Tháng 2 vừa qua, khoảng 10,000 quân NATO đã tiến hành các cuộc tập trận chỉ cách biên giới Ukraine vài dặm để thử nghiệm về khả năng phản ứng nhanh lẹ của một lực lượng mới được thành lập sau khi Nga xâm lăng nước láng giềng Ukraine. Có một điều bất thường của cuộc tập trận này là sự vắng mặt của quân đội Hoa Kỳ.

Với những căng thẳng trong liên minh giữa Hoa Kỳ và châu Âu gần đây khiến người ta không thể không đặt ra câu hỏi rằng liệu quân đội của lục địa này có đủ sức để tự mình chống lại lực lượng của Nga trong tương lai hay không. Hiện đang có nhiều nghi ngờ về cam kết của Hoa Kỳ đối với các bảo đảm an ninh cho NATO, ngay cả sau khi Hoa Kỳ quyết định tái hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau khi chính quyền Kyiv chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn và Moscow thì đưa ra tín hiệu rằng họ chưa vội chấm dứt chiến tranh. Các hành động ngoại giao của Hoa Kỳ trong việc đàm phán với Nga và thái độ lạnh nhạt của chính quyền Donald Trump đối với châu Âu làm dấy lên lo ngại.

Tự đứng một mình?

Các diễn biến nói trên khiến một số giới chức phải đặt câu hỏi mà trước đây chưa từng được nghĩ đến rằng nếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương xấu đi hơn nữa, liệu châu Âu có thể buộc phải tự vệ trước Nga mà không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ không? Các giới chức quân sự cấp cao Âu châu và các giới chức Hoa Kỳ từng phục vụ ở bên kia bờ Đại Tây Dương cho biết châu Âu sẽ có đủ sức mạnh để tự đứng một mình trước một tình thế như vậy.

Cái mà Âu châu thiếu là khả năng phòng không và tình báo, nhưng quân đội của họ kết hợp lại có thể tạo thành một lực lượng không quân hùng mạnh, hải quân khổng lồ và lục quân đáng gờm. Các lực lượng quân đội trên bộ của Âu châu, vốn đã bị thu hẹp sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, hiện đang dần được xây dựng lại và bổ sung thêm các loại vũ khí và thiết bị tối tân.

Xem thêm:   Miễn hạnh phúc...

Chiến tranh nếu xảy ra sẽ gây nhiều tử vong và tàn phá rất lớn – như cuộc xâm lăng Ukraine của Nga cho thấy – và làm tăng nguy cơ chiến tranh nguyên tử. Nhưng theo ý kiến của nhiều chiến lược gia cho biết, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đối đầu với Âu châu trong chiến tranh quy ước.

Các thành viên NATO nói rằng Nga trong vài năm nữa có thể đủ mạnh để phát động một cuộc tấn công theo lối truyền thống vào châu Âu, đặc biệt là nếu đạt được một thỏa thuận hòa bình với Ukraine sẽ cho phép Moscow tái thiết lực lượng vũ trang của họ. Liệu quân đội Nga sau khi được tái lập sẽ có đủ khả năng để xâm lăng châu Âu hay không là dấu hỏi lớn.

Một điều thực tế ở thời điểm hiện tại là 11 năm sau cuộc tấn công đầu tiên của Moscow vào Ukraine để chiếm bán đảo Crimea, và 3 năm sau cuộc xâm lăng toàn diện, một phần lớn quân đội của Nga đã bị tiêu diệt bởi một lực lượng yếu hơn của Ukraine.

Khả năng phòng thủ tập thể

Mặc dù kém về phòng không và tình báo, quân đội châu Âu tập hợp lại có khả năng phòng thủ đáng kể, mà họ đang xây dựng thông qua các chương trình huấn luyện liên tục. Quy mô của các cuộc tập trận cũng đã gia tăng và trọng tâm của châu Âu là chuyển sang chiến lược phòng thủ tập thể.

Vào mùa xuân năm ngoái, NATO đã tổ chức một cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh, bao gồm khoảng 90,000 quân, hơn 80 máy bay đủ loại và 1,100 quân xa chiến đấu – một phần lớn trong số đó đến từ Hoa Kỳ. Năm nay, NATO có kế hoạch tổ chức gần 100 cuộc tập trận khác nhau.

Các cuộc tập trận này giúp quân đội châu Âu làm quen với việc chiến đấu chung cùng đồng minh và giúp các vị chỉ huy học kinh nghiệm về việc lãnh đạo các lực lượng hỗn hợp.

