Tối hôm Chủ Nhật 31/10, công viên giải trí Disneyland Thượng Hải bất ngờ được lệnh phong toả với hơn 30,000 du khách bị kẹt ở bên trong suốt nhiều tiếng đồng hồ và không được rời khỏi trước khi trải qua xét nghiệm. Lý do chỉ vì một phụ nữ đến từ tỉnh Giang Tây bên cạnh ghé chơi công viên một ngày trước đó đã bị xét nghiệm có dương tính. Trung Quốc là quốc gia duy nhất cho đến nay vẫn còn theo đuổi chiến lược “zero-Covid” trong khi một số quốc gia khác như Úc, Tân Tây Lan và Singapore đã từ bỏ chiến lược này và chấp nhận sống chung với Covid vì thấy rằng nó không thực tế.
Trung Quốc đã đóng cửa biên giới của họ ngay trong thời gian đầu khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán để tìm cách ngăn chặn dịch bệnh lây lan, và kể từ đó đến nay họ đã áp đặt nhiều cuộc phong toả tại nhiều thành phố cùng các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt khác để giữ cho tỷ lệ lây nhiễm của đất nước ở mức thấp. Ở một khía cạnh nào đó họ đã thành công, các con số chính thức được đưa ra về các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở mức rất thấp (khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ là không thật); nhưng mặt khác thì cuộc sống của người dân ở nhiều nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người không có việc làm, công việc buôn bán bị ngưng hẳn và nhiều cơ sở thương mại đã bị khánh tận mà không biết kêu ca với ai.
Và không đâu mà cuộc sống của người dân gặp nhiều khốn đốn hơn những cư dân sống tại thành phố có tên Thuỵ Lệ (Ruili). Ðây là một thành phố cấp huyện với dân số khoảng 270,000 trước đại dịch, nằm ở phía tây nam Trung Quốc, giáp biên giới với Miến Ðiện, cách biệt và hầu như không được thế giới biết đến. Và khi nói đến cuộc chiến chống lại con vi khuẩn corona, Thuỵ Lệ có lẽ cũng là nơi bị kiểm soát chặt chẽ nhất trên trái đất.
Trong năm qua, thành phố này đã bị phong toả 4 lần, với một lần kéo dài 26 ngày. Nhiều gia đình trong cả một khu vực đã phải tản cư vô thời hạn để tạo “vùng đệm” nhằm ngăn cản những trường hợp lây lan từ những nơi khác. Trường học bị đóng cửa trong nhiều tháng, ngoại trừ một số ít lớp – nhưng chỉ khi những học sinh đó và giáo viên của các em không rời khỏi khuôn viên nhà trường. Ðiều này có nghĩa là các lớp học không chỉ là nơi để học tập mà còn biến thành nơi ăn ở của họ.
Trong khi cả thế giới đang chuyển sang chiến lược chấp nhận sống chung với con vi khuẩn corona thì Trung Quốc vẫn tiếp tục khăng khăng theo đuổi chính sách hoàn toàn loại bỏ con vi khuẩn đã gây ra trận đại dịch. Và người dân Thuỵ Lệ đang phải đối diện với một thực tế đầy khắc nghiệt của cuộc sống là phải tuân thủ theo chính sách “zero-Covid” của chính quyền trung ương thậm chí có khi chỉ một trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện.
Trong khi nhiều thành phố khác tại Trung Quốc cũng đã từng bị đặt dưới tình trạng phong toả để kiểm soát sự lây lan thì những biện pháp hạn chế đó thường cũng chỉ giới hạn ở một số khu xóm nào đó hoặc là được nới lỏng sau một vài tuần. Nhưng ở Thuỵ Lệ, gần hai năm qua là cả một tình trạng tê liệt kéo dài, với nhiều người dân bị giam giữ trong các khu dân cư có lúc kéo dài suốt nhiều tuần lễ. Thậm chí trong những khoảng thời gian nới lỏng giữa các cuộc phong toả, người dân tại thị trấn cũng không được phép tụ tập hay ăn uống tại nhà hàng. Nhiều cơ sở thương mại đến nay vẫn còn đóng cửa, một số ít đã phải đóng cửa vĩnh viễn.
Thuỵ Lệ chính là hình ảnh thu nhỏ của một chính sách tiếp cận cứng nhắc của chính quyền Trung Quốc đối với đại dịch. Kể từ dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Thuỵ Lệ đã thực hiện đúng theo cẩm nang từ trung ương đưa xuống từng bước một với các biện pháp phong toả và xét nghiệm hàng loạt mà không tính đến những cách chọn lựa khác ít thiệt hại hơn cho cuộc sống của người dân.
Theo nhận xét của giáo sư Kim Ðông Nhạn (Jin Dongyan), nhà vi trùng học thuộc Ðại học Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc tin rằng đó là cách duy nhất mà họ có thể thành công trong cuộc chiến chống corona, nhưng trên thực tế thì không thể. Tình hình đại dịch thay đổi rất nhanh chóng và tình hình hiện nay rất khác so với năm 2020. Biến thể Delta đã gây ra một loạt bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nơi trong lục địa Trung Quốc.
