Để đối phó với Hoa Kỳ trong cuộc thương chiến lần này, giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng lá bài chủ nghĩa dân tộc để khơi dậy lòng ái quốc của người dân Trung Quốc, tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ về nhiều vấn đề kinh tế của quốc gia và tin tưởng rằng họ có khả năng chịu đựng được khó khăn của một cuộc chiến thuế quan kéo dài tốt hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những vết nứt đang bắt đầu xuất hiện, cho thấy khó khăn và thiệt hại đang có tác động sâu xa vào nền kinh tế của họ như thế nào.

Hoạt động thương mại giảm mạnh giữa hai bờ Thái Bình Dương dẫn đến tình trạng ngừng sản xuất và đe dọa làm suy yếu sự ổn định về công ăn việc làm của hàng triệu người dân Trung Quốc. Các số liệu đưa ra vào đầu tháng 5 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã có những dấu hiệu đầu tiên về sự thiệt hại lớn từ cuộc chiến thương mại, với sự sụt giảm các đơn đặt hàng xuất cảng vào tháng 4 và công việc sản xuất ở mức yếu nhất tại các nhà máy của quốc gia này so với hơn một năm qua.

Các giới chức Trung Quốc tìm cách làm giảm nhẹ sự lo lắng về những bằng chứng khó khăn nói trên, khẳng định lại sự tự tin của họ rằng mục tiêu tăng trưởng sẽ đạt được khoảng 5% trong năm nay.

Những vết nứt đầu tiên

Tuy nhiên, trong những tuần lễ gần đây, có nhiều dấu hiệu xuất hiện cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn để tồn tại. Các công ty lệ thuộc vào hàng xuất cảng bán cho thị trường Hoa Kỳ, từ các xưởng sản xuất đồ chơi, đồ nội thất và áo thun, đến các nhà máy sản xuất kim loại, đồ gia dụng điện tử và thiết bị xây dựng, đã đình chỉ sản xuất và cho nhân viên nghỉ việc. Những công ty cần nguồn cung ứng các bộ phận do Hoa Kỳ chế tạo cho công việc sản xuất của họ, chẳng hạn như các công ty sản xuất chất bán dẫn và xe hơi, đã phải cố gắng tìm cách để duy trì hoạt động.

Xem thêm:   50 cộng đồng người Việt ở Mỹ

Một số chủ doanh nghiệp đã ví tình trạng gián đoạn này cũng tương tự như lần đóng cửa sản xuất trong thời gian đại dịch Covid – với lời cảnh báo rằng viễn ảnh cuộc thương chiến lần này có phần ảm đạm hơn.

Trong khi chiến tranh thương mại cũng đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ và làm gia tăng áp lực lạm phát và rủi ro kinh tế suy trầm ở Hoa Kỳ, thì sự thiệt hại về phía Trung Quốc cho tới thời điểm này có lẽ nặng hơn. Một phần là do Trung Quốc đã gia tăng, thay vì giảm bớt, sự tập trung vào việc xuất cảng để làm nền tảng của nền kinh tế của họ.

Một bản phúc trình trong một cuộc nghiên cứu mới đây cho biết xuất cảng tăng vọt trong mấy năm qua đã giúp Trung Quốc tránh được cuộc khủng hoảng tài chính khi tình trạng vỡ bong bóng nhà đất đã làm suy yếu các khu vực đầu tư và tiêu thụ, gây căng thẳng cho ngân sách chính phủ và khiến các hệ thống ngân hàng gặp nhiều áp lực.

Và nay thì chính sách thuế quan cao ngất ngưởng của Hoa Kỳ, cùng với những bất ổn của khu vực nhà đất vẫn chưa chấm dứt, có nghĩa là nền kinh tế của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai lực cản lớn cùng một lúc.

Thương mại với Hoa Kỳ

Trung Quốc đã đưa ra các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ hàng xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ  đã giảm từ 18% năm 2018, thời điểm bắt đầu cuộc chiến thương mại lần trước giữa hai quốc gia, xuống còn khoảng 15%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế chỉ ra rằng thị trường Hoa Kỳ thực sự chiếm gần 21% tổng doanh số hàng xuất cảng của Trung Quốc sau khi tính luôn cả hàng hóa được chuyển từ Trung Quốc sang những quốc gia khác trước khi đưa tới Hoa Kỳ.

