Mùa hè 72 Sàigòn mê mệt với phim Été 42 trên nền nhạc “The Summer Knows” của Michel Legrand. Tôi trong số các thiếu nhi si mê nữ tài tử Jennifer O’Neill. Mùa hè đó tôi còn thuê cuốn 15 Truyện Nghỉ Hè do Nguyễn Tú An phóng tác. Hôm nay đánh máy lại, vì mùa hè lại đến.

(Trần Vũ)

Truyện Nghỉ Hè

Nguyễn Tú An phóng tác

Lúc hai chú cháu ở trong rừng ra thì trời gần trưa. Hiệp kéo cháu vào quán nước, chỗ này là ngã ba, nên khách xuôi ngược hay ghé uống nước dừa, nhậu thịt rừng.

Du hơi ngạc nhiên: giữa khoảng núi rừng heo hút này mà ngôi quán cũng khá tiện nghi, lại cao ráo, hàng hiên lát gỗ và đỏm dáng nhờ dăm gốc hoa rừng đỏ, tím, leo quanh mái tôn.

Phía bên kia đường, dòng suối uốn lượn trong khe đá làm thành vũng ao mát rượi. Vài cây sung già soi bóng trên làn nước sẫm màu lá rừng.

Người chủ quán ghé lại:

– Lâu mới thấy thầy qua đây.

Hiệp cười:

– Bữa nay đi chơi rừng. Cháu Du mới nghỉ hè.

– Vậy hả… Có dừa tươi hay ăn cam Nam Vang?

– Cả hai. Mà phát tài không?

– Nhờ trời đủ xài, thầy Hai à!

Khi y quay đi rồi, chú Hiệp bảo Du:

– Cháu có thể tưởng tượng gã này trước đây chỉ chút nữa trở thành tên cướp đường khét tiếng chăng? Câu chuyện này khá ngộ. Y quay trở về nếp sống lương thiện nhờ một dịp tình cờ. Trong đó có vai trò của một thiếu niên bằng tuổi cháu.

–oOo–

Con đường dài ngoằn ngoèo mất hút trong rừng cây. Quán Mường Lát trơ vơ chỗ ngã ba, lúc đó còn vắng hoe. Vài ngày mới có dăm chuyến xe đò, gặp nhau nơi đây.

Khách ngược xuôi ưa ghé quán nhắp ly nước dừa mát lạnh như ướp đá. Chẳng hiểu ông già Son có bí quyết gì, đã làm nước dừa của ông vừa lạnh vừa đậm đà, uống một lần là nhớ mãi. Có tò mò hỏi, ông chỉ cười:

– Ấy nhà cháu hái dừa tươi trong rừng, nên vị nó ngọt.

Ai cũng biết ông giữ bí mật nhà nghề, nên chẳng tìm hiểu làm gì. Có người cho là ông ngâm dừa vào lòng suối nên vừa mát vừa tươi. Cũng có lẽ.

Ông lão góa vợ từ lâu, có đứa con độc nhất đã 12 tuổi. Hai cha con sống nhờ quán nước này. Ông Son không muốn về xuôi; ông không muốn xa Mường Hét, nơi quê hương người vợ hiền và cũng là nơi ông có quãng đời tươi đẹp nhất.

Xem thêm:   Xíu

Bữa đó là ngày xe tới mà ông nằm liệt một nơi: hai hôm trước, đi kiếm nấm hương trong rừng, ông ngã xuống khe suối, gãy cánh tay trái. Cơn sốt nổi lên kịch liệt. Vết thương sưng tấy, làm độc. Ông lịm đi, nửa mê nửa tỉnh.

Túy săn sóc cha tận tình nhưng thằng bé lo lắm. Mỗi khi nghĩ cha có thể ngất đi rồi chết không chừng, nó rấm rứt khóc.

Nó cũng quên bẵng bữa nay xe đò đổ khách nơi đây. Nó đã sắp sẵn hoa quả, nước nôi. Nó không nhớ gì hết. Nỗi lo lắng như xoắn ruột gan thằng bé…

–oOo–

Nhưng có một người nhớ kỹ lắm, y chờ buổi hôm nay từng giờ, từng phút. Đó là Tư Roi.

