Với việc Tổng thống Donald Trump gần đây đưa ra một loạt mức thuế mới đánh lên hầu như tất cả mọi mặt hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ cho thấy chính sách của Tòa Bạch Ốc là muốn tất cả hàng hóa bán cho người tiêu thụ ở Mỹ phải được sản xuất tại các nhà máy của Mỹ – và qua đó ta thấy quá trình toàn cầu hóa được Hoa Kỳ hỗ trợ để làm bàn đạp cho việc vận hành và thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong suốt nhiều thập niên qua đang bắt đầu hạ màn.
Các mức thuế mới bao gồm mức thuế căn bản là 10% đối với hàng nhập cảng từ nước ngoài và thêm vào đó là “thuế đáp trả” (reciprocal tariffs) – nghĩa là thuế đánh ngang bằng với mức thuế mà các quốc gia khác đang áp dụng đánh lên các hàng hóa nhập cảng từ Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế mới 34% đánh thêm vào mức thuế 20% đã được áp dụng kể từ tháng 2. Khi kết hợp với các mức thuế có từ thời các chính phủ trước, các nhà kinh tế ước tính rằng Trung Quốc hiện sẽ phải đối mặt với tổng mức thuế từ 65% đến 70%. Việt Nam phải đối mặt với mức thuế mới là 46% và các quốc gia Liên Âu đối mặt với mức thuế mới là 20%.
Made in America
Tham vọng “Made in America” của ông Trump có nghĩa là các nguồn đầu tư trong những năm gần đây đổ vào các địa điểm sản xuất có chi phí thấp như Việt Nam chẳng hạn, cũng như vào các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ như Nam Hàn và Nhật Bản, sắp tới đây có thể cạn kiệt. Các công ty đang phải xem xét lại các kế hoạch đầu tư của họ để tìm nơi thích hợp và có lợi nhất cho tiền đầu tư của họ.
Kể từ khi ông Trump trở lại cầm quyền, một loạt các thông báo mới từ nhiều công ty, trong đó có công ty sản xuất iPhone Apple, công ty sản xuất xe Nam Hàn Hyundai và các công ty bào chế dược phẩm như Johnson & Johnson và Eli Lilly nói rằng các công ty đa quốc gia này đang chuẩn bị mở rộng hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ để ứng phó với chính sách thuế quan của chính quyền Trump.
Tuy nhiên, việc tách ra khỏi chuỗi cung ứng của thế giới và chuyển công việc sản xuất đến Hoa Kỳ theo cách mà ông Trump muốn là một công việc rất khó khăn, đó là chưa kể bên cạnh đó còn nhiều thứ chi phí khác nữa. Ngoài ra còn có khả năng là Tổng thống Trump sẽ hạ thuế quan nếu ông có thể sử dụng chúng để đạt được sự nhượng bộ về thương mại từ các quốc gia khác thì việc di chuyển nhà máy sản xuất của họ tới Hoa Kỳ hóa ra không có lợi. Các nhà kinh tế cảnh báo thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng đầu tư sụt giảm khiến kinh tế bị suy yếu trong khi các công ty thì ngồi chờ cho các lớp sương mù của cuộc chiến thương mại tan đi.
Hy vọng của Tổng thống Trump là các bức tường thuế quan cao sẽ mở ra một thời kỳ hoàng kim mới với công ăn việc làm dồi dào và cuộc sống sung túc trong khi kỹ nghệ sản xuất nở rộ khắp nơi ở Hoa Kỳ. Ông đổ lỗi cho các hoạt động thương mại kiểu “ăn cướp” của Trung Quốc, của Liên Âu và các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ là đã lấy hết công ăn việc làm và các ngành kỹ nghệ của người Mỹ, và nay thì ông muốn đưa tất cả trở lại.
Hai quốc gia đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, Mexico và Canada, được miễn thuế quan mới, với bất kỳ loại hàng hóa nào tuân thủ đúng theo thỏa thuận thương mại tự do của ba nước (được gọi tắt là USMCA) thì tiếp tục không phải chịu thuế. Tuy nhiên, cả hai quốc gia trên vẫn phải đối mặt với mức thuế 25% mà ông Trump áp dụng đối với một phần lớn hàng xuất cảng của họ không nằm trong thỏa thuận, cũng như mối nguy cơ ông Trump có thể hủy bỏ thỏa thuận trên vì các vấn đề không liên quan đến thương mại như ma túy và di dân lậu nếu những vấn đề này không được giải quyết theo yêu cầu của ông.
