Có một câu xưa cũ từng nằm gọn trong miệng người cao niên: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Bởi người già thì từng trải, biết đời, nếm đủ vị mặn ngọt cay đắng, biết đường đi nước bước. Còn con trẻ thì hồn nhiên, không biết che giấu, nên đôi khi lại nói trúng “tim đen” người lớn.

Văn hóa miền Nam còn, người miền Nam còn – Nguồn: nhacxua.vn  

Nhưng xã hội thay da đổi thịt mỗi ngày, khi một ứng dụng có thể làm thay mười người, người ta học cách “đọc vị” nhau qua màn hình, ánh mắt chẳng còn là cửa sổ tâm hồn nữa. Thông tin thì ào ạt như lũ cuốn nhưng hầu hết đều mập mờ, thiếu minh bạch. Người già lạc lõng trước blockchain, AI, loay hoay không biết cách cài ứng dụng nhà băng. Họ đứng ở quầy giao dịch, tay run run, nhờ nhân viên hướng dẫn từng bước một cách khó nhọc. Trong khi người trẻ – sống nhanh, nghĩ lẹ, có gì cũng hỏi cộng đồng mạng, a dua phong trào, hết ngây thơ nhưng không đủ chín chắn để nhìn nhận đúng sai. Chỉ vì cái voucher giảm giá hay một đường “link hot”, họ trao trọn cả thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cho các ứng dụng vay nóng hay ví điện tử với nguồn gốc đáng ngờ (đa số được viết mã code bởi người Tàu). Chỉ cần một bài đăng dán nhãn “bóc phốt” chưa rõ nguồn, hàng triệu người trẻ đã có thể cùng “kề vai sát cánh lao” cùng lao vào ném đá “nhân vật chính”, không cần biết đúng sai, cũng không cần biết “bố mày là ai”.

Nhiều người bạn tôi làm giáo viên than thở học sinh thời đây “tin” vào mấy cái clip chỉ dẫn “bí kíp thi trắc nghiệm siêu tốc”, “học một lần nhớ cả đời”… trên TikTok, YouTube, Facebook… hơn cả những lời giảng của thầy cô. Vì các video đó có nhạc hay, có hiệu ứng… giựt giựt. Trong khi đó, đa số thầy cô thì vẫn giảng theo lối cũ, từ chối cập nhật công nghệ, dẫn đến bài học thiếu hấp dẫn, xa rời thực tế.

Giáo án thì chỉ có nhét nhồi và nhồi nhét những đạo lý cũ kỹ, thông tin lịch sử sai lệch… Tụi nhỏ không dám phản biện, vì hở chút là bị đám đông phán xét, thậm chí là bị mời lên phường chỉ vì làm một video hài hước.

Như hôm rồi, có hai bạn trẻ đăng video hài hước tả cảnh mãi quay clip mà bị mất tiêu điện thoại hồi nào không hay, vậy mà hai bạn bị mời lên phường, ghi biên bản và nộp phạt trước sự hả hê của đám đông.

Câu chuyện khác, hai sinh viên trường Đại học Văn Lang đã bị cộng đồng mạng, nhà trường (có thể là người thân nữa) đồng loạt lên án, dọa kỷ luật vì dám đuổi một người tự xưng là cựu chiến binh ra khỏi vị trí xem lễ diễn binh, với lý do ông đến sau nhưng chen lên đứng ở hàng trước (còn hai thiếu niên này và nhiều người khác đã xếp hàng cả ngày để chờ coi buổi diễn binh này). Rõ ràng là vị cựu chiến binh kia đã không tôn trọng quy tắc xếp hàng, dẫn đến phản ứng của hai sinh viên, nhưng… ở Việt Nam có vẻ không được nói nhưng.

Nguồn: Facebook

Như những người bị “chọi gạch” hội đồng, thậm chí mất việc vì than kẹt xe trong khi nhà nước “ăn mừng”. Bởi vì đội quân a dua như trên, nhiều người trẻ đã chọn “nhắm mắt xuôi tay” – mặc kệ thuật toán quyết định mình nên nghĩ gì, thích ai, tin điều gì. Hòa vào đám đông, hòa tan luôn.

