Các sử gia đưa ra 2 nguyên nhân đưa đến chiến thắng trên biển Java của Nhật Bản: 1- Ngư lôi tầm xa “Long Lance” (Lưỡi giáo dài) và huấn luyện dạ chiến thuần thục của thủy thủ Nhật. 2- Yếu kém phối hợp giữa Đồng Minh.

Ban đầu Đô đốc Mỹ Thomas C. Hart, nguyên Tư lệnh US Asiatic Fleet nắm quyền chỉ huy Liên quân ABDACOM (The American-British-Dutch-Australian Command). Phía Hòa Lan không chấp nhận vì Indonesia là Queensland. Theo yêu cầu của Churchill, Roosevelt triệu hồi Hart để Đại tướng Anh Sir Archibald Wavell thay thế, đưa đến việc Hart giận dữ đến mức một năm sau vẫn từ chối huân chương của Nữ hoàng Wilhelmina. Nhưng Sir Wavell khi đến Nam Dương cũng không được Đô đốc Hòa Lan Helfrich chấp nhận, với lý do: Một tướng lĩnh lục quân sẽ không biết điều binh trên biển. Thêm nữa, tuy rất giỏi về tổ chức, Sir Wavell đã mất đi hào quang sau khi bị Rommel đánh bại trên sa mạc Bắc Phi. Wavell buộc phải giao quyền cho Helfrich và Đề đốc Doorman phụ trách hành quân. (Theo Craig L. Symonds, Histoire Navale de la Seconde Guerre Mondiale, trang 303, Nxb Perrin 2019) [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XVI

2 tuần dương hạm nặng Nachi và Haguro, lẽo đẽo phía sau các khu trục hạm, nhìn thấy hạm đội địch nên đã xoay lại. Khoảng 8 giờ tối, 2 tuần dương hạm Nhựt đã phóng 16 ngư lôi vào mục tiêu cách 16,000 thước. Khoảng cách này quá xa. Hạm đội Ðồng Minh lại xoay 360 độ khiến các quả ngư lôi này đều vô hiệu, và xả hết tốc lực chạy về hướng Nam, tức hướng Surabaya.

2 tuần dương hạm nặng của Nhựt không truy đuổi. Lúc ấy có một loạt 12 tiếng nổ phát ra ở hướng Nam. Các sỹ quan tham mưu trên 2 tuần dương hạm không thể đoán ra lý do, và họ độ chừng tiềm thủy đĩnh địch đang tấn công các khu trục hạm Nhựt. Sau đó có sự xác nhận những tiếng nổ này là do các ngư lôi của 2 tuần dương hạm Nachi và Haguro phóng ra đã lướt 40 cây số về hướng Nam và chạm vào bờ biển. Trong bóng đêm, chúng tôi có thể thấy những ánh đèn ở Surabaya, cách xa 30 dặm.

Lúc 8 giờ 30 tối, Takagi ra lịnh cho tất cả chiến hạm Nhựt ngừng cuộc truy đuổi và quy tụ về gần đoàn tàu chuyển vận. Trận chiến vừa qua thật sự cả hai phía đều vấp phải nhiều lỗi lầm. Hầu hết những người ở Phân Hải đoàn 2 đều tỏ vẻ bực tức lịnh ngừng truy đuổi của Takagi. Còn tàu của tôi không được ra tay nhiều bằng các tàu khác nên tôi cũng cảm thấy tiếc rẻ đã mất dịp may tham dự một cuộc truy đuổi sôi động để quần thảo với địch quân thêm lần nữa.

Khi Takagi thấy tất cả các khu trục

hạm Nhựt quay mũi về hướng Bắc, ông ra lịnh cho 2 chiếc Nachi và Haguro ngừng lại để mang 2 chiếc thủy phi cơ quan sát (vừa đáp xuống biển) đã cất cánh từ đầu trận đánh lên tàu. Takagi đã suýt chết vì quyết định này, may mà địch quân vụng về nên mạng ông còn tồn tại. Việc mang 2 thủy phi cơ lên tàu là cả một công việc đầy gian nan. Sau này trong cuộc chiến, nhiều chiến hạm Nhựt chỉ sử dụng phi cơ thám thính một lần rồi bỏ hẳn, không trục chúng lên tàu nữa. Tuy nhiên, lúc này là thời gian Nhựt đang chiến thắng, các vị tư lịnh không nhẫn nại trong việc thâu hồi loại phi cơ này. Hiện tại, qua sơ khởi của cuộc chiến, Takagi hoàn toàn đúng khi đưa ra lịnh vừa rồi. Tuy nhiên ông hoàn toàn sai khi nghĩ rằng hạm đội Ðồng Minh đã chạy thẳng về Surabaya rồi.

