Câu Hỏi

Tôi đi thêm bước nữa sau khi người chồng đầu qua đời. Lúc tôi và người chồng sau đến với nhau, ông ly dị và đã có 4 người con với người vợ trước. Tôi thì có một đứa con trai với người chồng trước. Chúng tôi cùng nhau nuôi dạy các con đồng đều, công bằng như là con chung của nhau. Chúng tôi cũng nhập chung tất cả tài sản, tiền bạc với nhau mà không hề tính toán được thua. Cả hai vợ chồng tôi đi làm cật lực để có khả năng lo cho các con một cuộc sống đầy đủ, không hề thua kém bạn bè bất cứ cái gì.

Tôi may mắn được người chồng sau thương yêu mình và con riêng của mình hết lòng. Con của tôi cũng thương kính, gắn bó với cha dượng của nó và coi ông như cha ruột. Riêng tôi, không được may mắn như vậy. Dù tôi luôn cố gắng gần gũi, thương yêu các con riêng của chồng vô điều kiện, vợ cũ của chồng tôi luôn tác động tiêu cực gây cho các con sự hằn học, khoảng cách giữa các con riêng của chồng và hai vợ chồng tôi.

Ngoài vấn đề trả tiền cấp dưỡng (child support) đầy đủ cho người vợ cũ, chúng tôi tạo mọi điều kiện để các con riêng của chồng được gặp gỡ đều đặn và sinh hoạt gia đình cùng với chúng tôi hằng tuần. Có thời gian, chúng còn về chung sống với cả hai vợ chồng tôi full-time khi chúng nó nổi loạn ở lứa tuổi vị thành niên và trở nên xung khắc với mẹ chúng. Nhưng chúng vẫn không gần gũi với hai vợ chồng tôi và luôn trách bố nó vì việc ly dị của hai người.

Nay các con của cả hai đã trưởng thành và dọn ra ở riêng với gia đình nhỏ của chúng nó. Con trai tôi học xong đại học với bằng kỹ sư nhưng cuộc sống cũng không dư dả gì vì cũng chỉ làm với mức lương căn bản của một nhân viên chính phủ, nhưng cháu vẫn thường xuyên đến thăm chúng tôi và quan tâm, chăm sóc cả hai vợ chồng tôi. Trong khi đó, con riêng của chồng tôi rất khá giả. Đứa thì làm chủ 2-3 tiệm nails. Đứa thì làm chủ nhà hàng, đầu tư địa ốc. Một đứa là bác sĩ. Nhưng gần như các con riêng của chồng tôi hoàn toàn cắt đứt liên lạc với chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi gọi hay nhắn tin hỏi thăm, chúng nó không buồn trả lời. Mời chúng nó sang chơi, họp mặt thì chúng luôn từ chối, nhưng khi chúng tôi gửi quà hay cho tiền thì chúng vẫn nhận. Tôi cũng chạnh lòng nhưng không muốn nói ra vì sợ gây nặng nề, buồn phiền thêm cho chồng tôi. Nhưng ít ra, tôi cảm thấy được an ủi phần nào khi chúng tôi luôn được con trai tôi có hiếu với cả hai chúng tôi.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt

Thời gian gần đây, sức khỏe của chồng tôi suy sụp. Ông muốn chuẩn bị trước tất cả để phòng hờ chuyện bất trắc xảy ra. Do đó ông muốn chúng tôi đi làm di chúc. Tuy nhiên, ý nguyện của ông làm tôi không cảm thấy vui vì ông muốn cả hai cùng làm di chúc để lại tất cả tài sản cho nhau trước. Sau đó, nếu khi người còn lại qua đời thì toàn bộ tài sản của chúng tôi chia đều ra 5 phần cho 4 con riêng của chồng và 1 đứa con riêng của tôi. Tôi đưa ra vấn đề về mối quan hệ và cách đối xử của các con riêng của chồng tôi thì ông trả lời rằng, dù các con của ông có sao đi nữa ông cũng không muốn bỏ rơi chúng nó, và ông muốn đối xử với tất cả các con, bao gồm cả con riêng của tôi, đồng đều nhau.

Tôi không ghét gì con riêng của chồng tôi. Nhưng rõ ràng khi cả hai chúng tôi còn sống và khỏe mạnh, chúng đã và đang không quan tâm gì tới chúng tôi. Tôi thiết nghĩ, phân chia tài sản thừa kế theo ý chồng tôi sẽ là một sự thiệt thòi cho cậu con trai của tôi. Đáng lẽ ra 50% tài sản phải nên chia đều cho các con của chồng tôi. Còn 50% còn lại là phần của con trai tôi. Tôi tin rằng con trai tôi sẽ là đứa duy nhất giúp chăm sóc 2 vợ chồng tôi khi chúng tôi bệnh hoạn, già yếu. Ngay cả hiện tại, các con riêng của chồng tôi cũng chẳng tha thiết gần gũi gì với bố chúng nó, huống hồ gì là tôi. Có thể trong tương lai chúng nó sẽ thay đổi, nhưng điều này chúng tôi cũng không mong đợi nhiều.

Tôi có quá ác độc, bất công với con riêng của chồng không khi muốn giành 50% cho con riêng của mình? Mấy chục năm nay hai vợ chồng tôi sống thuận hòa, hạnh phúc. Tôi đã hy sinh rất nhiều cho chồng và con riêng của chồng, nhưng hiện tại việc bất đồng ý kiến về vấn đề phân chia tài sản thừa kế cho các con giữa hai vợ chồng tôi gây xung khắc và nặng nề trong đời sống hôn nhân của 2 vợ chồng. Đã có lúc ông còn đề cập đến vấn đề ly dị làm tôi vô cùng tổn thương. Xin luật sư cho ý kiến về việc phân chia tài sản như thế nào là công bằng nhất?

Trả Lời:

Ý kiến chị đưa ra hiện tại về việc phân chia tài sản cho các con cũng không có nghĩa là chị là người ác độc, bất công. Hãy phân tích về việc này một cách chi tiết hơn trước khi chúng ta đi đến một kết luận.

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

Khi chúng ta làm di chúc để lại tài sản, việc cân nhắc về mối quan hệ huyết thống với những người thừa hưởng và cách họ đối xử với mình tốt hay không ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của chúng ta để lại tài sản cho ai, nhiều hay ít như thế nào.

Hai vợ chồng chung sống thì dù người vợ chỉ ở nhà nội trợ, không đi làm, tất cả tài sản có được khi là vợ chồng với nhau vẫn là tài sản chung, và mỗi người có quyền được phân chia 50% tài sản đó nếu hôn nhân tan vỡ.

Nếu các con riêng của chồng chị có mối quan hệ tốt đẹp, gần gũi với hai vợ chồng chị thì việc phân chia tài sản đồng đều làm 5 phần bằng nhau cũng có thể chấp nhận được dù điều đó có phần nào thiệt thòi cho con chị. Tuy nhiên, trước giờ các con riêng của chồng chị không tha thiết xây dựng mối quan hệ với ngay cả bố chúng nó thì điều chị cân nhắc khi phân chia tài sản cũng hợp lý thôi.

Ðặc biệt là sau khi các con riêng của chồng chị đã trưởng thành và có điều kiện tìm hiểu, suy nghĩ độc lập, không phải lệ thuộc vào mẹ ruột nữa, nhưng họ vẫn chọn không liên lạc hay quan tâm gì đến bố của họ thì đó là quyền của họ. Dù hai vợ chồng chị có tốt với họ cách mấy đi nữa, thì cũng không thể nào thay đổi họ nếu chính họ không muốn gần gũi với hai vợ chồng chị. Mà như vậy thì nếu hai vợ chồng chị phân chia làm 5 phần đều nhau trong khi người con trai riêng của chị là người duy nhất chăm sóc, giúp đỡ hai vợ chồng chị bất cứ lúc nào anh chị cần thì rõ ràng anh chị bất công với cậu con trai này.

Ngay cả khi một vợ, một chồng và chỉ có con cái chung, thì cha mẹ vẫn cân nhắc việc phân chia tài sản nhiều hơn cho đứa con nào có hiếu hơn hay hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn.

Việc hai vợ chồng chị viết di chúc hiện tại rồi sau này nếu các con riêng của chồng chị thay đổi, gần gũi và tốt với hai vợ chồng chị thì anh chị có thể thay đổi di chúc và làm lại di chúc khác không trở ngại gì cả. Những điều khoản trong di chúc của mỗi người chỉ không thể thay đổi được sau khi mình qua đời, hay còn sống nhưng chỉ là đời sống thực vật. Do đó di chúc hiện tại sẽ là cái dựa vào những dữ liệu mà anh chị có ngay lúc mình làm di chúc đó, và mình có quyền thay đổi nếu những điều mình dựa vào để cân nhắc khi làm di chúc thay đổi.

Xem thêm:   Trứng (kỳ 2)

Ðiều quan trọng là anh chị trao tài sản thừa kế toàn bộ cho người phối ngẫu khi mình qua đời. Có nghĩa là khi anh mất trước chị, chị được quyền giữ 50% của tài sản chung, và chị được thừa hưởng toàn bộ phần 50% của chồng chị. Sau đó, chị có toàn quyền quyết định phân chia tài sản chung đó như thế nào.

Nếu chị ban đầu làm di chúc chia đều 5 phần cho các con. Sau khi chồng chị mất, chị muốn cho con chị 50%, và 50% còn lại chia đều cho các con riêng của chồng chị thì việc chị thay đổi di chúc và làm di chúc mới theo hướng phân chia này cũng hoàn toàn hợp pháp.

Còn trong trường hợp ngược lại, sau khi hai vợ chồng chị làm di chúc và thỏa thuận là phân chia theo như ý chị muốn là 50% cho con chị và 50% cho các con riêng của chồng chị. Nhưng nếu chị mất trước chồng chị, và sau khi được thừa hưởng toàn bộ tài sản, chồng chị đi làm di chúc mới để phân chia tài sản làm 5 phần đồng đều nhau cho các con của anh và cậu con trai của chị thì điều này cũng hoàn toàn hợp pháp, mà lúc đó cũng chẳng ai ngăn cản chồng chị được.

Chi bằng cả hai vợ chồng tôn trọng quyết định riêng của nhau ngay từ đầu, và làm di chúc cho rõ ràng là khi một trong 2 người mất thì người còn sống có quyền giữ phần 50% đương nhiên là thuộc về họ do là tài sản chung của 2 vợ chồng. Còn 50% của người mất thì người đó có quyền chia cho bất cứ người nào tùy ý. Ðừng để tự ái hay tính toán cá nhân muốn điều khiển (control) phần và quyền quyết định của người bạn đời làm ảnh hưởng đến mối quan hệ, tình cảm gia đình hiện tại với nhau. Sự rõ ràng và tôn trọng quyền quyết định riêng tư cũng là lý do mà luật pháp muốn mỗi người làm một di chúc riêng dù là hai vợ chồng và dù cả hai quyết định giống nhau 100% về việc phân chia tài sản thừa kế, vì luật pháp cho phép mỗi người có quyền thay đổi bất cứ lúc nào việc quyết định phân chia tài sản thừa kế của mình khi mình còn sống.

Ls. Anh Thư

(Cell Phone: 623-341-8835)