Xem thêm:   Kinh tế Trung Quốc rạn vỡ

“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”… Nhưng ở Việt Nam, đa số người già quá thủ cựu, đa số người trẻ quá dễ dãi, cả hai đều từ chối đấu tranh – hỏi ai cũng thấy… lo. Không hỏi thì không được, vì xã hội con người phát triển là nhờ học hỏi – đối thoại lẫn nhau mà. Nên đôi khi phải hỏi cả hai, ba, bốn thế hệ cùng một vấn đề, từ đó “gạn đục khơi trong”. Cái này thì dân Việt nên học thế giới tư bản:

  1. Nhìn vào các doanh nghiệp tầm thế giới, dễ thấy rõ điều này. Google hay Microsoft luôn kết hợp những kỹ sư trẻ đầy năng lượng, nhanh nhạy với xu hướng công nghệ mới, cùng những cố vấn chiến lược giàu kinh nghiệm, biết rõ thị trường và quy luật cũ. Người trẻ sáng tạo, còn người già gìn giữ tính bền vững, chắc chắn. Đó là cách họ “song kiếm hợp bích”, tạo ra Gmail, Android, hay hàng loạt sản phẩm định hình thời đại.

LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton) – “đế chế” thời trang cao cấp của Pháp cũng không ngoại lệ. Họ giao cho nhà thiết kế trẻ Virgil Abloh (người sáng lập Off-White™) nắm giữ cương vị giám đốc sáng tạo để “bắt trend” Gen-Z, nhưng vẫn giữ các giám đốc điều hành lão làng với tư duy quản trị, kiểm soát hình ảnh thương hiệu cao cấp và lâu đời. Ai làm việc nấy, người trẻ tạo ra xu hướng, người già gìn giữ linh hồn.

Apple hồi sinh từ bờ vực phá sản năm 1997 là ví dụ kinh điển. Steve Jobs đã triệu tập lại đội ngũ kỹ sư trẻ, đầy nhiệt huyết từ dự án Lisa và Newton, nhưng cũng gọi về những cộng sự kỳ cựu để bảo đảm triết lý cốt lõi của Apple không bị lạc mất. Người trẻ đột phá, người già giữ gìn giá trị nguyên bản, rồi iPod, iPhone… ra đời, làm thay đổi lịch sử công nghệ, đang là “miếng bánh Mỹ” cho thị trường nhân công giá rẻ của cả thế giới giành giật.

  1. Giáo dục hiện đại cũng đang hòa nhịp vào sự kết hợp đặc biệt giữa sức trẻ và trí tuệ người cao niên. Nhiều trường ở Phần Lan, Mỹ, Singapore… áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” (flipped classroom), nơi học sinh học trước ở nhà qua video, còn đến lớp để thảo luận, thực hành tư duy phản biện cùng giáo viên. Học sinh hướng dẫn thầy cô về công nghệ, ứng dụng số (sử dụng app, trình bày ý tưởng bằng Canva, vẽ mô hình 3D…), còn giáo viên lại dạy các em cách suy nghĩ logic, đánh giá thông tin, những điều mà máy móc-AI “bó tay”. Tương tự, “reverse mentoring” – mô hình đào tạo ngược tại Anh, Pháp và cả một số trường tư ở Việt Nam cũng đang cho phép học sinh trở thành “thầy cô” dạy giáo viên hiểu về mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, hay văn hóa meme… Giáo viên không giấu dốt mà ngồi làm học trò để hiểu: TikTok đang ảnh hưởng đến học sinh thế nào? Các em tra cứu thông tin qua đâu? Những ngôn ngữ hay meme nào đang thịnh hành? Sau đó, giáo viên dùng kiến thức nền và kinh nghiệm sống để giúp các em học cách sàng lọc thông tin, thay vì cấm đoán vô ích.
Xem thêm:   Đáy giếng...

Ở Stanford hay MIT, các nhóm nghiên cứu STEAM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán) luôn gồm sinh viên trẻ trung giàu ý tưởng và những giáo sư dày dạn kinh nghiệm. Sinh viên trẻ đề xuất ý tưởng mới lạ, sáng tạo, đôi khi “điên rồ” nhưng đầy cảm hứng. Giáo sư thì giúp phân tích tính khả thi, khả năng ứng dụng, tài chính và đạo đức nghiên cứu.

