Mất dạy – một từ nặng nề như cái bạt tai giữa chợ, nhưng giờ đây lại nhẹ như gió thoảng, bởi đôi khi có những người hiền lành nhất cũng phải thốt lên hai chữ đó giữa thói đời thời nay.

Rob Kenney dạy thắt cà vạt trong video đầu tiên phát hành tháng 4-2020. – Nguồn hình: YouTube
Nhiều người tin “con người ta” (không phải con mình) mất dạy là do không có cha dạy. Thiệt ra, đôi khi có cha dạy vẫn có thể mất dạy như thường, bởi mỗi ngày ngoài đường luôn có kẻ chạy rông hỏi “biết bố mày là ai không?” Mấy chuyện này chắc mấy ông cha bên trời Tây không hiểu được….
Bởi vậy ông Rob Kenney (sanh năm 1964, ở Seattle, Washington) có thể làm “cha của hàng triệu đứa trẻ không cha: dầu không phải ngôi sao màn bạc, cũng chẳng phải nhà tỷ phú rạng danh. Rob chỉ dạy điều mà ông học được từ tuổi thơ khốn khó và cô độc: “Một đứa trẻ không có cha cần phải biết những kỹ năng căn bản để tồn tại trong thế giới phức tạp này”, thông qua kênh YouTube “Dad, how do I?”.
Rob Kenney trưởng thành trong một gia đình không trọn vẹn, cha ông bỏ đi, để lại ông cùng 7 anh chị em trong một mái nhà rộng 26m2 thiếu hơi ấm. Mẹ ông, vì xa quê, vì đổ vỡ của hôn nhân, chìm vào men rượu, để các con tự vật lộn với tuổi thơ. Anh trai cả của Rob – Rick – khi đó chỉ 23 tuổi, trở thành điểm tựa, một hình bóng cha của những đứa trẻ hay buồn rầu và tự ti. Chính những năm tháng ấy đã dạy ông rằng, một đứa trẻ không cha cần biết cách buộc cà vạt, sửa xe, hay đơn giản là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã…
Nhiều năm sau, khi đã là người đàn ông trưởng thành, cuộc sống của Rob gặp nhiều khó khăn. Thời điểm vợ mang thai con đầu lòng, ông mất việc, mọi kế hoạch bị đảo lộn… Trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, Rob tìm niềm tin ở tôn giáo. Ông học được cách phải tự mình đối mặt với khó khăn và tha thứ lỗi lầm cho người khác. Sau một thời gian dài không gặp cha, ông gọi điện chủ động làm lành. Một chuyến đi câu cá với người cha đã ngoài 80 tuổi trở thành sợi dây nối lại những gì đã đứt gãy. Họ nói cười, tháo gỡ những nút thắt, và không lâu sau, cha ông qua đời. Không ai khó ba đời, hai người con của Rob có sự nghiệp thành công và sống hạnh phúc.
Trong những ngày đại dịch Cúm Tàu – COVD-19, khi cả thế giới co mình trong 4 bức tường, Rob Kenney nảy ra ý tưởng tạo kênh YouTube để chia sẻ những kỹ năng sống mà ông từng ao ước được cha dạy. Ban đầu, ông chỉ muốn làm điều này cho hai con, Kristine và Kyle, như một di sản để lại cho cháu chắt. Nhưng, như dòng sông nhỏ bất ngờ hòa vào biển lớn, kênh “Dad, how do I?” nhanh chóng thu hút hàng triệu người theo dõi.

Nhiều người bất bình khi giới trẻ Việt Nam ghiền chữ Tàu: “Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc nô dịch (phải kèm thêm cụm từ “một bộ phận” cho an toàn) tư tưởng dân xứ Việt Nam. “Nữ nhi quốc”, “lão công”… Còn chuyện một đám đàn bà con gái rú lên khi thấy trai đẹp thì thôi tui không bàn nữa…” – Nguồn hình: Phạm Thành Nhân
Nội dung của kênh rất giản dị, đôi khi chán phèo, vì không hề chạy theo phong trào, không hoa mỹ, không chỉnh sửa cầu kỳ, Rob chỉ như một người cha đang ngồi trước màn hình, cười hiền, chỉ dẫn từng thao tác của cách cạo râu, thắt cà vạt, ủi áo, dọn cỏ, hay thậm chí quản lý tiền bạc và sửa xe hơi… nói chung là những kiến thức căn bản cho một người đàn ông thuở “mầm non” (ở Phương Tây).
Đôi lúc ông lại thủ thỉ câu: “Cha tự hào về con lắm đó nha.” với cái… màn hình. Câu nói nghe qua tưởng nhẹ tênh, nhưng với nhiều người, nó như lời ủi an mà cả đời họ chưa từng được nghe từ cha mình. Nhiều khán giả gọi ông là “cha”, với họ, Rob không chỉ dạy kỹ năng, mà còn lấp đầy khoảng trống tình cảm, như một người cha thực thụ. Trong một thế giới mà màn hình thường là nguyên nhân tình thân xa cách, câu chuyện của Rob chứng minh công nghệ có thể giúp ích và kết nối con người.
Rob Kenney không chỉ dừng lại ở YouTube. Ông còn xuất bản cuốn sách “Dad, How Do I?: Practical Dadvice for Everyday Tasks and Successful Living”, với 50 hướng dẫn thực tế, từ nấu ăn đến quản lý tài chính và những niềm tin của ông với tôn giáo… Ông còn tham gia 21st Century Dads (một tổ chức phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ, giúp đỡ các người cha, đặc biệt là những người đang nuôi dưỡng con cái có nhu cầu đặc biệt).
Nói nào ngay, Rob Kenney có thể là cha của nhiều “đứa trẻ không cha” (hoặc có cha như không) ở nước ngoài, chứ đối với những “đứa trẻ không cha: (hoặc có cha như không) ở Việt Nam thì hơi khó. Vì cha ở Việt Nam không cần biết thắt cà vạt, xài máy cắt cỏ, nhưng phải biết… vá xe, bơm bánh xe, đổ nhớt, thay bugi, chỉnh thắng, thậm chí là có thể dạy cho một cậu bé cách sửa xe máy căn bản để khỏi bị chặt chém ngoài đường (bởi Việt Nam là nước có xe máy nhiều, đi xe máy cũng thuận tiện nhất, nhà ai có xe hơi thì vẫn có xe máy thủ sẵn). Cha Việt Nam sẽ dạy con mình thắp nhang thẳng tưng, thành kính (nếu gia đình có thờ cúng). Cha Việt Nam có thể không có nhiều tiền nhưng phải có tánh cảnh giác như điệp viên 0-0-thấy, luôn kè kè dặn con mình những điều mà con nít thường không thích nghe cho lắm:

Một trong nhiều bình luận trên trang Dad, How Do I?: “Ông chú này giống như nhận nuôi cả… internet luôn vậy! Quá đã!” – Nguồn hình: amazon.com
“Không có chỗ ăn tin cậy thì nhịn đói tới nhà, đừng ăn linh tinh ngoài đường, dễ trúng độc, vô viện lại mất toi tiền triệu. Thấy báo đăng đồ ăn bẩn, chứa chất gây ung thư cả đống không?”
“Bệnh không nặng thì ráng chịu, uống nước ấm, xông lá; đừng có hở chút là ra tiệm thuốc Tây, uống linh tinh – báo đăng thuốc giả đầy ra kia kìa.”
“Tiền lẻ, tiền mặt phải thủ trong người, chứ ATM nhiều khi lỗi, rồi há miệng hứng nước mưa mà no.”
“Đi đâu cũng phải thủ sẵn áo mưa, phòng trời mưa bất tử không có chỗ núp…”
“Đi xe đừng có chạy ẩu, té một phát không ai rảnh đỡ đâu.”
“Ra đường đừng cãi nhau, ai đụng xe mình thì mình cứ… nhận lỗi trước, giữ mạng quan trọng hơn giữ sĩ diện. Thấy thiên hạ chết vì nhìn nhau không con?”
“Chuyện gì cũng phải tính cửa thoát, đừng để nước tới chân mới nhảy.”
“Liệu cơm mà gắp mắm, liệu chuyện mà nói… thật, thiên hạ bây giờ không thích nghe nói thật đâu con.”

Kẹo giả, thuốc giả, sữa giả… bệnh nhân là thật, bằng bác sĩ thì chưa chắc thật – Nguồn hình: kinhtedothi.vn
…
Tóm lại, cha ở nước ngoài tin vào hệ thống, cha Việt thì tin vào kinh nghiệm sống (vì hệ thống không đáng tin). Mà dạy hơ hỏng một chút rất dễ bị con mình coi là kẻ… phản động hoặc một kẻ chống đối xã hội chỉ vì nói thật và nói công khai. Rất nhiều vụ phụ huynh bị chính con em mình tố cáo lên mạng xã hội vì ghét chánh quyền…
Ngoài ra, đa số người cha ở Việt Nam sẽ coi chuyện thủ thỉ “Cha tự hào về con lắm đó nha.” là một chuyện khó khăn, sến sẩm. Đa số những đứa con nít ở Việt Nam mà nghe câu đó là trề môi liền, vì họ không tin cha họ có thể nói câu đó. Ái ngữ là thứ xa xỉ trong cuộc sống thường nhật của đa số người ở Việt Nam.
Nói chung, làm cha-làm con xứ Tây đã khó, làm cha-làm con ở xứ “tây đui” (tui đây) càng khó hơn. Sơ hở là bị chửi “mất dạy”, sai bị chửi đã đành, đôi khi đúng cũng bị (kẻ sai) đè ra chửi.
Chắc không có người cha nào trên đời muốn làm cha không gương mẫu và muốn có những đứa con hư… Nhưng sống trong một xã hội mà sự bất trắc đôi khi xảy ra nhanh hơn cả tốc độ bật xi nhan, sự tử tế trở thành thứ lãng mạn rẻ tiền, và ngôn từ – từng là vương miện của trí tuệ – bị bán rẻ như rau ế đầu ngõ, mọi thứ trên đời đều giả, từ thuốc giả, sữa giả, lòng người cũng giả, chỉ có nạn nhân là thật…
Có lẽ, giờ đây, phần đông chúng ta – là cha hay là con – đều chai sạn ít nhiều. Bởi vậy, đôi khi không phải cần học cao hơn, mà phải… học lại từ đầu. Cha học lại từ đầu để biết cách làm cha, con học lại từ đầu để biết cách làm người.
Còn học từ ai để phù hợp với xã hội Việt Nam đương thời mà không bị phù… mỏ, tôi xin lỗi, tôi không biết!
DU
Bà Tám ở Sài Gòn