Hồi còn nhỏ, tôi thường xem lịch bloc do Tam Tông Miếu in ấn. Chẳng qua là má tôi giao trách nhiệm mỗi ngày xé một tờ lịch và thỉnh thoảng bà nhờ đọc xem coi ngày tốt xấu ra sao. Đọc cho má tôi nghe chớ tôi không biết bà có tin hay không, riêng tôi thì chẳng quan tâm điều huyền cơ có thể xảy ra trong ngày. Má tôi nói, có kiêng có lành, biết điều hung mà tránh. Nói là không tin nhưng tôi vẫn khoái đọc vì… tò mò.

Tam Tông Miếu năm 1965 (Nguồn: Manhhaiflickr) 

Không hiểu sao một tờ lịch có thể bàn chung cho các tuổi khác nhau theo 12 con giáp. Ngày thì có thể xác định là ngày gì, điềm hung kiết xảy ra với một người tuổi mạng nào đó mà thôi. Chẳng hạn: Mùng 1 xuất hành hướng Ðông. Ngày Ất Sửu, Tuổi Giáp Tý thuộc Hải Trung Kim. Can Ất Mộc khắc chi Sửu Thổ. Tuổi Giáp Tý thuộc Hải Trung Kim. Can Giáp Mộc được chi Tý Thủy sinh. Nên: Cẩn thận đề phòng bất trắc, nhẫn nại đợi thời cơ, nhờ quý nhân giúp đỡ, giải quyết công việc được thuận lợi. Cử: Cầu hôn, cưới gả, mưu sự hôn nhân, đi xa, di chuyển, thưa kiện, tranh cãi, khai trương, xuất hành, ký kết hợp tác, khởi công, mong cầu về tài lộc.

Chuyện lý số in trên lịch Tam Tông Miếu không phải là vấn đề chính tôi muốn nói ở đây. Nó chỉ là một phần kinh doanh của Tam Tông Miếu ở Sài Gòn. Chùa in kinh dịch, lịch bloc bán khắp nơi kiếm tiền trang trải cho những chi phí sinh hoạt đạo giáo mà không phải nhận cúng dường của chúng sinh.

Tam Tông Miếu định danh chữ hiệu là miếu. Mặc dù vậy, tôi cũng không biết có nên gọi Tam Tông Miếu là chùa hay là miếu. Chùa đương nhiên thờ Phật, miếu cũng thờ Phật và các chư vị thần thánh khác. Tôi xin trích một đoạn bài “Chùa chiền, đền miếu” của Bình Nguyên Lộc nhắc đến chuyện này: “Không hiểu vì lý do nào mà dân Sài Gòn lại gọi là “chùa” tất cả những đền thờ bất kỳ ông gì: thờ Ngọc Hoàng cũng chùa, thờ thần Vichnou cũng chùa”. Riêng Tam Tông Miếu, ông ghi nhận rằng: “Chùa Tam Tông Miếu chăng? Chùa Tam Tông Miếu đã được sửa chữa lại, phong độ cũng khá hùng vĩ đó. Nhưng lối kiến trúc kỳ quặc của ngôi chùa này khiến con người bỡ ngỡ biết bao. Phía trước mặt tiền chùa có dáng Tàu cổ, nhưng phía sau, cái nóc tròn lại nhắc nhở đến lối kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ hay La Mã”.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Những bước chân lang thang của nhà văn Bình Nguyên Lộc trên đất Sài Gòn đó đây nhìn ngắm chùa chiền miếu mạo, có lẽ là khoảng thời gian Tam Tông Miếu xây dựng mới lại vào năm 1957. Trước đó, năm 1941 Tam Tông Miếu cũng đã được trùng tu từ ngôi miếu to trên con đường Cao Thắng, gần đó – bên kia đường có ngôi mộ cổ xây tô bằng ô dước mà ông cũng có nhắc. Ngôi mộ cổ này so với thời gian xây cất Tam Tông Miếu cách xa cả trăm năm, thuở Gia Ðịnh còn là nê địa. Trăm năm sau đó (1926), Gia Ðịnh đã là Sài Gòn nhưng đường Cao Thắng bấy giờ vẫn chỉ là một con đường đất chung quanh đầy những bụi cây thấp lè tè, nổi bật lên ngôi cổ mộ. Xin nói thêm: Ngôi mộ này được cho là của Phó Tổng trấn Gia Ðịnh thành một thời là Huỳnh Công Lý, cha một ái phi của vua Minh Mạng bấy giờ. Tương truyền Huỳnh Công Lý lạm quyền nhũng nhiễu dân nên bị Lê Văn Duyệt chém đầu gởi về kinh thành Huế theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, khiến bà ái phi không kịp trở tay.

