Trang Văn Học đã có dịp giới thiệu nhà văn Bình Nguyên Lộc với truyện ngắn Rừng Mắm và Ba Con Cáo, nay xin giới thiệu thêm tạp bút NHỮNG BƯỚC LANG THANG TRÊN HÈ PHỐ CỦA GÃ BÌNH NGUYÊN LỘC
Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc xuất bản lần đầu năm 1966, sách in 658 quyển, nhà xuất bản Thịnh Ký (Sài Gòn) ấn hành. Theo như “Mấy lời nói đầu” của nhà xuất bản, Bình Nguyên Lộc viết thiên điều tra dài có tên gọi “Thám hiểm đô thành”, phóng sự này chia làm hai phần: Phần thứ nhất cho đăng báo hằng ngày, kể những chuyện lạ ở Sài Gòn, có tính cách xã hội, “giựt gân” như “Ma Máy đá”, “Người chuột cống”… Phần này tác giả không muốn in thành sách; Phần thứ hai tác giả cho đăng riêng ở các tạp chí: Nhân loại, Thời trân, Sáng tạo, Tiểu thuyết tuần san, Buổi sáng, Nghệ thuật… Những bài tạp bút này sau đó được gom lại để in thành cuốn ‘Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc’ với một lưu ý nhỏ: không bao giờ tái bản.
Thế nhưng năm 1999, cuốn sách được nhà xuất bản Trẻ tái bản với “Lời giới thiệu” của nhà văn Sơn Nam. Tiếp theo các nhà xuất bản khác ở trong nước lại cho tái bản cuốn tạp bút này cùng với các sách khác của Bình Nguyên Lộc.
Ðiều đầu tiên ghi nhận: Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc – tập tạp bút ghi lại hồn cốt của Sài Gòn xưa bằng ngôn ngữ rặt Nam bộ, lối viết duyên dáng nhẹ nhàng và đầy hóm hỉnh của ông.
Sau đây là vài cảm nghĩ của nhà báo Cát Cát trên trang web Cùng Ðọc, Cùng Chia Sẻ, khi đọc Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố:
Ði theo “Những bước lang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc” tôi chợt lờ mờ nhận ra hình ảnh Sài Gòn xưa qua từng dấu ấn thời gian. Dẫu không rộn ràng và tươi đẹp như lời bài hát “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!” của cố nhạc sĩ Y Vân, nhưng Sài Gòn qua cái nhìn của Bình Nguyên Lộc lại chứa chan tình cảm và đầy hoài niệm. “Sài Gòn thương lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”
Sài Gòn của Bình Nguyên Lộc không có được một quá khứ lịch sử vang dội mà chỉ “dân dã, đơn sơ của thời khai hoang, mở đất. Nếu ví von dễ hiểu thì Sài Gòn chỉ như em út sinh sau, đẻ muộn đang thay da, đổi thịt từng giờ, từng ngày. Thế nên, với cái nhìn chua xót đầy trào lộng Bình Nguyên Lộc đã thể hiện rõ tình yêu và nỗi lo lắng của mình qua từng lời văn, giọng kể. Bởi theo ông “tình quyến luyến một ngôi nhà, một làng hẻo lánh, một thành phố, một quê hương phải bắt nguồn trong một dĩ vãng lâu đời mà nước mắt và nụ cười của bao thế hệ đã ràng buộc con người vào đất, vào vật, vào người. Ðất, có ở lâu, tình đất mới sâu.”
Vậy mà, Sài Gòn ơi! thương lắm! Bởi chút dĩ vãng lập phố ít ỏi có được, chưa kịp rêu phong, ghi dấu… đang dần bị xoá mờ, và thay thế….
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Ðịnh, Ðồng Nai thì về”
*Trước kia, dân các nơi muốn về Gia Ðịnh thường đi men theo đường biển vào cửa Cần Giờ, đến ngã ba sông Nhà Bè rồi rẽ phải vào sông Sài Gòn mới đến được Gia Ðịnh. Là con đường thủy huyết mạch cả về chính trị lẫn kinh tế, nên sông Sài Gòn có vai trò, vị trí quan trọng và đã để lại dấu ấn văn hóa cho Sài Gòn-Gia Ðịnh xưa và nay. *
Sài Gòn xưa là Sài Gòn của một thời sông nước, với kênh rạch dọc ngang nối những bờ vui. Những cái tên “Rạch Cắc Chú” “ Lạch Bến Nghé” “Sông Ông Lãnh” “Kênh Tàu Hủ” đều dành cho một con sông chạy dọc theo bờ phố. “Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sàigòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú. Con sông đặc biệt Á Ðông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối». Nhịp sống của phố thị được đan xen với miền quê dân dã, cảnh mua bán trên sông sôi nổi, tấp nập vào ban ngày, lại thi vị khi màn đêm buông xuống. Ðó là khi «Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét soi mờ bóng một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên: “Ai… chè đậu…cháo cá…hông? ” hay “Ai… ăn bột khoai, bún tàu… đậu xanh, nước dừa, đường cát… hôn?”. Bản nhạc đêm trường ấy chắc hẳn đã làm nên một Sài Gòn khác biệt, bởi lối rao quà như ngâm, như hát.