Y ngồi đợi từ lâu trên mỏm núi: từ đó y nhìn bao quát cả vùng. Trong ánh nắng gắt từ phía bên kia đường dốc, hình như có bụi bay mù…

– Xe tới chăng?

Y đưa tay ngang mắt cho bớt chói: không phải… Chỉ là cơn gió lốc. Còn sớm quá mà!

Tư Roi đợi một lúc nữa. Y rút chiếc đồng hồ quả quýt:

– Mười giờ mười. Còn đủ thì giờ chán!

Xe chỉ tới quán vào buổi trưa thôi.

Y ngồi vào chỗ rợp, vấn thuốc hút.

Trong ánh nắng chói chang, ngôi quán nhỏ dưới bóng lá làm thành một vệt xanh, mát.

Tư Roi biết rõ nơi đó lắm. Y tính kỹ rồi. Vào giờ ấy, khách đi xe mệt mỏi vì đoạn đường dài, chẳng ai còn gan dạ chống lại y làm gì. Nếu có kẻ nào muốn rắc rối, kẻ đó ráng chịu.

Y móc khẩu súng ngắn trong mình ra… Khẩu súng nhỏ, gọn, bóng loáng… Tiếng kim hỏa nổ ròn, nghe khô khan, đanh thép, làm y hài lòng. Lúc này Tư Roi thấy mình cương quyết lạ! Y sẽ không thương xót bất cứ người nào.

– Giơ tay lên… Đứng dậy. Quay mặt vào tường… Mau! Cảnh tượng mọi người riu ríu theo lệnh mình, khiến Tư Roi say sưa, tim muốn nhảy khỏi lồng ngực. Từ nay y quyết định chọn con đường tự do ngoài vòng pháp luật của kẻ cướp. Chuyến ăn hàng này sẽ mở đầu cho nếp sống ngang tàng trong tương lai. Xã hội đã để y đói rách, y sẽ trả thù lại cho mà coi!

Xem thêm:   “Thủ đô” tiên khởi của cộng đồng, cuộc di tản khỏi trung tâm thành phố, và những xung đột với người bản xứ (kỳ 2)

Ngoài hiên quán nước có ai đứng thì phải. Một người khách? Không, một đứa bé.

– À! Thằng Túy…

Tư Roi không ngại gì phía chủ quán: một lão già với đứa bé con đâu đáng cho y bận tâm. Với lại, nếu họ không biết điều thì…

Y đưa khẩu súng ra phía trước, nheo mắt, làm bộ… nổ súng một cách lạnh lùng.

Mười một giờ. Tư Roi rời mỏm đá, băng ngang cánh rừng, tới trước quán. Y tính nương theo mấy bụi cây gần đó, chờ dịp thuận tiện nhất mới ra tay. Nhưng vừa rời khỏi lùm cây, y bỗng đứng sững lại: cánh cửa quán mở tung, rồi một đứa bé chạy vội ra. Tư Roi chưa biết nên làm thế nào, thì Túy đã reo lên:

– Bác… Bác vào ngay giúp cháu… Thực là trời cứu cháu.

Rồi nó mếu máo nắm lấy tay tên cướp:

– …Ba cháu đau nặng lắm… Phải đưa đi nhà thương… Bác vào với cháu.

Tư Roi ngần ngại:

– Để coi…

– Bác vào mau lên… Cháu van Bác…

Tư Roi trông chẳng đẹp đẽ chút nào: đầu tóc rối bù, râu ria lởm chởm, quần áo lại tả tơi. Nhất là trong ánh mắt của gã có cái gì dữ tợn, tàn nhẫn. Thoáng trông cũng đoán được là tên tù vừa ở khám ra. Vậy mà Túy chẳng sợ chút nào; nó kéo tay gã lôi thực nhanh lên thềm, vào thẳng căn phòng phía sau. Ông Son nằm đó, người co quắp, mắt lờ đờ. Lúc này ông hơi tỉnh, thều thào:

– Gì đấy con? Xe tới chưa?

