Lời Giới Thiệu: Ngày 9 Tháng 11 năm 1989 bức tường Bá Linh được phá bỏ để mở đầu một nước Đức thống nhất như hiện nay, cũng là đánh dấu nước Đông Đức cộng sản hoàn toàn biến mất. Bức tường sụp đổ được xem như một di tích lịch sử và là nơi thu hút khách du lịch thế giới. Tác giả Hồ Đắc Vũ đã ghi lại hình ảnh và bài viết nhân một lần ghé qua.
Thành Phố Bá Linh. Nguồn. strongcitiesnetwork.org/en
Chào người bạn Hải quân và cô vợ Bắc kỳ nho nhỏ (cao) ở Rotterdam, tụi tôi qua Ðức.
Thành phố Bá Linh, nhà hàng Việt, nhỏ, xinh xắn, nằm ở khu vực vắng vẻ nhưng đông khách. H., chủ tiệm, mời:
– Chắc đói bụng rồi! Em mời bữa trưa.
Những món ăn Việt bày ra bàn thật ấm lòng, làm chai bia đen.
H. mang đến một đĩa lớn:
– Xúc xích Sasuke nổi tiếng của Ðức.
Khui, phựt! Bọt bia vàng óng trào nhẹ trên lớp nước đen đậm như cà phê. Tôi làm một ngụm lớn, cắn miếng xúc xích.
Phía bên kia hàng cây xanh là phố xá, khu thương mãi của Berlin, người xe tới lui, tôi đi vòng con đường nhỏ, nhiều nhà hàng, quán cà phê. Dưới một cây to, chừng 10 chiếc xe gắn máy cổ đậu thành một hàng, quảng cáo: “Bạn có thể chạy một vòng với chiếc xe cổ, chỉ có 5 Euros”. Trước mặt là công viên, có đèn LED, chớp nháy chữ Leica, hiệu máy ảnh đắt tiền của Ðức.
Khu du lịch với xe ngựa cổ, tại cổng Brandenburg. photo. hdv / trẻ
Thành phố Bá Linh nằm dọc bờ sông Spree nối với sông Havel, là nhánh của Elbe, thuộc quận phía Tây Spandau. Với vị trí ở đồng bằng Âu Châu, Bá Linh có khí hậu ôn đới 4 mùa, một phần ba diện tích của thành phố là rừng, công viên, vườn, sông, kênh đào và hồ, nên thoáng mát, dễ chịu.
Năm 1920, Bá Linh là thành phố lớn thứ 3 trên thế giới. Thế chiến 2, Ðức thất trận bị các nước đồng minh chiếm đóng. Thành phố Bá Linh bị chia hai: Ðông Bá Linh thuộc Ðông Ðức, Tây Bá Linh trở thành Tây Ðức và được bao quanh bởi bức tường Bá Linh (1961-1989). Sau đó, Ðông Bá Linh được xưng là thủ đô Ðông Ðức (Cộng hòa dân chủ Ðức); Bonn trở thành thủ đô của Tây Ðức (Cộng hòa liên bang Ðức)…
H. chủ tiệm và là chủ nhà, đưa tụi tôi về căn nhà của mình, gần đó.
Sáu giờ chiều, dung dăng tới khu ẩm thực ngoài đường,
Đài kỷ niệm Brandenburg. cổng chính chia đôi nước Đức. photo. hdv / trẻ
Buổi tối Berlin nhẹ nhàng, dưới hai hàng cây lớn là các bar và các hàng quán. Dọc đường Dessert, tôi thấy dân Ðức uống bia rất nhiều, nhất là quý bà sồn sồn. Quanh bàn tròn, các bà nhiều hơn các ông, bà nào cũng ly bia 1 lít và đĩa xúc xích. Ðức có nhiều nhãn bia nổi tiếng thế giới như: Diebels Altbier, St. Georgen Brau Pilsner Buttenheim, Goesser Pilsner. Xúc xích Ðức cũng thuộc loại thượng thặng: Bratwurst, Nürnberger Rostbratwurst, và mấy chục thứ khác. Ngoài ra, nhiều quầy thực phẩm dọc hai bên đường bày những món ngon địa phương, thơm phức.
Tôi chọn bàn ở sân lát đá đen, dựa vào một thân cây.
