Biển Chết, Biển Muối hay “Dead Sea”,  (“Sea of Death”) theo tiếng Ả Rập và  (“Salt Sea”) theo Hebrew, là tên gọi của vùng biển nằm giữa đất liền trên biên giới của Israel và Jordan, phía tây nam của châu Á. Thực ra Biển Chết là một cái hồ nước muối dù có tên gọi là “biển”. Phía đông Biển Chết thuộc về Jordan; nửa nam của phía tây thuộc về Israel và nửa bắc của phía tây thuộc West Bank của Palestine nhưng bị chiếm đóng bởi Israel sau cuộc chiến tranh 1967; báo chí Ả Rập gọi vùng đất này là “đất tạm chiếm” hay ‘occupied land’. Từ phía bắc, nước sông Jordan đổ về Biển Chết.

Theo tiền lệ từ thế kỷ XX, đo lường mực sâu của mặt đất dựa trên mực nước biển, Biển Chết có độ sâu 400 thước (1,300 bộ Anh) dưới mặt biển và là điểm sâu nhất, thấp nhất của địa cầu.  Tuy nhiên, bị con người tận lực khai thác, cả Jordan lẫn Israel đều thu góp nước sông Jordan và nước Biển Chết để sử dụng, buôn bán nên độ sâu của Biển Chết mỗi ngày một sâu thêm: từ những năm 2010, độ sâu của Biển Chết là 430 thước và mỗi năm sâu thêm 1 thước nữa.

bien-chet3

Bờ biển Dead Sea

Biển Chết dài khoảng 50 dặm, rộng khoảng 11 dặm và diện tích là 394 dặm vuông. Biển sâu nhưng cạn nước, mỗi ngày một khát khô như vùng sa mạc Judean chung quanh. Biển cạn nên đất khô và sụp, sinkholes, kéo theo những khách sạn & khu giải trí xây cất dọc bờ biển trong thập niên 70-80 của thế kỷ trước; ngày nay chỉ còn là mấy bãi muối khô dưới nắng mặt trời. Ði dọc theo bờ biển sẽ thấy những đùn muối nổi lên giữa các vũng nước. Bờ biển không có cát mà toàn là muối!

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Ngoài sông Jordan, nguồn nước chính, bốn lạch nước  cũng đổ nước về Biển Chết. Vài mạch nước chứa nhiều lưu huỳnh chảy ngầm dưới đất cũng đổ về Biển Chết; không lạ là không khí trong vùng thoang thoảng mùi trứng thối.

bien-chet4

Bản đồ Dead Sea

Lượng muối của Biển Chết thay đổi theo độ sâu; ở độ sâu khoảng 40 thước, Biển Chết có nhiệt độ là 66 – 98 độ F, nồng độ muối khoảng 300ppm hay 300mg muối trong mỗi lít nước và nước chứa nhiều sulfates & bicarbonates. Ở mức sâu hơn (40-100 thước), nồng độ muối gia tăng 332ppm, nước chứa hydrogen sulfide nhiều khoáng chất khác như magnesium, potassium, chlorine, và bromine. Ở mực sâu hơn nữa, nước chứa toàn muối và đóng cục dưới đáy.

Muối Biển Chết có mặn nhưng có vị đắng, có lẽ do các khoáng chất. Nước biển cũng đắng như thế.

bien-chet2

Đồi muối và cục muối

bien-chet1

Con người tận dụng nước và khoáng chất nên sinh thái tại Biển Chết và vùng phụ cận thay đổi khá nhiều, muối và khoáng chất trong nước biển đóng từng lớp, lúc nổi lúc chìm tùy theo nhiệt độ. Tuy nhiên, nước mặn nên chẳng có mấy loài thủy sinh sống sót trừ halophytes. Nước muối “nặng” nên người đi bơi có thể nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Dế Mèn thò hai chân xuống biển, sức vóc cũng khá khá mà vẫn có cảm tưởng chênh vênh, hai chân như bị đẩy ngược lên mặt nước và sẽ té nhào. Nhớ đến câu chuyện kể trong kinh thánh là Jesus có thể “đi” trên mặt nước, có lẽ là tại vùng Biển Chết này đây?

