Ngày 10-8, Sở Du lịch TP.HCM thống kê hiện có chưa đến 10 hướng dẫn viên du lịch trong gần 6000 hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Tình hình bên các ngành dịch vụ du lịch cũng tương tự, do có độ vênh trong chính sách và thực tiễn.
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, hiện 90% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động sau khi có khoảng 70% gượng được sau đợt dịch lần 1. Hầu hết doanh nghiệp đã cho nhân viên tạm nghỉ việc không hưởng lương 80 – 90%.
Doanh nghiệp khối khách sạn 3-5 sao cũng đã cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương đến 90%. Đối với khách sạn 1-2 sao, tỉ lệ cho nhân viên tạm nghỉ không lương dao động 82 – 86%, chấm dứt hợp đồng 6 – 8%…
“Phần lớn lao động du lịch đang không có việc làm và đang rất khó khăn. Các cơ sở lưu trú đã cho nghỉ đến gần 90% lao động, công ty du lịch tình hình cũng tương tự. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cho lao động trong lĩnh vực này vẫn đang tồn tại những cách hiểu khác nhau khiến số lao động thực hưởng rất ít”, bà Hoa cho biết.
Đề xuất với Tổng cục Du lịch, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel – cho biết các chính sách hỗ trợ cần làm sao giúp ngành du lịch tiếp cận dễ dàng hơn với các gói tài trợ.
“Ví dụ, gói bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể đưa ngay về đầu mối các doanh nghiệp chủ động, tránh việc đưa về các địa phương khó quản lý do có sự chuyển dịch lao động trên toàn quốc. Ngoài ra, cần cân nhắc giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm”, bà Hoàng nói.
Tại TP.HCM, tính đến quý 1-2020, tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ trên địa bàn thành phố là 5.864 hướng dẫn viên du lịch, bao gồm 3.544 hướng dẫn viên có thẻ quốc tế và 2.320 hướng dẫn viên có thẻ nội địa. Chưa tính các hướng dẫn viên tự do.

Ảnh: tuoitre.vn
Nguồn tin: tuoitre.vn