Lối rao quà đặc thù Sài Gòn ấy nằm trong chuỗi âm thanh bí mật của thành phố, tuy ồn ào, tất bật nhưng nếu chịu khó sàng lọc thì “bạn ơi, Sàigòn là một cô tình nhân đáng lắng nghe tiếng thủ thỉ vào buổi trưa.” Cả giọng rao hàng, cả tiếng chim kêu….đã như một bản nhạc phố phường sống động, hay ho.
Nhưng, chỉ lo một điều là “Cô tình nhân ấy đã bị lai căng rồi.” Sài Gòn là nơi anh hùng hội, là cái xó tứ-chiếng quốc tế hỗn độn, có Ta, có Tây, có Tàu, với đủ loại cha-căng, chú-kiết. “Sàigòn thay đổi như chong chóng. Trong cái sự quay cuồng ấy, lòng con người cũng ngược xuôi túi bụi vì họ thấy không cần thủy chung như ở nhà quê nữa. Ở đây thuyền dời, mà bến cũng dời tuốt”. Nên chim ơi! Hãy quay về rừng, Sài Gòn không mê tiếng chim đánh khúc nhạc rừng xanh, mà chỉ mê điệu nhảy của chim tưng bừng trên chảo nóng. Và diều ơi! bầu trời Sài Gòn cũng quá tù túng để diều thoả sức tung bay, diều có oanh oanh, liệt liệt cỡ nào thì cũng có ngày phải phơi xác trên mạng dây điện của đường phố đô thành.
Sài Gòn đã trở nên “kẻ chợ” hơn với những buổi triển lãm Lan theo cái cách “Người ta đem rừng sâu về nhốt trong một phòng rất là văn minh của Sàigòn”, hay với những cuộc bán đấu giá Lạc-son Tây hào hứng, hiếu kỳ, đầy mánh khoé, ranh ma.
Sài Gòn cũng trở nên lạ lẫm với công cuộc giải toả và định cư, phố xá bị cắt ngang xẻ dọc, tượng đài cũng bị di dời, đến cả nghĩa trang cũng cùng chung số phận. Càng đi vào phố, càng phát hiện Sài Gòn được “xây dựng trên một bãi tha ma minh mông”, “Ở đâu cũng có mồ mả hết, đó là chỉ nói đến những ngôi mả vôi ô dước kiên cố, chớ nếu kể thêm mả đất thì chắc không một thước vuông thổ cư nào mà ở dưới không nghỉ yên một bộ xương khô”. Ðó là mồ mả của những người đi khai hoang mở đất, đến bây giờ sự sống sinh sôi, người sống lại lấn người chết. Không có ở đâu như Sài Gòn, “Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm.” Và cũng không có nơi nào ma lại hợp tác với người, đôi khi còn phải sợ cả người như ma ở đây-ma Sài Gòn
Bình Nguyên Lộc được ca ngợi là nhà ảo thuật về ngôn từ, bằng lối viết kết hợp giữa giọng kể và giọng tả ông đã dẫn dắt ta về một Sài Gòn xưa, Sài Gòn của thủa mà
“Bắp non mà nướng lửa lò
Ðố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm”
Và nhà báo Cát Cát kết luận:
Rồi con đò Thủ Thiêm đã nhường chỗ cho một bác thợ lái chiếc sà lan. Hay như bây giờ chiếc sà lan ấy đã được thay bằng hầm Thủ Thiêm. Cuộc sống là luôn thay đổi và tiến lên. Dẫu là vậy, thì chỉ mong – tuy Sài Gòn không dày dạn rêu phong, tình đất chưa kịp bén rễ, nhưng vẫn thấm sâu vào người, vào vật để tình yêu ấy vẫn còn mãi với thời gian. Và mong ước của Bình Nguyên Lộc, có lẽ cũng là mong ước của chúng ta khi đọc xong tản văn này… (theo Cát Cát. Cùng Ðọc, Cùng Chia Sẻ)
N&BH – Tổng hợp