Cát càng ngày càng được khóa chặt, cũng giống như người ta đóng cửa rừng. Nhưng, cát ngày càng tiêu thụ và khai thác vô tội vạ, cũng giống như cửa rừng chỉ chính thức đóng lại khi không còn cái cây nguyên sinh nào nữa. Dường như toàn bộ hệ thống khai thác rừng đã chuyển thể loại, bước sang khai thác cát. Bởi hiện tại, cát là thứ dễ làm giàu nhất. Mặc cho những dòng sông quằn quại và rên xiết.

Nhiều con sông đổi dòng chảy sau khi lòng sông bị khai thác cát, rừng bị đốn hạ …  

Ai mua cát, ai bán cát?

Một người từng làm việc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, chính xác là Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường, không muốn nêu tên, chia sẻ:

– Ngó vậy chứ khóc ròng ấy chứ! Thời xưa kiểm lâm khóc, giờ tới dân môi trường khóc …

– Sao phải khóc?

– Trước đây, kiểm lâm giữ rừng, nhưng thực ra chỉ “chiến đấu” với đám lâm tặc tép riu, còn lâm tặc lớn hoành hành tha hồ. Cũng như bây giờ, cát, khoáng sản cũng vậy, đâu có giữ được!

– Lâm tặc tép riu là mấy người phá rừng, chặt cây lẻ tẻ, còn lâm tặc lớn là gì nữa?

– Tức là bọn lâm tặc mà mình biết nó đang phá rừng đó nhưng phải tránh nó ra.

– Mình sợ chúng hay sao?

– Nói sợ thì không đúng, nhưng không dám đụng tới chúng nó, vì “cụ” của chúng nó đứng phía sau. Chúng nó bị bắt thì được thả ra, còn mình sẽ bị cô lập, bị đuổi việc, coi như bể nồi cơm. Cay đắng lắm. Thế nên rừng mới sạch sành sanh là vậy. Giờ đến cát, khoáng sản cũng y chang…

– Anh có vẻ cũng khá rành ha?

– Đúng rồi, tôi từng là đội trưởng kiểm lâm, sau này xin chuyển qua bên Tài nguyên Môi trường, ai dè cũng y vậy.

– Anh có thể nói sơ qua vấn đề khai thác cát không?

– Có 1001 cái để nói, tình trạng khai thác cát ở lòng sông cho đến lúc này là không thể nói được gì, bởi các nhóm lợi ích họ đã bước vào rồi. Bây giờ, họ bắt tay với quan chức, từ nhỏ tới lớn. Mình làm tài nguyên môi trường không phải để bảo vệ tài nguyên môi trường mà chỉ là bọn canh cửa cho các nhóm lợi ích cả thôi!

Xây dựng, khai thác khắp nơi

– Còn tình trạng các con sông mới được khai thông dòng chảy ra sao?

Xem thêm:   Mùa lá thuộc bài nở hoa

– Làm gì có con sông nào được khai thông dòng chảy, toàn là nói láo cả thôi. Quy luật lở bồi của sông mình không thể can thiệp vào được. Ví dụ như dòng sông bị bồi lấp, có bãi bồi, thì sau đó sông sẽ tự phá đường, tìm dòng chảy trong tương lai, sau mỗi trận lụt sẽ có bên bồi bên lở. Người ta khai thác cát là để trục lợi chứ không khai thông dòng chảy nào được cả. Thực ra là bán buôn chia chác nhau cả rồi. Vụ vừa rồi ở Quảng Nam, ngay bãi cát Điện Thọ, công an điều tra rồi đó, có ai mà giá cát trên thị trường lúc cao nhất cũng chưa tới 500,000 đồng một mét khối, vậy mà công ty Quảng Đà đấu giá lên tới 2,300,000 đồng một khối, rõ ràng là quá bất minh.

– Bất minh ở chỗ nào?

– Nó cho thấy giữa đơn vị bán và đơn vị mua có vấn đề. Ví dụ như trữ lượng cát có thể là vài triệu mét khối nhưng khi rao bán thì đưa ra vài trăm ngàn mét khối. Chỉ có người bán với người mua hiểu ngầm với nhau mà đấu giá. Mà nếu dân không phải liên minh chui đầu vào đấu giá, nếu thắng được cũng chết.

– Vì sao lại chết?

– Một khi đấu giá thật cao như vậy, chứng tỏ đã có sự thỏa thuận ngầm về trữ lượng. Nó mua 1000 mét khối nhưng hút đến 1 triệu mét khối, chẳng ma nào kiểm tra được cả.

