Khi làn khói trắng bốc lên từ ống khói trên nóc của Nguyện đường Sistine vào thứ Năm 9 tháng 5, ngày thứ hai của Mật Nghị Hồng Y, điều bất ngờ đầu tiên là kết quả diễn ra nhanh hơn dự kiến. Điều bất ngờ thứ hai là các Hồng Y đã bầu Robert Francis Prevost, là Hồng Y gốc Chicago, làm nhà lãnh đạo tiếp theo của Giáo Hội Công Giáo và là người Mỹ đầu tiên giữ vai trò này trong suốt lịch sử gần 2,000 năm của Giáo Hội.

Giáo Hoàng Leo XIV, danh hiệu mà cả thế giới sẽ gọi ông kể từ đây, theo sau cố Giáo Hoàng Francis, người Argentina được bầu vào năm 2013 làm Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử từ khu vực Tân Thế giới. Sự thay đổi này phản ảnh cách tiếp cận của Giáo Hội đối với hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội: Hiện có khoảng 1.4 tỷ người Công Giáo trên toàn cầu, thì gần một nửa trong số đó ở châu Mỹ, so với khoảng 20% ở châu Âu và 20% ở châu Phi.

Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, Hồng Y Prevost sống và làm việc tại Peru với vai trò là một nhà truyền giáo và linh mục coi giáo xứ – trong một thời gian đủ dài để rồi cuối cùng ông trở thành một người song tịch. Gần đây hơn, Prevost, 69 tuổi, phục vụ tại Vatican với tư cách là một phụ tá thân cận của cố Giáo Hoàng Francis.

Khi chọn Hồng Y  Prevost, Mật Nghị dường như nhìn thấy tính chất quan trọng của một bản sắc đa dạng của ông – vừa là một Giáo Hoàng của nước Mỹ, của châu Mỹ và của cả thế giới – sẽ  giúp ông trở thành nhà lãnh đạo của một Giáo Hội toàn cầu đang cố gắng vượt qua thời kỳ đang có nhiều biến chuyển và khó khăn.

Về con người Prevost

Trước công chúng, Hồng Y Prevost rất ít khi bày tỏ quan điểm riêng của ông, đặc biệt là về một số vấn đề gây chia rẽ nhất trong Giáo hội, chẳng hạn như vai trò của phụ nữ và sự bao dung đối với người đồng tính. Những gì ông đã từng bày tỏ cho thấy ông sẽ tiếp tục vai trò mục vụ của vị Giáo hoàng tiền nhiệm có tư tưởng cấp tiến của ông là sống gần gũi với người nghèo và quan tâm tới môi trường.

Xem thêm:   Đáy giếng...

Tuy nhiên, một số nhà quan sát mô tả phong cách của vị Tân Giáo Hoàng này là có phần chừng mực hơn so với Giáo Hoàng Francis, là người mà có một số phát biểu của ông đã gây ra nhiều tranh cãi.

Ví dụ, danh hiệu Leo mà ông chọn và việc ông chọn trang phục truyền thống cho lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng, mà một số nhà phân tích cho đây là những dấu hiệu tinh tế nhằm làm an tâm đối với những nhóm tín đồ Công Giáo đang khao khát một sự quay trở lại với Giáo Hội truyền thống thời hậu Francis.

Việc bầu cho Hồng Y Prevost cũng đã đảo ngược một giả định từ bấy lâu nay cho rằng một Hồng Y  người Mỹ sẽ không bao giờ trở thành Giáo Hoàng được là vì Giáo Hội có một sự cảnh giác và không muốn liên minh quá chặt chẽ với quốc gia siêu cường số một của thế giới.

Thậm chí tỷ lệ cá cược lúc đầu ở Las Vegas đã để Prevost đứng sau khá xa với những lựa chọn có khả năng mang tính lịch sử khác, chẳng hạn như Hồng Y Luis Antonio Tagle của Philippines hay Peter Turkson của Ghana. Tuy nhiên, trong những ngày cận kề cuộc bầu cử của Mật Nghị, đã có những lời bàn tán về Prevost xuất hiện trong những cuộc gặp gỡ giữa những nhà quan sát tình hình ở Vatican.

Từ thơ ấu đến trưởng thành

Robert Francis Prevost sinh ra trong một gia đình Công giáo tại Dolton, một vùng ngoại ô ở rìa phía nam của Chicago, vào tháng 9 năm 1955. Cha ông, Louis, là một hiệu trưởng trường trung học. Mẹ ông, Mildred, là một quản thủ thư viện. Đối với Robert và hai người anh của ông, cuộc sống thời thơ ấu của họ được uốn nắn theo lối giáo dục của các trường tư Công Giáo và đức tin của Giáo Hội.

Sau năm lớp tám, Prevost rời nhà và đến Michigan để theo học Trường Trung học Chủng viện Thánh Augustine. Tại đây, ông được tiếp xúc với tư tưởng của dòng tu Augustine từ đó hình thành nên đức tin của ông, sau đó ông gia nhập dòng tu này và cuối cùng trở thành nhà lãnh đạo của dòng tu – đầu tiên là ở khu vực Trung Tây Hoa Kỳ và sau đó là trên toàn cầu.

Xem thêm:   Bầu Tân Giáo Hoàng

Ông lấy bằng cử nhân toán học từ Đại học Villanova vào năm 1977 trước khi vào chủng viện và sau đó đến Rome để theo học chương trình tiến sĩ thần học.

Hồng Y  Prevost sống và làm việc phần lớn cuộc đời trưởng thành của ông ở ngoại quốc, với tư cách là một nhà truyền giáo và sau đó là một Giám Mục ở Peru – một kinh nghiệm đã để lại trong ông những dấu ấn sâu sắc và định hình cuộc đời của ông.

Năm 1985, ba năm sau khi được thụ phong linh mục, Prevost đã tham gia phái bộ truyền giáo Augustine đến thành phố nhỏ Chulucanas ở vùng sa mạc phía cực bắc Peru.

Sau một thời gian ngắn trở về Hoa Kỳ, ông đã dành một thập niên sau đó sống và làm việc tại chủng viện Augustine ở thành phố lớn thứ ba của Peru là Trujillo, và giảng dạy về giáo luật tại một chủng viện của giáo phận.

Năm 2014, Giáo Hoàng Francis bổ nhiệm ông làm người đứng đầu giáo phận tại thành phố ven biển Chiclayo nằm ở miền bắc Peru. Một năm sau đó, Prevost được bổ nhiệm làm Giám Mục của Chiclayo.

Trước khi lên ngôi Giáo Hoàng

Công việc cuối cùng của Prevost trước khi lên ngôi Giáo Hoàng là người đứng đầu Bộ Giám Mục Vatican, một chức vụ đầy quyền lực mà trong cương vị này ông đề cử các Giám Mục để Giáo Hoàng Francis chọn làm người lãnh đạo cho các giáo phận trên toàn thế giới.

Quyết định bổ nhiệm ông vào chức vụ này vào năm 2023 của Giáo Hoàng Francis là dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng của Giáo Hoàng đối với Prevost, và cũng trong cùng năm này ông được thăng lên chức vị Hồng Y. Kinh nghiệm nói trên cũng có nghĩa là ông đã lập được mối quan hệ với nhiều vị trong số 133 Hồng Y đã tụ họp tại Rome để tham dự Mật Nghị và cuối cùng đã bầu ông.

Xem thêm:   Kinh tế Trung Quốc rạn vỡ

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Vatican News, trang tin tức của Tòa thánh, vào năm 2023, Hồng Y Prevost tán thành một số sáng kiến đặc trưng của Giáo Hoàng Francis, trong đó có nỗ lực quan tâm nhiều hơn tới người nghèo và tinh thần cởi mở để thu hút tín đồ, bao gồm cả phụ nữ, để tham gia trực tiếp hơn vào các hoạt động của Giáo Hội.

Hồng Y Prevost nói với Vatican News rằng: “Chúng ta thường quan tâm về việc giảng dạy giáo lý. Nhưng chúng ta có nguy cơ quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là truyền đạt cái đẹp và niềm vui khi hiểu biết về Chúa Giêsu”.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng vào dịp lễ Phục Sinh năm 2023, Hồng Y Prevost cũng kêu gọi hòa bình ở Ukraine khi ông chỉ trích cuộc xâm lăng của Nga.

Trách nhiệm tương lai

Một điều thực tế là khi sự ồn ào phấn khởi lắng xuống, tín đồ Công Giáo toàn cầu sẽ theo dõi một cách bình tâm và cẩn trọng hơn để xác định quan điểm của Tân Giáo Hoàng liên quan đến các vấn đề gây ra sự chia rẽ ngày càng lớn trong Giáo Hội. Giáo Hoàng Francis đã có những nỗ lực hiện đại hóa Giáo Hội bằng cách thể hiện lòng trắc ẩn nhiều hơn đối với các nhóm thiểu số, đặc biệt là người đồng tính. Tuy nhiên, những phát biểu của ông về các vấn đề xã hội đôi khi có thể mơ hồ và những nỗ lực của ông nhằm hướng đến sự bao dung bị nhiều người coi là làm mất sự ổn định về giáo lý Công giáo. Việc đưa ra lời giải đáp rõ ràng hơn đối với những vấn đề gây tranh tranh luận nói trên sẽ là trách nhiệm của Tân Giáo hoàng Leo XIV.

Có lẽ mật nghị đã nhìn thấy khả năng đó ở Hồng Y Prevost, người có thể bắc được chiếc cầu thỏa hiệp giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ trong Giáo Hội.

VH