Khi nền sản xuất công nghiệp phát triển, hàng hóa sản xuất dồi dào, con người không còn sống kiểu “tự sản tự tiêu” và có nhu cầu muốn bán sản phẩm để lấy tiền, vàng tích trữ, khi đó nhà sản xuất có nhu cầu quảng cáo sản phẩm cho nhiều người biết để mua.

Quảng cáo kiểu chuyên nghiệp lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 19 với sản phẩm xà bông cục hiệu Pears, và mời cô đào sân khấu nổi danh đình đám thời ấy là Lillie Langtry làm người đại diện quảng cáo xà bông Pears.

Từ điển Oxford định nghĩa quảng cáo là “trình bày, giới thiệu rộng rãi để cho nhiều người biết đến.” Ở đây, tôi không đi sâu vào lãnh vực chuyên môn của nghề quảng cáo, với nhiều từ ngữ, khái niệm vô cùng “hàn lâm,” khiến người nghe/người đọc rối tinh rối mù rồi cảm thấy nghề quảng cáo thật là cao siêu còn người tiêu dùng thật nhỏ bé. Tôi chỉ trình bày với quý độc giả ở khía cạnh là người tiêu dùng bình thường, với ngôn ngữ bình dân, nôm na, ngắn gọn, dễ hiểu. Tóm lại, theo ý tôi, quảng cáo là phô trương những tính chất ưu việt của sản phẩm, nhằm khuyến dụ người nghe có sự náo nức, khao khát có sản phẩm, móc tiền ra mua sản phẩm; còn nhược điểm của sản phẩm đó thì người quảng cáo giấu biệt không nói. Lâu dần, khách hàng cũng quen và không còn “mắc bẫy” quảng cáo nữa, người ta truyền miệng nhau một cách hài hước rằng: “Vì sao không nói quảng voi, quảng chuột/chó/mèo… mà là quảng cáo? Theo truyền thuyết, cáo là loài động vật gian xảo, quỷ quyệt, không đáng tin, nên người ta phải gọi là quảng cáo. Hiểu hông?”

Thời đại thế giới phẳng, rất nhiều người Việt nói cái gì cũng phải chêm tiếng Tây vô cho ra vẻ “trí thức,” “sang trọng.” Khi công chúng không còn tin quảng cáo nữa thì người ta chuyển qua hình thức khác. Ở đâu, đi đâu, bất cứ thời điểm nào, môi trường nào, nhìn đâu cũng thấy “review” sản phẩm, từ hàng tiêu dùng tới sách vở, phim ảnh, nói chung là “review” tất tần tật mọi thứ thượng vàng hạ cám.

Xem thêm:   Hồn người viễn xứ

“Review” là một dạng phản hồi hoặc đánh giá của khách hàng về những sản phẩm, dịch vụ họ đã từng sử dụng, kinh nghiệm, có đầy đủ ưu nhược điểm, vui lẫn buồn, hứng khởi lẫn cay cú. Review có thể là bài viết, video trên báo, trên mạng xã hội. Ban đầu, người tiêu dùng tin tưởng review vì nghĩ người review cũng là người sử dụng sản phẩm như mình, khi lượng người quan tâm review trở nên đông đúc, từ đó lại sanh ra những người hành nghề review (reviewers) chuyên nghiệp như làm quảng cáo. Bản chất của review sản phẩm không xấu nếu reviewers đánh giá trung thực, nhưng quảng cáo đội lốt review để lừa gạt khán thính giả, độc giả, thì xấu, là một kiểu lừa dối khách hàng, nếu quy mô lớn và khách hàng bị thiệt hại nhiều thì người review (reviewers) còn có thể phạm tội hình sự.

Trên YouTube thì có lực lượng reviewers phim ảnh hùng hậu, đông đúc. Tôi đã coi, nhận thấy họ trích lấy một số hình ảnh “bắt mắt” trong phim đó ráp lại thành đoạn ngắn chừng vài phút, rồi mix với giọng đọc (ẩn mặt người đọc) tóm tắt nội dung truyện phim, thực chất đó không phải là review mà là một kiểu trailer (chôm chỉa hình ảnh của nhà sản xuất phim) do YouTubers câu views để lấy quảng cáo của YouTube kiếm tiền.

YouTubers review thực phẩm

Hiện nay có đoạn video quảng cáo dài xọc trên YouTube về thuốc chữa xương khớp “gia truyền” mà người đàn ông trong quảng cáo mặc đồ đóng linh mục và nói “đã từng dùng thuốc thấy hiệu nghiệm,” nay “muốn chia sẻ kinh nghiệm.” Ông này xưng “cha” với khán giả (là người mọi giới, mọi độ tuổi, mọi tôn giáo.) Tôi nghe vậy hồ nghi lắm, vì trong cách xưng hô đã thiếu đức khiêm nhường mà linh mục cần phải tuân theo. Tôi tìm hiểu và biết được ông đó giả linh mục, giáo hội Công giáo cũng có quy định cấm các linh mục, các soeur quảng cáo làm bất cứ thứ sản phẩm gì.

