Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

Phi trường dân sự Pleiku – 1970s. Ảnh do tác giả cung cấp

(tiếp theo – kỳ 5)

Nghe ông liên đoàn phó phân tích sự việc, tôi cũng phát lo. Tiểu đoàn tôi giờ đây chỉ còn một mình Thiếu úy Phạm Văn Thủy là đại đội trưởng cũ, hai ông Thiếu úy Ðặng Thành Học và Trung úy Võ Hữu Danh vừa từ nơi khác tới, ông Thiếu úy Nguyễn Văn Hổ cũng mới lên chỉ huy đại đội chưa đầy hai tháng, kinh nghiệm chẳng nhiều. Thêm vào đấy, một phần ba quân số của tôi cũng là tân binh, nếu phải đi tiếp viện cho đơn vị khác, thấy người ta chạy, chắc chắn các ông tân binh của tôi cũng chạy theo mất thôi!

Tôi ôm đầu suy nghĩ một lúc rồi nói,

– Trung tá về nghỉ đi! Mai tôi trả lời.

Anh Thanh giơ tay, bắt tay tôi nhưng miệng anh vẫn khẩn khoản,

– Chú suy nghĩ lại, rồi cho anh biết ý kiến càng sớm càng tốt!

o O o

Yếu tố tinh thần trong chiến trận

Ðêm 27 tháng 9 năm 1974 tôi trằn trọc, suy nghĩ liên miên.

Tôi thấy hai ông chỉ huy của tôi là Ðại tá Từ Vấn và Trung tá Hoàng Kim Thanh rất có lý khi phân tích tình trạng tâm lý các quân nhân dưới quyền.

Tôi có người bạn cùng khóa Võ Bị là Ðại úy Lê Thanh Phong. Mùa Hè năm 1972 Ðại úy Lê Thanh Phong chỉ huy Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân và đã ghi được nhiều chiến công trong chiến dịch giải vây Kontum.

Vậy mà chỉ ít lâu sau, đầu tháng 12 năm 1972, anh Phong đã bị Cộng-Quân bắt tại trận ở Ðức-Cơ.

Trước đó, tháng 8 năm 1972 Ðức-Cơ đã bị bao vây, tôi được lệnh xuống chỉ huy căn cứ này.

Tôi đã giải tỏa xong áp lực địch chỉ với một Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng.

Tháng 10 năm 1972, tình hình yên tĩnh trở lại, tôi đã bàn giao Ðức-Cơ cho ông Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn.

Tôi đi khỏi Ðức-Cơ thì trại này được tăng cường thêm hai tiểu đoàn nữa để phòng thủ, đó là Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân của Ðại úy Lê Thanh Phong và Tiểu Ðoàn 80 Biệt Ðộng Quân của Thiếu tá Nguyễn Công Thông.

Người chỉ huy ba tiểu đoàn này là Trung tá Lê Chữ. Ông Chữ vốn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân, mới được thăng cấp trung tá sau lần tử thủ, giữ được Căn cứ Biên Phòng Bạch-Hổ (Ben Het).

Ngày đó yểm trợ cho Ðức-Cơ, chúng ta có hàng chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly sẵn sàng từ Thanh-An và Thanh-Giáo; ta còn hàng chục máy bay oanh tạc chất đầy bom đạn nằm chờ ở phi trường Cù Hanh, Pleiku, chưa kể tới những pháo đài bay B 52 sẽ có mặt trên vùng chỉ sau vài giờ chờ đợi.

Với ba tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân phòng thủ, và được yểm trợ mạnh như vậy mà Ðức-Cơ vẫn mất, mất là vì sao?

Cựu Th/tá Vương Mộng Long, cựu Đ/úy Lê Thanh Phong, cựu Th/tá Phan Văn Hải (ngồi) 

Mãi tới tháng 7 năm 1974 gặp lại anh bạn Lê Thanh Phong sau khi bạn tôi được trao đổi tù binh, tôi mới nhận được câu trả lời thích đáng.

Xem thêm:   Một ngày của tổng thống

Bạn Phong ấm ức phân trần với tôi:

“Mẹ nó! Ngày đó ở Ðức-Cơ không có tiếng súng nào! Vậy mà cha Mẫn và cha Chữ cứ cắm đầu chạy! Vạ lây cho tui! Người ta chạy, làm cho lính dưới quyền tui cũng chạy theo! Chuyện thực khôi hài, nhưng tức muốn chết!”