Buổi tối bắt đầu với bia đen, xúc xích, olive, bắp cải chua truyền thống, chấm dứt bằng món bò nướng xiên, xúp nấm trắng. Tụi tôi đi bộ về nhà, 9 người, 18 đôi giày lộc cộc trên mặt đá đen.
Tôi đi từng bước trên đất nước hùng mạnh một thời, đã tóm thâu hết Âu Châu, muốn hạ đo ván cả con gấu cộng sản Nga, một đất nước có những nhân vật lừng danh thế giới, Albert Einstein. Friedrich Nietzsche, Beethoven, Henry Kissinger, tay quần vợt John McEnroe, cô người mẫu Heidi Klum và Ban nhạc Pop Scorpions…
Ðêm Berlin bình yên vô cùng.
Bên kia cổng Brandenburg là Đông Đức. photo. hdv / trẻ
oOo
– Mình đi đâu?
H. hỏi.
– Bức tường Bá Linh. Tôi trả lời.
Trời xanh và nắng, xe qua khu quảng trường, nhà thờ, thư viện rồi vòng xuống trung tâm thương mại đông đúc; lên dốc, ngang công viên xanh mát với vô số tượng; rẽ qua bên trái, chạy tới cổng chính Brandenburg của “bức tường”.
Khu này trở thành nơi du lịch. Số lượng du khách đến đây mỗi năm khá đông. Những xe ngựa chở khách một vòng, dọc theo “bức tường”, tiệm ăn, nhà hàng, quầy bia, quầy xúc xích ngoài trời, những tiệm bán đồ lưu niệm.
Nhiều cảnh sát đứng rải rác chung quanh.
Cổng Brandenburg đồ sộ trước mặt, nơi này là cửa ngõ của bức tường dài hết nước Ðức, đã chia quốc gia này thành hai miền Ðông Tây trong suốt 28 năm…
Khu du lịch phía Tây Đức. photo. hdv / trẻ
oOo
Tháng 6 năm 1977, từ Sài Gòn, tôi đi Hà Nội bằng xe cùng với các đạo diễn của miền Nam, có dịp nhìn lại các tỉnh thành đất nước, nhất là miền Bắc, sau cuộc nội chiến buồn bã vừa chấm dứt.
Xe tới thành phố Quảng Trị, vết tích chiến tranh còn trơ gạch đá ngổn ngang khu cổ thành, nòng súng lạnh lùng trên những chiếc xe tăng rỉ sét, người dân đen đúa xác xơ, 4 năm hòa bình vẫn chưa lành vết thương của trận cổ thành ác liệt.
– Sắp tới bờ Bến Hải, tụi mình nghỉ ở đó 10 phút trước khi qua cầu Hiền Lương, vô miền Bắc.
Anh B. diễn viên, thông báo. Mọi người bước xuống xe. Tôi nói với anh:
– Tôi muốn đi bộ qua cầu, chờ anh bên kia, nhớ đón giùm!
Bước tới đầu cầu Hiền Lương.
Bức tường Bá Linh 1961. Nguồn. china.usc.edu
oOo
Nắng trưa tạo ra vùng sáng dài hắt ngang cổng Brandenburg từ phía Ðông Bá Linh. Nhiều du khách tới lui, tôi chọn góc thích hợp chụp ít hình.
H. gọi:
– Nóng quá, tụi em ngồi ở quán bia gần hàng cây!
– Chút anh tới.
Ðeo máy trên vai, tôi đứng giữa vạt nắng dài, ngước nhìn cổng Brandenburg trước mặt, bước chậm.
– 1, 2, 3, 4, 5…
Tranh tường Bá Linh. Nguồn. wallup.net
oOo
Cầu Hiền Lương rất cũ, thành bằng sắt, đan chữ X, tróc sơn. Tôi bước, tiếng gỗ lụp cụp dưới chân…
Lần đầu trong đời, đi trên chiếc cầu nối liền 2 bờ sông Bến Hải, nhưng chia cắt đất nước thành Nam, Bắc. Lòng tôi buồn buồn khi tới vạch sơn màu trắng rộng cỡ 2 cm, kẻ ngang cầu, để phân chia giới tuyến. Tôi đứng lại, nhìn vạch sơn trắng đã phai bớt, lòi lên những sớ gỗ khô xám.