Xem thêm:   Hồn người viễn xứ

Những dòng sông rên xiết

Việt Nam là quốc gia có rất nhiều sông, chảy từ Tây sang Đông, có một số dòng sông chảy từ Bắc vào Nam hoặc từ Đông sang Tây như sông Kỳ Cùng, nhưng cũng vài đoạn như vậy thôi, sở dĩ nhắc tới việc sông chảy từ Tây sang Đông vì phía Tây là núi, phía Đông là biển, sông chảy từ núi xuống biển, mang theo một lượng phù sa và sa khoáng rất lớn trong dòng chảy của nó.

Trước đây, mọi dòng sông đều xanh mát vào mùa Xuân, nước trong và hiền hòa, trong veo vào mùa Hạ và xanh leo lẻo vào mùa Thu, chỉ mùa Đông là nước có màu ngầu đục vì chở phù sa. Thế nhưng bây giờ, hầu hết các dòng sông từ Nam chí Bắc chỉ hơi trong và xanh lờ đờ vào những ngày Tết, thời gian còn lại, nước sông ngầu đục.

Nhiều buổi đấu giá kết thúc với giá đấu cao ngất ngưởng bởi sự thông đồng về sản lượng được đấu

Một người tên Nô, từng là lâm tặc, từng là sa tặc và từng là kim tặc, tức dân đào vàng thứ thiệt, dân anh chị, đã bỏ nghề sau khi ông ta chứng kiến đứa con của mình bị chết do sập hầm đào vàng, ông quyết định bỏ nghề, tu thân. Ông Nô chia sẻ:

– Ăn của rừng rưng rưng nước mắt là có thật. Nhưng một người ăn mà cả triệu người rưng rưng mới đau!

– Ai làm nấy chịu, sao ảnh hưởng đến cả triệu người?

– Chị thấy đó, ở xứ Quảng mình, một Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, rồi làm Chủ tịch nước, lúc oanh liệt, tiền bạc, quyền lực đầy mình lão và dòng họ lão hưởng, còn dân có được gì đâu. Nhưng khi lão mang tiếng dơ thì cả cái xứ Quảng bị ghép vào với cái ô danh của lão. Còn với việc khai thác rừng, dường như các nhóm lợi ích hưởng thôi, nhưng khi lũ lụt, thiên tai thì toàn dân gánh chịu.

Xem thêm:   van Manen Anaïs Ca Dao

– Chú có thể chia sẻ một vài kỷ niệm thời đi rừng được không?

– Rừng là một thế giới khác, lên trên đó hả, vàng một chỗ, gỗ một chỗ, trầm một chỗ, kiểm lâm một chỗ, mạnh ai nấy sống, vàng thì đào sạt cả núi, dùng máy bơm áp lực bơm thẳng vào núi đất để lấy sa khoáng mà đãi, còn gỗ hả, người ta dựng cả một cái xưởng cưa chần vần trong rừng.

– ???

– Tôi nói thì chị sẽ thấy không hay, thôi để tôi giới thiệu chị với A Lăng Văn Bốc, anh ta sẽ kể chị nghe, đệ tử của tôi thời đó.

Tôi tìm gặp A Lăng Văn Bốc, anh cho hay:

– Hầu hết các con trâu đực chúng tôi nuôi là để kéo gỗ thuê.

– Các anh có khai thác gỗ không?

– Chúng tôi khai thác thuê.

– Ai thuê?

Rừng bị đốn hạ, rừng trồng thay thế, đất trở nên bạc màu và núi dễ lở

– Các tay lâm tặc, nói là lâm tặc chứ họ là những người có chủ, có chỗ dựa đàng hoàng. Họ là tay chân của những ông chủ lớn.

– Rừng là nơi nương tựa của bà con thiểu số, biết vậy sao anh vẫn làm?

– Trước đây, dân làng còn vào rừng kiếm cây củi, cây gỗ làm nhà, giờ thì cấm, cấm tiệt, mình làm thuê cho bọn khai thác để kiếm sống chứ. Mình không làm thì thằng khác cũng làm, mình đói!

– Nghe nói nhà nước có chính sách ưu tiên cho đồng bào miền núi, không đủ sống được sao?

– Họ nói cho vui vậy mà (cười)! Nhà nước gởi về con bò, đến bìa rừng thì còn bộ xương, mấy cục nạc người ta lẻo hết rồi, vào đến bản thì còn mấy khúc xương, qua tay cán bộ ở đây nữa thì còn dính mấy tí gân, sống gì nổi!

– Vậy dân làng họ làm gì để sống?

– Hầu hết là đi làm thuê, từ Nam chí Bắc đều vậy. Mình phải tự cứu lấy mình thôi!

A Lăng Văn Bốc nói rằng phá rừng thuê cho lâm tặc là tự cứu lấy mình, tức tự cứu lấy đời sống kinh tế nghèo khổ, bế tắc của mình. Nhưng kỳ thực có phải là tự cứu hay là đang tự tử?!

Câu hỏi này thật khó trả lời.

UC