Tháng 6 ngày 11, 2024, Françoise Hardy trút hơi thở cuối cùng ở Paris sau 80 năm tại thế, trong đó có 20 năm chiến đấu can trường với ung thư máu và ung thư cổ họng, bỏ lại không biết bao nhiêu trái tim cất giữ trong lòng những giai điệu man mác bà đã viết và hát.

Françoise Hardy sáng tác/biểu diễn hơn cả trăm ca khúc nhưng được nhắc đến nhiều nhất là tác phẩm đầu tay Tous le garçons et les filles (Những nụ tình xanh, lời Việt Phạm Duy, Thanh Lan hát), Le temps de l’amour (Mùa tình yêu, lời Việt Trường Kỳ, Kiều Nga, Sĩ Đan… hát), Mon amie la rose (Nụ hồng mong manh, Thanh Lan dịch và hát), Comment te dire adieu? (phiên bản Việt có: Sao đành giã biệt? / Mưa rơi / Chia tay người ơi / Cuộc tình đã xa của Lê Minh Bằng, Lệ Thu Nguyễn Imbert, Vy Vân, Lan Anh, Hà Tôn Thanh Hằng, nhiều ca sĩ ghi âm như Khánh Hà, Don Hồ & Ngọc Huệ, Lệ Thu Nguyễn Imbert, Lâm Thúy Vân, Julie Thanh Nguyên…), Message personnel (Tâm tư), Fais moi une place (Cho em xin một chỗ trong tim anh), Le large (Buông), Rendez-vous dans l’autre vie (Hẹn nhau kiếp sau),  Personne d’autre (Chẳng ai nào khác).

Khác với những nữ danh ca cùng thời như Sylvie Vartan, France Gall, Jane Birkin, Sheila, Brigitte Bardot, Véronique Sanson… Françoise Hardy không chỉ được yêu thích mà còn được quý trọng vì bà xinh đẹp nhưng kín đáo, lịch lãm nhưng giản dị, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, lãng mạn nhưng đoan trang. Ngoài sáng tác và ca hát, bà còn đóng phim, nghiên cứu tử vi, viết sách.

Khổ sở vì bệnh dữ, Françoise đã viết thư cầu khẩn tổng thống Pháp thúc đẩy quốc hội ban hành luật an tử (Euthanasia) để bà được rút ngắn thời hạn trả nợ đời. Nhưng việc giải tán quốc hội sau khi đảng cực hữu chiếm đa số phiếu kỳ bầu cử nghị viện Châu Âu đầu tháng Sáu khiến ông Macron và các chính khách khác tất bật lao vào trận chiến tranh quyền. An sinh luýnh quýnh, an tử? Tính sau.

Francoise Hardy và Jacques Dutronc thập niên 70   

Ngày Françoise ra đi là ngày Hai Quê hứa đem thuốc giảm đau cho Monique. Bà hàng xóm trên 80 tuổi sống một mình với ung thư máu và thấp khớp. Già yếu nhưng khước từ viện dưỡng lão vì xương thịt hư hao nhưng đầu óc còn xài được, ở nhà vẫn nhất, bà nói vậy. Nhà bà  không khóa cửa để lỡ có gì thì người khác cứ vậy mà vào. Băng qua khuỷnh sân la liệt chậu lớn chậu bé đủ loại của bà, Hai Quê chỉ ẩy nhẹ cửa là vô được bên trong. Tiếng nhạc bao trùm phòng khách âm u.

Xem thêm:   Sao quên tuổi ngọc?

– Hôm nay sao rồi, Monique?

Bà già nhe hàm răng sún ra cười và tiếp tục nhịp chân theo nhạc… Sous aucun prétexte, je ne veux avoir de réflexes malheureux. Il faut que tu m’expliques, un peu mieux. Comment te dire adieu? (Em tuyệt đối không muốn làm gì đáng tiếc. Anh nói cho em biết đi, sao đành lìa xa?)

– Françoise Hardy! Bác hay tin rồi ?

Bà già đặt ngón tay lên môi, suỵt suỵt … Mon coeur de silex vite prend feu, ton coeur de pyrex résiste au feu, je suis bien perplexe, je ne veux me résoudre aux adieux. (Trái tim đá lửa của em bốc cháy quá vội còn trái tim ve chai của anh thì không bén lửa, em bối rối nhưng em không muốn lìa xa.)

– Cô có tin hai chữ duyên nợ không? Ngưng ư ử, Monique quay qua hỏi.

Trong phòng ghi âm khi thâu bài Tiễn biệt, 2000

Cái người mà Françoise từng chê xấu xí ấy tên Jacques Dutronc. Lần đầu gặp nhau, Jacques vừa giải ngũ, đầu húi cua, mắt đeo kính cận dày cộp, mặt đầy mụn trứng cá. Đó là năm 1966, nàng 22, chàng 23. Chê, nhưng chỉ một năm sau, nàng sa lưới tình, mở cửa mời chàng bước vào đời. Từ đó trở đi là những tháng ngày chất chồng sầu khổ vì chàng ca nhạc sĩ tài hoa này là chúa la cà đàn đúm, cà tửng cà rỡn, thích rượu và mê gái.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (07/17/2025)

1973, Françoise quyết định mang thai để ràng buộc bad boy nhưng đứa con chẳng làm Jacques thay đổi. Nghiêm túc, chừng mực và chung thủy không nằm trong ADN của chàng. Chàng nuôi hơn 50 con mèo bốn chân và không có ý định ngưng vui vẻ với mèo hai chân.

1975, bùng nổ xì căng đan Jacques đem «lòng súng nhân đạo cứu người lầm than» (*) minh tinh Romy Schneider. Tổn thương nhưng Françoise tiếp tục chấp nhận. 1981, hai người kết hôn. Trả lời phỏng vấn, Françoise cười : «Jacques là con của vợ và là anh của con mình!» để tả tính cách hồn nhiên của chồng. Bảy năm sau, hai người ly thân. Sau khi chia tay, họ cùng sáng tác bản Partir quand même (Dứt áo).

Dứt áo nhưng không dứt tình. Với Jacques, đám cưới, ly thân và tình yêu không liên quan gì đến nhau. Sao cũng được, miễn Françoise đừng thoát khỏi từ trường của chàng. Khổ sở quá, Françoise hăm: «Có ngày anh làm gì tôi cũng sẽ dửng dưng cho mà xem!» Playboy chưng hửng khi nhận ra ngày ấy đến thật, và nó dễ sợ hơn việc ly thân ngàn lần. Chàng rơi.

Francoise Hardy và Jacques Dutronc do Jean-Marie Périer, nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp và đăng trên blog cá nhân với lời lẽ thân thương. Tuy là mối tình đầu của Francoise Hardy, Jean-Marie Périer đã nhanh chóng trở thành bạn rất thân của Jacques khi Francoise và Jacques đến với nhau.

1997, Jacques ngừng rơi, công khai tình mới, chính thức hóa tình trạng đường ai nấy đi với Françoise.

Ba năm sau, cả làng ớ ra khi chàng-nàng thâu chung bản Puisque vous partez en voyage (Tiễn biệt). Mắt chàng trốn sau cặp kiếng râm muôn thuở nhưng giọng hát tràn ngập âu yếm trôi về nàng. Nàng thì khỏi nói rồi.

Xem thêm:   Mình sẽ đi Mỹ

2012, đĩa nhạc l’Amour fou (Tình cuồng điên) và tự truyện cùng tên ra đời, trong ấy, Françoise kể về đam mê và vấn nghi, khao khát và hoang mang, hoan lạc và thất vọng đan xen từng ngày bên Jacques.

2016, trả lời tờ Le Parisien, nàng nói : «Tạ ơn người đã cho tôi cảm giác rung động mãnh liệt. Giờ đây, tim tôi chỉ còn nỗi dịu dàng khi nghĩ đến người.»

2018, album Personne d’autre (Không ai nào khác) được phát hành, như lời tỏ tình cuối đời.

Tín hiệu vẫy gọi, cảm giác vĩnh hằng, chỉ anh mới có thể nghe được. Đôi mắt xanh biếc siêu thực của anh… Em vẫn chờ. Một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, tinh cầu nào đó … Ký ức quấy phá em, ký ức bịa đặt, ký ức phản trắc…Trái tim đã ra khỏi cuộc chơi dường như vẫn đập vì một, hai tín hiệu…

© ABACA – Một trong những bức ảnh cuối cùng. Francoise thổ lộ với báo giới việc chàng-nàng vẫn luôn thân thiết và Jacques đồng tình chuyện an tử vì không muốn Francoise chịu khổ đau thêm.

Khi được hỏi về những lời lẽ si tình này, Françoise, câu trước chối rằng lòng không còn Jacques, câu sau lại nhắc cảm giác tinh tú quay cuồng lần đầu bị đôi mắt biếc xanh của chàng hớp hồn 50 năm về trước.

Hai Quê lay bà lão tự nãy giờ đắm chìm trong cõi tình Hardy. «Monique à, thuốc giảm đau của bác nè, tôi phải về rồi.» Monique không thèm ngó hộp thuốc.

– Tỉnh dậy ở phòng cấp cứu, cô có biết tôi đã nói gì không ? «Khổ quá, cứu tôi làm gì ! Già nua, đơn độc, bệnh tật hành hạ, tôi không muốn gì hơn là được giải thoát. Mấy người không bệnh và chưa già, làm sao hiểu được đau đớn và cô đơn!»

Hai Quê khép cửa, ráng thêm chút nữa, Monique à, ông Macron hứa ngay sau khi quốc hội mới được thành lập vào cuối tháng Sáu này, ông sẽ để tâm vào dự luật an tử.

Xin lỗi nếu như tôi ra đi lặng lẽ không báo trước. Xin lỗi vì đêm nay, và vì đêm qua nữa. Kết thúc rồi. Hẹn nhau kiếp khác. Ở đâu cũng được. Để yêu nhau hơn. Giờ thì phải đợi đã…

[Rendez-vous dans l’autre vie (Hẹn kiếp sau) – album Tình cuồng điên, 2012]

HQ

(*) Chữ của Phạm Đình Chương