Ðối phó với xu hướng ly khai của giới văn nghệ sĩ, ngày 15/3/2018 Ban Tuyên giáo Trung ương của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ra một văn bản chỉ đạo Bộ giáo dục:
“1. Rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn đoàn độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới.”
Nhiều người cho rằng chỉ đạo này nhằm vào Nhà văn Nguyên Ngọc, ông không chỉ là yếu nhân của Văn Ðoàn Ðộc Lập mà còn là người có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa phổ thông hiện hành tại Việt Nam.
Giới nhà văn đã có nhiều người bất bình trước chỉ đạo này vì cho rằng những tác phẩm của Nguyên Ngọc rất giá trị cho việc giáo dục giới trẻ. Nhà văn Phạm Ðình Trọng, một trong những tiếng nói bất đồng mạnh mẽ nhất hiện nay, đã cho rằng:
“Những tác phẩm của Nguyên Ngọc là những tác phẩm rất xứng đáng. Các tùy bút của Nguyên Ngọc thì sang sảng và đầy cảm hứng nghệ sĩ, đầy chất văn hóa. Rất xứng đáng để thế hệ trẻ học về nhân cách con người, học về lòng yêu nước, học về cảm hứng với cuộc sống hay những vấn đề của cuộc sống đặt ra.”
Nhưng nếu thực sự đọc, hoặc đọc lại những tác phẩm của Nguyên Ngọc, chúng ta có thể sẽ phải nghĩ khác. Rừng Xà Nu, tác phẩm của Nguyên Ngọc được tuyển vào chương trình ngữ văn lớp 12, có cốt truyện đơn giản xoay quanh vài nhân vật Tây nguyên sống vào giữa thập niên 1960, nhưng tất cả, từ nam phụ lão ấu, đều đồng lòng nghe “Ðảng”, đi theo “Ðảng”, và nguyện hy sinh cho “Ðảng”; tất cả cũng đều trở thành những chiến binh giết đối thủ không gớm tay mà lý do chính, theo chuyện kể, vì sự tàn ác, dã man của “Mỹ-Diệm”. Trong truyện, Nguyên Ngọc viết:
“– Người già chưa quên, người chết quên rồi thì để cái nhớ lại cho người sống. Hồi đó thằng Mỹ – Diệm ở khắp núi rừng này. Nó đi trong rừng như con beo. Lính của nó cầm lưỡi lê dính máu, cũng đỏ như mầu mũ đỏ của nó… Thằng Tnú còn nhỏ, mới đứng tới ngang bụng tau đây. Nó lanh như con sóc…”
“Từ ngày thằng Mỹ – Diệm tới núi rừng này, không bữa nào nó không đi lùng, không đêm nào chó của nó và súng của nó không sủa vang cả rừng. Nhưng dân làng Xô-man vẫn tự hào. Năm năm chưa hề có một cán bộ bị giặc giết hay bắt trong rừng làng này. Lúc đầu thanh niên đi nuôi và gác cho cán bộ, thằng Mỹ – Diệm biết được, nó bắt thanh niên. Nó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng.
– Ai nuôi cộng sản thì coi đó!
Rồi nó cấm thanh niên đi rừng. Bà già ông già thay thanh niên đi nuôi cán bộ. Nó lại biết được. Nó giết bà già Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng.
Sau cùng đến lũ trẻ thay ông già, bà già. Trong đám đó, hăng nhất có Tnú và Mai. Hễ Tnú đi rẫy thì Mai đi với cán bộ. Hễ Mai ở nhà giữ con Dít cho mẹ thì Tnú đi. Cũng có bữa cả hai đứa cùng đi. Chúng ở lại luôn ngoài rừng ban đêm. Ðể cán bộ ngủ một mình ngoài rừng ban đêm, bụng dạ không yên được. Lỡ giặc lùng, ai dẫn cán bộ chạy? Anh Quyết hỏi:
– Các em không sợ giặc bắt à? Nó giết như anh Xút, như bà Nhan đó.
– Cụ Mết nói: Cán bộ là Ðảng. Ðảng còn, núi nước này còn.”
Nhân vật Tnú sau này trở thành một lính chiến của đảng cộng sản có cách xử sự với đối phương thế này:
“Tnú đứng dậy. Anh bước tới trước bếp lửa, đứng lặng hồi lâu. Biết kể gì đây. Lòng anh tràn ngập thương yêu. Anh nói:
– Cụ Mết! Ðồng bào! Tôi…ừ, tôi đã gặp thằng Dục rồi…
– Thằng Dục à? Nó ở đâu?
