
Bên dòng sông Arno
Ánh nắng chói lóa của buổi sáng mùa thu tỏa xuống quảng trường nhà ga Piazza della Stazione. Dòng người đến và đi tấp nập, những người kéo va-li, những người xách hành lý, những người khóa vội xe đạp, những người nôn nóng chờ xe bus, những toán du khách dáo dác tìm đường, những thị dân bước chân hối hả. Trong đám đông nhộn nhịp có người đi tìm một bức tường đá xám thuộc về tòa nhà đối diện cổng ga, nay là một khách sạn có gắn tấm bảng tưởng niệm nhỏ khiêm nhường vừa đủ cho những ai quan tâm đến Percy Bysshe Shelley có thể tìm thấy. Tấm bảng viết rằng Percy Bysshe Shelley từng sống ở đây.
Mùa xuân năm 1818, nhà thơ lãng mạn Anh Percy Bysshe Shelley (1792-1822) chuyển đến Florence cùng người vợ trẻ Mary Shelley (1797-1851), nữ tác giả của tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng Frankenstein. Cũng tại đây, con trai họ, Percy Florence Shelley, ra đời tháng 11 năm 1819. Nước Ý thời đó vẫn được các nhà thơ lãng mạn coi là nguồn cảm hứng của thi ca. Tuy vậy, Percy và Marry đến Ý không chỉ để tìm nguồn cảm hứng, họ bỏ trốn khỏi Anh theo tiếng gọi của tình yêu và tự do. Không lâu sau Shelley qua đời vì tai nạn đắm tàu khi chỉ một tháng nữa mới bước qua tuổi 30. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng nổi loạn sôi động thăng trầm của Percy Shelly là minh họa tuyệt vời cho chủ nghĩa lãng mạn ở cực điểm của cả ngất ngây và tuyệt vọng. Trong suốt cuộc đời sôi động đó, Shelley đã nhiệt thành theo đuổi hai niềm đam mê không bao giờ thuyên giảm là sáng tác và yêu đương, hai niềm đam mê này hòa quyện, luôn luôn là đề tài của nhau. Cuộc đời và tác phẩm của Shelley trở thành đề tài kinh điển trong lịch sử thơ lãng mạn và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho sáng tác của nhiều thế hệ.
Percy Bysshe Shelley xuất thân trong một gia đình quý tộc tại điền trang Field Place thuộc hạt Sussex. Suốt thời đi học, Shelley là nạn nhân của những trò bắt nạt, bị gọi bằng biệt danh “Shelley điên rồ” hay “Shelley vô thần” vì dám mạnh mẽ tuyên bố không hề có Chúa Trời. Khi vào học đại học ở Oxford, Shelley bắt đầu xuất bản các bài thơ, các tiểu thuyết Gothic và đáng chú ý nhất là tập tiểu luận “The necessity of Atheism” (Sự cần thiết của chủ nghĩa vô thần) viết chung với người bạn thân Hogg. Bản sao của tập tiểu luận được gửi đến tất cả những người đứng đầu đại học Oxford, trường đại học lâu đời có truyền thống bảo hoàng và trung thành với tôn chỉ khai sáng theo tinh thần Ki-tô giáo. Tác phẩm ra đời và sự thách thức của tác giả là cú sốc lớn với công chúng đương thời. Nó làm đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa Shelley và gia đình mình, đồng thời thay đổi cuộc đời nhà thơ trẻ theo hướng hoàn toàn không định trước. Thực chất, nhan đề tập tiểu luận là thứ báng bổ khiêu khích hơn bản thân nội dung bên trong được Shelley biện giải. Shelley trình bày luận đề tập trung vào sự tự nhiên của đức tin, phát triển từ chủ thuyết của các triết gia hoài nghi John Locke và David Hume. Ðức tin không thể đến như một hành động tự nguyện mà phải thông qua thể nghiệm bằng các con đường giác quan, lý trí hay lời chứng. Do đó, sự tồn tại của chủ nghĩa vô thần là cần thiết và những người vô thần không nên bị bức hại. Giới chức đại học Oxford đã phản ứng quyết liệt khi lập tức đuổi học Shelley. Quyết định này có khả năng được thu hồi với sự can thiệp từ người cha quyền lực, ngài Timothy Shelley, kèm theo điều kiện nhà thơ trẻ phải chối bỏ tập tiểu luận gây tranh cãi, chấm dứt tình bạn với Hogg và tuyên thệ đức tin Ki-tô. Shelley trẻ tuổi dứt khoát từ chối tất cả yêu cầu này, chấp nhận bị đuổi học và bị cắt trợ cấp từ gia đình, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống nhung lụa hơn là thỏa hiệp với lý tưởng và đức tin. Percy Shelley có cuộc hôn nhân đầu tiên với Harriet Westbrook, nhưng chỉ thật sự tìm thấy tình yêu trong cuộc hôn nhân thứ hai với Marry Godwin, một thiếu nữ thông minh có tư duy độc lập thấu hiểu các sáng tác của Shelley, sẵn sàng tranh biện khi cần thiết hơn là dễ dàng bị điều khiển như Harriet. Giống như hầu hết các nhà thơ lãng mạn cùng thời, Shelly theo đuổi chủ nghĩa tự do, có đời sống ái tình phóng khoáng, thách thức mọi luân lý đạo đức của giới quý tộc Anh bấy giờ. Percy Shelley để lại nhiều sáng tác quan trọng trong thời gian sống ở Florence, một trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của thời kỳ này là “Ode to the west wind” (Khúc ca gửi ngọn gió tây).

Bảng tưởng niệm viết rằng: Từ năm 1819 đến 1820, ở chốn này, trước đây là đường Valfonda, Percy Bysshe Shelley làm nên thi phẩm “Prometheus Unbound” và sáng tác bài “Ode to the West Wind”.
Bài thơ chia làm 5 khổ có hình thức nhất quán, mỗi khổ 14 dòng, gieo vần theo lối terza rima mà nhà thơ Phục Hưng Ý Dante từng sử dụng trong tác phẩm kinh điển “Thần khúc”. Bài thơ mở đầu với hình ảnh nhân cách hóa “gió tây hoang dã” như một kẻ hủy diệt mang đến điêu tàn trên từng chiếc lá, điều khiển những dấu hiệu cuối cùng của sự sống là những hạt giống bị phân tán nhưng đồng thời cũng là người bảo quản những hạt mầm rồi đây sẽ nảy nở trong mùa xuân. Ở khổ thơ thứ hai, khi gió tây thổi, nó như đang hát một bài hát tang lễ và vòm mây trên trời như đắp mộ cho một năm sắp qua. Trong phần thứ ba, bức tranh thiên nhiên bình dị không như vẻ ngoài của nó, sự hài hòa sẽ âm thầm bị phá hủy. Cuối mỗi khổ thơ, tác giả luôn khẩn cầu cơn gió lắng nghe lời mình. Có một sự thay đổi ở khổ thơ thứ tư, trọng tâm không còn là “gió”, mà là người nói “Nếu tôi…” Các yếu tố lá, mây, sông ở khổ thơ trước tồn tại cùng với gió, giờ đây tồn tại cùng tác giả. Nhà thơ muốn đồng hóa mình với ngọn gió, nhưng điều đó là không thể bởi không con người nào có thể gạt bỏ kinh nghiệm có được từ cuộc sống để bước vào thế giới hoàn toàn ngây thơ. Ðoạn thơ này nghe như một lời thú tội hay một lời nguyện cầu. Ở khổ thơ cuối, giống như cây trong rừng, lá sẽ rụng, sẽ tàn và có lẽ sẽ sớm nở hoa trở lại khi mùa xuân đến. Câu hỏi tu từ cuối cùng không đơn thuần ám chỉ sự thay đổi giữa các mùa, mà còn là ẩn dụ về cái chết và sự tái sinh, sau những cuộc đấu tranh và những vấn đề trong cuộc sống, sẽ luôn xuất hiện một giải pháp.
Rải rắc ra, như từ bếp sưởi chưa tàn
Nào tro nào bụi lửa, là lời của ta giữa chốn nhân gian!
