Nhạc sĩ “thần đồng” Cung Tiến

Nhạc sĩ Cung Tiến (1938 – 2022) tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh quán ở Hà-Nội. Được thọ giáo ký và xướng âm với hai nhạc sĩ Chung Quân và Thẩm Oánh từ tuổi nhỏ nên Cung Tiến tích lũy được vốn liếng âm nhạc từ rất sớm. Năm 1952, Cung Tiến theo gia đình di cư vào Nam (trước khi hiệp định Genève chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17).

Ông đi du học ở Úc ngành kinh tế từ năm 1957 đến 1963 và nghiên cứu kinh tế học phát triển ở Anh quốc những năm 1970 – 1973. Trong khoảng thời gian đó, Cung Tiến có dịp tham dự các khóa học về dương cầm, hòa âm ở Sydney và dự các lớp nhạc sử, nhạc học, nhạc lý hiện đại tại Anh quốc.

Trong lãnh vực văn chương, Cung Tiến với bút danh Thạch Chương đã đóng góp những sáng tác, phê bình văn học, dịch thuật cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm và Văn. Hai tác phẩm “Hồi ký viết dưới hầm” của Dostoevsky và “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” của Solzhenitsyn được Cung Tiến dịch thuật và phát hành ở miền Nam Việt-Nam những ngày còn thanh bình, thịnh trị. Sau khi định cư tại Hoa-Kỳ, ông đóng góp bài vở cho một số báo chí ở hải ngoại với bút danh Đăng Hoàng.

Dù vậy, công chúng vẫn nhớ đến ông là một nhạc sĩ đa tài mà tinh hoa được phát tiết từ lứa tuổi thiếu niên. Hai nhạc phẩm “Hoài cảm” và “Thu vàng” ra đời năm 1953 với lời ca thắm thiết, điệu nhạc du dương làm xuyến xao lòng người cũng như gợi nhớ thật nhiều mùa thu nơi đất Bắc với hình ảnh sương pha lãng đãng, phố phường ngập lá vàng rơi. Với tánh tình khiêm tốn, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn cho rằng đó chỉ là những “bài tập” khởi đầu trong sự nghiệp âm nhạc của ông ..

Xem thêm:   Bích Đầm đảo dân cư xa nhất trong vịnh Nha Trang

“Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả, “no object”, hoàn toàn là trong tưởng tượng, nhớ người nọ, nhớ người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Gia đình tôi đi sớm, tức là từ Hà-Nội vào Sài-Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà-Nội ghi vào ký ức mình thì có bản nhạc đó. Lời ca ảnh hưởng từ những bài thơ học ở nhà trường như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư cũng như những nhà thơ lãng mạn của Việt-Nam thời đó”. Cung Tiến

Cung Tiến sáng tác không nhiều. Ngoài những tác phẩm được yêu chuộng từ trong nước như “Hoài cảm”, “Thu vàng’, “Nguyệt cầm”, ‘Hương xưa’, “Kẻ ở’, ‘Lệ đá xanh”, “Mắt biếc” v.v. cho đến những sáng tác ở hải ngoại như “Vang vang trời vào xuân”, “Vết chim bay”, “Tổ khúc Bắc-Ninh”, “Hoàng hạc lâu”, ‘Tấu khúc Chinh phụ ngâm”, “Ta về”, “Lơ thơ tơ liễu buông mành” v.v. rất kén chọn người hát lẫn người nghe. Có lẽ vì âm nhạc của ông không cần nhiều sự tán thưởng của đám đông và bản tánh không buông trôi theo dòng giải trí náo nhiệt, ồn ào nên những sáng tác sau này chỉ để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của chính mình.

Xem thêm:   Có những người Cha

Nhớ thương biết bao giờ nguôi

Lắng nghe từng giọt mưa thu rơi ngoài song cửa mà ngỡ như thanh âm ngày cũ đang rời rã vọng về. Mùa thu đã trôi đi quá nửa, lá vàng phủ đầy trên cỏ rối nhưng nỗi u hoài cứ ngỡ vừa mới hôm qua và len lén đan xen trong từng suy nghĩ …

“Chiều buồn len lén tâm tư

Mơ hồ nghe lá thu mưa

Dạt dào tựa những âm xưa

Thiết tha ngân lên lời xưa”

Cố nhân đã xa, người yêu đã khuất nên nỗi buồn quạnh hiu cứ lặng lẽ theo thời gian mà thấm đẫm cả không gian. Buổi chiều rớt vội và sương cũng rơi nhanh. Hoàng hôn phủ nhạt nhòa trên những lối mòn quen thuộc. Nhớ ngày nào còn tay trong tay và trao nhau bao lời yêu thương, nguyện ước mà nay như nước cuốn hoa trôi, như áng mây trôi dạt cuối chân trời …

“Quạnh hiu về thấm không gian

Âm thầm như lẫn vào hồn

Buổi chiều chợt nhớ cố nhân

Sương buồn lắng qua hoàng hôn”

Kỷ niệm ngày thơ đã trở thành dĩ vãng khi đường đời chia hai lối rẽ. Người ở lại âm thầm nhớ tiếc dù biết rằng không thể nào bắc lại nhịp cầu sum họp khi sợi tơ tình đã đứt. Nhưng tiếc nuối hay trách khứ chỉ khiến lòng thêm hận hờn, cuồng dại vì ngày hôm qua đã thuộc về quá khứ. Đêm cũng tàn và sương thu đã phủ kín lối về xưa …

“Lòng cuồng điên vì nhớ

Ôi đâu người đâu ân tình cũ

Chờ hoài nhau trong mơ

Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa

Một mùa thu xa vắng

Như mơ hồ về trong đêm tối

Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa”

Yêu thương là lý lẽ của trái tim nhưng nào ai biết được ngày sau sẽ duyên thắm, tình nồng hay keo sơn rời rã. Cuộc đời mỗi con người chỉ sống một lần. Nếu kiếp này đã không trọn tình với nhau thì mơ chi nữa ở kiếp sau, làm gì có được kiếp sau mà hoài công trông đợi …

Xem thêm:   Nhớ về cha

“Chờ nhau hoài cố nhân ơi

Sương buồn che kín nguồn đời

Hẹn nhau một kiếp xa xôi

Nhớ nhau muôn đời mà thôi”

Nhạc sĩ Cung Tiến và phu nhân

Thời gian thấm thoát trôi mau, người đi đi mãi không về. Ngày tháng cứ hun hút như xóa đi bao mùa yên vui cũ. Cuộc tình không đoạn cuối có chìm trôi theo dĩ vãng hay suốt đời vương vấn tim lòng mà gieo thương, gieo nhớ …

“Thời gian tựa cánh chim bay

Qua dần những tháng cùng ngày

Còn đâu mùa cũ yên vui

Nhớ thương biết bao giờ nguôi”

Những dòng nhạc êm ả trong ca khúc “Hoài cảm” như tiếng lòng của một thời tuổi trẻ, chợt sớm chiều phải rời xa miền quê yêu dấu, cũng là nơi chốn ươm mầm của những cảm xúc đầu đời. Đó cũng là tâm sự của người xa xứ, ly hương khi đất nước sa vào tay giặc. Ngày tháng có phôi phai nhưng niềm đau cũ cũng như nỗi đau mới muôn đời vẫn là hệ lụy của chiến tranh và của lòng tham vọng đến từ phương Bắc.

TV