Vạch sơn trắng 2 cm này, đã chia đôi Việt Nam suốt 21 năm dài.
Ngậm ngùi.
Nắng hừng hực dưới giòng sông Bến Hải cạn hai bờ.
Tôi đưa cao chân, bước qua bên kia vạch trắng, nơi bắt đầu miền Bắc của đất nước tôi…
Tôi đi chậm về đầu cầu bên phía Bắc, thấm thía cái buồn của một đất nước bị chia đôi.
Món Eisbein, đùi heo chua nướng của Bá Linh. Nguồn. meatwave.com
o O o
– …11, 12, 13.
Tính từ cột đá bên này, phía Tây Bá Linh, tới cột đá phía Ðông Bá Linh của cổng Brandenburg tôi đi 13 bước.
Trước mặt tôi bây giờ là Ðông Bá Linh, vùng đất bị cắt đôi, từng do cộng sản ngự trị.
Cũng như vệt sơn trắng 2 cm tại cầu Hiền Lương, 13 bước chân bề dày của cổng Brandenburg đã cách chia nước Ðức đến 28 năm…
Tác giả và vợ làm một vòng Mô Tô. Photo. hdv / trẻ
o O o
Ngày 9-11-1989, khi chiến tranh lạnh bắt đầu tan rã khắp Ðông Âu, Ðảng Cộng sản Ðông Ðức thông báo sự thay đổi trong quan hệ với Tây Ðức. Bắt đầu từ nửa đêm ấy, công dân Ðông Ðức được đi qua biên giới tự do. Ngay tức thì, dân chúng 2 bên leo lên bức tường đã chia cắt bao năm uống bia, rượu Champagne và hát lớn “Tor auf” (Mở tường ra). Nửa đêm, dân tràn ngập qua những trạm kiểm soát.
Hơn 2 triệu người từ bên Ðông Bá Linh đã thăm Tây Bá Linh vào cuối tuần đó để tham gia lễ hội đường phố, một nhà báo viết: “Lễ hội đường phố lớn nhất thế giới”. Dân chúng dùng búa và dùi đập nát bức tường. Họ được biết với tên “Chim gõ kiến đục tường” trong khi những máy xúc, cần trục, kéo sập từ khu này tới khu kia. Chẳng bao lâu, bức tường biến mất và dân chúng Bá Linh đã đoàn tụ lần đầu tiên kể từ năm 1961. Ngày hợp nhất chính thức giữa Ðông và Tây Ðức là 3-10-1990, gần 1 năm sau, khi bức tường sụp đổ…
Tiệm Heo chua nướng bình dân ở Bá Linh. Photo. hdv / trẻ
o O o
Cô Bình tới.
– Mặt mày đỏ ké, lên máu hả? Uống thuốc chưa?
– Rồi, nóng quá!
Ra xe, 5 giờ chiều.
H. chồng của Hương, nói:
– Em mời đi ăn món Eisbein, Heo nướng đặc biệt của Ðức nhen!
Chạy chừng 10 phút, tới một khu nhiều cây xanh, vườn hoa.
– Ðây là khu nhà hàng bình dân, mở trong sân vườn, rất nổi tiếng về món đùi heo nướng của Berlin!
Xe đậu, cả nhóm bước vô một vườn rộng, bàn ghế gỗ đã cũ, đèn treo trên những cành cây chung quanh, đông khách.
Mỗi người 1 lít bia nâu, một phần giò heo nướng, kèm theo cải chua bằm, khoai tây tán, mù tạt.
Bữa tối lạ miệng, thật ngon, bia Ðức ngất ngây.
Trên đường về, M. chạy ngang một khoảng tường dài, dọc bờ sông.
Tường bây giờ là nơi những tác phẩm bích họa đẹp, nhiều màu sắc, có đoạn treo ảnh Tổng thống Kennedy, Reagan.
Ðùi Heo chua, bia nâu Ðức làm tôi buồn ngủ, lim dim.
“…Lòng tôi nao nao buồn khi tới vạch sơn màu trắng rộng cỡ 2 cm, kẻ ngang cầu, để phân chia giới tuyến …”
HĐV