Lời tòa soạn: Ngày 20 tháng 7 năm 1969 con người đã đặt bước chân đầu tiên của mình xuống mặt trăng- bước chân của người Hoa Kỳ; bỏ lại quá xa đối thủ của mình là Nga Sô trong cuộc đua vào không gian mà Tổng thống Kennedy đã phát động. Cho tới nay chưa một quốc gia nào nữa có người đổ bộ lên mặt trăng. Trẻ giới thiệu bài viết nhân kỷ niệm 50 năm ngày lịch sử đó.

Bốn ngày đầu tiên của chuyến thám hiểm mặt trăng diễn ra suôn sẻ như trong lúc thực hiện các bài tập huấn luyện. Nhưng khoảng 20 phút trước khi đáp xuống mặt trăng, ngày 20 tháng 7 năm 1969, những vấn đề đầu tiên nảy sinh.

Hỏa tiễn của Von Braun phóng phi thuyền Apollo 11 lên không trung.

Trước hết, thông tin liên lạc vô tuyến với phòng chỉ huy và điều khiển ở Houston bị gián đoạn. Sau đó, trong quá trình ‘hạ cánh’, chuông báo động vang lên trong mô đun mặt trăng “LEM” được điều khiển bởi phi thuyền trưởng Neil Armstrong và phi hành gia Edwin ‘Buzz’ Aldrin.

Hai giờ trước đó, mô đun LEM tách ra khỏi phi thuyền mẹ hay phi thuyền chỉ huy, do phi hành gia thứ 3, Michael Collins, điều khiển. Lo lắng, Armstrong yêu cầu phòng chỉ huy mặt đất ở Houston giải thích: “Hãy cho chúng tôi lời giải thích về lý do báo động 12 02”. Houston trả lời:  “Không rõ lý do. Máy tính trên phi thuyền bị quá tải, nhưng các hệ thống nói chung, vẫn hoạt động tốt”.

Ảnh phi hành đoàn Apollo 11, từ trái qua phải: Neil Armstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin.

Các miệng hố trên bề mặt mặt trăng lùi về phía… với tốc độ cao. Quá nhanh, vị chỉ huy nhận thấy: khu vực hạ cánh sẽ bị vượt quá vài km. Armstrong tay nắm cần điều khiển. Anh đang tìm khu vực đổ bộ mới qua cửa kính LEM. Nhưng ‘đầy đá lởm chởm’. Aldrin đọc cho Armstrong thông tin từ máy vi tính: tốc độ thẳng đứng và độ cao. “600 pieds… 300 pieds…” (pied: đơn vị đo lường = 30 cm (11.8 inches). Armstrong: “Sẽ hạ cánh ngay sau miệng hố này thôi”.

Ðồng hồ đo nhiên liệu hạ xuống.

Lặng thinh, Armstrong tập trung suy nghĩ.

“30 giây”, Houston thông báo.

Bảng chú thích sứ mệnh Apollo 11 đưa các phi hành gia Hoa Kỳ lên Mặt trăng.

Mô đun chỉ huy di chuyển chậm lại. LEM gần như đứng chựng lại. Cuối cùng nó hạ cánh, càng chạm mặt trăng.

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

LEM tắt máy. Armstrong báo cáo:  “Houston, đây là khu vục ‘Biển tĩnh lặng’. Ðại bàng đã hạ cánh”.

“Ghi nhận rõ, Tĩnh…Tĩnh lặng”, Charlie Duke trả lời từ trái đất. “Giây phút hồi hộp đã qua. Bây giờ mọi người có thể thở phào nhẹ nhõm”.

Phi hành gia đứng bên quốc kỳ Hoa Kỳ.

“Von Braun”

Vào thời điểm đó, con số đưa ra là 400,000 người tham gia chương trình Apollo. Nhưng chỉ có 2 người thật sự đổ bộ lên mặt trăng.

Năm 1961, Tổng Thống John Fitzgerald Kennedy đã hỏi vị Phó Tổng Thống, Lyndon Johnson, làm thế nào để đánh bại Liên Xô trong cuộc chạy đua không gian. Johnson sực nhớ lại “Ông hỏa tiễn” của NASA, Wernher Von Braun, người đào tẩu của Ðức Quốc xã. Ông đã phát minh ra hỏa tiễn V-2 tấn công vào thủ đô Londres. Vào cuối cuộc chiến, ông đầu hàng và được Hoa Kỳ chuyển về Alabama cùng với khoảng 100 kỹ sư của ông để thành lập “Thành phố Hỏa tiễn” (Rocket City).