Thì ra, qua một đêm chịu pháo, 5 giờ sáng ngày 4 tháng 12 năm 1972, các ông chỉ huy căn cứ Ðức-Cơ là Trung tá Lê Chữ và Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn đã bỏ đồn, hớt hải chạy ra cổng, tới tá túc với đơn vị của Ðại úy Lê Thanh Phong nơi đầu phi trường.

Theo chân hai ông chỉ huy là một tốp lính của Tiểu Ðoàn 81, sau lưng toán lính này là một toán Việt-Cộng hò reo đuổi theo. Không có tiếng súng nào, chỉ có tiếng la “Hàng sống! Chống chết!”

Ðịch không bắn, có thể là vì trời còn tối, chúng không nhìn thấy quân ta, cũng có thể là chúng sợ quân ta đông hơn nên không dám bắn.

Ðâu ngờ những tiếng hô “Hàng sống! Chống chết!” đã khiến hai ông Mẫn và Chữ hoảng hồn dẫn quân đạp lên lều võng của Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân rồi bỏ phi trường phóng đi luôn.

Bộ chỉ huy của Tiểu Ðoàn 80 Biệt Ðộng Quân đóng gần đó, nên nhìn thấy ông Trung tá Lê Chữ đang vắt giò lên cổ, ông Thiếu tá Nguyễn Công Thông chẳng biết ất giáp gì, cũng lao theo chân ông Lê Chữ!

Thấy quan và quân của đơn vị bạn chạy tán loạn, những người lính nhát gan của Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân cũng ùn ùn chạy theo.

Phút chốc, trên sân bay chỉ còn lại ông Ðại úy Lê Thanh Phong, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân và vài chục anh lính.

Ba ngày sau, Ðại úy Lê Thanh Phong bị địch bắt sống ở trong rừng.

Trước Hòa Ðàm Paris mà đã có những chuyện chưa đánh đã chạy như thế, thì sau Hòa Ðàm Paris phải chiến đấu trong tình trạng thắt lưng buộc bụng, thiếu thốn trăm bề, chắc chắn tinh thần chiến đấu của quân ta cũng bị suy sụp đi nhiều.

Chưa nghe anh Phong tâm sự, tôi đã biết, yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng, nó quyết định vận mạng của cả một chiến trường.

Bằng cớ là, nếu không có cái quyết tâm thà chết không đầu hàng, không bỏ chạy của những chiến sĩ trong Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân dưới quyền tôi, thì tôi đã bị địch bắt sống hay giết chết trong trận Pleime 1974 rồi.

Tôi nghĩ rằng, nếu đánh nhau với địch, địch mạnh hơn mình, mình yếu thế hơn phải rút lui thì không nói làm gì. Chứ mình đi sau người ta, chưa đánh nhau mà người ta đã chạy, làm cho lính của mình thấy thế cũng hoảng sợ, rồi rủ nhau cắm đầu, cắm cổ chạy theo người ta, bỏ mình ở lại, thì mình chỉ còn cách tự đấm ngực mà chết mất thôi!

Lại nữa, tôi thấy đơn vị nào đã thua một trận, sẽ mắc cái “huông” rồi cứ thế được trớn, thua luôn! Trở thành lỳ đòn, trơ mặt, không biết xấu hổ là gì!

Dưới quyền Thái Sơn Vương Mộng Long, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân là một đơn vị chưa hề chiến bại.

Giữa đêm khuya, tôi chợt buột miệng hét to:

“Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ không bao giờ chiến bại!”

Hai anh lính Viễn Thám gác đôi gần đó, nghe tiếng tôi la, bèn chạy vội vào cửa lều, lớn tiếng hỏi,

Xem thêm:   Jake & con sói trắng

– Thái Sơn gọi tụi em hả!

Tôi bật cười,

– Ừ! Mai thầy trò mình đi nhảy toán!

Tôi cầm cái ống liên hợp máy PRC 25 gọi cho Trung tá Hoàng Kim Thanh,

– Okay! Tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh trước thời hạn 7 ngày!