Lúc 20 giờ 50, khi chiếc Nachi đang trục thủy phi cơ cuối cùng, trong số 5 chiếc do tàu này phóng lên, có tin báo: “Hải đoàn 3 Thiết Giáp hạm đến!” Trung tá Ishikawa nhìn qua viễn vọng kính nói to: “Các chiến hạm có 3 cột buồm. Hình như chiếc Haruna và Kirishima.” (Là hai thiết giáp hạm Nhựt nặng 36,600 tấn và võ trang 8 hải pháo 356 ly mỗi chiếc.)

“Làm sao 2 chiếc tàu này ở đây được? Hai ngày trước chúng ở Ấn Ðộ Dương…” Sỹ quan quân báo đứng trên đài chỉ huy của tuần dương hạm Nachi tỏ vẻ ngờ vực.

30 phút sau, Trung tá Ishikawa hét to: “Trời hại rồi! 4 tàu chiến địch đang hướng thẳng đến chúng ta! Cách 12,000 thước!”

Náo động khắp nơi. 2 tuần dương hạm Nachi và Haguro lúc này đang nằm như 2 cái xác chết, vì đang stop máy để trục phi công và phi cơ thám thính lên tàu. Thủy thủ đoàn chưa sẵn sàng trong vị trí chiến đấu, làm sao xoay sở đây? Tàu địch đang tiến đến và bắn hàng loạt trái chiếu sáng lên trời. Ðề đốc Takagi bặm môi đến rướm máu. Ông ta như hấp hối. (Chúng tôi nghe được tất cả lịnh lạc trên soái hạm của Takagi qua loa chuyển âm).

“Thâu hồi thủy phi cơ nhanh lên! Nhanh lên!” Takagi ra lịnh. “Tất cả sẵn sàng chiến đấu!”. Một phút, hai phút, ba phút… Thật ớn xương sống.

Xem thêm:   Tay đôi

“Phi cơ bị kẹt rồi!” Một nhân viên cần trục la to.

Takagi thét: “Nổ máy, lùi hẳn về phía sau!”

Ðộng cơ Nachi đã chạy lại, và bắt đầu chậm chạp lùi về phía sau với chiếc phi cơ còn đang treo lủng lẳng trên dây cáp ở cạnh sườn. Các tuần dương hạm địch đột ngột khai hỏa và đạn rơi xuống chung quanh chiếc Nachi. Takagi ra lịnh phản pháo khi 2 chiếc Nachi và Haguro đã đạt được tốc độ 18 hải lý, tốc độ chiến đấu tối thiểu. Cả hai chiếc tàu cùng khai hỏa, cấp bách đến nỗi không kịp sử dụng đèn rọi tìm địch. Cuộc đấu súng tiếp tục ở khoảng cách chừng 12,000 thước và cả hai bên đều phí đạn vô ích. Bóng tối không cho phép điều chỉnh hải pháo chính xác. Sau 10 phút cả Nachi và Haguro không còn nhìn thấy bóng dáng các địch thủ đâu nữa. Náo loạn đã vượt qua.

Nhưng một nỗi lo âu khác lại đến. Takagi nói: “Chiến hạm địch có thể hướng về đoàn tàu vận tải của chúng ta.” 2 tuần dương hạm nặng Nhựt lại được phái đi tìm các chiến hạm địch đã gây kinh hoàng cho chúng tôi 20 phút trước đây. Takagi ra lịnh cho tuần dương hạm nhẹ Jintsu của Ðề đốc Tanaka chạy cách đó khoảng 5,000 thước, cho thủy phi cơ bay lên, để tiếp tay với Nachi và Haguro. Ðề đốc Tanaka nhanh chóng đáp ứng lịnh của Takagi.