– Chưa ba ạ. Có ông này đi qua. Ông vào giúp cha con mình.

Tư Roi ngạc nhiên:

– Sao? Tôi hả?

Gã có tính giúp ai bao giờ đâu. Vào đây nhìn người ốm còn thú vị gì!

Túy sụt sịt:

– Tay ba cháu đó. Gãy từ mấy bữa rày. Sưng to lắm. Bác coi.

Ông Son rên rỉ khi thằng bé tháo lần vải quấn. Tư Roi cúi xuống nhìn: cánh tay sưng vù, chỗ vết thương mọng mủ có từng vết tím bầm chạy lên vai. Y kêu lên:

– Trời, thế này là nhiễm độc nặng rồi. Không khéo đến cưa tay mất! Phải mang về tỉnh ngay.

Chợt y tặc lưỡi, nghĩ thầm:

– Việc quái gì đến mình nhỉ.

Túy đứng sát vào y, đôi mắt to đen, đẫm nước:

– Vâng… Bác giúp cháu một tay… Xe sắp tới rồi.

Tư Roi quên bẵng chuyện đó: xe tới rồi… Y phải sửa soạn hành động chứ! Y bước được một bước ra cửa, thì bị Túy nắm lấy vạt áo:

Xem thêm:   Những người Lữ Hành Hy Vọng

– Để cháu năn nỉ với hành khách. Họ nhường ba cháu một chỗ. Bác đi với ba cháu rồi cho ba cháu vào nhà thương. Cháu ở lại coi quán được mà. Để cháu đưa tiền cho Bác.

Tư Roi nhìn nó, mắt sáng rỡ:

– Tiền?

– Vâng. Cháu sắp sẵn hết rồi. Đây…

Nó lôi dưới gối ra chiếc ví da dày cộm những giấy bạc:

– Bác cầm lấy để lo cho ba cháu nhé. Cả nhà dành dụm có chừng ấy…

Tư Roi đỡ lấy chiếc ví.

Trong giây phút, y sống lại khoảng thời gian hai chục năm trước: lúc đó y cũng bằng thằng Túy, cũng sống một mình với người cha già như vậy. Cha y làm thợ mộc. Một vết sướt trên mu bàn tay làm độc bất ngờ. Ba bữa sau, cha Roi từ trần. Roi sống vất vưởng, đầu đường xó chợ. Tại sao lúc đó không ai săn sóc tới y? Giá hồi ấy, có ai giúp đỡ chẳng đời nào y trở thành du đãng thế này! Roi lẩm bẩm:

– Mà sao tự nhiên thằng nhỏ lại tin tưởng vào mình như vậy nhỉ?… Chắc nó cho mình là con người trung hậu đây.

Tư Roi thấy mình không được quyền làm kẻ cướp nữa. Y như vừa ký bản giao kèo làm lại cuộc đời với thằng bé. Mà y lại thấy trong lòng nhẹ nhàng mới kỳ!

Y gật đầu:

– Cháu yên lòng. Bác giúp cháu!

Ngoài đường có tiếng còi xe hơi rồi tiếng máy nổ ròn trước khi xe dừng bánh. Tư Roi chạy vội ra:

– Bà con cô bác vui lòng cảm phiền. Ông chủ quán bệnh nặng cần đi nhà thương ngay bây giờ…

–oOo–

Chú Hiệp ngừng kể, uống cạn ly nước dừa trong vắt:

– Cháu thấy không, ngọt mát như ướp đá. Đúng dừa của ông Son. Sau đó, câu chuyện dễ hiểu lắm: ông Son nhận Tư Roi làm em nuôi. Hai anh em sống với nhau thân hơn ruột thịt. Túy bây giờ được gửi về tỉnh học…

Du ngồi ăn cam, chờ chú kể tiếp, nhưng chú Hiệp vẫn ngồi yên, có vẻ suy nghĩ. Mãi chú mới kết luận:

– Thành thử tuy Tư Roi cứu ông Son mà thực ra là cứu lấy chính mình… Cháu thấy không?

NTA phóng tác

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1972

Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2025