Vị kỹ sư tài ba người Ðức sốt sắng trả lời Johnson rằng gởi người lên cung trăng là dự án duy nhất mà người Nga có thể bị đánh bại vì họ không có hỏa tiễn đủ mạnh. “OK”, Kennedy bật đèn xanh.

8 năm sau, Richard Nixon được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ.

Trong trường hợp xảy ra bi kịch, Tổng Thống đã chuẩn bị tâm lý…: “Nếu thất bại thì xem như định mệnh đã sắp đặt những phi hành gia thám hiểm mặt trăng trong hòa bình, sẽ vĩnh viễn an nghỉ trên mặt trăng trong hòa bình”.

Nhưng nỗ lực phi thường của nước Mỹ đã được đền đáp. Mọi thứ diễn ra rất nhanh nhờ Quốc hội giao toàn quyền quyết định cho Tổng Thống. Từ tháng 10 năm 1968 đến tháng 5 năm 1969, bốn sứ mệnh chuẩn bị cho chuyến thám hiểm mặt trăng của chương trình Apollo đã thành công tốt đẹp. Tháng 12 năm 1968, Armstrong được chọn chỉ huy sứ mệnh Apollo thứ 11. Nhưng chỉ vài tháng trước khi phi thuyền Apollo được phóng lên, Armstrong mới thông báo với đồng đội rằng ông sẽ là người đầu tiên rời mô đun LEM để đổ bộ xuống mặt trăng.

Mãi đến sau này, Aldrin mới thuật lại trong quyển tự truyện của mình: “Tôi đã giữ im lặng trong nhiều ngày bằng cách đè nén tức giận đối với Neil Armstrong. Dù sao thì Armstrong vẫn là người chỉ huy, tức là người lãnh đạo”.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt

“Bước tiến nhảy vọt”

Khi hỏa tiễn của Von Braun được phóng lên mang theo phi thuyền Apollo 11 ở đỉnh của nó, ngày 16 tháng 7 năm 1969, một triệu người đã chứng kiến sự kiện trọng đại này trên bãi biển Florida, gần Cape Canaveral. Nhưng nhiều người nghi ngờ việc phi hành đoàn có thể đặt chân lên mặt trăng trong chuyến thám hiểm lần này. “Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi có đến 90% cơ may sống sót quay trở về trái đất, và 50% cơ hội hạ cánh thành công xuống mặt trăng”, Armstrong cho biết vào năm 1999.

Ðối với người Mỹ, Apollo 11 đáp xuống mặt trăng vào chiều Chủ Nhật. Ở Châu Âu, trời đã tối, nhưng mọi người ở mọi nơi đều ngồi trước tivi… để chỉ nghe tiếng máy liên lạc vô tuyến, cho đến khi Armstrong lắp đặt xong máy camera màu đen trắng, trước khi đặt bước chân đầu tiên lên chị Hằng.

Bà của Armstrong đã khuyên ông không nên bước xuống mặt trăng nếu cảm thấy nguy hiểm. Armstrong đã đồng ý, theo quyển “Rocket Men” của Craig Nelson.

“Chân của mô đun LEM ghim xuống chỉ vài phân, dù bề mặt của mặt trăng được phủ một lớp hạt rất mịn”, Armstrong mô tả. “Nó gần giống như bột”. “Ðược rồi, tôi sẽ bước xuống từ LEM”.

Và sau vài giây im lặng, Armstrong nói tiếp: “Ðây là một bước nhỏ của con người, nhưng là một bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại”.

Ðó là thời điểm 10:56 PM ngày 20 tháng 7 năm 1969 ở Houston, tức 2:56AM ngày 21 tháng 7 năm 1969 theo giờ GMT.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2001, Armstrong đáp: “Tôi đã nghĩ đến câu nói trên sau khi đặt chân xuống mặt trăng”. Trên thực tế, Armstrong giải thích rằng ông muốn nói “đối với một người”, nhưng ông nhận ra rằng câu nói của ông đã không nghe được đầy đủ qua đường truyền vô tuyến.

Dấu chân phi hành gia Hoa Kỳ để lại trên mặt trăng.