Trong mấy tuần lễ gần đây, nhiều khu vực đã phải cho áp đặt lại các biện pháp hạn chế sau khi một vụ bùng phát liên quan đến du lịch nội địa đã lây nhiễm hơn 700 người. Khoảng 10,000 khách du lịch bị kẹt trong khu vực Nội Mông sau khi một số trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại đó. Nhiều khu vực tại Bắc Kinh đã bị phong toả, và nhiều chuyến xe lửa và máy bay đi đến đã phải huỷ bỏ.
Hai trường học tại Bắc Kinh đã phải đóng cửa hôm Thứ Hai sau khi một giáo viên tại một trường học và một học sinh tại một trường học khác xét nghiệm có dương tính. Một đoạn video lưu hành trên mạng cho thấy hiệu trưởng của một trường học thông báo cho phụ huynh mang chăn gối tới vì con của họ phải chờ kết quả xét nghiệm qua đêm tại trường. Chưa hết, mỗi phụ huynh sau đó được phép đi theo một người con để bắt buộc vào khu cách ly trong hai tuần.
Mới đây Bộ Thương mại đã kêu gọi các gia đình và các cửa tiệm hãy tích trữ nhu yếu phẩm trước mùa Ðông, mà nhiều người cho đó là tín hiệu cho công chúng biết để chuẩn bị đối diện với nhiều đợt phong toả hơn nữa khiến nhiều người vội vã đổ xô đi tìm mua các vật dụng và thực phẩm thiết yếu làm cho tình hình tại một số nơi trở nên hỗn loạn.
Thậm chí chính quyền một quận nằm ở phía đông của tỉnh Giang Tây thông báo là tất cả đèn giao thông sẽ được bật đỏ để ngăn chặn việc di chuyển không cần thiết. Lệnh này sau đó đã được thu hồi.
Và Thuỵ Lệ là nơi đặc biệt nổi bật khi phải hứng chịu cả hai mặt tấn công: con vi khuẩn corona và nỗi khốn khó của lệnh phong toả.
Nằm ép mình ở một góc hẻo lánh của tỉnh Vân Nam, Thuỵ Lệ có hơn 100 dặm đường biên giới với Miến Ðiện, thu hút khách du lịch và thương nhân. Theo thống kê chính thức, trong năm 2019, người dân ở hai bên đã đi qua trạm kiểm soát biên giới gần 17 triệu lượt.
Khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, công việc thương mại và du lịch hầu như sụp đổ. Tuy nhiên, đường biên giới của Thuỵ Lệ vẫn có những đoạn người ta có thể trốn qua được làm dấy lên những lo ngại về những trường hợp lây nhiễm được đưa vào trong nội địa Trung Quốc.
Với vị trí xa xôi cách biệt của thành phố cũng có nghĩa là thậm chí nhiều người dân Trung Quốc cũng không hề biết về hoàn cảnh khó khăn của người dân vùng này.
Thế rồi vào ngày 28 tháng 10 vừa qua, ông Ðài Vinh Lý (Dai Rongli), cựu phó thị trưởng Thuỵ Lệ, đã đăng lá thư kiến nghị lên trang blog của ông, có đoạn nguyên văn như sau: “Trận đại dịch đã tàn nhẫn cướp đi mọi sinh hoạt của thành phố hết lần này đến lần khác, hút hết đi dấu vết cuối cùng của sự sống của thành phố. Biện pháp phong toả lâu dài đã đẩy công cuộc phát triển của thành phố vào ngõ cụt. Việc khởi động lại sản xuất và các hoạt động kinh doanh cần thiết là điều vô cùng cấp thiết lúc này.”
Lá thư kiến nghị đã lan truyền khắp nơi trên mạng với hơn 300 triệu lượt xem trên trang Weibo.
Người dân Thuỵ Lệ cũng đã đăng những câu chuyện cá nhân của họ trên mạng xã hội và cũng được nhiều người chia sẻ.
Một cư dân than phiền rằng đã không thể rời khỏi một trung tâm kiểm dịch tạm thời sau khi đã thực hiện cách ly 21 ngày mặc dù tất cả các xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính. Một cư dân khác cho biết ông đã phải sống nửa năm qua trong tình trạng cách ly, trong nửa thời gian còn lại kia là sống trong tình trạng sợ hãi và tuyệt vọng. Ông cũng cho biết đã trải qua gần 100 lần xét nghiệm trong suốt năm qua.
Câu chuyện của dân Thụy Lệ không phải là một câu chuyện địa phương, nó là một mẫu hình trong tất cả các chế độ toàn trị, dân chúng luôn là nạn nhân của những lãnh đạo cộng sản giáo điều, dốt nát, kiêu căng và hợm hĩnh.
VH