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Năm 2015, Israel và Jordan ký kết một hiệp ước đồng lòng tiết giảm việc khai thác Biển Chết, chỉ lấy muối khoáng ở mức nhất định để bảo vệ vùng sinh thái. Ðứng trên núi [muối], ta có thể thấy xe vận tải đi lại dọc biên giới, vận chuyển những kiện hàng ra vào xưởng chế biến. Và để có đủ nước dùng, cả hai quốc gia đều đặt các trạm lọc nước dọc kênh đào từ Biển Ðỏ (Red Sea), muối thải ra được đổ vào Biển Chết. Người Israel rất hãnh diện về kỹ thuật lọc nước biển (loại trừ muối) của họ, người dẫn đường nói rằng họ đang hướng dẫn người California về cách áp dụng kỹ thuật lọc nước kể trên để giảm hậu quả của việc hạn hán liên miên (?). Riêng Dế Mèn thì thắc mắc lắm, muối từ Biển Ðỏ, biển Ðịa Trung Hải có thể khuân ra Biển Chết; Biển Chết không có thủy sinh nên bỏ thêm muối thì cũng không mấy ảnh hưởng (?), nhưng còn Thái Bình Dương thì sao? Nếu California lấy nước để dùng thì người Huê Kỳ sẽ đổ muối đi đâu? Và sẽ gây ảnh hưởng gì với vùng sinh thái chung quanh?

bien-chet

Tác giả trên đường núi đến Dead Sea

Băn khoăn về chuyện sinh thái nhưng bá tánh vẫn kiếm bạc triệu trong việc khai thác khoáng chất từ Biển Chết. Israel có cả ba bốn công ty mỹ phẩm rao bán các sản phẩm từ Biển Chết để làm đẹp, để chữa bệnh hầm bà lằng. Các món hàng ấy đắt gấp đôi so với giá cả mỹ phẩm bán bên Hoa Kỳ. Họ quảng cáo rằng mấy món bùn nhão, muối hột, kem thoa mặt, thoa tay chân chứa khoáng chất của Biển Chết …; sản phẩm từ Biển Chết không chứa phấn hoa (?), tinh tuyền (chẳng có thứ gì sống nổi trong thứ nước mặn như thế nên tinh tuyền là điều dễ hiểu?!) lắm…; sẽ cải lão hoàn đồng, quý bà quý cô sẽ trẻ ra ít nhất mười tuổi sau khi dùng… [bùn hút hết chất nhờn trên da nên sau khi rửa mặt, sẽ thấy da căng (taut) trong chốc lát cho đến các túi dầu (sebaceous glands) ở lỗ chân lông tiết ra đủ lượng chất nhờn (sebum) cần thiết].

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Lang thang dọc bờ biển, phe ta thấy có mấy phụ nữ thoa bùn lên mặt, định chụp hình về khoe bạn đọc mà sợ bị ném đá [muối cục] nên chỉ cười cười đi tiếp. Có người bạn trong nhóm sau khi đắp bùn lên mặt than rằng sao da tui khô quá xá… Dế Mèn định chọc ghẹo là muối Biển Chết được dùng để ướp xác (chuyện có thực), nhưng không dám.

Mấy ngày ở Biển Chết trời nắng gắt, không khí sa mạc lại khô rang nên chỉ có thể lang thang vào buổi mai, đến khoảng hai giờ trưa là ngầy ngật mệt mỏi, về quán trọ chỉ gặp những du khách Nga kẻ đi lại, người ngồi phi thuốc lá mù mịt, ai cũng ở trần phơi thùng nước lèo to kềnh với cái quần tắm kiểu ‘Z string’ nên trông nản lòng hết sức. Dế Mèn nghe nói rằng dân Nga thích đi tắm nước muối, yêu chuộng các loại “spas” nên Biển Chết là nơi nghỉ “mát” lý tưởng của họ. Phe ta ở đó ba ngày, đủ để ghé thăm Masada, Qum Ran, ốc đảo Ein Gedi và loanh quanh trong sa mạc, giữa các ngọn đồi kết tinh từ muối nên chuyến đi khá thích thú.

TLL