– Nó ở đồn.
– Mày giết nó chưa?
– Giết rồi.
– Ừ, mày cho nó ăn cái đạn này chớ?
– Không.
– Sao thế?
Tnú cởi khẩu súng ở vai ra, để xuống một bên.
– Thế này. Bữa đó đánh đồn. Lính nó mình giết hết.
– Sạch à?
– Sạch. Chỉ còn thằng chỉ huy dưới hầm. Kêu nó không lên. Bỏ lựu đạn, nó có ngách. Người chỉ huy mình hỏi: Ai xuống. Tối lắm. Tôi mò thấy nó. Nó bắn. Tôi giật được súng nó. Nó vật tôi. Nhưng tôi mạnh hơn. Tôi tống đầu gối lên ngực nó. Tôi bóp đèn pin lên mặt nó: – Dục mày có nhớ tau không? Nó lắc đầu. Ðược, đây này, hai bàn tay tau đây này, nhớ chứ? Tau vẫn cầm được súng đây, tau có cả dao găm đây. Nhưng tau không giết mày bằng súng, tau không đâm mày bằng dao nghe chưa? Dục! Tau giết mày bằng mười đầu ngón tay cụt này thôi, tau bóp cổ mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tau bóp cổ mày thôi!
Dít hỏi bình thản:
– Chết chớ?
– Chết rồi.
– Nhưng có đúng thằng Dục không?
– Ðúng chớ… Chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục.
Dục, nhân vật có tính đại diện cho Mỹ-Diệm, là kẻ đã giết cả vợ con Tnú qua ngòi bút của Nguyên Ngọc:
“Mai địu con trên lưng, thằng bé chưa đầy một tháng. Ai cũng bảo nó giống Tnú lạ lùng. Không đi Công-tum mua vải được, Tnú phải xé đôi tấm dồ của mình ra làm tấm choàng cho Mai địu con. Thằng bé nằm ở trong tấm choàng ấy ngủ say trên lưng mẹ.
Thằng Dục hỏi:
– Chồng mày ở đâu, con mọi cộng sản kia?
Mai xốc lại đứa con trên lưng, ngửng đôi mắt rất lớn nhìn thằng Dục.
– Mày câm à? Con chó cái! – Nó quát bọn lính – Ðứng ỳ ra đó à?
Một thằng lính to béo nhất liếc mắt nhìn thằng Dục, cầm một cây sắt dài bước tới cạnh Mai. Nó lè lưỡi liếm quanh môi một lượt, rồi chậm rãi giơ cây sắt lên. Mai thét lên một tiếng. Chị vội tháo tấm địu, vừa kịp lật đứa con ra phía bụng lúc cây sắt giáng xuống trên lưng.
– Thằng Tnú ở đâu, hả?
Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật đứa bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập, không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hự”.
Nhân vật Tnú đã rơi vào một tình thế hết sức bi đát : vợ, con đều chết thảm dưới tay “Mỹ-Diệm” và bản thân bị “Mỹ-Diệm” tra tấn gần chết. Song, trong tình trạng bi thảm như thế, Tnú chỉ nghĩ tới điều này:
“Ðứa con chết rồi, Mai chắc cũng chết rồi. Tnú cũng sắp chết. Ai sẽ làm cán bộ? Ðến khi có lệnh Ðảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô-man đánh giặc.”
Theo lời kể của Nguyên Ngọc, Rừng Xà Nu “hoàn toàn là một câu chuyện bịa”.
Các tác phẩm khác của Nguyên Ngọc, như Ðất nước đứng lên hay Ðường chúng ta đi, cũng cho thấy ngòi bút của Nguyên Ngọc luôn toát lên sự trăn trở, tinh tế, tài hoa trong việc tôn thờ, ca ngợi “Ðảng” và chụp cho mọi đối thủ của “Ðảng”, như “Pháp”, “Mỹ-Diệm” hay “tư bản đần độn”, những bộ mặt thú tính man rợ nhất có thể.
Những sáng tác như vậy nếu lại được Ban Tuyên giáo của đảng cộng sản “rút” khỏi chương trình giảng dạy cho các thế hệ tương lai của dân tộc, chúng ta nên buồn hay nên vui?
PHS (30/01/2020)