Lúc 21 giờ 45, phi cơ của Jintsu báo cáo: “Một nhóm tàu địch gồm 4 tuần dương hạm và 6 khu trục hạm đang trực chỉ hướng Nam.” Tin này đã khiến cho các sỹ quan trên hai chiếc Nachi và Haguro thở phào nhẹ nhõm.
Trong cuộc đối đầu vừa qua, 2 tuần dương hạm nặng của chúng tôi đã phản pháo khi vừa xoay xong 180 độ nữa. Ðồng Minh không còn hy vọng gặp lại chúng tôi trong tình trạng bối rối này lần thứ hai, nên họ đã đi thẳng về phía Nam. Họ đã để mất một dịp may bằng vàng. Nếu họ quyết tâm, chắc chắn 2 chiếc Nachi và Haguro đã bị xóa tên, và họ có thể làm cỏ đoàn tàu vận tải như cua mất càng của chúng tôi.
Tóm lại, trong trận đánh vừa qua lực lượng hải quân Ðồng Minh đã chịu đựng thiệt hại nặng nề: tuần dương hạm nặng Exeter của Anh bốc cháy và lê thân về Surabaya. 3 khu trục hạm bị đánh chìm hẳn. 6 chiếc tàu còn lại có quyết định can đảm tiến về phía Bắc, mưu đánh đoàn tàu chuyển vận của Nhựt một lần nữa, như đã thấy, không may là chúng đã để mất cơ hội thuận lợi nhất. Trên đường rút chạy về hướng Nam, khu trục hạm Jupiter của Anh trong nhóm đã đụng phải một quả thủy lôi của Ðồng Minh và chìm cấp kỳ. Nhưng 5 chiếc tàu còn lại vẫn chưa chịu rút lui hẳn. Chúng đã quay trở lại, chạy thẳng về hướng Bắc, lẽo đẽo dòm ngó đoàn tàu của chúng tôi, thoạt ẩn thoạt hiện dưới ánh hỏa châu do phi cơ thám thính của tuần dương hạm Jintsu thả xuống.

Trăng sáng nhưng thỉnh thoảng vẫn bị các đám mây che khuất.      5 chiến hạm Ðồng Minh đưa ra cố gắng cuối cùng, chạy xuyên qua bóng tối và từng khoảng sáng của ánh hỏa châu soi trên mặt biển, hướng về phía chúng tôi.

Các chiến hạm Nhựt cũng chỉnh đốn hàng ngũ và sẵn sàng dạ chiến. Tất cả đều hăng hái chuẩn bị đánh trận quyết định. 2 tuần dương hạm hạng nặng Nachi và Haguro luôn luôn canh chừng ở hướng Bắc theo sự hướng dẫn của phi cơ thám thính. Quá nửa đêm ngày 8 tháng 2 Nachi phát hiện 5 tàu địch đang hướng thẳng về phía Bắc. Cả 2 chiếc Nachi và Haguro lập tức đuổi theo, song song với      5 chiếc tàu của Ðồng Minh và sau đó chạy chậm lại để tìm cơ hội tấn công. Tiết kiệm nhiên liệu và đạn dược là vấn đề quan tâm hàng đầu của các chiến hạm Nhựt, do đó hỏa lực của chúng tôi giới hạn và chỉ bắn khi nào cần thiết.

Lúc 0 giờ 53, Nachi đã phóng 8 ngư lôi và Haguro 1 quả vào các tàu địch chạy ở 60 độ tả mạn, khoảng cách 40,000 thước. Lúc đó mưa mù bỗng che phủ mặt đại dương, chiến hạm Nhựt hy vọng tàu địch không thấy ngư lôi để né tránh. Lúc 1 giờ 6 phút, ánh sáng bùng lên trong đêm tối và một cột lửa bốc cao ở hướng Ðông Nam. Một ngư lôi đã trúng tuần dương hạm Java. 4 phút sau, một tiếng nổ khác phát ra cùng hướng, và chiếc soái hạm De Ruyter của địch quân bùng cháy như một cây đuốc. Thủy thủ trên hai chiếc Nachi và Haguro reo hò vang dậy. Họ ôm nhau nhảy múa.