Cựu Th/tá Vương Mộng Long & cựu Th/úy Lý Ngọc Châu – USA 2007

o O o

Trinh sát dạ hành…

Suốt ngày 28 tháng 9 với cái ống nhòm và tấm bản đồ trên tay, tôi kín đáo núp sau những gốc cây bên sườn đồi, quan sát cái thung lũng dưới chân tôi và ngọn đồi sừng sững hướng Tây.

Từ những năm 1968, 1969 khi còn giữ chức đại đội trưởng ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, tôi đã nhiều lần nhận nhiệm vụ mở đường và giữ đường từ Ðức-Lập tới Nghi-Xuân, do đó địa thế vùng này không phải là xa lạ đối với tôi.

Khắp khu vực Nam Ðức-Lập và Bắc Gia-Nghĩa toàn là đồi có cao độ từ 800 tới 900 mét sàn sàn nhau.

Nếu nhìn trên bản đồ, ta chỉ thấy những vùng loang lổ mầu trắng xen với màu xanh lá cây. Màu trắng là khu vực cỏ tranh cao cỡ đầu gối, màu xanh lá cây là những cụm rừng số 3, cây không cao lắm.

Vùng này suối không sâu và cạn kiệt vào mùa khô. Thời gian này đang là mùa khô.

Thiếu tá Bùi Ngọc Long đã chỉ cho tôi biết vị trí những cây súng cộng đồng của địch đều tập trung dọc theo con đường xe be cắt ngang đỉnh ngọn đồi có cao độ 898 mét. Chắc chắn hiện thời địch đang có mặt trên đồi này, chúng ngang nhiên đốt lửa giữa ban ngày, nơi bìa rừng từng lọn khói đen cứ lừng lững vươn lên cao rồi tan đi thật bình yên vô tư.

Ngọn đồi này nằm cách chỗ tôi đóng quân đúng 2 cây số về hướng Tây Nam. Xe cộ đi ngang qua đoạn đường yên ngựa hướng chính Nam của Căn cứ Ðạo-Trung thường là mục tiêu cho các loại súng cộng đồng đặt trên đồi 898 nhắm bắn. Ðiểm chiến thuật thứ hai là ngọn đồi có cao độ 880 mét nằm ngay trên Liên Tỉnh Lộ 8 B, cách lều của tôi đúng một cây số rưỡi. Nếu địch gài được một cái chốt cấp đại đội trên đỉnh đồi này thì cái cua chữ “C” hướng Nam Căn cứ Ðạo-Trung biến thành tử địa.

Cũng từ ngọn đồi này, hằng ngày các tay bắn tỉa của Việt-Cộng liên tục nã súng vào các pháo thủ đóng trong căn cứ.

Muốn giải tỏa áp lực địch trên Liên Tỉnh Lộ 8 B bắt buộc phải chiếm cho kỳ được đồi 898 và đồi 880.

Ðồi 898 sẽ là Mục Tiêu 1, đồi 880 sẽ là Mục Tiêu 2.

Tôi dự trù sẽ bứng Mục Tiêu 1 trước, kế đó mới là Mục Tiêu 2.

Thoạt nhìn vào bản đồ thì bất cứ cấp chỉ huy nào cũng chọn con đường xe be từ Liên Tỉnh Lộ 8B rồi theo hướng Tây Nam để làm trục tiến tới Mục Tiêu 1.

Nếu có chiến xa tăng phái, chắc chắn tôi sẽ dùng trục lộ này. Nhưng ngặt nghèo là thời gian này các đơn vị thiết giáp của ta còn kẹt ở mặt trận Pleiku, có làm đơn xin cũng còn lâu mới được thỏa mãn.

Tôi đã được Thiếu tá Bùi Ngọc Long kể lại, trước khi chúng tôi được lệnh vào vùng thì một đơn vị bộ binh đã dùng trục tiến này để đánh địch nhưng thất bại. Quân bạn đã phải bỏ xác người chết trên đường lui vì không kéo ra được.

Tôi thấy lý do thất bại của đơn vị bạn rất dễ nhìn ra. Chỉ vì đoạn đường từ khu tập trung tới mục tiêu quá xa, nếu ta dùng đội hình hàng dọc thì không đủ quân xung phong ở chạm tuyến; nếu sử dụng đội hình hàng ngang thì quân ta sẽ chết rất nhiều trước khi tới tuyến xung phong. Vậy là trục tiến này không thể dùng được, tôi phải bày kế khác.