Qua đôi môi ta gửi đến mặt đất chưa tỉnh thức –
Là tiếng kèn báo hiệu! Ôi Gió,
Nếu Ðông tới, liệu Xuân có ở muôn nẻo sau!

Casa Guidi, nơi ở một thời của Robert và Elizabeth Browning
Bài thơ được sáng tác trong một khu rừng bên bờ sông Arno ở ngoại vi thành phố Florence vào một ngày mùa thu khi gió tây mạnh mẽ thổi từ bờ biển Ðịa Trung Hải qua vùng đồi Tuscany tràn vào miền Trung nước Ý. Tràn đầy cảm hứng mượn từ thiên nhiên, gió tây cũng là một ẩn dụ cho cuộc cách mạng dữ dội đang đến gần. Trong các tác phẩm của mình, Shelley không che giấu sự phản đối chính phủ quân chủ chuyên chế Anh, tin tưởng vững chắc vào nền dân chủ và các quyền cá nhân, ủng hộ phong trào cải cách phi bạo động. Shelley không ngừng nhấn mạnh vai trò của các nhà thơ và niềm tin rằng họ có vai trò đặc biệt trong cải cách chính trị, như trong một tác phẩm khác ông đã viết “Các nhà thơ là nhà lập pháp chưa được biết đến của thế giới.” Ngày nay khu rừng bên bờ sông Arno đã thu hẹp và Florence không ngừng chuyển mình qua các cuộc chỉnh trang đô thị, nhưng khi gió tây thổi về từ bờ biển Ðịa Trung Hải, có lẽ nó vẫn chở theo những vần thơ xưa cũ của Shelley.
Trải qua cuộc sống ngắn ngủi và là nhà thơ có tư tưởng khai phóng vượt trước thời đại, Percy Shelley chỉ thực sự nổi danh sau khi qua đời. Tuy vậy, di sản tư tưởng và cảm hứng mà Shelley để lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với nhiều tác giả thế hệ đi sau, trong đó có sự nghiệp sáng tác của nhà thơ và nhà viết kịch người Anh Robert Browning (1812-1889), người cùng với vợ mình Elizabeth Browning (1806-1861) đã để lại nhiều tác phẩm quan trọng trong thời gian sống ở Florence.
Casa Guidi nay là một bảo tàng, còn có tên gọi The Writer’s house, nằm ở góc quảng trường San Felice phía nam lâu đài Pitti. Ðây là nơi ở của vợ chồng Browning từ năm 1847 đến 1861 và cũng là nơi con trai duy nhất của họ, Robert Barrett Browning ra đời năm 1849. Ðịa danh Casa Guidi nổi tiếng trong tập thơ của Elizabeth Barrett Browning mang tên “Casa Guidi Windows” (Cửa sổ nhà Guidi). Người ta nói rằng Casa Guidi từng là một salon văn chương nổi danh, nơi các thi nhân và văn sĩ Anh sống ở Ý tới lui đàm đạo. Elizabeth Barrett Browning (1806-1861) là nhà thơ nữ nổi tiếng ở cả Anh và Hoa Kỳ trong thời Victoria. Bà sinh ra ở County Durham, là con gái lớn trong số 12 người con của gia đình Barrett giàu có. Gia đình sở hữu các đồn điền ở Jaimaca sản xuất đường bằng lao động nô lệ. Elizabeth mắc bệnh phổi rất nặng, sau đó bị chấn thương cột sống năm 15 tuổi. Sức khỏe yếu khiến Elizabeth phải ngồi xe lăn và giữ Elizabeth trong nhà khiến bà hầu như không có bè bạn hay các quan hệ xã hội, nhưng trở ngại đó không ngăn được niềm say mê kiến thức của người thiếu nữ ham học. Elizabeth tự học tiếng Do Thái, nghiên cứu Hy Lạp cổ đại, sớm thông thạo văn chương cổ điển. Bà sáng tác những tác phẩm đầu tiên từ khi lên 10 tuổi, đáng chú ý là bài “The Cry of the Children” (Tiếng khóc trẻ thơ) lên án việc bóc lột lao động trẻ em. Tuyển tập