Tôi ngần ngừ mãi, không biết nên viết tên món ăn này thành chữ “mỳ quảng” hay “mỳ Quảng” mới đúng. Không biết có nên viết hoa chữ q hay không? Không biết nên hiểu chữ “quảng” trong món ăn này chỉ là một tên gọi ngẫu nhiên thôi hay chữ đó luôn luôn được viết hoa để chỉ vùng đất địa danh chung “xứ Quảng”. Cái cảm giác của một kẻ từ nhỏ đến lớn chỉ biết mỗi một điều đinh ninh duy nhất, khi lớn lên mới ngỡ ngàng nhận ra sự mới lạ khác biệt, để rồi bắt đầu ngắc ngứ ngại ngần khi nhắc đến món ăn có tên là “mỳ quảng” này.

Trong cuốn tản văn Ngồi bên hiên nhìn nắng (NXB Văn Học, xuất bản tháng 8/2024), cô bạn Nguyễn Thị Như Hiền, một người con đất Quảng Nam rặt đã viết về món mỳ quảng này qua kinh nghiệm thực tế cô có được từ chuyến công tác ngắn ngày ở Phan Thiết. Đầu tiên là cảm giác rối rít mừng rơn khi phát hiện tấm bảng quán ăn đề chữ “Mỳ Quảng” trên đường từ sân ga về khách sạn, nhưng nhường ngay cho cảm giác hớn hở sau đó chính là sự chột dạ, hụt hẫng, buột miệng hỏi: “Phải đây là mỳ Quảng thiệt không?”. Khi mà tô “mỳ quảng” được Như Hiền tả thực như sau: “Tô mỳ nhiều nước, sóng sánh màu điều. Cái đùi vịt nằm bên trên, bên cạnh còn có một miếng giò heo, vài cục huyết, thêm vài hạt đậu phụng, hành lá…”. Câu chữ theo như Như Hiền thể hiện: “… cơ hồ muốn gặp bạn cũ mà thấy trước mặt mình một người lạ huơ lạ hoắc nên không giấu được sự thất vọng”.

Xem thêm:   Ngụy biện

Tôi đọc mà hiểu cái cảm giác “buông đũa sững sờ” của Như Hiền rõ mồn một, vì đó cũng gần như là cảm giác ngược lại của tôi khi đối diện với một tô mỳ Quảng chính hiệu!

Mỳ Quảng (chính hiệu) – do ông chú nấu  

Từ lúc được sinh cho đến suốt mười mấy năm học phổ thông, tôi gần như chỉ quanh quẩn ở vùng đất Phan Rí – Phan Thiết quê mình, thì món mỳ quảng với tôi chính là món mà Hiền đã miêu tả trong bài tản văn ở trên. Và tôi cũng chỉ biết thế, cho đến khi được ông chú bên vợ là dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nấu cho một tô mỳ Quảng thực thụ. Ngồi nhìn tô mỳ trước mặt mình hồi lâu, tôi thẽ thọt hỏi: “Này là mỳ Quảng à chú?”. Ổng cười rộ: “Hỏi chi lọa rứa mi? Dân Quảng nấu mỳ Quảng thì đúng luôn rồi còn gì!”, làm tôi quê muốn chết.

Từ đó, tôi bắt đầu quan sát, tìm hiểu kỹ món mỳ Quảng của dân xứ Quảng và lúc nào cũng thầm có chút so sánh với món gọi là “mỳ quảng” ở quê mình. Chỉ là mãi vẫn không hiểu sao, biết bao lớp người từ xứ Quảng di dời vào phương Nam tìm kế sinh sống, giữ trọn hương vị món mỳ Quảng đặc trưng cho đến tít Sài Gòn thậm chí xuống đến tận miền Tây, mà lại tránh ngang xứ Phan Rí – Phan Thiết chỗ tôi hay sao? Để dân ở chỗ tôi vui vẻ ăn món mì có sợi mỳ nho nhỏ vàng vàng, nước dùng màu điều ngòn ngọt ấy từ nhỏ đến lớn mà vẫn cứ hồn nhiên gọi tên là “mỳ quảng”! Hay là chữ quảng này không liên quan đến chữ Quảng – xứ Quảng kia?

Xem thêm:   Lương đi đâu

Suốt thời gian học hành ở Sài Gòn, cũng như đi công tác tỉnh, tôi đã ăn nhiều quán có đề chữ “mỳ Quảng” và thầm nhận ra là đúng như vậy: Không có nơi nào nấu món mỳ quảng như ở xứ Phan Rí – Phan Thiết quê mình cả! Món ấy chỉ có ở xứ mình thôi!

Mỳ quảng Phan Rí

Nghĩ lại mà hay thiệt chứ!

Ờ thì, ai đó ở đất Quảng Nam lưu luyến nhớ thương món mỳ Quảng kiểu Quảng Nam, luôn có những hoài niệm bình yên và ký ức tươi đẹp gắn liền với món ăn này. Mỳ Quảng chính hiệu phải là sợi phở to dày, trắng, nước nhưn ít mà đậm đà, thắm đượm. Dĩa rau sống phải có bắp chuối xắt mỏng, không thể thiếu cây cải non hăng hăng nồng nồng nhè nhẹ, rồi bánh tráng nướng, miếng chanh tươi, trái ớt xiêm xanh… Thì, anh em đồng hương chúng tôi từ nhỏ đến lớn cũng hồn nhiên ăn mỳ quảng như cha mẹ ông bà mình đã từng ăn ở vùng đất Phan Rí – Phan Thiết này mà thôi, cũng thắc mắc gì đâu. Mỗi người ai nấy cũng đều tìm được những cảm xúc để nuôi dưỡng nâng niu, những ký ức để luyến nhớ, mến thương món ăn quê mình cả.

Hoài niệm cố hương, biết thương xứ mình, ăn một món quê là cứ như nuốt nhớ nuốt thương hết vào lòng, nhưng đằng sau đó vẫn là những tình cảm ấm lòng với nơi chôn nhau cắt rốn. Không cần phân bua, không cần tranh cãi, không chê bai khích bác gì nhau…

Xem thêm:   Phát minh này hao… người

Sau khi ăn chán chê mỳ Quảng chính hiệu đến từ đất Quảng, Tết rồi chúng tôi cũng vẫn bình thản về thăm nhà, thăm cha mẹ, và mùng Năm, mùng Sáu lại kéo nhau ra quán ăn món mỳ quảng đầu năm – chính là “món mỳ có sợi vàng, nhỏ, nước dùng màu điều…” ấy mà không hề có chút lấn cấn hay thắc mắc gì!

Thế mới biết, quê hương với mỗi người, là món ăn ở quê, là dòng sông con nước, là cục đất quê, không dễ gì quên được và cũng không có lý do gì để chối bỏ, cho dù có gặp được gì quý hơn, khác biệt hơn, sang trọng hơn, hay kể cả là hào nhoáng hơn.

Quán ở thị trấn Phan Rí Cửa (ảnh từ Internet)

NTB (Tháng 02.2025)