“Ở gần, mặt trăng trông như thế nào?”

Màu sắc thay đổi tùy theo góc của mặt trời: từ màu nâu đến màu xám rồi đen như than.

Trọng lực thấp đòi hỏi một thời gian để thích ứng. “Tôi bắt đầu chạy một chút, và có vẻ như tôi đang di chuyển chậm, với những bước dài chậm rãi”, Aldrin đã viết trong một quyển sách năm 2009.

Trong 2 giờ 20 phút, Armstrong thu thập nhiều kg đá và chụp ảnh. Aldrin lắp đặt máy đo địa chấn (địa chấn kế) và các dụng cụ khoa học khác. Họ cùng nhau cắm lá cờ Mỹ và để lại dấu bước chân trên mặt trăng, bao gồm cả một huy chương vinh danh Yuri Gagarin, sĩ quan phi công, phi hành gia Liên Xô, người đầu tiên bay vào không gian ngày 12 tháng 4 năm 1961.

Xem thêm:   Easter

Trong số 857 bức ảnh đen và trắng, và 550 bức ảnh màu, chỉ có 4 bức hiển thị Armstrong. Hầu hết ảnh đều có mặt Aldrin. Năm 2001, Armstrong nói đùa:”Aldrin chụp hình ăn ảnh hơn tôi nhiều”.

Phi hành gia Hoa Kỳ bên cạnh thiết bị thám hiểm mặt trăng.

Được diện kiến Tổng Thống Nixon

Lúc trở về mô đun LEM, hai phi hành gia lấm lem bụi mặt trăng. Armstrong nói: “Buồng lái bốc mùi tro ướt trong ống khói”.

Trên quỹ đạo, Collins chờ họ trong 22 giờ. Ông viết: “Từ 6 tháng qua, tôi luôn thấp thỏm lo sợ sẽ vĩnh viễn bỏ lại họ trên mặt trăng và trở về trái đất lẻ loi một mình. Nếu cả hai không thể rời mặt trăng hay gặp sự trục trặc, hẳn là tôi sẽ không tự sát. Tôi sẽ trở về trái đất, nhưng tôi sẽ là người sống những ngày còn lại của cuộc đời trong khắc khoải, buồn bã. Tôi tin như thế”.

May mắn thay, động cơ duy nhất của LEM khởi động lại tốt. Sự ráp nối lại với phi thuyền mẹ diễn ra như dự kiến và cả ba người bắt đầu hành trình trở về trái đất.

Cuối cùng, sau khi tách bỏ các mô đun không còn cần thiết, trọng lượng còn lại của phi thuyền là 5.5 tấn so với trọng lượng đầy đủ ban đầu là 2,766 tấn. Ngày 24 tháng 7, phi thuyền băng qua bầu khí quyển bao phủ bởi một quả cầu lửa trước khi rơi xuống Thái Bình Dương như một tảng đá với tốc độ được hãm lại nhờ 3 chiếc dù to.

Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon chào đón các phi hành gia, trong buồng cách ly, trở về sau chuyến thám hiểm mặt trăng.

Một hàng không mẫu hạm chuẩn bị sẵn sàng để vớt họ. Trên hàng không mẫu hạm có mặt Tổng Thống Nixon.

Phi thuyền xuất hiện trên bầu trời và rơi xuống biển. Lập tức, lực lượng thợ lặn ưu tú đến vớt họ lên an toàn nhưng lấm lem bụi bẩn. Các phi hành gia được trực thăng chuyển lên hàng không mẫu hạm. Họ được cách ly vì sợ lây nhiễm vi sinh vật ngoài trái đất.

Trong cuộc họp báo đầu tiên, sau đó 3 tuần, các phóng viên hỏi 3 “người hùng” rằng họ có nghĩ  sẽ trở lại mặt trăng trong tương lai ? Armstrong đáp: “Chúng tôi chưa có thời gian để nghĩ đến điều đó”.

Không một ai trong số họ trở lại mặt trăng.

Chương trình Apollo đã bị dừng lại vào năm 1972. Và phải đợi đến khi Donald Trump trở thành Tổng Thống, Hoa Kỳ mới quyết định nối lại chương trình Apollo, nhưng lần này lấy tên là chương trình Artémis.

ĐDH

(Theo Le Petit Journal de Sydney)

Nguồn ảnh: Internet