Các nhà kinh tế này cho biết khó có thể phủ nhận về tầm quan trọng của thương mại Hoa Kỳ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất cảng chiếm khoảng 13% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc, với ước tính việc xuất cảng sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 3% GDP của Trung Quốc.

Xem thêm:   Đáy giếng...

Một nhà kinh tế nghiên cứu về Trung Quốc là ông Larry Hu cho biết tổng kim ngạch xuất cảng của Trung Quốc có khả năng giảm 10% trong năm nay trong khi doanh số bán hàng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ hầu như bị xóa sổ.

Việc làm bị ảnh hưởng

Tác động lớn nhất của thuế quan mới sẽ là với các công việc làm liên quan tới thương mại, số đông công nhân làm việc trong ngành sản xuất, các công ty sản xuất nguyên liệu thô, và các dịch vụ như kho chứa hàng và tài chính – là những khu vực góp phần quan trọng cho sự lưu thông thương mại giữa hai quốc gia. Công ty tài chính Nomura Nhật dự đoán thuế quan của Tổng thống Trump sẽ khiến Trung Quốc mất tới 15.8 triệu việc làm.

Một công ty sản xuất hàng may mặc và đồ trang trí Giáng sinh để xuất cảng tại tỉnh Quảng Châu thuộc miền nam Trung Quốc hoạt động trong gần hai thập niên cho biết, vào tháng 4 vừa qua, họ đã phải cắt giảm ca làm việc hàng ngày của họ từ 3 ca xuống còn 2 và cho 30% công nhân nghỉ làm sau khi 3 khách hàng chính đã hủy đơn đặt hàng cho thị trường Hoa Kỳ.

Trong nội bộ chính phủ Trung Quốc, tầm quan trọng của thương mại đối với công việc làm là điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Khi chủ trì một cuộc họp về nhu cầu ổn định xuất cảng vào thời điểm đỉnh điểm của trận đại dịch năm 2020, thủ tướng khi đó là ông Lý Khắc Cường đã nói rằng khu vực ngoại thương, trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo ra việc làm cho hơn 180 triệu người dân Trung Quốc. Ông Lý đặc biệt nhấn mạnh đến các ngành công nghiệp sản xuất hàng may dệt, hành lý và đồ nhựa, tất cả đều coi Hoa Kỳ là điểm xuất cảng chính, và là những ngành sản xuất đặc biệt tạo ra nhiều công ăn việc làm ở Trung Quốc.

Xem thêm:   Song kiếm hợp bích

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng xuất cảng giảm sẽ có tác động lan tỏa khắp nền kinh tế, khiến thêm nhiều triệu việc làm nữa bị đe dọa, có nguy cơ rơi vào suy trầm và phải mất nhiều năm mới thoát ra được.

Theo Flexport, công ty có trụ sở tại San Francisco hỗ trợ việc chuyển hàng hóa trên toàn thế giới cho các công ty xuất cảng, cho biết có dấu hiệu cho thấy hoạt động thương mại đang cạn kiệt nhanh chóng, với số lượng đặt hàng vận chuyển hàng hóa của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm 60%.

Bắc Kinh che giấu

Nhiều nhà kinh tế cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang che giấu rất kỹ mối lo ngại của họ về hậu quả kinh tế trong cuộc thương chiến lần này. Không giống như ở Hoa Kỳ, nơi mà sự sụt giảm lớn của thị trường cổ phiếu là thước đo niềm tin vào nền kinh tế, giới lãnh đạo Trung Quốc tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn những biểu hiện lo ngại như vậy. Ví dụ, chính quyền Bắc Kinh đã hạn chế việc bán cổ phiếu của các công ty đầu tư và dùng quỹ nhà nước để mua vào cổ phiếu hỗ trợ cho thị trường.

Để giảm thiểu sự thiệt hại kinh tế, Bắc Kinh đã âm thầm miễn một số sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất (chẳng hạn chip điện tử) khỏi mức thuế trả đũa 125% của Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng khác để thay thế Hoa Kỳ ngay lúc này.

Riêng về phía Hoa Kỳ vẫn chưa tỏ dấu hiệu muốn đàm phán. Tổng thống Trump vẫn tiếp tục nói cứng rằng Hoa Kỳ muốn có sự nhượng bộ đáng kể từ Trung Quốc, như cho phép các công ty Mỹ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc, trước khi có các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thuế quan.

VH