Chỉ đích danh Trung Quốc
Trong đợt thuế quan lần này, ông Trump chỉ đích danh Trung Quốc. Đây là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài của các công ty Mỹ, và trong nhiều thập niên qua họ đã xây dựng các nhà máy bắt đầu bằng sản xuất đồ chơi và quần áo và nay thì sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao như xe hơi, máy móc và thiết bị điện tử. Hiện nay, Trung Quốc thống trị ngành sản xuất toàn cầu, với thặng dư mậu dịch năm ngoái là $1 nghìn tỷ.
Do căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh cùng với các hậu quả do đại dịch Covid gây ra, các công ty đa quốc gia đã mở thêm các cơ sở sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc để duy trì hoạt động của họ được tiếp tục diễn ra suôn sẻ trong trường hợp nếu bị gián đoạn do chậm trễ vận chuyển, thiên tai, cấm vận kinh tế hoặc xung đột. Như công ty Apple chẳng hạn, đã bắt đầu sản xuất một số điện thoại iPhone tại Ấn Độ.
Đồng thời, các công ty Trung Quốc cũng đã xây dựng các cơ sở sản xuất của họ ở nước ngoài, một phần là để thoát khỏi sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước của họ, nhưng phần quan trọng khác cũng là để tiếp tục phục vụ các khách hàng đa quốc gia và tránh thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Mexico và Việt Nam là hai nơi được nhiều công ty Trung Quốc tìm đến, nhờ chi phí sản xuất thấp và, trong trường hợp của Mexico, được tiếp cận thị trường Hoa Kỳ miễn thuế.
Đối với Hoa Kỳ, kết quả là thị phần hàng nhập cảng từ Trung Quốc giảm nhưng thâm hụt mậu dịch với Việt Nam, Mexico và các quốc gia khác lại gia tăng. Tổng số thâm hụt hiện tại của Hoa Kỳ là $1.1 nghìn tỷ trong năm 2024, và tình trạng này đã khiến ông Trump và các cố vấn của ông nhìn thấy nhu cầu cần cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu.
Dấu hiệu tích cực
Với sự trở lại nắm quyền tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thốngTrump đã phát động cuộc chiến thương mại mới tới với cả đối thủ cũng như đồng minh, là những quốc gia mà ông cáo buộc đã lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu được Hoa Kỳ hỗ trợ kể từ sau Đệ nhị Thế chiến bằng cách thúc đẩy xuất cảng của họ và hạn chế nhập cảng từ bên ngoài. Một số nhà phân tích cho rằng những chính sách bảo hộ như vậy thực sự đã thúc đẩy tình trạng thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế chính thống viện dẫn tình trạng thâm thủng ngân sách kéo dài và tỷ lệ tiết kiệm thấp của Hoa Kỳ là những động lực chính đưa đến khoảng cách biệt về thương mại ngày càng lớn.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược tăng thuế quan của ông Trump đang mang lại hiệu quả. Trong một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có khoảng một nửa các công ty kỹ thuật của Đức muốn tăng đầu tư vào Hoa Kỳ, trong đó có công ty Siemens cho biết họ sẽ gia tăng đầu tư thêm $10 tỷ vào Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của họ. Công ty sản xuất chip điện tử TSMC của Đài Loan cũng dự tính đầu tư thêm ít nhất $100 tỷ trong các nhà máy sản xuất chip của họ ở Hoa Kỳ trong nhiều năm tới. Các công ty điện tử khác của Đài Loan như Foxconn, Compal và Inventec cho biết họ cũng sẽ có những đầu tư mới vào các nhà máy ở tiểu bang Texas.
Với đợt áp thuế quan lớn nhất từ trước đến nay của Tổng thống Trump vừa qua đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới các công ty Hoa Kỳ và ngoại quốc rằng thời đại toàn cầu hóa của thế giới đã kết thúc.
VH