Cứ mỗi mùa thu về thì thành Ất Lăng (Atlanta) tưng bừng với bao nhiêu lễ hội, gần như mỗi cuối tuần đều có, thậm chí có cùng lúc mấy lễ hội luôn, nào là: State Fair , Brookhaven Festival, Pumpkin Festival, Oktoberfest, Dahlonega concerts Festival, Georgia Apple Festival, Georgia Mountain Fairgrounds, The Cotton Pickin’ Fair … nhiều không thể nào tham dự hết được. The Cotton Pickin’ Fair (lễ hội Bông gòn) là một trong số những lễ hội có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và là một lễ hội được 3 lần lên những bộ phim đình đám của Hollywood.

Những gian nhà cũ ở nông trại W.Gay
Nguồn gốc của lễ hội
Lễ hội Bông gòn năm nay là lần thứ 51, diễn ra tại thị trấn Gay và nông trại của dòng họ nhà W. Gay. Ngược thời gian trở về quá khứ khoảng năm 1882 khi ông William Gay thiết lập trạm bưu điện và tiệm tạp hóa đầu tiên ở vùng này thì cũng là lúc thị trấn Gay được thành lập. Gia đình ông W. Gay có nông trại lớn ngay trong thị trấn. Đến 1907 thì nông trại và thị trấn phát triển mạnh về bông gòn, đào, rượu gin, hạt giống bông gòn… Từ 1972 thì nông trại suy tàn, con cháu ông W. Gay có sáng kiến biến vùng đất nông trại thành nơi tổ chức hội chợ Bông gòn.

Gian hàng đồng quê
Hoạt động ở lễ hội
Hội chợ Bông gòn được tổ chức thường niên cứ mỗi cuối tuần đầu tiên của tháng 5 và tháng 10. Thông thường thì các lễ hội chỉ diễn ra một lần trong năm, riêng lễ hội Bông gòn lại diễn ra đến hai lần trong một năm, có lẽ đây cũng là một điểm đặc biệt. Các lễ hội và hội chợ ở Mỹ thường có đủ các yếu tố: hiện thực, lịch sử, giải trí và thương mại. Lễ hội Bông gòn cũng thế, đầy đủ cả những yếu tố đó, thậm chí yếu tố lịch sử còn đậm đặc hơn.
Các nông dân, nghệ nhân, thương gia đến hội chợ tham gia nhiều hoạt động như: đóng rượu gin, buôn bán đồ cổ, đồ thủ công mỹ nghệ, nông sản địa phương, trình diễn nhạc đồng quê… Năm 2023, hội chợ quy tụ được 300 nghệ nhân (artisans) tham gia các hoạt động kể trên.

Những gian hàng ở Hội chợ Bông gòn
Sức cuốn hút của lễ hội đối với những nhà làm phim Hollywood
Năm 1993 lễ hội Bông gòn và thị trấn Gay được Hollywood chọn làm nơi quay bối cảnh cho bộ phim “The War” với sự diễn xuất của tài tử gạo cội thượng thặng là Kevin Costner
Năm 2011 thị trấn Gay lại một lần nữa được đạo diễn John Hillcoat chọn quay bối cảnh cho bộ phim chuyển thể từ tác phẩm “Hạt ẩm ướt nhất thế giới” của tác giả Matt Bondurant. Bộ phim này có nhiều tài tử nổi tiếng tham gia diễn xuất: Tom Hardy, Guy Pearce, Jason Clarke…

Hàng thủ công mỹ nghệ
Năm 2014, bộ phim “In Dubious Battle” của James Franco chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả lừng danh John Steinbeck lại một lần nữa quay lấy bối cảnh của thị trấn Gay và lễ hội Bông gòn..
Lễ hội Bông gòn chỉ tổ chức tại một thị trấn nhỏ, hẻo lánh ở miền quê, nhưng lại thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Hollywood. Điều này thực sự kỳ lạ và là một biểu hiện rõ ràng về sự độc đáo và đặc sắc của lễ hội này.

Sản vật địa phương
Tôi đi loanh quanh xem xét, sờ mó những ngôi nhà chứa hạt giống bông gòn, nhà kho nông sản, nhà của chủ trang trại … mà thấy lòng xao xuyến. Lịch sử một thời của nước Mỹ hiển hiện trước mắt, đó là những thực thể kiến trúc còn tồn tại, những hiện vật cổ, nông trại mênh mông, thị trấn nhỏ đìu hiu. Tôi có cảm giác như trở về quá khứ. Một thị trấn nhỏ ở đồng quê, một lễ hội có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Hình như tất cả mọi người tham gia đang làm sống lại một thời kỳ lịch sử chưa xa lắm, cái thời những nông trại bông gòn vào mùa nở bung trắng cả đất trời. Những người tham gia lễ hội hầu hết là người da trắng nông thôn, họ đến từ các thị trấn và các vùng quê khác. Rất dễ nhận diện qua trang phục ăn mặc và phong cách của họ.
Bông gòn một thời là sản phẩm có giá trị, giờ đây đã lùi vào dĩ vãng. Lễ hội Bông gòn đã trở thành di sản tinh thần của người dân ở thị trấn Gay nói riêng, của người Georgia và của nước Mỹ nói chung. Nó được chọn là sự kiện hàng đầu của miền đông nam Hoa Kỳ, do hiệp hội du lịch miền đông nam Hoa Kỳ bình chọn (Southeast Tourism Society).

Seed Cotton house – nhà chứa hạt giống bông gòn
TLTP
Ất Lăng thành, 1023