Thủ đô Berlin của Đức là nơi người Việt định cư khá đông, quán ăn người Việt vì vậy cũng tập trung ở đây nhiều, họ rất chịu khó, nỗ lực trong kinh doanh nên cũng tạo dựng được tên tuổi của mình.

Bún chả Obama nhiều quán ở Berlin đều có bán
Ai đi xa không nhớ món ăn quê nhà?
Thủ đô Berlin của Đức là nơi người Việt định cư khá đông, quán ăn người Việt vì vậy cũng tập trung ở đây nhiều, họ rất chịu khó, nỗ lực trong kinh doanh nên cũng tạo dựng được tên tuổi của mình. Một số quán nổi tiếng như:
Đồng Xuân Quán: Năm 2019, Đồng Xuân Quán nằm trong khu vực chợ Đồng Xuân, thủ đô Berlin. Quán có món phở Việt nổi tiếng và nhiều món ăn khác. Không chỉ phở ngon, rau phong phú mà còn thu hút khách ở cung cách phục vụ, nhiệt tình, niềm nở. Đến tháng 9/ 2023 tôi trở lại 2 lần thì lần nào quán cũng đông.

Đồng Xuân Quán hầu hết nhân viên phục vụ rất vui vẻ, niềm nở
Quán Thanh Koch: Quán gần chợ Đồng Xuân, mở cửa từ 11 giờ. Đây trở thành một địa chỉ rất thu hút khách bởi … quán sạch sẽ, rộng rãi. Phở ở đây cũng ngon không kém Đồng Xuân Quán. Cạnh món phở còn có bún cá, bún gà, gỏi … Năm 2022 hầu như tháng nào tôi cũng đến đây ít nhất 2 lần. Có khi cùng gia đình, có khi được người quen, bà con bên này chiêu đãi. Tôi biết quán này là nhờ vợ chồng Th. N. đưa đến vào một buổi trưa. Sau đó cứ đến ăn phở, bún đều đều.

Quán Thanh Koch
Quán Bánh Xèo Sài Gòn: Không chỉ nổi tiếng về món bánh xèo mà các món khác như mì, phở, bún, gỏi, miến vịt cũng khá ngon. Bà chủ quê Đại Lộc, Quảng Nam. Năm 2019, tôi cùng gia đình ghé một lần, được dịp trò chuyện với chủ quán khi thưa khách … Năm 2022 được người quen mời đến 2 lần. Cũng những món ăn quen thuộc mì Quảng, bánh xèo … Giá ở đây khá rẻ so với vài quán khác. Bún bò Huế, bún bò gà thì 9.3 euro/tô, súp miến gà giá 8.6 euro/tô…

Chủ quán quê ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam
Quán Bính Vịt: Khách Việt, khách Tây khá đông. Món ăn ngon, giá cả không hề rẻ. Có điểm cộng là nhân viên rất nhớ mặt, nhớ cả tên khách hàng nên chào hỏi vồn vã. Thậm chí nhân viên còn nhớ những món quen khách hay dùng.
Quán Tuấn: Nổi tiếng với mẹt thịt heo, lòng heo chấm mắm tôm … ăn rất “bắt”. Quán này trước mở rộng thêm một quán bên cạnh. Tuy nhiên quản không nổi, chủ quán phải nhường lại cho một người khác cũng người Việt. Hiện 2 quán khách cũng đông như nhau.