Tam Tông Miếu khi mới được xây dựng năm 1927 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ðúng là tôi không để ý kiến trúc ngôi Tam Tông Miếu này nhiều lắm mặc dầu biết bao lần qua lại trên con đường Cao Thắng. Cho tới một lần có dịp vào chùa ghi nhận tài liệu cho một bài viết cách nay gần ba mươi năm. Chùa đẹp, xây cất hiện đại (vào thuở đó), nhưng thiếu vắng sự thanh tịnh của chốn cửa thiền, không có sân rộng, cây cao bóng mát. Trong chùa ngoài những điện thờ, chúng sinh lui tới không đông như những chùa chiền khác, nên cảnh chùa hay miếu Tam Tông hiu quạnh.

Theo lịch sử hình thành Tam Tông Miếu thì đầu những năm 1920, một số công chức, viên chức ở Sài Gòn đã tập hợp nhau cùng nghiên cứu, tìm hiểu về giáo lý của tam giáo đồng nguyên: Thích (Thích Ca Mâu Ni tức Phật giáo) – Lão – Nho. Ông Âu Kiệt Lâm, pháp danh Minh Chánh cùng một số thân hữu giác ngộ chơn lý và được sự chỉ dạy của ơn trên thông qua “huyền cơ” để sáng lập tôn giáo lấy tên là Minh Lý đạo. Minh Lý có nghĩa là: “Minh khai tường Ðại đạo, Lý hiểu đạt thâm uyên / Minh chánh giáo, đạo truyền thiện hạnh, Lý trực đàm, đức hoá cường ngôn”. Minh có nghĩa là thông hiểu nhận biết rõ ràng. Lý là lẽ phải tuyệt đối. Minh Lý là thông hiểu đến sự tuyệt đối đạt tới lẽ phải mà thành đạo.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Minh Lý Ðạo nói tắt là Minh Lý, là một Chi trong Ngũ chi Minh đạo, có liên quan tới cả Minh Sư Ðạo và Ðạo Cao Ðài. Ðạo ra đời lấy Tam giáo làm tôn chỉ, dung hòa các tín ngưỡng, thực hiện cơ tận độ trong buổi hạ ngươn, tiếp tục và hoàn thành sứ mạng cho Chánh pháp để hướng dẫn nhơn sanh tự tu, tự độ tránh khỏi sanh tử khổ đau, thực hiện lòng từ bi, bác ái, bình đẳng xây dựng xã hội hoà bình, an lạc. Ban đầu Ðạo Minh Lý mượn chùa Linh Sơn ở đường Cô Giang làm nơi tụng kinh, sám hối. Ðồng thời, để có nơi thờ các đấng thiêng liêng, các vị chức sắc trong đạo tiến hành xây dựng chùa.

Tháng Giêng năm 1926, Ðức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho chữ hiệu của chùa là “Tam Tông Miếu”. Chùa được xây dựng trên phần đất do Ông Trần Kim Ký hiến tặng và được bà Ba Ngỡi, bà Huỳnh Thị Ngôn cùng một số vị khác ủng hộ về tài chính. Ngày 9 tháng 9 năm 1926, làm lễ khởi công, đến ngày 2 tháng 2 năm 1927, Tam Tông Miếu hoàn thành. Khi đó Tam Tông Miếu khác xa Tam Tông Miếu xây dựng lại hồi năm 1957, miếu to như chùa, gồm chín cửa, chính giữa là Bửu điện theo kiến trúc Tàu.

