Trong thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, được Pháp gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”(la perle de l’Extrême-Orient) hoặc một “Paris nhỏ ở Viễn Đông” (le petit Paris de l’Extrême-Orient).

Công trường trung tâm thành phố Sài Gòn đầu thế kỷ 20 – Nguồn: Manhhaflickr        

Có lần, tôi hỏi mấy người bạn lớn tuổi, trưởng thành sau năm 1954 đều từng là công chức, có được một nền học vấn thời Pháp. Câu hỏi như vầy: “Người Pháp khi xây dựng thành phố Sài Gòn với diện tích khoảng 3km2, họ mong muốn biến nơi đây thành một Hòn ngọc Viễn Ðông với những công trình tráng lệ theo kiến trúc của Paris. Vậy thì khi đó biểu tượng của thành phố là gì?”  Người thì nói biểu tượng cho thương mại kinh tế là Chợ Bến Thành, Thương xá Tax, khách sạn Continental; người khác cho biểu tượng văn hoá nghệ thuật là Nhà hát Lớn, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, biểu tượng tôn giáo là Nhà thờ Ðức Bà, biểu tượng cho chính quyền là Dinh Thống Ðốc (Dinh Ðộc Lập sau này), Dinh Xã Tây (Toà Ðô Chính). (tìm hình cho những địa danh này). Tóm lại là hơi nhiều biểu tượng, không như ở Paris có Tháp Eiffel hay Tượng Nữ thần Tự Do ở New York, chỉ một biểu tượng là đủ le lói.

Logo đầu tiên của thành phố Sài Gòn vẽ năm 1870 (Nguồn: Internet)

Một số công trình khác như Bưu điện hay Toà án hoặc những biệt thự, khu phố dân cư đều được chụp ảnh làm bưu thiếp, khi các công trình quy hoạch thành phố Sài Gòn bắt đầu hình thành theo nghị định do Quyền thống đốc Nam kỳ, Chuẩn đô đốc Pierre Rose ban hành ngày 3-10-1865. Tuy vậy mãi đến hơn 30 năm sau, Sài Gòn mới hoàn thành việc xây dựng. Mặc dầu không có biểu tượng cụ thể nhưng trước đó Sài Gòn có một logo không rõ tác giả tên gì, vẽ đâu khoảng năm 1870, hình hai con cọp biểu tượng đây là vùng đất hoang sơ. Bên dưới là dòng chữ Latinh Paulatim Crescam có nghĩa là: “Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển”. Hình ảnh con tàu hơi nước ở giữa logo hàm ý đây là vùng đất nhiều kênh rạch. Phía trên có vương miện 5 cánh, biểu tượng (Sài Gòn sẽ giao thương với) năm châu bốn biển.

Kênh Charner (nay là Nguyễn Huệ)- Nguồn: Manhhaiflickr

Sài Gòn bắt đầu lấp những con kênh có từ thời xây dựng thành Gia Ðịnh ngay trung tâm khu vực quận 1 ngày nay. Theo đề án quy hoạch của Trung tá Coffyn, Sài Gòn chỉ rộng khoảng 3km2 (gần bằng một nửa quận 1 hiện nay (rộng khoảng 8km2), bao bọc bởi sông Sài Gòn – Kitchener (Nguyễn Thái Học) -Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự, sau là Nguyễn Thị Minh Khai) – rạch Bến Nghé. Ðến khi xây dựng xong chợ Bến Thành mới, thì thành phố Sài Gòn gần như hoàn chỉnh và người Pháp tự hào gọi là Hòn ngọc Viễn Ðông.

Khu vực chợ Bến Thành năm 1938 – Ảnh tư liệu

Sài Gòn quả là nhỏ, chỉ cần đi xa 20 km là có thể săn thú rừng. Chính quyền thuộc địa tập trung tất cả những gì sang trọng, giàu có nhất ở khu vực 3km2 này, phần còn lại thì vẫn còn hoang sơ, đầm lầy ngổn ngang. Theo Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa” thì khi Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914, “trước mặt còn là ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn. Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”.