Xem thêm:   Trại 6 tù Nghệ Tĩnh (thành phố Vinh)

Mạng xã hội phát triển rộng rãi, thời gian gần đây chức năng livestream được chủ mạng nâng cao, hầu như người dùng mạng xã hội ai cũng có thể trở thành reviewer được hết. Mua một món đồ, đi ăn tiệm, sử dụng một dịch vụ (sửa xe, sửa nhà…) người dùng đều có thể dùng trương mục mạng xã hội của mình khen – chê, và người dùng khác ghé vô bình luận vô cùng sôi nổi. Đây chính là kiểu review thật sự, không bị tiền bạc “bẻ lái.” Nhưng cũng từ đó, nảy sinh ra những reviewers từ không chuyên tới chuyên nghiệp nếu họ có lượng người theo dõi (followers) khá đông, họ bắt đầu được trả công để review. Từ lúc này bài đăng của họ đã biến tướng thành quảng cáo, chỉ có khen chớ không chê, hình ảnh đăng kèm rất hấp dẫn. Cùng một bài và hình ảnh đó, họ đem đăng ở tất cả các trương mục mạng xã hội của họ, đồng thời đăng vô nhiều group, nhiều diễn đàn mà họ tham gia.

Tôi có biết một Facebooker có lượng người theo dõi rất đông, nhưng Facebooker này không bao giờ xuất hiện hình ảnh cá nhân thật, chuyên đăng các bài reviews dưới chiêu bài “Xanh và Sạch,” người mua liên lạc trực tiếp qua Facebook người bán, Facebooker có bài review này không bán hàng, nhưng tinh ý thì biết đó là quảng cáo và chẳng có review vô tư gì hết. Thậm chí, để khuyến dụ người đọc, Facebook (ẩn hình) này còn đăng những bài có vẻ như “khoa học,” “nghiên cứu” nhưng thật ra là fake news mà tôi đã từng thấy trên mạng internet. Cái nguy hiểm của Facebooker (ẩn hình) review này là khi người mua hàng bị lừa thì không bắt đền người review được (vì biết là ai mà bắt đền.)

Tôi suy nghĩ hoài mà không hiểu tại sao người ta có thể vì hâm mộ, vì yêu mến Idols (hoặc người nổi tiếng,) vì cùng phe, cùng tầng lớp… mà sẵn sàng bỏ tiền ra mua món đồ nào đó, bất chấp sự phi lý trong lời quảng cáo của Idols. Thí dụ: Trong thời gian đại dịch Covid-19, giá nhân công tăng, giá vận chuyển tăng, giá nguyên vật liệu tăng,… mà khán giả vẫn tin rằng có ai đó (không có nhà máy) lại sản xuất khẩu trang y tế “Made in USA” giá bán lẻ 5 Mỹ kim một hộp 100 cái, chỉ vì người bán là Idol của họ. Trong khi giá thị trường món hàng đó trung bình 30 Mỹ kim một hộp.

Xem thêm:   50 năm tiếng Việt trên đất mới

Các YouTubers, TikTokers hành nghề làm video review thực phẩm “mọc ra đông như quân Nguyên.” Không cần học qua trường lớp, không cần chuyên môn sâu về ẩm thực, chỉ cần có cái miệng nói liên tục không ngừng nghỉ, nói lia lịa suốt nhiều phút, nhiều giờ, và có hai (hoặc ba) cái smartphone loại quay video, chụp hình đẹp thì đều có thể hành nghề review thức ăn. Không cần quần áo, giày dép sang trọng, xuất hiện trước ống kính càng ra vẻ “bình dân” càng tỏ ra “gần gũi” dễ lấy được lòng tin của khán giả. Họ lập thành nhóm, người chuyên phụ trách nói, người chuyên quay video. Từ nhà hàng sang trọng tới quán cóc nhỏ lẻ họ đều hành nghề review được. Họ tiếp xúc với chủ quán/nhà hàng, đưa ra đề nghị “review” và giá tiền. Nếu chủ quán đồng ý chi tiền, họ vô ngồi ăn uống, quay cảnh thức ăn, vừa ăn nhồm nhoàm vừa phát ra những tiếng kêu “Wow,” “A,” “Wa,” “Wao”… khen lấy khen để, họ ngốn ngấu hừng hực khiến người coi video phát thèm nảy sinh ý định muốn ăn thử ngay. Nếu chủ quán không đồng ý trả tiền review, họ cũng vô mua thức ăn, ngồi đó ăn uể oải, và chê món ăn thậm tệ, bất chấp thực tế món ăn đó không hề dở. Khán giả nhìn thấy sợ quá “cạch mặt” quán, vậy là quán đó bị reviewers “dìm hàng,” dẫn tới buôn bán ế ẩm.

Tốt nhứt khách hàng nên tự mình trải nghiệm, hoặc chỉ nên tin những người là khách hàng thật sự review, tránh cảnh tiền mất tật mang.

TPT