Theo một số nguồn thông tin mở, quân đội châu Âu của NATO cũng có một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự. Tổng cộng, họ có khoảng 5,000 xe tăng và hơn 2,800 hệ thống pháo tự hành. Phía Nga thì còn khoảng 3,000 xe tăng sau khi bị mất hàng nghìn xe tăng ở Ukraine và khoảng một nửa số hệ thống pháo tự hành so với châu Âu.

Xem thêm:   Toàn Nobel y học... hụt

Các loại vũ khí không người lái drone đã làm giảm tính hữu dụng của các hệ thống quân sự truyền thống nói trên và Nga hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về các hệ thống drone. Các quốc gia khối NATO cũng đang cấp tốc học hỏi kinh nghiệm từ Ukraine và phát triển các hệ thống drone và chống drone cho quân đội của họ.

Riêng về không chiến theo lối truyền thống, theo viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, các thành viên châu Âu trong khối NATO có khoảng 2,000 chiến đấu cơ và các máy bay chiến đấu khác. Các quốc gia châu Âu đang mở rộng và hiện đại hóa các đơn vị không quân. Đến năm 2030, châu Âu sẽ có hơn 500 chiến đấu cơ F-35 tối tân do Hoa Kỳ sản xuất.

Cũng theo IISS, lực lượng không quân Nga có khoảng 1,000 chiến đấu cơ, máy bay ném bom và máy bay tấn công lực lượng trên bộ, và những máy bay này không hoạt động hữu hiệu trong chiến đấu. Viện IISS ước tính cứ 5 máy bay được đưa vào chiến đấu ở Ukraine thì Nga đã mất khoảng một chiếc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã định hướng lại nền kinh tế của Nga theo hướng hoạt động thời chiến, và hiện đang tăng hết công suất để hỗ trợ cho quân đội. Nếu chiến sự ở Ukraine chấm dứt, các giới chức phương Tây lo ngại là Nga có thể nhanh chóng xây dựng lại lực lượng quân đội của họ.

Kho vũ khí của các quốc gia châu Âu hiện đã khá cạn kiệt do phải cung cấp cho Ukraine trong suốt 3 năm qua và đang gặp khó khăn để thay thế những loại vũ khí đó.

Các nhà lãnh đạo Âu châu đang gấp rút tìm cách để tài trợ cho hoạt động sản xuất quân sự mới, trong đó đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels vào đầu tháng 3. Nỗ lực trên lại càng trở nên cấp bách hơn do áp lực từ phía chính quyền Donald Trump.

Xem thêm:   Cơm sống

Làm cách nào để các quốc gia châu Âu có thể tự chiến đấu mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ là một câu hỏi mới đối với các quốc gia trong khối NATO. Trong khi các khoản đầu tư của châu Âu sẽ củng cố khả năng phòng thủ của lục địa này, nhưng các kế hoạch chiến đấu và cấu trúc chỉ huy của NATO thì nay vẫn dựa trên sự tham gia của Hoa Kỳ – và thậm chí kể cả vai trò lãnh đạo.

Ngoài NATO, châu Âu không có bộ chỉ huy quân sự nào khác trên toàn lục địa. Các quốc gia châu Âu đã nhiều lần thảo luận về việc thành lập một lực lượng chiến đấu đa quốc gia nhưng cho tới nay vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào.

Không có lựa chọn khác

Hiện nay, châu Âu đang cân nhắc xem chiến lược phòng thủ tập thể nào sẽ thích hợp nhất nếu không có Hoa Kỳ. Theo các giới chức trong liên minh cho biết, điểm khởi đầu có thể thực hiện được là sử dụng ngay chính các kế hoạch tác chiến của NATO và sau đó có thể tùy nghi thích ứng với các cấp độ quân đội khác nhau.

Các chi tiết, độ phức tạp và tính linh hoạt của các kế hoạch chiến đấu đều được giữ bí mật. Tuy nhiên, chiến lược căn bản hiện tại của NATO, cũng giống như trong thời chiến tranh lạnh, là sử dụng các lực lượng có sẵn ở châu Âu để ngăn chặn các lực lượng tấn công của Nga cho đến khi quân tiếp viện từ Hoa Kỳ đến.

Châu Âu vẫn có thể sử dụng các bản thiết kế của NATO làm cơ sở cho các kế hoạch phòng thủ của họ, ngay cả khi các kế hoạch nói trên có một vài lỗ hổng. Phát triển khả năng tự phòng thủ để trám vào các khiếm khuyết trong trường hợp Washington từ chối tham gia vào một cuộc xung đột tương lai là một nỗ lực sẽ làm tăng chi phí hiện đại hóa quân sự của châu Âu. Nhưng có lẽ châu Âu không còn lựa chọn nào khác khi bàn về việc tự phòng thủ an ninh cho chính mình mà không có Hoa Kỳ.

VH