Loạt bài “Thực phẩm trên bàn ăn” đang tiếp tục thì chúng tôi đọc được một bài báo về Phở của Rachel Michaels đăng ngày 16 tháng 6-2023 kèm theo nhiều hình ảnh và video, với một số chi tiết hơi lạ, độ chính xác chưa được kiểm chứng, chẳng hạn: tác giả cho rằng có tới 18 thứ phở khác nhau! Vì khuôn khổ hạn hẹp của chuyên mục, chúng tôi xin tóm tắt bài báo về Phở này làm nhiều phần, mời bạn cùng đọc cho biết. Link tiếng Anh:

https://www.darrellkmorris.com/types-of-vietnamese-pho/

NHIỀU KỲ – KỲ 4

Những gì bạn biết (về phở) chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Ngoài các loại phở cổ điển như phở bò và phở gà, còn nhiều món phở khác chỉ có ở Việt Nam.

Nguồn gốc phở

Phở có lẽ xuất hiện trong giai đoạn 1900 -1907, vì trước đó không thấy ai đề cập. Tìm trên Internet, bạn sẽ thấy có hai giả thuyết về nguồn gốc tô phở, được coi là một món ăn vay mượn. Một nói rằng phở lấy cảm hứng từ món hầm pot-au-feu của Pháp. Giả thuyết khác cho rằng phở là từ một món mì Quảng Đông được gọi là “ngưu nhục phấn” trong tiếng Việt, hoặc  trong tiếng Quan Thoại. Tuy nhiên, cả hai món ăn đó đều khác biệt nhiều so với phở nên giả thuyết này khó mà tin được.

Trong thực tế, nhiều nguồn tin khác, bao gồm các tờ báo uy tín và các nhà phê bình ẩm thực, phỏng đoán rằng phở có nguồn gốc từ “xáo trâu”, một thuật ngữ thời xưa dùng gọi bất kỳ món mì Việt Nam nào có nước dùng (nước lèo).

Xem thêm:   Hạt trái cacao

Vào đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phổ biến việc sử dụng thịt bò trong nấu nướng. Loại thịt này không phổ biến trong ẩm thực địa phương trước đó. Các đầu bếp Việt Nam và những người bán hàng rong đã sớm pha trộn nó, cũng như nước dùng hầm từ xương bò, theo công thức lâu đời. Và thế là phở đã ra đời!

Phở qua các thời đại

Ban đầu, chỉ có phở bò, sau đó một thời gian phở gà mới ra đời. Nam Định, một tỉnh ven biển ở miền Bắc, được coi là nơi sinh của phở.

Trong thời kỳ 1954-1956, khoảng một triệu người miền Bắc đã di cư vào miền Nam. Họ mang theo phở và dần dần phở trở thành món ăn phổ biến ở miền Nam.

Món phở cũng là tài sản ẩm thực quý giá được những người tị nạn mang theo sau năm 1975. Lần này, phở lan sang nhiều nước phương Tây và dần chiếm được một chỗ đứng vững chắc. Bên cạnh “phiên bản” truyền thống, phở còn xuất hiện dưới các hình thức khác, như stir-fried Pho hoặc Pho rolls.

Nhiều đầu bếp quốc tế đã thêm sáng kiến về phở, tạo ra kết quả như Pho burgers, Pho pizzas và Phorito (Pho burritos), không được người Việt ưa thích. Một số đổi mới khác được dễ chấp nhận hơn như instant Pho (Phở ăn liền), hoặc phở làm từ gạo lứt, thay vì gạo trắng, là một biến đổi tốt đẹp.

Xem thêm:   Lừa đảo thuế (kỳ 2)

Năm 2012, một bartender nổi tiếng của Hà Nội tên là Phạm Tiến Tiệp đã tạo ra Phở cocktail, một thức uống tuyệt vời (sic) gồm rượu gin, Cointreau và các loại gia vị phở truyền thống. Cồn được dùng để rang các loại gia vị, bắt chước cách nấu phở. Đồ uống này rất được phổ biến cho đến ngày nay (sic).

(còn tiếp)