thơ Elizabeth xuất bản năm 1844 không chỉ mang lại danh tiếng cho nhà thơ trẻ mà còn đưa bà vào một mối tình đặc biệt sẽ thay đổi toàn bộ phần đời còn lại của Elizabeth. Robert Browning, một nhà thơ và nhà viết kịch trẻ tài hoa đẹp trai nhỏ hơn Elizabeth sáu tuổi vì mến mộ những vần thơ mà can đảm tỏ tình trong một lá thư gửi đến nàng “Tôi yêu những bài thơ này. Và tôi cũng yêu tác giả của nó”. Không may thay, mẹ của Elizabeth qua đời sớm, kinh tế gia đình sa sút và những biến cố này biến cha Elizabeth thành một người khắc nghiệt đến mức ông không cho phép ai trong số 12 người con của mình được phép kết hôn. Chuyện tình lãng mạn của Elizabeth và Robert Browning diễn ra trong bí mật với gần 600 lá thư qua lại trong 20 tháng. Tuy nhiên vì cha Elizabeth quyết liệt phản đối mối quan hệ, tình yêu này có một tương lai gần như tuyệt vọng. Năm 1846, cả hai quyết định kết hôn bí mật rồi bỏ trốn và định cư ở Florence, Ý. Tình yêu nồng nàn không chỉ giúp Elizabeth cải thiện sức khỏe mà còn mang đến cảm xúc ngọt ngào để bà viết ra tập thơ “Sonnets from the Portuguese” (Những bản sonnets của cô gái Bồ Ðào Nha), tác phẩm được các nhà phê bình khen ngợi là đỉnh cao của thơ Elizabeth Browning. Ðây là tập thơ lãng mạn viết cho mối tình với Robert, người thường âu yếm gọi Elizabeth là “cô tiểu Bồ Ðào của tôi”.

Góc quảng trường Piazza San Felice
Em yêu chàng ra sao? Hãy để em đếm lối
Em yêu chàng riết cùng nẻo sâu nẻo rộng nẻo cao
Mà hồn em vươn tới, lúc cảm được ngoài tầm mắt
Cái ngõ cùng tận của sinh mệnh và ân trên cao cả.
Trong thời gian sống ở Florence, đời sống chính trị xã hội sôi động tại Ý đi vào các sáng tác của Elizabeth. Bà tích cực hoạt động cho sự tiến bộ về tình cảnh của phụ nữ, đấu tranh bãi bỏ chế độ nô lệ Mỹ và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ý. “Casa Guidi Windows” (Cửa sổ nhà Guidi) sáng tác năm 1856 là tập thơ thể hiện rõ quan điểm này. Dưới triều cácHoàng đế Habsburg, Áo thế chỗ Tây Ban Nha nắm quyền kiểm soát các thành bang của Ý từ năm 1713. Cách mạng Pháp và chiến tranh Napoleon (1796-1815) lan tỏa khắp Châu Âu các lý tưởng về bình đẳng, dân chủ, pháp luật và quốc gia. Sau thất bại của Napoleon, phong trào đấu tranh cho độc lập của Ý thoát khỏi quyền kiểm soát của Pháp và nhu cầu thống nhất toàn bộ bán đảo Ý bùng nổ. Kết quả là năm 1861, nước Ý thống nhất và vương quốc Ý thành lập. Elizabeth Browning qua đời tại Florence năm 1861, trở thành một trong những nhà thơ được yêu thích nhất của phong trào thơ ca lãng mạn Anh.
Casa Guidi là một kiến trúc có từ thế kỷ 15, nội thất ngôi nhà được trùng tu phục dựng để tái hiện chính xác nhất không gian mà Elizabeth và Robert Browning từng sống. Bảo tàng chỉ mở cửa thứ Hai, Tư, Sáu từ 3 giờ đến 6 giờ chiều. Trước cửa ngôi nhà, đường phố cũ kỹ tương đối vắng lặng, từ Piazza San Felice có thể nhìn lên cửa sổ Caza Guidi năm xưa, nơi Elizabeth Browning từng nhìn xuống dòng người diễn hành đấu tranh cho nền độc lập của vương quốc Ý, quê nhà thứ hai của Elizabeth.
ĐNT