Ðề đốc Takagi lạnh lùng nói: “Cuộc chiến đã chấm dứt.” 2 tuần dương hạm Nachi và Haguro xả hết tốc lực chạy về hướng Ðông Bắc xuyên qua các vùng mưa luồng trên đại dương. Không gặp chiến hạm nào của địch quân, cả hai chiếc tiến sát đến 2 chiến hạm đang bốc cháy. Takagi nói: “Ðừng phí đạn với 2 chiếc tàu này. Ðể chúng tự hủy lấy!” Cuộc truy lùng chấm dứt lúc 5 giờ 30.

Xem thêm:   van Manen Anaïs Ca Dao

Nghi vấn xảy ra trong ngày là sự di chuyển của 2 tuần dương hạm Houston của Hoa Kỳ và Perth của Úc Ðại Lợi. Cuộc tìm kiếm vô hiệu quả của Tanaka xa về phía Bắc có thể là lầm lẫn cuối cùng của Nhựt Bản trên mặt trận Nam Dương. Khi 2 chiếc Java và De Ruyter bốc cháy, cả hai chiếc tàu kia đã bỏ đi lập tức về hướng Ðông Nam, dọc theo bờ biển, nghĩa là không trở về hướng xuất phát cuộc tấn công. Ðó là điều kỳ lạ.

Sau nửa đêm ngày 1 tháng 3, lúc 0 giờ 9 phút, khu trục hạm Fubuki (Bão Tuyết) đã phát hiện 2 chiếc tàu mà họ không rõ xuất xứ chạy cách 10,000 thước phía Ðông đảo Babi, gần vịnh Banten, và xa trận đánh biển Java vừa xảy ra 500 hải lý. Trung tá Yasuo Yamashita, hạm trưởng của Fubuki không hiểu 2 chiếc tàu bí mật này định làm gì nên ông đã cho quay tàu lại và lẽo đẽo theo cách phía sau 8,000 thước. Ðó là 2 chiếc Houston và Perth. Nhưng có điều khó hiểu là tại sao 2 tàu này di chuyển trên một hải trình kéo dài 24 giờ mà không bị phi cơ thám thính bay suốt ngày của Nhựt nhìn thấy?

Sau trận đánh biển Java, Houston và Perth còn rất ít đạn dược, và sau khi vượt 500 dặm nữa, với tốc độ 26 hải lý, nhiên liệu cũng gần cạn. Trên đường đến một căn cứ tiếp tế, 2 chiếc tàu địch đã kinh ngạc khi nhận thấy đoàn tàu chuyển vận

thứ hai gồm 56 chiếc của Nhựt tụ họp ở vịnh Banten và đang chuẩn bị đổ bộ. Không sợ sệt, cả hai đã khai hỏa vào đám tàu hải vận này, lúc ấy vào khoảng hơn nửa đêm.

Khu trục hạm Harukaze (Xuân Phong) của Nhựt đã vội vàng tung một màn khói bao che. Cùng lúc ấy, khu trục hạm Fubuki vừa chạy đến, đã phóng 9 quả ngư lôi. 14 hộ tống hạm thuộc Phân Hải đoàn 3 của Ðề đốc Akisaburo Hara rối loạn, cho dù trước đó Fubuki đã gọi vô tuyến báo cho các chiến hạm này biết có “2 chiếc tàu bí mật đang tiến vào vịnh”, nhưng ở đây vẫn không chuẩn bị tiếp chiến, rõ ràng họ khinh thường 2 tàu chiến đơn độc của Ðồng Minh. Sau này, một số hạm trưởng cho biết họ dành hết thời giờ để tránh né ngư lôi của tàu bạn.

Tuy nhiên trong vòng một giờ, cả hai chiếc tàu Ðồng Minh đều bị đánh chìm. 3 dương vận hạm của Nhựt thiệt hại trầm trọng và chiếc tàu chỉ huy của đoàn chuyển vận bị đánh chìm, khiến Trung tướng Lục quân Hitoshi Imamura (Kim Thôn Quân), chỉ huy Lộ quân XVI bị văng ra ngoài, nhưng sau đó ông đã bơi được vào bờ biển. Thương vong của Nhựt tương đối nhẹ.

Một ủy ban điều tra đã nghiên cứu cuộc loạn đấu này, nhưng không đưa ra kết luận tại sao các dương vận hạm Nhựt bị thiệt hại. Có nhiều ý kiến cho rằng chúng bị trúng ngư lôi do chính chiếc Fubuki phóng ra ở khoảng cách 7,000 thước.

