Rất nhiều người gốc Việt thích chọn dịch vụ ở Việt Nam chỉ vì thích rẻ. Việt Nam cái gì cũng rẻ và ngon là câu truyền miệng nhau của “Việt kiều yêu nước.” Quả thật, hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam rẻ là điều không thể chối cãi, khi người tiêu dùng từ Mỹ về được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá đồng Mỹ kim và đồng Hồ tệ.

Thời tôi mới định cư ở Little Sài Gòn, đi chợ thấy bà bán chuối dạo bán nải chuối xiêm xanh 3 Mỹ kim, trong khi nải chuối giống y như vậy tôi mua ở chợ Tân Định (Sài Gòn) giá chưa tới 20 ngàn Hồ tệ, tức là chưa tới 1 Mỹ kim. Anh bạn tôi nói bây giờ ở đây mua bán đừng so sánh với giá ở Việt Nam.

Báo quốc doanh thường đăng tin công an bắt được những vụ nhập lậu thực phẩm hư thối với số lượng rất lớn. Nếu công an không bắt được thì sao? Tất nhiên số lượng thực phẩm độc hại khổng lồ này sẽ được tẩm ướp hóa chất, gia vị rồi “leo” lên bàn ăn trong các hàng quán và bán giá “rẻ mà ngon” cho thực khách. Người Việt tự trồng cây, nuôi gia súc, nuôi cá tôm cũng dùng hóa chất kinh khủng, môi trường tự nhiên bị ô nhiễm nặng nên đồ biển chưa hẳn là sạch. Ở Việt Nam nói chuyện thực phẩm sạch cho dân chúng là chuyện xa vời. Chỉ tầng lớp trên có nhiều tiền dùng đồ Âu Mỹ, ăn đồ Âu Mỹ thì may ra.

“Việt kiều” thấy rẻ vì họ đang xài tiền Mỹ, nếu họ sống ở Việt Nam, thu nhập như người lao động Việt Nam (lương công nhân từ 4 tới 5 triệu Hồ tệ/tháng, tương đương 156 – 194 Mỹ kim) thì họ sẽ thấy hàng hóa Việt Nam không hề rẻ, người lao động Việt Nam sống rất chật vật.

Thời ở Việt Nam, tôi là người thuộc loại có mức lương khá so với mặt bằng chung: Lương chuyên viên (người có bằng đại học) bậc 7/9, nhưng cũng chỉ đủ cho tôi sống mà không sắm quần áo giày dép đẹp, không xe cộ, không có tiền học nâng cao trình độ, chưa bao giờ mua vé xem giải trí, không tiệc tùng, không tụ tập vui chơi, không cà phê thuốc lá. Nói rõ như vậy để quý độc giả hiểu người lao động trình độ thấp thì cuộc sống của họ rất là chật vật, đừng nghĩ giá sinh hoạt Việt Nam “rẻ mà ngon.”

Xem thêm:   "Bankruptcy" không đơn giản là phá sản

Tôi biết ở Little Sài Gòn (Quận Cam) có nhiều bà, nhiều cô rất chuộng về Việt Nam may đồ, hoặc order qua người quen ở Việt Nam, vì “rẻ mà đẹp.” Tuy nhiên, vụ này hên xui. Cô bạn tôi có họ hàng ở Hà Nội, thường mua vải, áo dài may sẵn rao bán online trên Facebook nên nhờ người nhà trả tiền và lấy hàng giùm. Cô nói với tôi: “Khi coi nó quảng cáo trên Facebook thì đẹp, vừa ý lắm. Nhưng nó gởi đồ cho mình thì không giống quảng cáo, vải xấu hoắc. Đòi tiền lại nó không trả.”

Bà Lien Tran (ở San Jose) nói: “Thú thật tôi rất ngại mua hàng “Made in Việt Nam.” Người Việt Nam bây giờ chỉ thích ăn thật làm giả (người ở Việt Nam.) Tôi nhớ có lần về Việt Nam cô bạn gửi quần mẫu và nhờ may 10 cái quần đủ màu. Cũng vì tin người, tôi đặt người quen chuyên may đồ cho gia đình bà chị ở Việt Nam. Họ mang mẫu vải đến để mình chọn và sau khi thỏa thuận giá cả tôi cũng dặn họ là khi may phải để vải dư bên trong mỗi bên 5 cm. Họ đồng ý và lấy tiền trước một nửa. Nhưng họ may rất lâu, đến ngày mai tôi về Mỹ thì họ tới giao hàng lúc 11 giờ 45 phút đêm mà tôi thì lo đóng hàng nên không check lại. Để rồi cuối cùng trở về Mỹ 10 cái quần bạn tôi không mặc được một cái nào vì may không đúng quần mẫu và rất chật. Họ lại không để dư vải bên trong nên không thể sửa lại được cái nào và bạn tôi bỏ hết cho Goodwill. Đó là bài học mà tôi đã học được và không bao giờ tin Việt Nam. Họ biết ngày tôi đi nên họ mang hàng tới trễ để lấy tiền, còn mình thì lo đóng hàng nên không xem lại vì tin họ làm như đã làm cho người thân của mình. Sau này tôi hiểu ra là có làm sai thì mình cũng không bay về lại để bắt đền họ được.”