Theo biên khảo của Nguyễn Hồng Dương, Minh Lý đạo không thờ thánh tượng mà thờ bài vị. Bửu điện của Minh Lý đạo là Thiên bàn có 5 cấp: Cấp thứ nhất thờ bài vị Diêu Trì Kim Mẫu; cấp thứ hai thờ bài vị Ngọc hoàng Thượng đế, Hồng quân Lão tổ; cấp thứ ba thờ Tam Giáo tổ sư: Thích Ca Phật tổ, Thái Thượng Lão quân, Văn Tuyên Khổng thánh; cấp thứ tư thờ Tứ đại Bồ tát: Ðịa tạng Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quan Âm Bồ tát; cấp thứ năm thờ 7 bài vị của Ngũ đẩu Tinh quân và chư Phật, chư Tiên.

Tam Tông Miếu thờ bài vị mà không thờ tượng thánh (Ảnh: Internet)

Minh Lý đạo xây dựng tổ chức, cao nhất có Hội đồng Hội thánh của đạo; Viện Bảo đạo lo phần tu tịnh, giữ gìn đạo pháp do vị Tổng lý đứng đầu; Viện Hành đạo lo về công việc hành chính của đạo do vị Hiệp lý đứng đầu.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Về cấp tu trong Minh Lý đạo gồm 8 bậc là: Hướng tịnh sư (tín đồ mới nhập môn); Chí tịnh sư, Tâm tịnh sư, Thanh tịnh sư (hàng Môn sanh); Khiết tịnh sư, Vĩnh tịnh sư, Siêu tịnh sư (hàng Giáo sư); Giác tịnh sư (ngôi Giáo tổ). Tín đồ của Minh Lý đạo bắt buộc phải ăn chay 6 ngày trong tháng. Hàng Môn sanh ăn chay ít nhất là 10 ngày trong tháng. Hàng Giáo sư phải ly gia cắt ái. Người tu đạo Minh Lý phải tuân thủ Giới luật để tập sửa tính tình, đồng thời có hình phạt để trị người phạm tội. Tuỳ từng phẩm vị mà đạo quy định việc chấp hành Giới luật, bao gồm Mười điều trọng giới (Sát giới, Ðạo giới, Dâm giới, Vọng ngữ giới, Cô tửu giới, Thuyết tứ chúng quá giới, Tự tán huỷ tha giới, Sân tâm bất thọ hối giới, Báng tam bửu giới) và Bốn mươi tám điều khinh giới.

Ðạo phục của Minh Lý đạo có màu đen và trắng, nam mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen; nữ mặc áo dài đen, quần đen.

Trong đàn lễ của Minh Lý đạo dùng bàn ba cấp. Tấm nắp bàn (trong đỏ, ngoài vàng) là tâm ý; Lư trầm là tánh mạng; Ba cây hương lớn là Tam tài; Ba bình hoa là Tinh – Khí – Thần, Tam hoa tụ đảnh; Ba cây đèn lớn là Tam giáo (Trời, Ðất, Người); năm đĩa trái cây là ngũ hành (đỏ, đen, xanh, trắng, vàng); sáu ngọn đèn nhỏ là lục trần và lục căn; rượu trà là lục nguyệt; mâm tròn đựng chung rượu là đạo. Khi đọc kinh phải khoanh tay, tay trái để trong, tay mặt để phía ngoài, khi quỳ đọc kinh phải chắp tay để trước ngực, đọc xong mỗi bài kinh thì quỳ lạy, thực hiện Tam quy cửu bái, nghĩa là mỗi lần quỳ, lạy ba lạy.

Người Sài Gòn ngày trước hay ngày nay khi nghe nhắc đến Tam Tông Miếu thường không có ấn tượng nhiều bằng những ngôi chùa cổ khác. Nhưng người thích kinh dịch lý số chắc chắn cuối năm chạy đôn chạy đáo tìm mua cho bằng được lịch bloc Tam Tông Miếu để xem điều hung kiết mỗi ngày.

TN