Quán Đức Anh cạnh quán Tuấn
Cung cách phục vụ
Về cách ứng xử, phục vụ, sự chuyên nghiệp của một số quán cũng cần phải suy xét lại.
Tôi từng dự cuộc gặp mặt do một hội đoàn ở Berlin tổ chức trong một nhà hàng ở chợ Đồng Xuân. Thấy 1 nam nhân viên mặc quần lửng, đội mũ lưỡi trai, to tiếng với nhóm bà lớn tuổi … để “ổn định trật tự” mà ngán ngẩm. Do các bà lâu quá mới gặp nhau nên cười nói, hỏi thăm vồn vã. Tôi nói lại với anh Đ. trong ban tổ chức. Họ xin lỗi tôi và hứa sẽ nói lại chủ nhà hàng.
Có nhà hàng ăn tại chỗ dùng mắm, xì dầu thì “vô tư” nhưng mua đem về thì tính thêm từ 1-1.5 euro. Ăn phở gọi thêm rau thì quán tính thêm 2 đến 2.5 euro/dĩa, trong khi 1 bịch giá (giá đỗ) ngoài chợ bán 1 euro, ở đây chưa đầy một dĩa, nhúng qua nước sôi, quán tính cho khách 2 đến 2.5 euro! Không như nhiều hàng, quán ăn ở Việt Nam, kêu thêm rau ta nói là cứ “vô tư”! Ăn một tô phở, mì Quảng hoặc bún cá ở Đà Nẵng, cứ gọi rau, giá thoải mái. Chủ quán, nhân viên luôn vui vẻ đáp ứng. Thậm chí nếu quen mặt là sẽ được tô rưỡi đến 2 tô rau … ăn kèm, không cần phải nhắc.
Trường hợp này của người nhà tôi mới đau như … bò đá! Tối hôm đó hơn 10 người đến quán T. Trước khi chọn thực đơn, một người nói với nhân viên xin ly nước uống thuốc! Tức thì có ngay, một ly. Sau đó xem phiếu tính tiền, thấy quán tính 3 euro một ly nước! Nhưng bực mình là nhân viên quán không hề báo gì trước với thực khách. Không có việc thuận mua vừa bán. Cách làm ăn, buôn bán như kể trên hết muốn … hẹn ngày trở lại!
“Sau COVID-19, giá cả tăng, thu nhập cũng khó so với trước. Bọn cháu lâu lâu mới đến ủng hộ quán người Việt mình, không như trước đây gần như thường xuyên. Giá tăng mình không nói nhưng cách phục vụ phải nói là ngày càng kém! Hình như chủ quán họ giàu rồi, không còn tôn trọng và thân thiết với khách như khi quán vừa mở. Bọn cháu cuối tuần mua cả con ngan nấu cháo mời bạn bè đến nhà. Có khi làm bún chả cá, nấu lẩu cá tầm. Cả nhà hai vợ chồng với hai đứa con ăn ớn luôn, chưa tới 40 euro. Tới quán phải hơn 100 euro kể cả nước uống này nọ!”, cô N.H.H.N, nhân viên một quán sushi ở Trung tâm Alexanderplatz, Berlin, bộc bạch.
“Có quán thưa dần khách do thái độ nhân viên phục vụ kém. Có quán lại thành công vì nhân viên thân thiện, vui vẻ. Cái dở là copy nhau món ăn như chả giò, bún đậu mắm tôm, bún chả Obama… Thuê nhân viên rẻ tiền, lương không thỏa đáng, nhân viên mệt mỏi, không muốn tiếp khách. Chủ quán thì thiếu quan tâm nhắc nhở, và đào tạo, bên cạnh đó tiếng Đức thì hạn chế … Đó là cách tự sát!”, bạn T.Q.T. một quản lý nhà hàng người Việt tại Berlin nói thẳng
Còn nữa, đa số quán Việt Nam yêu cầu khách Việt trả bằng tiền mặt, phiếu tính tiền có lúc bằng giấy viết tay, không nhận thanh toán bằng thẻ! Bữa ăn chỉ 20 đến 30 đồng, nên thôi trả cho xong, lòng thì không vui chút nào! Tại sao quán lại không chấp nhận thanh toán bằng thẻ? Một cách trốn thuế chăng! Với khách không phải người Việt thì chẳng đặng đừng phải in phiếu, tính tiền qua thẻ. Dân bản địa họ yêu cầu có hóa đơn, rành mạch, họ trả tiền bằng thẻ có lẽ nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn thuế.
Cung cách phục vụ kém, thiếu chuyên nghiệp…thì dần dần sẽ nhận trái đắng. Vài quán đã bị khách lên mạng xã hội phàn nàn, chê món ăn không ngon, thậm chí mất vệ sinh, nhân viên phục vụ khó ưa … Và không hẹn ngày quay lại!
Bài & hình LKD