bất đắc dĩ, quý vị có tự lo cho mình được hay không.

Ngay cả vấn đề mua bán bất động sản cũng có thể có rủi ro. Thường thì giá nhà tăng lên, nhưng cũng có khả năng thị trường bị khủng hoảng và giá nhà bị rơi xuống thấp hơn giá mình mua hay cần phải sửa chữa thì cậu con trai có gánh nổi hay không?

Ngoài ra, quý vị cũng có thể thành lập một cái Trust của gia đình và dùng tiền trong Trust để mua nhà và cho cậu con trai ở đó và phải trả tiền rent hằng tháng. Sau khi quý vị qua đời thì con trai quý vị được quyền thừa kế căn nhà đó qua thủ tục của Trust mà không phải ra tòa.

Nhiều khi cha mẹ luôn muốn giúp con và dạy con mình tinh thần trách nhiệm, nhưng những bài học đó đôi khi con quý vị phải trải qua vài kinh nghiệm cay đắng của trường đời mới chịu thay đổi và không ỷ lại cha mẹ.  Trước khi quyết định ký tên giấy tờ giúp con mượn nợ mua nhà, cả quý vị và con trai nên đến tham khảo luật sư để hiểu rõ những rủi ro và trách nhiệm của mình để cả hai bên có sự chuẩn bị đầy đủ mà không phải hối hận hay buồn lòng nhau về sau.

Ls. AT

(Nhắn Tin Qua Cell Phone: 623-341-8835)