Nguồn: Facebook

Tóm lại, người lớn học cách lắng nghe, người trẻ học cách nghĩ sâu sắc, cùng bới kiến thức thật sự ra khỏi mớ bụi phấn cũ kỹ.

  1. Trong khi người dân miền Nam trong nước buồn tủi vì tiếng Việt miền Nam bị sai quá nhiều và sự tử tế, văn hóa ứng xử của người miền Nam bị mai một mỗi ngày, ra đường thiếu hẳn tiếng dạ-thưa mà thừa tiếng bậy bạ. Cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại (nhất là những người vượt biển sau 1975, đã thành công và có chỗ đứng trên đất Mỹ) cũng dằn vặt, trăn trở nỗi lo con-cháu sẽ quên nguồn cội, thậm chí nghĩ sai về nguồn cội, không biết hãnh diện mà có thể còn mặc cảm về nguồn gốc VNCH bởi những tuyên truyền từ một phía ở cố quốc – Việt Nam hiện tại (nói thì xa nhưng chỉ cách một màn hình)… Thì thế giới đã có nhiều dân tộc tìm cách sửa chữa những nỗi đau tương tự bằng công nghệ của người trẻ kết hợp ký ức người cao niên.
Xem thêm:   Giả bộ thành... tật

Trong lúc tìm câu trả lời cho mọi thứ, tôi có biết tới “Nothing But the Sun” (tựa gốc: Apenas el Sol) là một bộ phim tài liệu Paraguay – Thụy Sĩ năm 2020, do đạo diễn Arami Ullón thực hiện. Bộ phim không sử dụng giọng lồng tiếng hay tư liệu lưu trữ để dẫn dắt, mà để chính những câu chuyện và cảm xúc của Mateo Sobode Chiqueno (một người thuộc dân tộc bản địa Ayoreo ở Paraguay) – người đã dành hơn 40 năm ghi lại các cuộc phỏng vấn, bài hát và nghi thức của cộng đồng mình bằng máy ghi âm cassette cũ. Nhờ vậy, cộng đồng quốc tế biết đến và dễ dàng cảm nhận nỗi đau của tộc Ayoreo và tạo áp lực bảo vệ khu rừng cuối cùng của bộ tộc này.

Ở Mỹ có dự án “StoryCorps” – một sáng kiến cộng đồng nổi tiếng, nơi các người trẻ ghi âm và phỏng vấn người lớn tuổi trong cộng đồng của mình, lưu lại những ký ức đời thường, khổ đau, chiến tranh, nhập cư… Những đoạn ghi âm này sau đó được lưu trữ tại Trung tâm Dân gian Hoa Kỳ tại Thư viện Quốc hội Mỹ, nhiều câu chuyện được phát sóng trên NPR (hơn 12 triệu người nghe hàng tuần), đăng tải qua podcast, phim hoạt hình ngắn, sách bán chạy, và nền tảng số… Bộ sưu tập trực tuyến chứa hàng chục ngàn cuộc phỏng vấn, là nguồn tài nguyên quý giá cho giáo dục và nghiên cứu. StoryCorps không chỉ là một kho lưu trữ giọng nói, mà còn là cầu nối thúc đẩy sự đồng cảm, kết nối con người và bảo tồn lịch sử sống động của nước Mỹ. Bằng cách ghi lại những câu chuyện đời thường, dự án giúp làm sáng tỏ những giá trị chung và sự đa dạng của con người, đồng thời khuyến khích thế hệ tương lai lắng nghe và chia sẻ.

Hãy bắt đầu từ tiếng Miền Nam, người già kể chuyện, người trẻ ghi âm… qua podcast, phim hoạt hình ngắn, sách, và nền tảng số (YouTube, Facebook, Spotify…) bạn có thể biến nó thành di sản, đâu cần tới hàng trăm ngàn tỷ, chỉ cần câu chuyện thật.

Văn hóa miền Nam không bao giờ chết vì bị cấm đoán, bằng chứng là các sách dạy học trước 1975 được chia sẻ và khen ngợi mỗi ngày, hai chữ Sài Gòn vẫn được gọi thân thương mỗi lúc…

DU