Xem thêm:   Tiễn một người đi

Ông Sid Nguyen nói “Vợ tôi cũng bị tương tự. Và một lần khác đi chơi xa ghé chợ (Nha Trang) dọc đường mua 3 cái quần xong đi tiếp, tới tối mở bịch ra thấy chỉ có 2 cái.”

Quà tặng kèm khi mua máy may hiệu Brother, trả máy lại tiệm không thu quà tặng.

Tại sao người sống ở Mỹ tự giác mua bảo hiểm trong khi người sống ở Việt Nam phải dùng quyền lực nhà nước bắt buộc người ta mới chịu mua? Đơn giản là ở Mỹ bảo hiểm làm ăn có uy tín, bồi thường đàng hoàng, khách có thể lấy lại được tiền nếu gặp bất trắc. Một vụ tai nạn không nghiêm trọng lắm cũng được bồi thường tiền sửa xe (làm cho xe trở lại như trước,) được tiền điều trị sức khỏe, trung bình một vụ 10 ngàn Mỹ kim là thường xảy ra ở xứ Mỹ đế. Ở Việt Nam, nhứt là bảo hiểm xe, bị dân coi như một kiểu “cướp có nhà nước bảo kê,” tiền bỏ ra mua bảo hiểm là mất đi không bao giờ đòi lại được xu nào. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói họ bị tai nạn xe cộ được công ty bảo hiểm xe ở Việt Nam bồi thường.

Có người muốn tiết kiệm tiền, không trồng răng (hoặc phẫu thuật thẩm mỹ) ở Mỹ mà về Việt Nam làm thì cũng phó thác tánh mạng cho trời, tức là hên xui không biết sao quả tạ rớt trúng đầu lúc nào. Hên thì kết quả cũng rất tốt, xui thì tiền mất tật mang. Đi trồng răng implant, làm răng sứ, niềng răng mà cuối cùng rụng hết hàm răng. Hoặc chê ngực nhỏ nên về Việt Nam độn cho rẻ, cuối cùng là gồ ghề lồi lõm mất cân đối, tốn tiền bay đi bay về tháo ra gấp mấy lần tiền chỉnh sửa. Tệ hơn nữa là bị nhiễm trùng thì chi phí điều trị càng đội giá rất nhiều và phải cắt bỏ ngực. Y khoa Mỹ không phải hoàn hảo 100%, cũng có trường hợp khách hàng – bệnh nhân bị tai biến xấu, nhưng ở Mỹ khách hàng kiện đòi bồi thường được và được bồi thường số tiền lớn. Còn ở Việt Nam khởi kiện đòi bồi thường, nếu thắng kiện tiền bồi thường không đủ bù tiền vé máy bay hoặc không đủ chi phí mướn luật sư bảo vệ quyền lợi.

Xem thêm:   Còn ai viết những lá thư tay?

Tôi mua cái máy may Brother ST371HD ở Walmart, shipped tới nhà, được trả lại trong vòng 90 ngày. Tôi xài thử từ ngày mua tới nay là 20 ngày. Quà tặng kèm là 6 ống chỉ và gói giấy keo dùng cho thêu, cái này mua riêng cũng $20. Hôm qua đang may nó kêu rột rột, gãy kim mà đầu kim rớt xuống dưới bàn lừa. Tôi bèn lật máy lên mở ra để lắc cho đầu kim rớt ra ngoài, thì phát hiện dưới đáy thiếu một con ốc, những con ốc còn lại ko đồng bộ với nhau. Nghi cái máy này bị lỗi, hoặc máy “renewable.” Sáng nay xách vô tiệm nói họ đổi cái mới khác. Họ nói trong tiệm không có sẵn nên không làm được. Tôi trả máy cho tiệm, tất nhiên nhận lại 100% tiền. Tôi trả lại phần quà tặng thì họ không nhận nên tôi xách về, lời được gói quà tặng. Bây giờ ordered cái Single HD4423 về xài thử coi sao, nếu không thích đem trả tiếp.

Khi nào người Việt buôn bán giữ uy tín, phẩm chất hàng hoá và tôn trọng khách hàng như người Mỹ mới nói chuyện “ra biển” được, buôn gian bán lận, suốt ngày nghĩ cách “lùa gà” (gạt tiền khách hàng) thì mãi lặn ngụp trong ao tù nước đọng thôi.

Ông bà ta có câu “Tiền nào của nấy.” “Của rẻ là của ôi.” Trên đời này không có cái gì “rẻ mà ngon” hết. Rẻ nhưng không ngon, rẻ và  phẩm chất chấp nhận được, hoặc ngon nhưng không hề rẻ… thì có.

TPT