Xem thêm:   Air Force One

Tôi cũng nghĩ tới kế sách tiếp theo là liều mạng dàn quân hàng ngang dưới suối, rồi leo nhanh lên dốc, tấn công trực diện, nhưng cách đánh này đòi hỏi một hỏa lực yểm trợ tiếp cận thật mạnh, giống như hỏa lực của trực thăng vũ trang Hoa-Kỳ thời 1966-1972.

Nhưng sau Hòa Ðàm Paris mà đánh nhau kiểu này thì không khác gì tự sát dưới hỏa lực hùng hậu của địch.

Suy đi, tính lại mãi, cuối cùng, tôi quyết định sẽ áp dụng chiến thuật đánh đêm.

Dạ chiến có lợi thế bất ngờ, vì trong bóng đêm, ta có thể bí mật áp sát mục tiêu, tới sát bên địch rồi, ta mới khai hỏa.

Muốn thực hiện điều này phải có những tay súng tinh nhuệ và gan lỳ.

Trận này bắt buộc tôi phải dùng tới 18 Viễn Thám viên và 12 anh lính cận vệ. Thời gian này Thiếu úy Trần Văn Phước kiêm nhiệm chỉ huy 12 anh cận vệ, vì Thiếu úy Lý Ngọc Châu còn đang theo học khóa Chiến Tranh Chính Trị trên Ðà-Lạt.

Với quân số này, tôi có thể chiếm lĩnh một tuyến có chiều dài trên dưới một trăm thước để làm đầu cầu cho Ðại Ðội 3/82 phía sau bò lên theo.

Nhưng trước khi ra quân, ta phải biết:

“Lực lượng địch cỡ nào? Ðịch dàn quân ra làm sao? Nơi nào nên đánh? Ðánh như thế nào?”

Muốn trả lời những câu hỏi ở trên thì cấp chỉ huy phải đích thân thám sát địa thế, tìm hiểu địch tình.

Tôi đã biết, mỗi khi thực hành một trận đánh, các cấp chỉ huy Việt-Cộng đều đích thân đi thám sát trận địa để nắm vững chính xác tình hình của quân ta. Trong khi đó thì đa số chỉ huy của ta lại cứ đòi phải có trực thăng hay L 19 mới chịu bay quan sát.

Tôi xuất thân là đầu lãnh của những toán Viễn Thám Biệt Ðộng Quân một thời ngang dọc Vùng 2, chẳng lẽ lại thua gan mấy tay chỉ huy Việt-Cộng?

Thế là ngay tối 28 tháng 9 tôi đã đích thân chỉ huy tiểu đội cận vệ cùng hai toán Viễn Thám 821 và 824 xuống núi thi hành một cuộc hành quân xâm nhập.

Ðêm 28 tháng 9 trên trời có trăng nhưng dưới thung lũng thì sương mù trắng xóa.

Toán 821 do Hạ sĩ 1 Mom Sol dẫn đầu, tiếp đó là 824 do Binh 1 Yang chỉ huy, tôi là người đi kế tiếp, theo tôi là Thiếu úy Trần Văn Phước, người đoạn hậu tiểu đội cận vệ là Trung sĩ Y Thon Nier với khẩu M79 bắn đạn chài.

Chúng tôi tiến thật êm trên thảm cỏ tranh nằm giữa hàng cây xanh sát bờ suối và đỉnh ngọn đồi trọc bên hướng Tây.

Tới khu đồng cỏ hướng Ðông của đồi 898 tôi cho quân dừng lại.

Tiểu đội cận vệ dưới quyền Thiếu úy Phước trải thành một hàng ngang, vừa bảo vệ cho tôi, vừa sẵn sàng tiếp cứu hai toán Viễn Thám.

Viễn Thám 821 dẫn đầu, 824 theo sau, hàng một leo lên dốc.

Ðêm lạnh, chỉ có tiếng gió lay cành lá hòa với tiếng ếch nhái dưới thung lũng nghe thật là ảm đạm, thê lương.

Thời gian hai toán Viễn Thám vượt khoảng đất trống từ triền Ðông của đồi 898 tới mặt đường xe be là thời gian nín thở của những người ngồi dưới khe.

Tôi đã từng nhiều lần đi toán, vậy mà kỳ đi thám sát này tôi cũng thấy lòng hồi hộp không yên.

(còn tiếp)