Trong lúc các tàu vận tải hoàn tất cuộc đổ bộ thành công ở Surabaya, 2 tuần dương hạm Nachi và Haguro đụng địch. Trong cùng buổi trưa, cả hai đã phát hiện 3 tàu chiến khác của địch gần đảo Bawean và đang hướng mũi về phía Bắc. Nachi và Haguro, được 2 tuần dương hạm nặng Ashigara và Myoko trợ lực, đã đánh chìm cả 3 chiếc tàu này trong vòng hai giờ, từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30, gồm một tuần dương hạm và một khu trục hạm của Anh, và một khu trục hạm của Hoa Kỳ. Ðồng thời, phi cơ thuộc Lực lượng Ðặc nhiệm của Phó Ðô đốc Nagumo cũng đã đánh chìm 4 khu trục hạm Hoa Kỳ khác trong tổng số 8 chiếc thoát ra từ eo biển Bali để chạy về hướng Nam.

Sau khi hoàn tất cuộc đổ bộ, kiểm điểm lại hải đoàn của Takagi không thiệt mất một chiếc nào. Ông đã hoàn thành sứ mạng của ông. Tóm lại, trận hải chiến Java phần thắng lợi ngã về Nhựt Bản.

Tuy nhiên, “một loạt sai lầm” của Takagi trong trận đánh này đã bị chỉ trích dữ dội. Việc hoang phí đạn dược và lịnh khai hỏa ở khoảng cách 28,000 thước của ông lúc trận đánh vừa phát khởi, là bị đả kích nhiều nhứt. Khi trận đánh kết thúc, chiếc Nachi chẳng hạn, 10 khẩu 203 ly của nó chỉ còn mỗi khẩu 7 quả đạn. Soái hạm Jintsu của Tanaka lúc đó đã cạn nhiên liệu và hầu như thả trôi trên mặt biển. Các sỹ quan pháo binh có vẻ khinh thị khi nói: “Takagi là một sỹ quan tiềm thủy đĩnh, làm sao biết sử dụng trọng pháo!”

Takagi và phụ tá của ông là Nagasawa đã bác bỏ các lời tố cáo. Nhưng không lâu sau đó, ông bị chuyển sang chỉ huy một hải đoàn tiềm thủy đĩnh, còn Nagasawa được bổ nhiệm vào một chức vụ bàn giấy.

Trận hải chiến Java đã dạy cho tôi nhiều bài học. Trận đánh này có ý nghĩa hơn hàng ngàn buổi diễn tập mà tôi từng tham dự trước đây. Cũng là trận đánh lớn đầu tiên của chiếc Amatsukaze.

Xem thêm:   Thằng lơ xe đò trong văn hóa Miền Nam

Vào lúc đó một trận đánh khác diễn ra ở eo biển Sunda, 2 chiến hạm của Ðồng Minh trong nỗ lực can đảm tấn công các tàu vận tải của Nhựt đã bị đánh chìm. Lực lượng hộ tống bao gồm 2 tuần dương hạm hạng nặng Mogami và Chikuma do Ðô đốc Takeo Kurita chỉ huy và tuần dương hạm nhẹ Natori và 8 khu trục hạm của Ðề đốc Kenzaburo Hara. Thiệt hại của Nhựt là 1 dương vận hạm và 1 tàu dầu. 2 tuần dương hạm bị đánh đắm của Ðồng Minh có 696 thủy thủ chết đuối.

Trưa ngày 28 tháng 2, Ðề đốc Raizo Tanaka ra lịnh cho khu trục hạm của tôi đến Bandjermasin để tái nhận nhiên liệu, ông tin chắc rằng tất cả chiến hạm địch trên hải phận đã được dọn sạch. Tôi được chỉ định hộ tống chiếc tàu bịnh viện Hòa Lan mà chúng tôi đã chận bắt trước khi trận đánh Java mở màn, đến một căn cứ Nhựt gần nhứt ở Bornéo.

“Khi trở về, tàu của anh phải chở dầu đến mức tối đa,” Tanaka dặn, “bởi vì các chiếc khác sẽ lấy dầu từ tàu của anh.” Hải đội của tôi đã xuất phát từ Timor để tham dự vào cuộc hành quân nên tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu và hiện thời thiếu hụt trầm trọng. Chiếc Amatsukaze của tôi chỉ còn đủ nhiên liệu đến Bandjermasin với tốc độ tiện tặn 18 hải lý. Tanaka biết các tàu khác không có khả năng để hoàn tất nhiệm vụ này.