Xem thêm:   Nhà hát đất Thủ

Không cần nói đâu xa ở Chợ Lớn, chỉ cần bước ra khỏi ranh giới Sài Gòn của thập niên 1910, thì chỉ toàn ao tù nước đọng, nhà tranh vách lá, mồ mả xen kẽ nhà cửa tạm bợ. Ngay cả khu vực Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối trên đường Nguyễn Thái Học, ranh giới Sài Gòn khi đó cũng là nơi bát nháo, tệ nạn xã hội tràn lan, nhà cửa lụp xụp. Nói chung bước ra khỏi ranh giới 3km2 là khu vực ngoại ô, hai hình ảnh tương phản trong cuộc sống, giữa giàu và nghèo, giữa dân đen và chính quyền công chức.

Bến Nhà Rồng khoảng năm 1890 Nguồn: Tinh Hoa Viêt

Trên thực tế, Sài Gòn cũng không phải là nơi duy nhất ở Châu Á được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Ðông”. Trong thời kỳ này, mỗi cường quốc phương Tây đều đặt cho một thành phố thuộc địa nào đó của họ ở Châu Á  là “Hòn ngọc Viễn Ðông”, như Manila (thủ đô nước Philippines, thuộc địa của Mỹ), Hồng Kông (thuộc địa của Anh) Sri Lanka, quốc đảo ở Nam Á (thuộc địa của Anh), Phnôm Pênh (thủ đô nước Campuchia, thuộc địa của Pháp) cũng được gọi là “Hòn ngọc Viễn Ðông”. Ngoài ra, quy mô dân số và nền kinh tế giữa các “Hòn ngọc Viễn Ðông” này cũng có sự chênh lệch rất lớn, lúc này Sài Gòn vẫn còn thua kém các đô thị lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila hay Bangkok. Ví dụ, Hồng Kông năm 1941 đã có 1.6 triệu dân, Bangkok năm 1938 đã có 890,000 dân, Manila năm 1939 cũng đã có 623,500 dân trong khi Sài Gòn chưa có quá 250,000 dân.

Dinh Toàn Quyền năm 1875

Nhà báo Phạm Quỳnh từng sang Singapore năm 1922, đã ghi lại quang cảnh ông chứng kiến như sau: “Cửa (cảng) Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng so sánh với cửa Singapore này thì còn kém xa nhiều… Xe hơi ở Singapore, thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat (Tự Do) đã nghĩ là nhiều, nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore thì đường phố nào cũng to đẹp như đường Catinat hết thảy”.

Cầu Bình Lợi năm 1902

Tuy vậy, đối với Sài Gòn tuyến đường Catinat được ví như trái tim của thành phố khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường chỉ quy tụ giới tinh hoa, giàu có thời đó. Những thương nhân ở ngoại quốc đến cảng Sài Gòn trao đổi, buôn bán đều khen ngợi và truyền nhau tên gọi “Hòn ngọc Viễn Ðông” của Sài Gòn ra khắp thế giới. Giao thông đường thủy cũng được người Pháp ưu tiên phát triển, kênh Bến Nghé – Tàu Hủ trở thành tuyến thông thương chính cho thuyền bè từ Ðông Nam bộ, miền Tây vào đến vùng Chợ Lớn. Tiếp theo tuyến đường sắt đầu tiên của Ðông Dương dài 70 km nối Sài Gòn – Mỹ Tho cũng được xây dựng. Ðường sắt đã hút một lượng lớn khách ở Sài Gòn thời điểm đó. Năm 1902, cầu Bình Lợi được khánh thành đưa vào sử dụng. Cây cầu nối liền tuyến đường sắt đi miền Trung.

Nhà thờ Đức Bà năm 1877

Từ sau 1954, nội chiến diễn ra khiến người từ vùng quê đổ về thành phố ngày một đông khiến nó bị quá tải. Sài Gòn dần dần xuất hiện nhiều khu ổ chuột nhếch nhác ven kênh rạch.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 10 tháng 4 năm 2025

Từ đây “Hòn ngọc Viễn Ðông” chỉ còn trong ký ức.

Quận 1 (phía gần trong ảnh) quận 4, 7 (phía xa) và Thủ Thiêm năm 1954

 

TN