Ngang qua đảo Bawean, chúng tôi nhìn thấy cả trăm người đang vùng vẫy trên mặt nước. Tiến gần hơn, chúng tôi biết đó là thủy thủ đoàn của những chiến hạm Ðồng Minh bị Nhựt đánh chìm giữa đêm hôm qua. Một rừng tay cầu cứu giơ lên và tiếng kêu vang dậy: “Nước! Nước!”.

Tình cảnh thương tâm. Tôi không thù hằn những đối thủ đã ngã ngựa, nhưng tôi có thể làm gì, khi mà chiếc tàu của tôi chỉ có thể chở bốn năm chục người là cùng. Tôi không thể chỉ cứu phân nửa số người sống sót này. Vả lại tàu của tôi cần phải chạy nhanh để lấy nhiên liệu, hơn nữa nếu tôi ngừng lại có thể tạo cơ hội cho tàu ngầm địch tấn công.

Tôi chỉ đành biết vẫy tay, và nhắm mắt trước những kẻ sắp chết đuối. Tôi ra lịnh gởi một công điện cho Ðề đốc Tanaka: “Hơn 100 địch quân sống sót đang trôi dạt cách đảo Bawean 60 dặm, hướng 270 độ, cần cứu khẩn cấp.”

Hoa tiêu cẩn thận lái chiếc tàu vượt qua những nhóm người ở dưới nước. Một trong những đại úy của tôi rành tiếng Anh đã la thật to: “Cố gắng! Cố gắng! Tàu cứu hộ sẽ đến ngay!”

Sau khi nhận nhiên liệu chúng tôi trở về vào ngày 1 tháng 3. Ngang qua Bawean, tôi nhìn quanh, nhưng không còn thấy bóng dáng một thủy thủ sống sót nào của Ðồng Minh trên mặt nước. Ngày hôm qua chúng tôi không nghe một hoạt động tiếp cứu nào trong khu vực này. Trái tim tôi chùng xuống.

Trên hải trình tiếp tục trở về Surabaya, chúng tôi phát hiện một tàu ngầm địch quá trễ, lúc tàu chúng tôi đã vượt qua khoảng cách quá xa. Tôi bỏ quyết định quày lại để tấn công. Chúng tôi kết hợp với hải đoàn của Tanaka vào ngày hôm đó, và đến 20 giờ 30, tất cả các chiến hạm hoàn tất việc tái tiếp nhận nhiên liệu. Tuần dương hạm Jintsu và 4 khu trục hạm phối hợp, mở ngay một cuộc săn tiềm thủy đĩnh địch mà chiếc Amatsukaze đã phát hiện. Ðêm hôm đó, trời u ám, tầm quan sát bị giới hạn, nhưng mặt biển lặng sóng nên chúng tôi hy vọng có thể khám phá mục tiêu dễ dàng.

Một cuộc săn tiềm thủy đĩnh không có radar là một trò chơi đầy kiên nhẫn đối với các chiến hạm Nhựt. Mọi khám phá đều tùy thuộc cả vào đôi mắt thường của quan sát viên và dụng cụ sonar không mấy hiệu quả của chúng tôi. 5 chiếc tàu chạy với tốc độ 18 hải lý theo hình chữ chi, nhưng suốt 6 giờ vẫn không tìm thấy một dấu vết nào. Mọi người tỏ vẻ chán nản.

Sáng sớm ngày 2 tháng 3, bỗng quan sát viên Migita la to: “Một điểm đen. 40 độ tả mạn! Hình như là tàu ngầm.” Mọi người trên đài chỉ huy như có điện giựt. Tôi dùng ống nhòm, nhưng vẫn không thấy gì trên mặt biển đầy sương mù lúc ấy. Migita lại nói: “Ðiểm đen bây giờ giống một mảnh rác!” Mọi người thất vọng. Riêng tôi, hiện tại qua ống nhòm đã nhìn thấy điểm đen giống như mảnh vỡ của một chiếc xuồng. Chán nản mệt mỏi lại ùa đến.

Tuần sau:  Chương XVII

Thanh toán tiềm thủy đĩnh 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships